Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn

Văn mẫu lớp 9: Bình giảng truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình giảng tác phẩm Cố hương

Lỗ Tấn (1881 – 1936) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, sinh trưởng trong một gia đình quan lại sa sút. Từ khi còn trẻ, ông đã từ giã gia đình, quyết tâm đi tìm đường lập thân mới. Ông lần lượt theo học các ngành hàng hải, địa chất, rồi y học. Nhưng cuối cùng, ông đã quyết định chuyển sang hoạt động văn học, vì nghĩ rằng văn học là vũ khí lợi hại để “biến đổi tinh thần” dân chúng đang ở tình trạng “ngu muội” và “hèn nhát”. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ và đa dạng. Cố hương là một truyện ngắn xuất sắc thể hiện một cách sinh động về cuộc sống khổ cực cũng như trạng thái tinh thần của nông dân Trung Quốc dưới chế độ nửa phong kiến, nửa thuộc địa dưới cái nhìn và suy ngẫm của nhân vật “tôi”.

Cố hương của Lỗ Tấn mang cả một nỗi buồn thê lương. Nét thê lương từ cảnh vật đến con người. Hai mươi năm xa cách, tôi phải vượt qua chặng đường những hai ngàn dặm trở về thăm làng củ giữa một ngày mùa đông lạnh giá. Trên đường về gần đến làng trời lại càng u ám, lòng “tôi” bồi hồi, nao nao về những hình ảnh làng quê xa xưa vẫn còn nguyên trong ký ức. Nhìn qua các khe hở của mui thuyền hiện ra trước mắt “tôi” xa gần thấp thoáng mấy thôn xóm tiêu điều, hoang vắng, nằm im lìm dưới vòm trời vàng úa. Nhìn cảnh vật mà lòng “tôi” se lại. Hình ảnh làng cũ trong kí ức “tôi” không giống hẳn như thế này – làng cũ đẹp hơn kia. Tôi tự hỏi: “chẳng qua là tâm tình mình đổi khác, bởi vì về thăm chuyến này, lòng mình vốn không vui”, về để bán nhà, giao lại cho chủ mới. về để từ giã ngôi nhà cũ thân yêu, nơi cả đại gia đình “chúng tôi” đời đời ở chung với nhau. Và cũng là để từ giã làng, nơi chôn nhau cắt rốn, để đem cả “gia đình đến nơi đất khách tôi đang làm ăn, sinh sống”.

Về đến nhà vào một buổi sáng tinh mơ, tôi nhìn trên mái ngói, mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió “đủ rõ nhà không đổi chủ không được”. Thấy tôi mẹ rất mừng rỡ, nhưng nét mặt vẫn ẩn một nỗi buồn thầm kín. Có lẽ mẹ buồn vì tình cảnh nhà ta sa sút, buồn vì xóm làng hiu quạnh, thê lương, và cũng có thể là buồn vì chuyện phải bán nhà… Mẹ “tôi” vẫn như xưa, ân cần, săn sóc, coi “tôi” như hồi còn thơ bé. Bà còn nhắc “tôi” đi thăm các nhà bà con xóm giềng và còn nhắc đến anh Nhuận Thổ. Và bà đã báo tin cho anh ấy biết chừng nào thì “tôi” về.

Nhắc đến Nhuận Thổ, kí ức “tôi” bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: “Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lững lờ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm một con trai.” dù đã là hơn hai mươi năm xa cách, nhưng “tôi” cũng còn nhớ rõ như in về ngày đầu tiên Nhuận Thổ đến nhà – Hắn sinh tháng nhuận, ngũ hành khuyết thổ nên bố hắn đặt tên hắn là Nhuận Thổ. Bấy giờ hắn có “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí teo, cố đeo vòng bạc sáng loáng”. Hắn thấy ai cũng bẽn lẽn, chỉ không bẽn lẽn với một mình “tôi” thôi. Hắn nói lên tỉnh hắn mới được trông thấy những điều hắn chưa bao giờ trông thấy cả. Cũng như “tôi” chưa bao giờ được nghe thấy về những chuyện về bẫy chim sẻ đồng, chào mào, bột cô, sẻ xanh lưng; chưa hề biết đến vỏ sò, nào là sò “mặt quỷ”, sò “tay Phật”. Và cũng chưa biết con tra là con gì, chỉ tưởng tượng nó như con chó con nhưng dữ tợn hơn.

Nhuận Thổ biết được nhiều điều mới lạ, vì trong khi đó Nhuận Thổ sống ở bờ biển, còn “bạn bè tôi”, cũng như “tôi” chỉ nhìn mảnh trời vuông trên bốn bức tường bao bọc lấy cái sàn thế thôi.

