Bí quyết khi dạy thay và tình huống được học sinh khen sau tiết dạy thay

5 bí quyết hiệu quả khi dạy thay

Có khi nào bạn dạy thay một đồng nghiệp vì lý do nào đó chưa? Chắc chắn nếu lần đầu làm việc này, bạn sẽ thấy không hề dễ dàng. Nếu học sinh khen bạn sau giờ dạy thay thì bạn sẽ thế nào? Sau đây là những bí quyết giúp bạn có thêm kinh nghiệm khi dạy thay cho đồng nghiệp.

5 bí quyết khi dạy thay và tình huống được học sinh khen sau tiết dạy thay

5 bí quyết khi dạy thay

Dạy thay là một công việc vô cùng thách thức – kể cả những giáo viên có kinh nghiệm cũng phải thừa nhận điều đó. Việc bước vào một lớp học với những học sinh chưa quen và kì vọng học sinh sẽ tôn trọng bạn, lắng nghe bạn và cư xử tốt, điều đó gần như rất khó.

Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng nếu có sự chuẩn bị, nhiều khả năng là tôi sẽ có một buổi dạy thay thành công. Tôi hỏi một giáo viên dạy cấp ba lâu năm ở thành phố Weston về kinh nghiệm đi dạy thay và ông ấy bảo tôi: “Điều quan trọng là phải có thật nhiều chiến thuật và hoạt động hiệu quả”. Tôi vô cùng tán thành. Sau đây là những chú ý khi đi dạy thay một buổi học:

1. Đến sớm

Đặc biệt nếu là ngày đầu tiên đi dạy thay ở một trường hoặc cho một giáo viên khác, tôi thích dành thời gian tìm phòng học và làm quen với nó: Ở đó có bảng thông minh không? Hay một chiếc laptop? Quan trọng nhất là giáo viên có để lại giáo án chi tiết không? Việc đến sớm cho tôi cơ hội xem xét tường tận mọi thứ.

2. Tự tin là số 1

Một lần tôi đến sớm và xem trước giáo án, tôi có thể tự tin hơn trong việc làm chủ lớp học. Tôi nhận ra học sinh và tôi xa lạ với nhau – điều đó có thể gây trở ngại. Lũ trẻ có thể cảm thấy không chắc chắn, có khi còn sợ nữa. Tuy nhiên, tôi đã vỡ lẽ ra rằng nếu làm chủ được lớp học và giáo án, sự tự tin sẽ giúp tôi vượt qua – và học sinh thì cảm nhận được điều đó ngay.

3. Là chính mình, vượt qua căng thẳng

Tôi thích phá vỡ áp lực để có thể hiểu học sinh hơn (và biết tên của chúng nữa) bằng cách giới thiệu bản thân trước. Dù là học sinh lớp mấy, bọn trẻ đều tò mò và thích nghe người lớn kể chuyện đời mình. Tôi dùng nó như một cơ hội để “phá băng”! Tôi cố gắng là chính mình nhưng tôi luôn chọn lọc và cân nhắc những gì mình chia sẻ. Tôi luôn luôn “ghi điểm” với lũ trẻ khi thể hiện sự hài hước và thoải mái của mình. Hãy nhớ rằng trẻ em luôn nghi ngờ khả năng của giáo viên dạy thay – bạn có thể phải “thủ thuật” một tí để “hạ gục” lũ nhóc!

4. Sự ứng biến đã cứu cả buổi học

5 bí quyết khi dạy thay và tình huống được học sinh khen sau tiết dạy thay

Cũng hiếm khi nhưng thật sự có những lúc giáo viên dạy thay không dạy được gì. Đừng lo lắng! Dưới đây là một số trò chơi tôi đã tổ chức:

+ Chơi trò chơi – Mọi lớp học đều có những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, nếu không có thì bạn có thể ứng biến ra. Những trò như 7 Up đơn giản, thậm chí chẳng có yêu cầu gì nhưng vui và kết nối được với học sinh. Những học sinh lớn hơn thì thích trò Apples to Apples và Head Banz. Không có gì làm thời gian trôi nhanh như là chơi trò chơi.

+ Cho học sinh chọn một cuốn sách ở thư viện lớp. Hầu hết giáo viên đều có một giá sách hoặc thư viện cá nhân chứa đầy sách phù hợp với các độ tuổi; nếu lớp học không có một bộ sưu tập hẳn hoi, tôi sẽ dẫn bọn trẻ lên thư viện trường. Sau đó, chúng tôi có thể đọc và tranh luận, hoặc đôi khi, tôi thiết kế hoạt động viết phản hồi.

+ Giao cho học sinh một bài tập viết nhật kí thú vị – thậm chí là một chủ đề không liên quan như “Tôi đã làm gì vào ngày cuối tuần?” có thể khiến bọn trẻ tập trung làm việc. Học sinh bé hơn có thể vẽ thay vì viết.

+ Nghệ thuật cũng là một nguồn cung cấp tuyệt vời. Lũ trẻ có thể vẽ tranh chân dung tự họa bằng sáp màu; sáng tác một bài thơ miêu tả một mùa trong năm; hoặc làm bông tuyết từ giấy – trẻ em thích cắt, vẽ, dán và lắp ráp.

5. Ghi chép

Những giáo viên thường xuyên để lại giáo án, tôi biết họ kì vọng tôi sẽ làm theo và phản hồi lại về buổi dạy. Tôi cũng thích cho giáo viên dạy chính biết những gì mình đã làm, như vậy thì cô ấy có thể dạy tiếp – đặc biệt là nếu, trong một số trường hợp, tôi không dạy hết được bài hoặc có học sinh nghỉ. Cũng nhờ ghi chép cẩn thận, tôi đã được gửi gắm dạy thay tiếp cho những giáo viên chuyên môn đánh giá cao sự nỗ lực của tôi.

Mẹo nhỏ: Dưới đây là những bí kíp giúp tôi giữ được sự chú ý, thái độ tích cực và vượt qua được một ngày.

  • Luôn dự phòng tình huống. Tôi luôn tính đến những trường hợp xảy ra khi thay đổi môi trường ví dụ: khi tôi không thể điều chỉnh được điều hòa hoặc mở/đóng cửa sổ, tôi không biết nhà vệ sinh dành cho giáo viên…
  • Yêu cầu hiệu trưởng hoặc nhân viên hành chính cung cấp cho bạn một bản các trường hợp khẩn cấp và cách giải quyết của trường. Chúng ta sống ở một thời đại mà các tình huống có thể xảy ra không báo trước và tôi muốn biết mình phải làm gì khi ấy.
  • Ăn trưa trong nhà ăn của giáo viên. Tình bạn thân thiết là rất hữu ích, nó mang lại cho tôi sức mạnh khi tôi yếu đuối – hoặc ít nhất là một bờ vai để khóc!
  • Uống đủ nước mỗi ngày. Nước giúp bạn tỉnh táo.

Chọn phương án nào trong 3 phương án?

1. Tình huống sư phạm

Một lần do đồng nghiệp của bạn bị ốm phải nghỉ dạy, bạn được phân công dạy thay. Sau khi kết thúc bài giảng, bạn hỏi các em: “Thầy dạy thế các em có hiểu bài không?”. Các em trả lời: “Thầy dạy hay lắm ạ. Cô X. dạy chúng em chẳng hiểu gì cả. Hay là thầy dạy luôn lớp em đi ạ”. Vào tình huống này bạn chọn cách xử lý nào trong 3 cách sau:

A. Mỉm cười, im lặng không nói gì.

B. Phê bình các em, tỏ thái độ không thích khi các em nói “xấu” cô giáo X.

C. Giải thích cho các em hiểu mỗi người có một phương pháp dạy riêng, không nên phê phán cô X dạy không hay.

2. Phân tích lựa chọn phương án

Đây là một tình huống rất thường gặp và quả là khó xử đối với giáo viên. Vào một lớp lạ dạy thay một đồng nghiệp của mình, đa số các thầy cô đều rất ngại vì có thể phương pháp của mình không giống với thầy cô đang dạy các em khiến các em không quen nên khó tiếp thu bài. Khi kết thúc bài giảng, các thầy (cô) thường hỏi: “Thầy (cô) dạy thế nào, các em có hiểu bài không?”. Nhưng đến khi nhận được câu trả lời thì chính thầy cô lại bị rơi vào tình huống khó xử.

Câu trả lời rất hồn nhiên của học sinh: “Thầy dạy hay lắm ạ” có thể chỉ là một lời “xã giao” với thầy giáo mới, nhưng cũng có thể là một lời nói thật. Với câu nói “vô hại” này bạn có thể mỉm cười và cám ơn các em đã nhận xét tốt về cách dạy của thầy. Nghề thầy giáo còn gì hạnh phúc hơn khi nghe học sinh của mình nói như vậy.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì thật tuyệt vời và chẳng có gì đáng bàn.

Không chọn phương án A.

Nhưng khi học sinh có sự so sánh và ngỏ ý chê bai cô giáo của mình dạy không hay: “Cô X. dạy chúng em chẳng hiểu gì cả” thì vấn đề lại không còn đơn giản nữa. Người ta vẫn nói “Bụt chùa nhà không thiêng” là vì thế. Chưa chắc bạn đã dạy hay hơn cô giáo X như các em nói, mà có thể vì các em đã quen với cô nên cảm thấy cách dạy của cô không còn thú vị. Còn bạn, mới tiếp xúc gặp gỡ các em, nên vì mới lạ nên các em thấy bạn dạy hay hơn cô X. Điều đó có thể lắm chứ!

Nhưng dù đó là một lời khen thật lòng và nhận xét đúng đi nữa bạn cũng không nên mỉm cười mà không nói gì. Vì như vậy rất dễ khiến các em hiểu rằng bạn đồng tình với phê phán đó của các em thì thật là tệ hại, và mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn và người đồng nghiệp đó rất có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Không chọn phương án B.

Bạn cũng không nên phê bình các em. Rõ ràng bạn đã hỏi để biết được nhận xét của các em về bài giảng của bạn và các em cũng đã trả lời theo đúng những gì chúng nghĩ. Các em hoàn toàn có quyền được phát biểu những ý kiến chính đáng của mình một cách bình đẳng, dân chủ. Bạn cũng cần phải hiểu rằng đã đến lúc phải thay đổi quan điểm cho rằng chỉ có thầy cô mới có quyền nhận xét, phê bình học sinh, còn các em chỉ biết răm rắp nghe theo chứ không được phép đưa ra ý kiến của mình. Lối tư duy đó sẽ tạo cho học sinh tâm lý ỉ lại, thiếu chủ động và bạn cũng sẽ không bao giờ biết được hiệu quả thực sự cách dạy của mình.

Chọn cách xử lý C là tối ưu.

Trước hết, bạn nên mỉm cười cám ơn các em đã chú ý lắng nghe bài giảng và dành tình cảm cho thầy. Điều đó làm thầy rất hài lòng. Sau đó bạn nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu mỗi thầy cô giáo đều có một phương pháp dạy riêng nhưng đều có chung một mục đích là giúp các em hiểu bài, nắm vững được kiến thức. Chính vì vậy các em không nên so sánh để rồi khen người này, chê bai người kia. Bạn có thể nói: “Các em ạ, các em rất may mắn là đã được học cô A, đó là một cô giáo có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi, được học sinh nhiều thế hệ yêu quý, ngợi ca. Có thể là các em chưa quen với phương pháp dạy học của cô nên các em cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Cách tốt nhất là các em nên trao đổi thẳng thắn với cô để cô trò có thể hiểu nhau. Thầy tin rằng, với một giáo viên luôn có tinh thần trách nhiệm cao như cô A, cô sẽ sẵn sàng điều chỉnh phương pháp dạy để các em dễ hiểu hơn. Và theo thầy các em nên chăm chú nghe cô giảng và có thể điều chỉnh cách học của mình để làm sao đạt được kết quả cao nhất”.

Với những lời lẽ thấu tình, đạt lý ấy, chắc chắn bạn sẽ được các em yêu quý, tôn trọng không chỉ vì bạn dạy hay mà chủ yếu là vì sự tôn trọng học sinh và đồng nghiệp của bạn.

Đánh giá bài viết
1 310
Sắp xếp theo

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm