Khó khăn của giáo viên tiểu học ngày nay

Khó khăn của giáo viên tiểu học ngày nay sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về một phần những vất vả mà các thầy cô gặp phải trên con đường dạy học của bản thân.

Nghề giáo viên từ lâu đã được xem là một nghề rất cao quý, và trong mắt rất nhiều người thì nghề giáo là một công việc khá khỏe, hơn nữa lại còn kiếm được nhiều tiền.

Bên cạnh những thông tin tích cực thì vẫn có những thông tin tiêu cực về nghề gõ đầu trẻ. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là không có nghề nào khỏe cả. Nghề dạy học cũng vậy, các thầy cô cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và không hề sung sướng như mọi người vẫn nghĩ.

Bài viết này như là tiếng lòng của những thầy cô giáo. Hy vọng mọi người, các bậc phụ huynh và các em học có thể thấu hiểu và thông cảm hơn với những khó khăn vất vả mà người giáo viên đang phải đối diện.

1. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò

Nỗi khổ nghề giáo

Các cô các cậu học trò thì năng lượng có thừa, đang tuổi chơi tuổi phá nên bộ não ngoài việc dùng cho học hành thì phần còn lại chắc chắn là dành cho việc suy nghĩ ra những trò vô cùng quái gở. Rồi lại “ cô ơi, bạn đánh em”, “ thầy ơi, bạn lôi tên ba mẹ em ra để chọc em”.

Và thầy cô lại phải chạy theo để giải quyết “vấn đề” của các ẻm.

Đặc biệt nếu vai trò là giáo viên chủ nhiệm thì càng đau đầu hơn, mỗi độ tuổi là mỗi sắc thái riêng, làm sao mà vừa giải quyết được vấn đề vừa khiến các bạn nhỏ tâm phục khẩu phục thật sự rất là nan giải.

2. Bệnh nghề nghiệp

Chọn nghề giáo viên là xác định phải “ăn to nói lớn, nói dài nói dai”, không chỉ phải nói liên tục mà phải nói to, cho một lớp học 30 - 45 bạn học sinh nghe rõ. Một tiết học 45 phút thì phải nói hết 30 phút, một ngày 5 tiết thì khác gì phá banh cổ họng, chưa kể phải hít bụi phấn từ ngày này qua tháng khác. Cho nên ho, đau rát họng đã trở thành bệnh mãn tính và đặc trưng của nghề giáo rồi. Chưa kể phải đứng liên tục nhừ cả hai chân, khớp tay cũng rệu rã vì viết bảng.

3. Bận sấp mặt

Những nghề khác quy định 1 ngày làm 8 tiếng. Cơ mà nghề giáo ngoài 8 tiếng dạy học trên lớp, còn phải đi học bồi dưỡng, kiêm nhiệm các chức vụ và dự án của trường, rồi soạn bài, chấm điểm, sổ sách này nọ kia nữa là phải “ tăng ca” đến nửa đêm. Và thế là hết một ngày như vậy đó

Nỗi khổ nghề giáo

4. Lương: Câu chuyện tế nhị chưa có hồi kết

Câu chuyện lương cơ bản là một vấn đề nhức nhối nhưng cũng hết sức tế nhị. Tóm lại là chỉ đi dạy không thì thật ra khó mà trang trải cuộc sống nên các thầy các cô đặc biệt là các cô giáo - người mà kiêm luôn làm mẹ làm vợ thì các phải có thêm nghề tay trái tay phải hai ba tay để còn phòng thân, đám cưới đám hỏi đồng nghiệp, học sinh cũ.

5. Đỉnh cao của sự chuẩn mực

Là giáo viên thì mặc định là phải ăn mặc kín cổng cao tường, nhã nhặn và lịch sự bởi là tấm gương của học sinh. Cho nên chỉ cần ăn mặc hơi mát mẻ hay mô-đen là sẽ bị lên án ngay.

Khổ lắm cho các thầy các cô đang độ 20, ngoài thời gian đứng lớp thì thời gian còn lại “ thầy cô” cũng muốn sống đúng tuổi trẻ của mình, tụ tập bạn bè, ăn mặc thời trang trẻ trung như bao bạn trẻ khác, nhưng đã dấn thân vào nghề giáo thì phải chấp nhận khuôn thước thôi.

Sơ sơ là như thế, còn có những lúc đối mặt với phụ huynh về vấn đề của học sinh, đối mặt với hiệu trưởng vì vấn đề của cả lớp học và hàng ngàn nỗi khổ không tên khác.Nhưng thôi, lâu lâu để các thầy cô được trải lòng một xíu, tiếp thêm động lực để tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ” đầy khó nhọc nhưng cũng rất vinh quang.

6. Chương trình học tiểu học thay đổi quá nhanh

Nếu thường xuyên theo dõi báo chí, báo đài, bạn cũng có thể thấy được rằng chương trình tiểu học luôn được thay đổi. Thậm chí mấy năm gần đây, chương trình cải cách rất thường xuyên nhằm tạo ra kiến thức tốt nhất dành cho học sinh.

Tuy nhiên, việc thay đổi chóng mặt như vậy lại khiến các giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc viết giáo án và lên chương trình giảng dạy cho riêng mình. Bởi lẽ, thời gian nghiên cứu chương trình cũng như trình bày giáo án chiếm rất lớn. Nếu cứ thay đổi như vậy, nhiều giáo viên sẽ không thể chạy và đáp ứng kịp. Đây cũng là một trong những khó khăn của giáo viên tiểu học đang phải đối mặt.

7. Áp lực xã hội

Nghề giáo là nghề cao quý và được nhiều người coi trọng. Nhưng chính điều này đã đặt lên những người làm giáo viên biết bao nhiêu gánh nặng và áp lực. Đặt biệt là giáo viên tiểu học.

Tiểu học là quãng thời gian học sinh đang còn nhỏ và chưa ý thức được nhiều việc mà mình đã và đang làm. Do đó, là một giáo viên, tất cả đều phải cẩn thận và tỉ mỉ dìu dắt từng đứa trẻ một.

Không những vậy, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng một khi đã gửi gắm con cái và cho con đi học. Thì toàn bộ vấn đề về con mình đều do thầy cô chịu trách nhiệm. Điều này đã gây nên một áp lực vô cùng to lớn đối với ngành giáo viên nói chung và ngành tiểu học cực kỳ nhạy cảm nói riêng.

Đôi lúc vì trẻ chưa hiểu chuyện nên sẽ có những hành vi không đúng. Tuy nhiên, người mà gia đình và xã hội nhắc đến nhiều nhất vẫn và do giáo viên chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại trường học. Đã có rất nhiều sự việc bi thương xảy ra và không thể cứu vãn được.

---------------------------

Hy vọng các bậc phụ huynh và các em học sinh sẽ hiểu, thông cảm và yêu thương các thầy cô giáo nhiều hơn nhé.

Đánh giá bài viết
5 43.527
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Cristiano Phương
    Cristiano Phương Quá chuẩn luôn 
    Thích Phản hồi 24/12/20

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm