Bài thơ: Đập đá ở Côn Lôn - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Bài thơ: Đập đá ở Côn Lôn - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

Bài thơ: Đập đá ở Côn Lôn (Phan Châu Trinh)

Nội dung bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con.

I. Khái quát về Tác giả Phan Châu Trinh

1. Tiểu sử tác giả Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh (1872 – 1926), hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, tự là Tử Cán quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Phó bảng năm Tân Sửu (1901), làm quan một thời gian ngắn rồi từ quan, đi làm cách mạng. Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước bằng cách lợi dụng thực dân Pháp, cải cách đối mới mọi mặt (duy tân), làm cho dân giàu nước mạnh, trên cơ sở đó tạo nền độc lập quốc gia.

Năm 1908 ông bị bắt đày đi Côn Đảo. Ba năm sau, khi được trả tự do, Phan Châu Trinh xin sang Pháp tìm cách thúc đẩy cải cách chính trị ở Đông Dương nhưng công việc không thành.

Năm 1952, ông về Sài Gòn, diễn thuyết được vài lần, sau đó ốm nặng rồi mất. Đám tang Phan Châu Trinh trở thành một phong trào vận động ái quốc rộng khắp cả nước.

Phan Châu Trinh là nhà yêu nước và cách mạng lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX.

2. Sự nghiệp văn chương của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh luôn có ý thức dùng văn chương để làm cách mạng. Những áng văn chính luận của ông đậm tính chất hùng biện, lập luận chặt chẽ, đanh thép; những bài thơ của ông dạt dào cảm xúc về đất nước, đồng bào; tất cả đều thấm nhuần tư tưởng yêu nước và tinh thần dân chủ.

Thể loại: Phan Châu Trinh sáng tác cả văn xuôi chính luận và thơ trữ tình yêu nước cách mạng.

Tác phẩm chính: Đầu Pháp chính phủ thư (1906); Thất điều trần (1922); Đạo đức và luân lí Đông Tây (1925)…

II. Đôi nét về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ được sáng tác vào thời gian Phan Châu Trinh bị bắt giam tại nhà tù ở Côn Đảo

2. Bố cục

- Phần 1: (4 câu thơ đầu): Hình ảnh hiên ngang khí phách của người anh hùng mặc dù trong cảnh tù đày

- Phần 2: (4 câu thơ sau): Ý chí sắt thép, tinh thần kiên trung và nghị lực của người anh hùng trong cảnh tù đày.

3. Giá trị nội dung

- Bài thơ giúp ta cảm nhận một hình tượng đẹp, một khí thế ngang tàng, vẻ đẹp lẫm liệt của người anh hùng dù gặp phải tình cảnh gian nguy nhưng vẫn không hề sờn lòng đổi chí

4. Giá trị nghệ thuật

- Bài thơ sử dung bút pháp lãng mạn, hình ảnh thơ phóng đại và khoa trương. Giọng thơ hào hùng lẫm liệt giàu sức biểu cảm.

III. Dàn ý bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Dàn ý Cảm nhận bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Phan Châu Trinh và bài thơ Đập đá ở Côn Lôn.

2. Thân bài

a. 2 câu thơ đầu

Hình ảnh một con người hiện lên giữa nhà tù Côn Lôn hiên ngang, trong tư thế ngẩng cao đầu. Dù bị giam cầm, bị khổ sai nhưng vẫn “lừng lẫy”, công việc đập đá nặng nhọc, vất vả nhưng đối với người chiến sĩ cách mạng nó chỉ là việc “con con”. Người tù bỗng trở nên hùng vĩ, to lớn, mang tầm vóc vĩ đại.

→ Tác giả như ném một tiếng thét, tiếng lòng đầy sức sống vào giữa chốn ngục tù tăm tối; khắc họa thành công người con cách mạng. Hai câu thơ mở đầu đã khẳng định chí làm trai khi sống trên đời này cần phải hiên ngang, bất khuất.

b. 2 câu thơ tiếp

Một loạt động từ mạnh xuất hiện đã đặc tả sự mạnh mẽ, dứt khoát của người tù cách mạng. Việc đập đá chỉ là việc thường tình.

Hình ảnh ước lệ “năm bảy đống”, “mấy trăm hòn” mang ý nghĩa phóng đại thể hiện sức mạnh phi thường, không thể địch nổi của người anh hùng cách mạng.

→ Hành động đập đá được Phan Châu Trinh tái diễn rất chân thực, sinh động và không kém phần hào hùng.

c. 2 câu thơ tiếp

Cá tính mạnh mẽ, hiên ngang của người chiến sĩ ấy được tác giả tái hiện qua khí phách: Giữa nơi đất khách quê người, tù ải khổ sai, hứng chịu sự giận giữ của thiên nhiên nhưng người tù vẫn hiên ngang, không hề sợ hãi. Ngược lại dù nắng mưa thì nó càng khiến cho “bền dạ sắt son”. Một ý chí, nghị lực đáng khâm phục và ngưỡng mộ.

Hình ảnh mưa nắng hoàn toàn đối lập với hình ảnh người chiến sỹ cách mạng có lẽ là dụng ý nghệ thuật của tác giả.

d. 2 câu thơ cuối

Người tù khổ sai chỉ còn việc bị đày đọa ở nhà tù Côn Đảo chỉ là “lỡ bước”, và tự nhận mình là kẻ “vá trời”. Khi làm việc lớn thì những việc như thế này không có gì làm chùn bước được.

Những việc gian nan, chông gai còn rất nhiều nên người tù xem rằng không đáng kể lể. Một chí khí thật ngang tàng, một châm ngôn sống khiến người khác phải ngưỡng mộ.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét tiêu biểu về Phan Châu Trinh

- Nêu ngắn gọn hoàn cảnh và nội dung chính của bài thơ: sáng tác vào thời gian Phan Châu Trinh bị bắt giam tại nhà tù ở Côn Đảo, thể hiện rõ lí tưởng và ý chí quyết tâm của tác giả

II. Thân bài

1. Bốn câu đầu: Khí phách, uy dũng của người chiến sĩ

- Tư thế: Làm trai đứng giữa đất Côn Luân: thế lồng lộng giữa càn khôn nhật nguyệt, vượt ra khỏi sự tù hãm của hoàn cảnh ⇒ Đằng sau hai chữ “làm trai” là quan niệm nhân sinh mang tính truyền thống của nho giáo

- “Xách búa đánh tan năm bảy đống- Ra tay đập bể mấy trăm hòn”: Công việc đập đá được thể hiện bằng nghệ thuật khoa trương

+ “lở núi non”, “năm bảy đống”, “mấy trăm hòn” và các hành động “xách búa”, “đập bể”: điểm xuất phát để làm xuất hiện lớp nghĩa biểu trưng.

+ Người đập đá xuất hiện trong khí thế lẫy lừng, kết quả thì phi thường

⇒ Giọng điệu hùng tráng, bút pháp khoa trương, động từ mạnh, miêu tả- biểu cảm ⇒ Con không nhỏ bé mà người lại mang tầm vóc vũ trụ, ngạo nghễ phi thường

2. Bốn câu thơ sau: ý chí chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ

- Hai câu 5, 6: giọng tự bạch: Dưới con mắt của tác giả thì “tháng ngày”, “mưa nắng” không làm nhụt chí mà ngược lại tôi luyện cho họ sành sỏi, dày dạn kinh nghiệm, “bền gan” với lí tưởng

⇒ Nghệ thuật đối: Những thử thách gian nan với sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ của con người ⇒ thể hiện rất rõ nội lực tinh thần của người chiến sĩ

- Hai câu kết lại trở về giọng khẩu khí ngang tàng: Mượn hình ảnh huyền thoại Nữ Oa vá trời, nhà thơ nói đến chí lớn của người cách mạng.

- Đối với nhà thơ, chuyện ở tù, chuyện “lỡ bước” cũng chỉ là chuyện “con con”

⇒ Câu cảm thán, nghệ thuật đối ⇒ Con người bản lĩnh, coi thường tù đày gian khổ, tin tưởng mãnh liệt vào sự nghiệp yêu nước của mình

III. Kết bài

- Khái quát những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật tác phẩm

- Qua bài thơ, chúng ta thêm trân trọng khí phách hiên ngang của một người chí sĩ yêu nước

......................................

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Bài thơ: Đập đá ở Côn Lôn - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 8 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 8 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới

Đánh giá bài viết
17 34.510
Sắp xếp theo

    Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 8

    Xem thêm