Bài tham luận về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Bài tham luận tại hội nghị cán bộ công chức

VnDoc mời các bạn cùng tham khảo nội dung Bài tham luận về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Lưu ý: Nếu không tìm thấy nút Tải về bài viết này, bạn vui lòng kéo xuống cuối bài viết để tải về.

Bài tham luận về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phát biểu trong hội nghị cán bộ công chức đưa ra một số phương pháp giảng dạy giúp trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo, làm cho trẻ vừa hứng thú trong các giờ hoạt động vừa nắm được nội dung của bài học. Trong bài viết này VnDoc xin được gửi tới các bạn 2 mẫu bài phát biểu tham luận lấy trẻ làm trung tâm hay mà chúng tôi sưu tầm được để các bạn cùng tham khảo và có thêm tài liệu hoàn thiện cho bài tham luận của bản thân.

1. Bài tham luận lấy trẻ làm trung tâm

Kính thưa quí vị đại biểu!

Kính thưa Hội nghị!

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trường Mầm non xã Mường Khoa đã chú trọng vào công tác đổi mới sáng tạo trong dạy học, trẻ chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động. Năm học 20... - 20... nhà trường đã xây dựng và cụ thể hóa các nhiệm vụ năm học với phương châm “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ CBQL, GV, NV và phụ huynh.

Trên cơ sở kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, phòng GDĐT Tân Uyên, GDMN nhà trường đã được quan tâm, cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư. Đội ngũ CBQL, GV, NV cơ bản đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, luôn tâm huyết nhiệt tình, có trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn vững vàng đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc giáo dục trẻ. Đời sống kinh tế của nhân dân trong xã ngày càng được cải thiện, nhận thức của phần lớn các bậc phụ huynh học sinh về việc học hành của con em mình dần có sự thay đổi.

Nhà trường có 17 điểm trường với 28 nhóm lớp/636 trẻ. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 17,9% vượt so với kế hoạch giao 4,4%, mẫu giáo đạt 99,6 % vượt 0,3% so với kế hoạch giao. Trong những năm học vừa qua nhà trường đã chú trọng vào công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng cho giáo viên và học sinh. Một trong những thành tích đã đạt được của giáo viên và học sinh như giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện cao. Trẻ đạt giải nhất trong hội thi “Bé thông minh nhanh trí” cấp huyện. Để đạt được những thành tích đó thì việc “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm” là một trong những tiêu chí mà nhà trường đã gặt hái được những kết quả nhất định:

Về học sinh: Trẻ đạt yêu cầu chất lượng giáo dục đạt 99,1% (vượt 0,3% so với chỉ tiêu giao), trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100% (so với chỉ tiêu giao vượt 0,2%). Tỷ lệ chuyên cần đạt 98%. Tổ chức các hội thi cấp trường đều đạt kết quả cao như Hội thi “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đạt 1 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba; Hội thi Bé thông minh nhanh trí cấp trường, kết quả 02 giải Nhất, 03 giải Nhì , 05 giải Ba, 07 giải khuyến khích.

Về đội ngũ: GV đạt danh hiệu GVG cấp huyện đạt 17/21 đạt 80,9%; CBGVNV xếp loại khá trở lên đạt 48/51 đồng chí đạt 94%, trong đó xếp loại xuất sắc 11/51 đồng chí đạt 21,6%. Tập thể đạt danh hiệu cờ thi đua của UBND tỉnh; CSTĐ cấp tỉnh 01 đ/c; CSTĐ CCS đạt 07 đ/c; LĐTT 41 đ/c, giấy khen của UBND huyện 10 đ/c.

Tuy nhiên qua đánh giá cho thấy GDMN của đơn vị trường còn một vài hạn chế cần quan tâm đó là:

Cơ sở vật chất nhà trường vẫn còn 02 phòng học tạm, 3 phòng học nhờ tiểu học diện tích lớp học chật hẹp, đa số các điểm trường là hàng rào tạm, các điểm trường cách xa nhau và còn 4 điểm vùng cao cách xa trung tâm đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, việc tạo môi trường giáo dục đôi khi còn chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy được toàn diện các mặt phát triển của trẻ nên chất lượng giáo dục ở các lĩnh vực còn chưa đồng đều. Một số lớp trang trí tạo môi trường còn mang tính hình thức, tốn kém về kinh tế, thời gian của giáo viên mà không hiệu quả trong công tác giảng dạy, một số giáo viên chưa nắm được cách xây dựng môi trường ngoài lớp học, kỹ năng cũng như hướng dẫn trẻ hoạt động.

- Đa số trẻ là người dân tộc thiểu số vốn tiếng Việt của trẻ còn hạn chế, chưa mạnh dạn tự tin trong giáo tiếp; một số học sinh chưa biết tham gia trong các hoạt động trải nghiệm, khám phá với môi trường giáo dục, điều kiện kinh tế của một số phụ huynh còn khó khăn dẫn đến chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm

Từ những thực trạng đã nêu trên, để thực hiện tốt công tác “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường đã tập trung vào một số giải pháp sau:

- Nhà trường xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện nhà trường và thực tế của địa phương. Chỉ đạo giáo viên thiết kế sắp xếp, trang trí môi trường sư phạm giáo dục trong lớp và môi trường ngoài trời theo hướng mở, nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo cho trẻ. Tận dụng một số nguyên vật liệu sẵn có, dễ kiếm tạo môi trường phong phú giúp trẻ tìm tòi khám phá tạo cơ hội cho trẻ được học tập vui chơi, không dạy những gì quá khó với trẻ, tập trung hoạt động dạy những gì trẻ yếu, trẻ thiếu và trẻ cần, phù hợp với điều kiện và văn hóa địa phương;

- Do trường có nhiều điểm trường nên mỗi năm nhà trường đã lựa chọn 1 số điểm để tập trung chỉ đạo làm mô hình điểm. Khuyến khích, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện chuyên đề.

- Tập trung xây dựng trường lớp xanh, sạch đep, an toàn, lành mạnh, xây dựng môi trường mở gắn với hoạt động của trẻ. Đổi mới hình thức tổ chức trong các hoạt động. Đã chú trọng việc lồng ghép nội dung giáo dục văn hoá truyền thống, giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường thông qua việc tổ chức hội thi chuyên đề, hội thi “Bé thông minh nhanh trí”, “Bé với tạo hình”, các hoạt động trải nghiệm thăm quan một số nghề như thêu, dệt…

- Tăng cường khai thác, vận dụng các nguyên vật liệu sẵn có đặc trưng của vùng miền để thu hút trẻ tham gia hoạt động như lá cây khô, một số loại hạt đỗ, ngô, sỏi, đá... để trẻ xếp và tạo hình theo ý thích. Tạo không gian chơi ngoài trời được bố trí phù hợp với không gian, diện tích tại điểm trường, như khu vui chơi ngoài trời với các gian hàng nhỏ cho trẻ tham gia chơi bán hàng, tạo nhiều góc chơi nhỏ như góc chơi với cát nước, góc chơi vận động, vườn rau của bé, góc thí nghiệm của trẻ, các chậu cây cảnh, các chậu có đất để trẻ có thể gieo hạt trồng cây; khu vực chơi với cát, nước trẻ có thể chơi thả thuyền, đong nước, câu cá, thả vật nổi, vật chìm, xây lâu đài bằng cát, đào xới, vẽ ngón tay trên cát, in dấu, tạo sản phẩm bằng khuôn…

- Tiếp tục chỉ đạo giáo viên thực hiện có hiệu quả công tác tự bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường tổ chức giao lưu chuyên môn, chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với các đơn vị trường bạn. Tư vấn cho GV thường xuyên tổ chức các hoạt động dạy học theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm theo phương pháp trải nghiệm.

- Tích cực đẩy mạnh công tác XHH giáo dục nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ trong công tác xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm, đặc biệt quan tâm đến việc phụ huynh đóng góp ngày công cũng như nguyên vật liệu làm đồ dùng đồ chơi cũng như khuyến khích cha mẹ trẻ được tham gia hoạt động giáo dục, đánh giá và giám sát chất lượng giáo dục.

- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của giáo viên và đánh giá việc thực hiện chuyên đề để đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc khi thực hiện. Đánh giá kết quả thi đua khen thưởng của giáo viên dựa vào kết quả chất lượng học sinh.

Trên đây là bài tham luận thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” của trường Mầm non xã Mường Khoa, rất mong nhận được sự góp ý, chia sẻ của các quý vị đại biểu, các đơn vị trường về tham dự Hội nghị nhằm giúp nhà trường sẽ thực hiện tốt hơn chuyên đề vào các năm học tiếp theo./.

2. Bài tham luận về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Kính thưa tất cả các đồng chí đại biểu!

Kính thưa toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên trong hội đồng sư phạm nhà trường!

Hôm nay tôi vinh dự được hội nghị giới thiệu lên tham luận “Một số kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm”. Lời đầu tiên cho phép tôi xin gửi tới các đồng chí lời chúc sức khỏe, thành đạt, chúc cho năm học 20... - 20... gặt hái được nhiều thành công.

Sau khi nghe bản báo cáo tổng kết năm học 20... - 20... và dự thảo phương hướng nhiệm vụ năm học 20... - 20... mà đồng chí hiệu trưởng vừa thông qua, bản thân tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí cao. Cá nhân tôi, xin có một số ý kiến tham luận về việc “đổi mới phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm”. Trong bản tham luận tôi trình bày trước Hội Nghị hôm nay là sự chia sẻ nhỏ về những giải pháp mà tôi đã thực hiện về “đổi mới phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm”.

Với quan điểm “mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt” và “mỗi đứa trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau”, và bản thân đã tiếp cận phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”, giúp trẻ hứng thú với việc học và phát triển thế mạnh của mỗi trẻ. Là giáo viên mầm non tôi luôn trăn trở việc tìm ra phương pháp giảng dạy giúp trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu này, tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu trên mạng xã hội và trao đổi với đồng nghiệp về những phương pháp có thể áp dụng có hiệu quả trong các giờ hoạt động trong trường mẫu giáo và tôi đã nhận được những lời chia sẻ chân thành từ những người có kinh nghiệm về vấn đề này đã góp phần không nhỏ cho vẫn đề tôi luôn suy nghĩ đó là: Làm thế nào để vận dụng các phương pháp có hiệu quả không mang tính hình thức? làm thế nào để trẻ vừa hứng thú trong các giờ hoạt động vừa nắm được nội dung của bài học? đó là những điều tôi luôn trăn trở.

Quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy học bản thân tôi đã gặp không ít những khoa khăn và thuận lợi.

1. Những thuận lợi

- BGH nhà trường luôn quan tâm, khuyến khích, động viên kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho việc dạy và học.

- Trường có tổ tư vấn là những giáo viên giỏi về chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm nhiệt tình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

- Nhiều trẻ ngoan, có ý thức hợp tác tốt với giáo viên trong các giờ học.

- Luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bậc phụ huynh.

- Bản thân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

2. Những khó khăn khi thực hiện đổi phương pháp dạy học

- Trẻ còn hạn chế về mặt ngôn ngữ giao tiếp (trẻ còn sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng Êđê).

- Nhiều trẻ chưa từng được học các lớp nhà trẻ, hoặc mẫu giáo, chưa chủ động trong các giờ hoạt động.

- Một số hoạt động thì bản thân tôi chưa tìm ra cách tổ chức hoạt động phù hợp với trẻ.

Từ những khó khăn trên tôi đã phối hợp với nhà trường, cùng với các tổ chuyên môn, giáo viên trong trường, bản thân tôi đã đưa ra những giải pháp cụ thể như sau:

Trong quá trình tổ chức hoạt động chơi – tập tôi luôn chú trọng việc lấy trẻ làm trung tâm. Ở đó, cô giáo chỉ có vai trò là người hướng dẫn, gợi ý cách chơi theo trình tự hợp lý còn trẻ sẽ là người thực hiện”.

Ví dụ: Khi tôi tổ chức hoạt động âm nhạc tôi sẽ lồng ghép các trò chơi âm nhạc như: Trò chơi ô của bí mật. Tôi sẽ tổ chức cho trẻ lên chọn ô cửa mà trẻ thích, rồi cho trẻ tự cùng nhau thảo luận bài hát của tổ mình và cùng biểu diễn bài hát mà tổ mình chọn. Theo tôi, điều này sẽ rèn cho trẻ sự mạnh dạn, tự tin và phát triển thêm về ngôn ngữ.

Hay khi tổ chức cho trẻ chơi, hoạt động ở các góc các bé sẽ được đóng vai những người bán hàng, những người mua hàng tới mua hàng. Phương pháp này giúp trẻ hiểu hơn về cuộc sống hàng ngày xung quanh trẻ.

Tôi luôn tìm hiểu và nắm được nhu cầu, hứng thú, khả năng của từng trẻ để có cách dạy phù hợp. Và cũng chính sự khác nhau đó, đòi hỏi tôi phải tạo cho trẻ có nhiều cơ hội để học thông qua môi trường cho trẻ học tập. Môi trường ở đây không chỉ dừng lại ở trong lớp học mà tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp học nhằm tạo điều kiện cho trẻ được học, được trải nghiệm, được khám phá mọi lúc, mọi nơi.

Bằng phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm, trẻ sẽ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động. Với phương châm “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, những năm gần đây tôi đã tạo cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau để trẻ chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Ví dụ: Tôi thường xuyên cho trẻ dạo chơi ngoài trời, quan sát môi trường bên ngoài, về công việc của từng người trong trường, điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn môi trường mình đang học và công việc của các cô. Việc được tự khám phá phòng học và tận mắt nhìn các trang thiết bị trong trường khiến trẻ vô cùng hào hứng.

Qua các phương pháp “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” mà tôi đã áp dụng vào trẻ tôi thấy trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, trẻ thích việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình; biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà trẻ gặp phải… Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, chủ động, tư duy, sáng tạo, thích thú tìm tòi, khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường, ở lớp.

Trên đây là một số ý kiến tham luận của tôi về đổi mới “phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” mà bản thân tôi đã thực hiện. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng chí. Tôi tin rằng, nếu mỗi giáo viên chúng ta có mong muốn thay đổi, có nỗ lực và quyết tâm tìm ra con đường đổi mới cho chính mình thì nhất định sẽ thành công.

Cuối cùng, tôi xin trân trọng cảm ơn và gửi tới các đồng chí đại biểu, các đòng chí cán bộ, giáo viên, nhân trong trường lời chúc sức khỏe – hạnh phúc. Chúc cho Hội Nghị ngày hôm nay thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

-------------

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm các tài liệu dành cho giáo viên mà VnDoc.com đã sưu tầm được.

Đánh giá bài viết
2 14.874
Sắp xếp theo

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm