Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi từ: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

Văn mẫu lớp 12: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi từ: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo.

1. Bình giảng đoạn thơ sau đây: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"  - Mẫu 1

Đã từ lâu, mùa thu luôn là một nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Thu là một cái gì đó khiến lòng người day dứt, bâng khuâng và tiếc nuối. Nó không nóng bỏng như mùa hè, cũng không lạnh lẽo băng giá như cơn gió đông kia. Thế nhưng trong địa hạt thơ ca, thu lại là một con người đa sắc, lúc vui tươi, khi sầu bi, thi thoảng lại bâng khuâng, hòai niệm. Mùa thu bước ra từ trang thơ của Nguyễn Đình Thi đã mở ra một tình yêu Tổ quốc nồng nàn, say đắm lan tỏa đến biết bao bạn đọc. Bắt đầu bài thơ là cảm xúc về đất nước được khơi nguồn từ một buổi sáng mùa thu với những hình ảnh mùa thu đặc trưng riêng biệt nơi thủ đô thân thuộc:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại. Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi được sáng tác trong khoảng thời gian dài (1948 - 1955). Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ là niềm tự hào kiêu hãnh về Tổ quốc Việt Nam. Đó là những năm tháng đau thương nô lệ tới khi thắng lợi huy hoàng với niềm tin yêu sáng ngời.

Những cơn gió thu đôi khi khiến người ta nhớ lại những ký ức đã được gói gém một cách cẩn thận trong ngăn kéo mang tên ký ức từ lâu. Ta đã từng bắt gặp một nỗi buồn mênh mang nơi tâm hồn Hàn Mặc Tử:

“Thu héo nấc thành những tiếng khô

Một vì sao lạ mọc phương mô?

Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?

Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?”

Giờ đây, đến với Nguyễn Đình Thi, những kỷ niệm mái nhà thủ đô thân thương ấy " được" lật lại, đó là mùa thu mà nhà thơ trẻ phải rời Thủ đô Hà Nội thân yêu để trở lại với nhiệm vụ dân tộc nơi chiến khu Việt Bắc, với niềm tin "Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi":

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội"

Cái chớm lạnh của mùa thu đã không còn xa lạ gì với chúng ta. Đó là biểu hiện đầu tiên trong quy trình giao mùa. Cái lạnh ấy bắt đầu đến, đã lạnh nhưng chưa thật sự là lạnh. Cái lạnh hiện lên đầy vẻ e ấp, ngại ngùng. Có lẽ nó chưa thực sự quen với sự xuất hiện của chính mình, mơ hồ trước tiết trời Hà Nội mùa thu. Có người từng bảo rằng, thu không phải là mùa, mà là dự cảm của mùa, là cầu nối giữa hai cực nóng - lạnh. Thu là sự liên kết nhẹ nhàng, là biểu tượng sâu sắc của thiên nhiên. Cái chớm lạnh ấy lại ở “trong lòng” Hà Nội, hai chữ “trong lòng” như một sự bao bọc, chở che của thủ đô dành cho thiên nhiên thơ mộng, thân thuộc.

Một ngày thường trôi theo quỹ đạo sáng, trưa, chiều, tối. Cái lạnh ấy lại chỉ đồng điệu với thủ đô và khoảnh khắc “sáng” kia. Đây không chỉ đơn thuần là một từ chỉ thời gian cụ thể trong ngày. Một ngày thường bắt đầu với những cảm xúc mới mẻ, tinh khôi khi trời chuyển sáng, gác lại những dư vị và cảm xúc của đêm trước. “Sáng” như tượng trưng cho một sự khởi đầu mới, một cảm xúc mới, một hồn thơ mới của thi sĩ.

“Những phố dài xao xác hơi may”

Không chỉ vậy, những đường phố dài “xao xác hơi may” đã vẽ ra trước mặt người đọc một ranh giới thực hư rất đặc biệt. “Những phố dài” là một hình ảnh cụ thể, hiển hiện trước mắt người đọc một cách rõ ràng. Nhưng nó lại được gắn với từ “xao xác”. Đây vốn là từ chỉ âm thanh, nhưng giờ lại được tác giả sử dụng để gợi tả khung cảnh. Đó là sự đặc biệt trong cách dùng từ của Nguyễn Đình Thi, vẽ nên một khung cảnh vắng lặng, nhưng lại được cảm nhận bởi sự pha trộn của các giác quan khác nhau. Vẻ quạnh hiu ấy của thu là một hình ảnh quen thuộc với các thi nhân từ bao đời nay:

“Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu…”

và:

“Ta lặng lẽ cùng thu hòa trong phố,

Chân rón rén sợ chạm mùa lá đổ”

Khung cảnh phố cũ ấy dường như được đánh thức và tô điểm bởi sự xuất hiện của con người:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Người ra đi ấy là ai? Đó là người của thủ đô hay là một người chiến sĩ đang trên đường trở về Việt Bắc? Có lẽ, Nguyễn Đình Thi đang muốn thể hiện tâm tư, tình cảm và sự tiếc nuối của người con thủ đô khi sắp phải đi xa chốn này. Ba tiếng “Không ngoảnh lại” diễn tả một tâm thế sẵn sàng chia xa. Đây không phải là sự vô tâm, buông bỏ, mặc kệ mà là sự cắn rứt, lưu luyến nhưng vẫn phải ly biệt, vì nhiệm vụ dân tộc lớn lao. Hà Nội đẹp đẽ và thơ mộng như thế, làm sao ta có thể không mềm lòng trước khi rời xa được chứ!

Trước khung cảnh sâu lắng ấy, thiên nhiên như hòa vào lòng người mà tạo nên một bức tranh khiến tim ta sững lại một nhịp. Dù người ra đi, đầu không ngoảnh lại nhưng vẫn cảm nhận được thu kia đang níu giữ và tiếc nuối bước chân mình. Mùa thu lá vàng rải đầy gót chân, để bất chợt nhớ về một Hà Nội yêu dấu.

Bằng cách sử dụng các câu thơ dài, ngắn xen kẽ nhau, nhịp điệu biến đổi linh hoạt với hàng loạt hình ảnh sinh động, biểu cảm, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao, “Đất nước” được cảm nhận trong chiều dài của những năm tháng kháng chiến và trong thiên nhiên kỳ vĩ của đất trời. Cảm xúc, suy tư của hồn người và đất nước như hòa vào làm một, vừa gần gũi nhưng cũng vĩ đại và anh hùng biết bao. Cảm nhận tinh tế ấy của Nguyễn Đình Thi thật đồng điệu với những vần thơ của Chế Lan Viên:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa để mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa.”

2. Bình giảng đoạn thơ sau đây: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" - Mẫu 2

Mùa thu là cảm hứng muôn đời của người nghệ sĩ. Thu đến, thu đi; thu là khoảng giao mùa, khoảng lặng để thi nhân tìm thấy ở đó một mối đồng cảm sâu xa, để tạc nên những bức tranh cảnh sắc đa thanh, đa hình mà người đọc bao thế hệ vẫn ngẩn ngơ chiêm ngưỡng. Giữa mạch thơ chung dồi dào ấy, ta luôn nhớ đến mùa thu Hà Nội xưa đầy ý vị của Nguyễn Đình Thi:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu xưa nay vẫn đẹp và dịu dàng, thanh nhã. Thu trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến thơ viết về thiên nhiên. Ấy là một mùa thu thuần quê đất Việt trong thơ Nguyễn Khuyến, một mùa thu thâm trầm, huyền bí trong thơ Lưu Trọng Lư, một mùa thu chứa đầy sự phôi pha theo nhịp chảy thời gian trong thơ Xuân Diệu. Rõ ràng nét phong phú của một đề tài cũ như thế là thách thức cho sáng tạo, tìm tòi và khám phá. Nguyễn Đình Thi hiểu hơn ai hết điều đó. Ông không muốn bị mờ đi, thậm chí chìm hẳn giữa những nét rất đậm, rất sâu, rất tinh của người trước. Chẳng phải" Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao" (Nguyễn Khuyến), cũng không phải "Sen tàn, cúc lại nở hoa" (Nguyễn Du), nét thu của Nguyễn Đình Thi là nét thu đô thị, nét thu thủ đô hào hoa, thanh lịch:

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Mùa thu được cảm nhận ở thời điểm mẫn cảm của đất trời. Dường như thu đã về đâu đó khi hơi lạnh đang mơn man chạm nhẹ vào da thịt. Chữ" chớm" do đó mới thật tinh tế. "Chớm" là sự bắt đầu, là điều mới mẻ, nó chứa đựng trong mình chút gì như là e ấp của mùa thu. Cảm quan mơ hồ về những làn hơi giá chưa hẳn là mùa thu. Biết được cái" chớm lạnh" là thi sĩ đang ở ngưỡng giao thoa của khí trời - ở khoảnh khắc mà tín hiệu thu đã xuất hiện, nhưng thu ấy vẫn chưa đến độ nồng đậm nhất. Báo hiệu ban đều như thế dễ nhoè đi, phần vì bất ngờ, phần vì hết thảy đều sẽ sàng quá. Cho nên, cũng là đương nhiên khi chỉ những tâm hồn thật nhạy cảm, thật, gắn bó với nét đặc trưng thân thuộc này mới có thể hiểu và đón nhận trọn vẹn ân sủng tuyệt vời của thiên nhiên Ở đây không chỉ có mình thi sĩ mà còn có cả không gian Hà Nội cả phố phường Hà Nội, cả lòng người Hà Nội cảm nhận được khi trời nay đổi khác bởi thoáng hiện diện của mùa thu. Nhưng có thật là heo may tan loãng vào không gian đó trở thành ám hiệu riêng của đất trời và lòng người Thủ đô? Chẳng biết nữa, nhưng qua những vần thơ đẹp dịu dàng của Nguyễn Đình Thi tất thảy chúng ta đã được cảm nghe đầy đủ hồn thu của một Hà Nội trong sáng đến vô ngần.

Từ trước đến nay nhiều người trong nét bối hồi xúc cảm chỉ chú tâm đem cái "chớm lạnh" đặt vào "lòng Hà Nội" mà quên đi trường thời gian trong trẻo của một sớm thu. Đừng xem "sáng" đơn thuần chỉ là yếu tố thông tin. Đó là sự nhấn mạnh. "Sáng mát trong" hôm nay hoài niệm về "sáng chớm lạnh" năm xưa. Không gian nguyên lành, dễ chịu của ngày mới là điểm khởi đầu cho mạch cảm xúc Nguyễn Đình Thi. Như thế Hà Nội đang ôm trọn cái" chớm lạnh" của sáng thu, rồi Hà Nội lại mở rộng vòng tay, trải dài ra để sẻ lòng cùng thi sĩ

" Những phố dài xao xác hơi may"

Câu thơ bảy chữ là sự kết nối giữa nét hữu hình" những phố dài" và nét vô hình" hơi may" bằng từ tượng thanh "xao xác". "Xao xác" là từ láy gợi âm thanh, có tác dụng làm xao động cánh không gian vắng lặng. Biết thế, nhưng mỗi khi đọc câu thơ, tôi vẫn bị ám ảnh bởi trường nghĩa khác của hai chữ này. Hình như đây không còn là từ tả âm, nó là sự pha trộn của một âm - hình, để nghe" xao xác" mà thấy cả khung cảnh trống lặng chung quanh. Nó khác hẳn" xào xạc", từ láy - đặc - âm trong thơ Lưu Trọng Lư:

"Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô"

(Tiếng Thu)

Thực ra, "xao xác" và "xào xạc" chi là một âm nhưng vang lên ở hai cung khác nhau. Vậy mà nếu thử thế chỗ cho nhau thì âm chung chẳng còn mà cung khác nhau cũng chẳng thấy. "Xào xạc" của Lưu Trọng Lư là âm trầm và đục thể hiện vẻ âm u, huyền bí của rừng già. Còn "xao xác" của Nguyễn Đình Thi là âm trong và cao gợi được tiếng lá khô quét mìn trên đường phố. Đặt vào câu thơ, "xao xác" lại cụ thể hoá cho "hơi may" vốn vô hình. Phải chăng đó là sự chuyển đổi cảm giác ngoài Nguyễn Đình Thi chưa ai từng biểu đạt? Nhờ thế thi sĩ đã truyền tải được hơi thở nhẹ nhàng của mùa thu đến từng con phố, từng ngả đường. Trong cái se se chưa đù góp thành gió của" hơi may", những phố dài như càng dài thêm, lòng người đang xôn xao một niềm riêng khó hiểu, cơ hồ cũng "xào xạc" hơn

Quả thật ngôn ngữ của Nguyễn Đình Thi dễ làm người ta lạc vào mê cung, nếu không tinh nó sẽ khó thoát ra, dễ bị luẩn quẩn trong cái luyến láy rất tài hoa của câu từ. Hình ảnh thơ bình dị nhưng cứ lắng đọng chút mơ hồ chẳng thể nắm bắt. Để bất chợt, nhà thơ đặt vào giữa những băn khoăn còn bỏ ngỏ của" chớm lạnh", của" hơi may" một hình ảnh cụ thể, rõ ràng:

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại”.

Hoá ra cảnh thu Hà Nội đẹp và mơ huyền thế cứ bị phủ chút man mác xác xao là do đây: người ra đi. Nếu đặt riêng câu thơ, ta có thể cho rằng đây là một chiêm nghiệm tâm lý. Bất cứ một chí nam nhi nào khi chia xa đều dàn lòng nén xúc cảm. Trần Đăng Khoa có nhận xét rất tinh về hoàn cảnh này, ấy là người ra đi, tiến bước mà" mặt tái nhợt không dám ngoảnh lại phía sau". Có cảm tưởng như chỉ khẽ đưa mắt lại thôi là người ra đi không còn đủ can đảm để bước tiếp. Nếu đặt hình ảnh thơ vào chỉnh thể của cà đoạn thì ta thấy đây mới là hồn thơ, là chiều sâu bức tranh thu Hà Nội. Thế người ra đi là ai? Đó là những chiến sĩ trung đoàn thủ đô? Không, Nguyễn Đình Thi hoàn toàn bác bỏ ý kiến này. Điều ông muốn thể hiện, giản đơn là sự lưu luyến, bịn rịn của người con thủ đô phải chia xa Hà Nội trong những thu xưa. Thái độ "không ngoảnh lại" vì thế là một cách kìm lòng bởi thành phố của mình đang ở thời khắc đẹp nhất, thành phố ấy đủ sức níu giữ một tâm tình Hà Nội, thành phố ấy tiễn các anh với một trời nắng vàng và lá vàng:

"Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Có người cho rằng đây là sự phi lô - gíc giữa hành động và cảm giác. Hành động thì "không ngoảnh lại" mà cảm giác lại ngập đầy nắng lá sau lưng. Vâng, nếu như có ai đó cố tâm đưa hình tượng thơ theo trật tự tuyến tính này thì cũng xin" ngoái lại" để hiểu rằng cái" chớm lạnh", "xao xác" đã được mùa thu gửi đến làm sứ giả cho mình tự khi nào. Do đó sau khí thu, hồn thu, lẽ dĩ nhiên phải là tình thu man mác ấy

Như người ta vẫn nói đầu câu là cái then cửa. là nét nhấn nhá của bài thơ thì ở đoạn thơ này ta không thấy xuất hiện một dấu câu nào Nguyễn Đình Thi đã để ngỏ lòng mình, từ đó người đọc có những trường suy tưởng khác nhau, tự tìm cho mình cách ngắt nhịp tạo sự đa thanh đa nghĩa của ý thơ. Câu thơ "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" có hai cách ngắt nhịp tương ứng với hai cách hiểu. Cách thứ nhất ngắt theo nhịp 2/2/3 (Sau lưng / thềm nắng / lá rơi đầy). Nó ứng với cách hiểu sau lưng người đi là thềm nắng, trên đó lá vàng rơi đầy Cách thứ hai ngắt theo nhịp 2/2/1/2 <Sau lưng / thềm nắng / lá / rơi đầy). Nó ứng với cách hiểu sau lưng người đi là thềm váng, trên đó nắng với lá cùng rơi xuống. Rồi người thì cho cách ngắt nhịp thứ nhất quá giản dị, thông thường, người khác lại nhận xét cách ngắt thứ hai quá ư cẩu kỳ. Dù đứng trên bình diện nào thì đó cũng là cách cảm riêng để tìm đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp. Hơn thế đó là cách biểu hiện (đa dạng nhất cho nét huyền ảo, biến hiện của tiết tấu câu thơ. Với tôi, tôi yêu cả hai cách hiểu.

Khi nắng lá cùng rơi, khi nắng đã rải lá rác vàng lên những thềm vắng thì đều gợi được sắc thái riêng của trời thu Hà Nội.

Có thể nói đoạn thơ là những nốt nhạc lòng được chắt chiu từ một tâm hồn đa cảm, một tình yêu thiết tha, nồng thắm với đất nước quê hương. Bức tranh cảnh sắc được gợi từ hoài niệm nhưng không đơn thuần chỉ là nhớ về để kể, tả. Nguyễn Đình Thi đã làm sống dậy vẻ đẹp thu của Hà Nội xưa. Hêghen cho rằng thơ ca cao hơn sử học hình như cũng vì lẽ ấy.

3. Bình giảng đoạn thơ sau đây: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" - Mẫu 3

Nếu Đây mùa thu tới của Xuân Diệu gieo cho người đọc sự thán phục về sức nhạy cảm của giác quan con người lúc giao thời, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến gieo cho ta cảm giác tươi mát trong trẻo của cảnh trời thu xanh ngắt thì Đất nước với mùa thu “xao xác hơi may” và “thềm nắng lá rơi đầy” đi vào lòng người đọc với một tình cảm thật sâu lắng, cao đẹp bằng nỗi nhớ của Nguyễn Đình Thi về Hà Nội năm xưa.

Bài thơ ra đời vào năm 1948, được viết thêm và hoàn thành vào năm 1955. Đó là thời điểm cả nước ta vừa chiến thắng vang dội ở chiến dịch Việt Bắc 1947 và chiến dịch biên giới thu đông 1950. Đất nước trong nỗi nhớ của Nguyễn Đình Thi đã hiện hình trong ta với tất cả sự bình dị mà hùng dũng, thân thuộc mà thiêng liêng quá đỗi.

Theo xuất xứ của bài thơ thì đây hẳn là nỗi nhớ của tác giả về thu Hà Nội năm xưa, tôi như thấy hình ảnh của một người chiến sĩ ở núi rừng Việt Bắc đang nhớ về Hà Nội.

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may.

Một từ “chớm” đứng trước từ “lạnh” diễn tả rất đúng cái cảm giác của tác giả khi Hà Nội vào thu. Cái lạnh mới đến nên còn e ấp sẽ sàng, như ngọt ngào báo hiệu. Thế là mùa hạ nồng nực với những cơn nắng đổ lửa đã đi xa rồi, mùa thu mới vừa đến sáng nay...

Thu đã đến thật trong lòng Hà Nội, trong không gian hoa cỏ của Hà Nội... hay chính trong lòng người?

Cái từ “chớm lạnh” thật “đắt” đã diễn tả niềm cảm xúc mãnh liệt của Nguyễn Đình Thi thật trọn vẹn. Phải chàng tác giả cũng đồng ý với câu: “Một con én không dệt nổi mùa xuân nhưng khi xuân đến là lúc có chim én bay liệng”, ở đây cũng vậy, có “chớm lạnh” mới biết thu sang. Tôi nhớ một nhà thơ Trung Quốc đã từng có câu:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu.

có nghĩa là ngô đồng rơi một lá, ai cũng biết thu sang. Thế đấy! Chỉ cần một lá ngô đồng rụng cũng đủ biết mùa thu đã đến rồi!

Những phố dài xao xác hơi may...

Gió thổi dài trên phố như kéo dài không gian ra, không gian dài, phố càng dài hơn, buồn hơn và vắng lặng hơn, chỉ có gió rong ruổi mải miết trên phố vắng. Mà nó cũng chưa thật là gió, đó chỉ là hơi may - hơi thở của mùa thu mà thôi.

Từ “xao xác” trong câu thơ cũng làm lòng ta xao xác vì buồn, ở đây, tác giả muốn nhạn mạnh từ “xao xác” mới phù hợp với “hơi may”.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại.

Đầu không ngoảnh lại mà biết được sau lưng, biết một cách rất rõ thì quả là rất lạ! Lạ nhưng vẫn rất hợp lí, nhất là hợp tình.

Đầu không ngoảnh lại... - Người đi có thật không luyến tiếc gì về nơi cũ chăng?

Thâm Tâm trong bài Tống biệt hành đã từng có câu:

Người đi? Ừ nhỉ người đi thực?

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Với sự dứt khoát đến vậy thì mấy ai nghĩ rằng cuộc tiễn đưa ấy đã “Đầy hoàng hôn trong mắt trong”? Có mấy ai nghĩ rằng lòng người ra đi cũng đang “có tiếng sóng” dù không được tiễn qua sông? Ở đây cũng thế, tuy “ra đi đầu không ngoảnh lại” nhưng làm sao tránh khỏi bịn rịn, không chút xao xác buồn khi chia xa Hà Nội nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó, nơi đẹp đến thế, thân yêu đến thế, Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, với hàng ngàn năm lịch sử, bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể nghe kể về một truyền thuyết hoang đường hoặc một danh nhân nổi tiếng... Đáng yêu đáng nhớ đến vậy thì làm sao không buồn khi cách xa.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Người ra đi quả thực kì lạ, dường như có giác quan thứ sáu ở sau lưng để quan sát mọi việc xảy ra. Giác quan ấy hẳn là giác quan “yêu thương” đặc biệt mà chỉ có Nguyễn Đình Thi mới có được.

Tiết tấu, nhịp điệu câu thơ rất lạ, bảy tiếng đều đặn như tiếng lá rơi ở thềm nắng, như lắng đọng trong lòng người đi cảm giác mãnh liệt đang trỗi lên.

Câu thơ như nhịp bước đầy dặn của người đi đầy quả quyết mà lưu luyến, lặng lẽ mà xao động, đầu không ngoảnh lại mà lòng người mãi hướng về...

Hẳn là người ra đi đang cố nén xúc động, sợ ánh mắt phải bắt gặp cảnh cũ, lòng sẽ không thể xa rời người ấy đang cố tạo cho mình sự bình thản nhưng có ai biết lúc ấy, người đang cố giấu che những giọt nước mắt đang rơi mằn mặn bờ môi? Tất cả chỉ mong có kẻ nào đó ở lại quê nhà yên lòng dù người đi đang tan nát lòng, đang tắt nghẹn trong hơi thở...

Lá rơi hay thềm nắng hiên nhà đang rơi và cả tâm hồn người đi nữa cũng đang rơi vào một khoảng không sâu thẳm mênh mông không nơi bám víu.

Có mùa thu nào mới chớm đẹp như thu Hà Nội chăng? Có nỗi buồn nào sâu lắng hơn nỗi buồn chia tay này chăng? Phải yêu Hà Nội đến cháy lòng mới có được cái cảm xúc mãnh liệt mà sâu lắng tuyệt vời đến thế!

Đoạn thơ thật ngắn ngủi với bốn câu thơ theo lối thơ tứ tuyệt đường luật, tác giả không tả nhiều về Hà Nội nhưng lại bộc lộ thành công cái tình cảm yêu thương Hà Nội mãnh liệt của người đi. Bằng sự chân thật trong tận tâm hồn, Nguyễn Đình thi đã tạo được những vần thơ rất tuyệt vời về mùa thu, về khung cảnh và hơn hết đó là tấm lòng mà tác giả chỉ dành riêng cho Hà Nội.

----------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi từ: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã cho chúng ta thấy được các bài văn mẫu về bình giảng đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập nhé. Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu học tập hơn nữa, VnDo.com mời các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Bài tiếp theo: Bình giảng đoạn thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời... Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu

Đánh giá bài viết
18 11.174
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm