Ôn thi đại học môn Địa lý

LUYỆN THI ĐẠI HỌC MÔN ĐỊA LÝ

Cập nhật Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2019 tại đây!

Nhằm trang bị tốt kiến thức cho kì thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới, VnDoc.com mời các bạn tham khảo tài liệu Ôn thi Đại học môn Địa lý. Với nhiều kiến thức bổ ích và tổng hợp, đây sẽ là tài liệu luyện tập hữu ích, giúp các bạn luyện thi THPT Quốc gia, ôn thi Đại học, Cao đẳng hiệu quả.

PHẦN 1: NHỮNG NGUỒN LỰC CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở NƯỚC TA

A - CÁC NGUỒN LỰC TỰ NHIÊN

Nguồn lực 1: VTĐL và phạm vi lãnh thổ nước ta.

Câu 1: Nêu đặc điểm VTĐL và phạm vi lãnh thổ nước ta. Những thuận lợi và khó khăn của VTĐL với phát triển kinh tế xã hội?

Trả lời:

* Đặc điểm phạm vi lãnh thổ: Lãnh thổ nước ta gồm 2 phần: phần đất liền và phần biển.

  • Phần đất liền rộng 331212 km2 (niên giám thống kê năm 2006) và nằm trong hệ toạ độ địa lý như sau:
    • Cực Bắc: là xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang: 23o23' vĩ độ Bắc và 102o20' kinh độ Đông.
    • Cực Nam: là xóm Rạch Tàu, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Toạ độ 8o34/ vĩ độ Bắc và 104o50/ kinh độ Đông.
    • Cực Đông là xã Vạn Thạnh,huyện, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Toạ độ 12o24' vĩ độ Bắc và 109o24' kinh độ Đông.
    • Cực Tây là xã Sín Thầu-huyện Mường Nhé -Tỉnh Điện Biên toạ độ 22o24' vĩ độ Bắc và 102o09' kinh độ Đông.

Như vậy lãnh thổ phần đất liền nước ta nằm gọn trong hệ toạ độ từ 8o30' đến 23o22' vĩ độ Bắc và từ 102o10' đến 109o30' kinh độ Đông.

Phần đất liền của nước ta tiếp giáp với Trung Hoa ở phía Bắc với 1400 km, tiếp giáp với Lào – Campuchia ở phía Tăy với đường biên giới Lào là 2100 km và đường biên giới Campuchia là 1100 km (Tổng chiều dài đường biên giới đất liền: 4600km) Còn phía Đông tiếp giáp biển Đông có đường bở biển dài từ Móng Cái đến Hà Tiên là 3264 km.

  • Phần biển: có diện tích rộng trên 1 triệu km2. Trên đó có 3000 đảo nhỏ và nhiều đảo lớn như: Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc và 2 quần đảo lớn nhất là Hoàng Sa và Trường Sa. Phần biền nước ta cũng được chia thành những vùng biển có tên gọi như sau:
    • Vùng nội thuỷ: là vùng biển giới hạn bởi bờ biển và đường cơ sở (đường cơ sở là những đường thẳng trên biển nối liền với các đảo ven bờ và các mũi đất nhô ra ngoài biển xa nhất là đảo Cồn Cỏ, đảo Lí Sơn, mũi Đại Lãnh, Côn Đảo, đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc. Trong vùng nội thuỷ Nhà nước ta có mọi chủ quyền như ở phần đất liền.
    • Vùng lãnh hải: là vùng biển tính từ đường cơ sở rộng về phía biển tới 12 hải lý. Trong vùng lãnh hải Nhà nước ta cũng có mọi chủ quyền khai thác tài nguyên, đánh bắt thuỷ hải sản…
    • Vùng tiếp giáp lãnh hải là phần biển tính từ đường cơ sở rộng 24 hải lý. Trên vùng tiếp giáp lãnh hải ngoài chủ quyền thăm dò khai thác tài nguyên, đánh bắt thuỷ hải sản ta còn có thu thuế hải quan biển, giao thông biển…
    • Vùng đặc quyền kinh tế là phần biển tính từ đường cơ sở rộng tới 200 hải lý. Trong vùng đặc quyền kinh tế thì ngoài các chủ quyền như các vùng biển phía trong thì nước ta có thể cho phép nước ngoài đặt đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt hoặc dây cáp ngầm qua đáy biển nước ta.
    • Vùng thềm lục địa là phần kéo dài của đất liền dưới đáy biển ra tới hết danh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế. Trên thềm lục địa Nhà nước ta có quyền thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản (dầu khí ở vùng thềm lục địa phía Nam).
    • Vùng trời là khoảng không gian bao trùm lên phần đất liền, phần lãnh hải và không gian của các đảo và qua đảo ở ngoài khơi.

Đất liền, vùng biển, vùng trời là toàn vẹn lãnh thổ bất khả xâm phạm của CHXHCN Việt Nam.

* Những đặc điểm của vị trí địa lý nước ta là:

  • Nước ta nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới bắc bán cầu (từ 8o34' → 23o23' vĩ độ Bắc và cũng nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa Châu Á.
  • Nước ta lại nằm phía Đông của bán đảo Trung ấn (gồm 6 nước Việt Nam, Lào, Cpc, Thái Lan, Myanmar, Malayxia).
  • Nước ta lại nằm ở gần trung tâm của khu vực Đông Nam á (gồm 11 nước) và cũng nằm trên giao điểm của những đường hàng không, hàng hải quan trọng từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
  • Nước ta nằm trong khu vực mà hiện nay được coi là là khu vực đang diễn ra nhiều sôi động nhất về mặt kinh tế – xã hội đặc biệt là nằm rất gần các nước NIC – Châu á (Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc,vùng lãnh thổ Hồng Kông) và nằm gần 2 nước có nền kinh tế mạnh nhất Châu á (TQ, Nhật Bản).
  • Nước ta cũng nằm trong khu vực được coi là nhiều thiên tai nhất thế giới.

* Những thuận lợi và khó khăn của vị trí địa lý với phát triển kinh tế xã hội.

  • Thuận lợi:
    • Do nước ta nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới bắc bán cầu nên thiên nhiên nước ta là thiên nhiên nhiệt đới với nhiệt độ trung bình năm khá cao từ 22oC → 27oC, cán cân bức xạ quanh năm dương, với tổng nhiệt độ hoạt động giao động từ 8000 → 10000o. Điều kiện này rất thuận lợi để nước ta phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới đa dạng nhiều vụ quanh năm.
    • Nước ta lại nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa Châu á dẫn đến khí hậu phân mùa rất rõ trong năm với chế độ mưa mùa và lượng mưa lớn từ 1500 → 2000 mm/năm. Điều kiện này thuận lợi một nền nông nghiệp lúa nước nhiều vụ quanh năm.
    • Do nước ta nằm ở phần Đông của bán đảo Trung ấn cho nên có nguồn tài nguyên biển phong phú. Trước hết biển gây ra mưa nhiều ở phần đất liền, sưởi ấm những luồng khí lạnh từ phương Bắc xuống, dịu mát những luồng khí nóng từ xích đạo lên. Cho nên thiên nhiên nhiệt đới nước ta nóng, ẩm, mưa nhiều và rất khác với thiên nhiên nhiệt đới của nhiều nước nằm trên cùng vĩ độ (Bắc Phi và Tây Á).
    • Biển là kho tài nguyên về hải sản, về khoáng sản cho nên nhờ đó ta có thể phát triển mạnh các ngành công nghiệp kinh tế biển: khai thác dầu mỏ, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, giao thông biển và du lịch biển.
    • Nước ta lại nằm ở gần trung tâm của khu vực Đông Nam á nên lãnh thổ nước ta là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều luồng sinh vật, văn hoá từ phương Bắc xuống, phương Nam lên, Đông sang, Tây tới làm cho tài nguyên sinh vật của nước ta đa dạng về giống loài và chủng loại tạo nên nhiều nguồn nguyên liệu và sinh vật phong phú. Đồng thời cũng tạo nên nền văn hoá của dân tộc Việt Nam rất đa dạng và giàu bản sắc.
    • Nước ta lại nằm ở vùng bản lề của hai vành đai khoáng sản lớn nhất thế giới là TBDương và làm cho lãnh thổ nước ta chứa nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản kể cả kim loại và phi kim loại kể cả trên đất liền và dưới biển.
    • Nước ta lại nằm ở nơi giao đIểm của đường hàng không, hàng hải quốc tế từ TBDương sang Ấn Độ Dương và lại nằm rất gần đường biển quốc tế đó là eo biển Malacca. Vì vậy nước ta rất thuận lợi trong mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế bằng đường biển đồng thời nước ta cũng là nơi dừng chân của nhiều tàu thuyền quốc tế là cơ hội để đẩy mạnh phát triển du lịch quốc tế.
    • Nước ta lại nằm rất gần các nước NIC – Châu á cùng với Nhật Bản và TQ cho nên nước ta dễ dàng học tập trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu công nghệ của những nước này, đồng thời cũng được các nước này quan tâm đầu tư hợp tác phát triển.
  • Khó khăn:
    • Nước ta nằm trong khu vực được coi là nhiều thiên tai nhất thế giới: nhiều bão, lũ lụt, hạn hán. Cho nên nước ta luôn luôn phải đầu tư lớn để hạn chế và phòng ngừa những hậu quả của thiên tai.
    • Vị trí địa lý nước ta không những có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế, xã hội như nêu trên mà còn có tầm quan trọng lớn trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng của khu vực Đông Nam á và Châu á. Cho nên trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì nước ta luôn luôn bị nhiều thế lực đế quốc dòm ngó xâm lược.

NGUỒN LỰC 2: TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Câu 1: Nêu đặc điểm của tài nguyên đất. Những thuận lợi và khó khăn trong khai thác sử dụng đất ở nước ta để phát triển kinh tế, xã hội.

*Đặc điểm tài nguyên đất:

Tài nguyên đất của nước ta đa dạng về loại hình với 64 loại đất khác nhau và được gộp lại làm 13 nhóm đất chính. Trong đó có 2 nhóm đất quan trọng nhất là: nhóm đất feralit và phù sa.

- Nhóm đất feralit có những đặc điểm chính sau:

+ Nhóm đất feralit chiếm S lớn và phân bố chủ yếu ở các vùng miền núi trung du.

+ Đất feralit có nguồn gốc được hình thành từ quá trình phong hoá các loại đá mẹ (đá gốc).

+ Đất feralit của nước ta nhìn chung là khá màu mỡ có tầng phong hoá dầy, có hàm lượng các ion sắt, nhôm, titan, magiê khá cao.

+ Đất feralit gồm nhiều loại khác nhau nhưng điển hình là một số loạI sau đây

- Đất feralit đỏ vàng phân bố nhiều nhất ở trung du miền núi phía Bắc và thích hợp nhất với trồng chè búp, sơn, hồi, lạc, mía.

- Đất đỏ bazan phong hoá từ các đá bazan có màu nâu đỏ, phân bố nhiều nhất ở Tây Nguyên, ĐNB, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An. Đất này rất tốt thích hợp với trồng cà phê, cao su, tiêu, điều.

- Đất đỏ đá vôi phân bố trong các thung lũng đá vôi và hình thành phong hoá từ đá vôi có màu nâu đỏ. Đất này khá tốt và thích hợp nhất với trồng các cây công nghiệp, cây ăn quả mà điển hình là lạc, mía, cam, dừa.

- Đất feralit mùn trên núi phân bố ở các vùng núi cao phía Bắc, đất nhiều mùn thích hợp nhất trồng các cây dược liệu (tam thất,..) và các cây ăn quả (đào, mận…) cận nhiệt và ôn đới.

- Đất phù sa cổ (đất xám) phân bố nhiều nhất ở vùng ĐNB, đất này có thể sử dụng để trồng cao su, lạc, mía…nhưng phải đầu tư cải tạo.

- Ngoài các loại đất feralit nêu trên nước ta còn một số loại đất feralit khác có chất lượng xấu: đất trống đồi trọc, đất trơ sỏi đá, đất đá ong hoá…

(Còn tiếp)

Mời các bạn cùng tham khảo các tài liệu ôn thi THPT Quốc gia được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải:

Tài liệu luyện thi đại học môn Toán Tài liệu luyện thi đại học môn Hóa học Tài liệu luyện thi đại học môn Vật lý Tài liệu luyện thi đại học môn Sinh học
Tài liệu luyện thi đại học môn Ngữ văn Tài liệu luyện thi đại học môn Lịch sử Tài liệu luyện thi đại học môn Địa lý Tài liệu luyện thi đại học môn Tiếng Anh

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
64 52.703
Sắp xếp theo

Môn Địa lý khối C

Xem thêm