Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Lịch sử lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016. Đề thi gồm có 4 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 150 phút. Phần lịch sử thế giới nằm ở câu 1 chiếm 30% tổng số điểm, còn lại 3 câu là phần lịch sử Việt Nam chiếm 70% số điểm. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
ĐỀ THI MÔN: LỊCH SỬ
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (3,0 điểm) Phong trào giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai có góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới hay không? Vì sao? Làm rõ ý nghĩa thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc thế giới trong các năm 1949, 1959, 1960.

Câu 2 (3,0 điểm) Trình bày những nét chính về phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản dân tộc và các tầng lớp tiểu tư sản trí thức ở Việt Nam trong những năm 1919 - 1925. Hãy nhận xét về mục tiêu và hình thức đấu tranh của những phong trào đó.

Câu 3 (2,0 điểm) Tại sao Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 vào năm 1941? Vấn đề nhiệm vụ và lực lượng cách mạng được hội nghị giải quyết như thế nào?

Câu 4 (2,0 điểm) Nêu nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng (1946 - 1954). Tư tưởng toàn dân, toàn diện, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đã được Đảng ta kế thừa, phát huy như thế nào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH MÔN LỊCH SỬ LỚP 9

I. LƯU Ý CHUNG: Dưới đây là những kiến thức cơ bản, học sinh phải trình bày đầy đủ, chính xác mới đạt điểm tối đa, nếu học sinh trình bày sáng tạo, thuyết phục có thể cộng điểm khuyến khích nhưng không được vượt quá tổng số điểm của câu.

II. ĐÁP ÁN:

Câu 1

1. Phong trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên mạnh mẽ ở các nước Á, Phi và Mĩ La-tinh, làm cho bản đồ chính trị thế giới có những thay đổi to lớn và sâu sắc.

2. Giải thích:

  • Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc đã xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phân biệt chủng tộc kéo dài nhiều thế kỉ sụp đổ hoàn toàn.
  • Đưa tới sự ra đời của hơn 100 quốc gia độc lập. Các quốc gia độc lập ngày càng tích cực tham gia và có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới với ý chí chống chủ nghĩa thực dân, vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
  • Góp phần vào quá trình làm "xói mòn" và tan rã trật tự thế giới hai cực Ianta được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai...

3. Ý nghĩa thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc thế giới trong các năm 1949, 1959, 1960:

  • Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn: Kết thúc ách nô dịch hơn 100 năm của đế quốc và hàng nghìn năm chế độ phong kiến, đưa đất nước Trung Hoa bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do và hệ thống xã hội chủ nghĩa được nối liền từ châu Âu sang châu Á.
  • Ngày 1/1/1959, chế độ độc tài Ba-ti-xta ở Cu Ba bị lật đổ. Cuộc cách mạng nhân dân ở Cu Ba đã giành được thắng lợi... Sự kiện này có tác động to lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ La-tinh...
  • Năm 1960 được gọi là "Năm châu Phi" với sự kiện 17 nước ở lục địa này tuyên bố độc lập. Từ sau đó, hệ thống thuộc địa của các nước đế quốc lần lượt tan rã, các dân tộc châu Phi giành lại được độc lập và chủ quyền...

Câu 2

1. Những nét chính về phong trào đấu tranh của tư sản dân tộc và tiểu tư sản:

  • Giai cấp tư sản dân tộc:
    • Nhân đà làm ăn thuận lợi sau chiến tranh, họ muốn vươn lên giành vị trí khá hơn trong nền kinh tế Việt Nam. Họ đã phát động các phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919), đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn và độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì của tư bản Pháp (1923)...
    • Họ dùng báo chí để bênh vực quyền lợi cho mình, thành lập Đảng Lập hiến để tập hợp lực lượng, đưa ra khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ...
  • Các tầng lớp tiểu tư sản trí thức:
    • Tiểu tư sản trí thức (gồm sinh viên, học sinh, giáo viên, nhà văn...) được tập hợp trong những tổ chức chính trị như Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên...
    • Họ xuất bản những tờ báo tiến bộ như Chuông rè, An Nam trẻ, Người nhà quê...; lập ra những nhà xuất bản tiến bộ..., nổi bật là cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu (1925) và tham gia đám tang Phan Châu Trinh (1926).

2. Nhận xét:

  • Về mục tiêu: Tư sản dân tộc đấu tranh đòi mục tiêu kinh tế là chủ yếu. Bên cạnh đó, họ cũng đấu tranh vì mục tiêu chính trị như đòi quyên dân sinh, dân chủ... Nhưng họ cũng sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp khi được chúng nhượng cho một số quyền lợi. Tiểu tư sản trí thức đấu tranh chủ yếu đòi các quyền dân sinh, dân chủ, nói lên tiếng nói của dân tộc...
  • Về hình thức đấu tranh: Tư sản dân tộc và tiểu tư sản trí thức đều có hình thức đấu tranh phong phú: Thành lập các tổ chức chính trị, xuất bản báo chí, mít tinh, biểu tình, hội họp,...

Câu 3

1. Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 vào năm 1941 vì:

  • Hoàn cảnh thế giới: Đến năm 1941, chiến tranh thế giới thứ hai đã bước sang năm thứ ba, ưu thế vẫn thuộc phe phát xít. Phát xít Đức chuNn bị tấn công Liên Xô...
  • Ở trong nước: Ách cai trị của Pháp - Nhật làm cho mâu thuẫn dân tộc lên cao. Yêu cầu giải phóng dân tộc trở nên cấp bách...
  • Trong bối cảnh đó, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, Người đã triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pác Bó (Cao Bằng).

2. Hội nghị giải quyết vấn đề nhiệm vụ và lực lượng cách mạng:

  • Về nhiệm vụ: Hội nghị chủ trương trước hết phải giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách Pháp - Nhật...
  • Về lực lượng cách mạng: Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng, lấy tên là Hội Cứu quốc nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước...
  • Công tác xây dựng lực lượng cách mạng tiến tới khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến được đặc biệt coi trọng (bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang).

Câu 4

1. Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng:

  • Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng được thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Ban thường vụ trung ương Đảng, sau đó được nêu đầy đủ, giải thích cụ thể trong tác phNm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh tháng 9/1947.
  • Đường lối kháng chiến đã thể hiện rõ tính chất, mục đích, nội dung, phương châm chiến lược của cuộc chiến tranh nhân dân là toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

2. Tư tưởng toàn dân, toàn diện, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế được Đảng ta kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được các ý cơ bản sau đây:

  • Trong công cuộc xây dựng đất nước: Đảng ta phát huy sức mạnh toàn dân tham gia công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng, chính trị...,với mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh...
  • Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đoàn kết toàn dân, thực hiện đường lối đấu tranh mềm dẻo, kiên quyết giữ vững chủ quyền quốc gia, trên cơ sở luật pháp quốc tế, kêu gọi sự ủng hộ của các nước trên thế giới....
Đánh giá bài viết
2 3.819
Sắp xếp theo

Lịch sử lớp 9

Xem thêm