Đã qua bao nhiêu năm rồi, bây giờ mẹ “tôi” nhắc đến Nhuận Thổ, kí ức “tôi” bỗng như bừng sáng lên, “tôi” cảm thấy tựa hồ tìm được quê hương của mình đẹp ơ chỗ nào rồi. Tuổi thơ gắn liền với quê hương mỗi con người sinh ra ai cũng có một quê hương đế yêu và để nhớ dù chỉ là một miền quê nho nhỏ, một góc phố thân thương… Hình ảnh Nhuận Thổ ấu thơ là hình ảnh của quê hương mà “tôi” cũng có một mảnh đời trong đó.

Cố hươngHình ảnh Nhuận Thổ trong hiện tại là nỗi đau, sự tàn tạ đến thê lương của một con người, là nỗi buồn quê hương sau hơn hai mươi năm xa cách của nhân vật tôi. Nhuận Thổ trong hiện tại nước da trở thành “vàng sạm”, lại có thêm những nếp nhăn “sâu hoắm”, mí mắt “viền đỏ húp mọng lên”. Đầu đội một cái mũ lông chiên “rách tươm”, mặc một chiếc áo bông “mỏng dính”, người “co ro cúm rúm”, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài. Bàn tay không còn là bàn tay hồng hào, lanh lẹ, mập mạp, cứng rắn như trước kia mà “vừa thô kệch, vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”. Thời gian và sự nghèo khó, vất vả đã làm thay đổi diện mạo tinh thần của con người. Gặp lại “tôi” nét mặt Nhuận Thổ “vừa hớn hở vừa thê lương”, môi mấp máy, nói không ra tiếng. Sau đó, với dáng điệu cung kính, cất lời chào: “Bẩm ông!”. Thật là một điều rất bất ngờ, “tôi” như điếng người đi, vì trong lòng “tôi” đang sửa soạn cho một cuộc gặp gỡ của tình thân ái một thời mà tuôn ra như nước chảy, những gì mà họ khát khao tâm sự và lưu giữ những gì ở quá khứ để làm hành trình cho mai sau. Nhưng rồi mọi cái đều bị chọn lại, có lẽ tôn ti trật tự và lễ giáo phong kiến đã tạo ra “một bức từng khá dày ngăn cách” giữa đôi bạn ngày nào, “tôi” hỏi thăm gia đình anh, “anh cứ lắc đầu”. Những nếp nhăn khắc sâu trên mặt anh “tuyệt nhiên không động đậy”, trông anh phảng phất như “một pho tượng đá” vô hồn.

Nhuận Thổ khổ vì “con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào” đày đọa thân anh khiến anh trở thành “đần độn, mụ mẫm”. Song Nhuận Thổ còn đau đớn vì gánh nặng tinh thần, vì mê tín, vì quan niệm cũ kĩ về đẳng cấp. Nhuận Thổ là hiện thân của những khổ đau, bi kịch của tầng lớp nhân dân Trung Quốc dưới chế độ phong kiến thối nát, là hình ảnh của làng quê xơ xác, tiêu điều. Qua đó, tác giả đã cực lực lên án tội ác của chế độ đương thời, từ đó đặt ra vấn đề quyền sống và hạnh phúc của người dân trên con đường đi tới. Điều này đã được nói tới trong bài tạp văn Vì sao tôi viết tiểu thuyết, Lỗ Tấn nói rõ ông hay chọn những người bất hạnh làm đề tài. Chọn như vậy, trong điều kiện lịch sử đương thời có thể làm một công đôi việc, vừa có điều kiện vạch trần ung nhọt của “xã hội bệnh tật”, vừa có điều kiện “lôi hết bệnh tật” của chính những người lao động ra “làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa”, (dẫn theo Sách giáo viên – Ngữ văn 9, tập 1 – NXB Giáo dục).

Sự tàn tạ về diện mạo tinh thần cũng phải nói đến nhân vật thím Hai Dương – “nàng Tây Thi đậu phụ”, ngày xưa “phấn son” nên nhiều người đắm đuối vì sắc đẹp của chị. Ngày nay “lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính” lại có những lời nói năng xoi mói; những hành động bỉ ổi, lúc thì lấy đôi bít tất, lúc thì lấy cái “câu khi sát”… thím Hai Dương cũng là hiện thân của sự bần cùng hóa của tầng lớp nông dân đương thời. Còn Thủy Sinh là hình ảnh của Nhuận Thổ hơn hai mươi năm về trước, chỉ có điều khác là Nhuận Thổ trong quá khứ “cổ đeo vòng bạc”, Thủy Sinh trong hiện tại “cổ không đeo vòng bạc”; Nhuận Thổ trong quá khứ “khuôn mặt tròn trĩnh”, Thủy Sinh trong hiện tại: “vàng vọt, gầy còm…”

Với biện pháp nghệ thuật hồi ức và đối chiếu, Lỗ Tấn đã phản ánh tình cảnh sa sút về mọi mặt của xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân và lên án các thế lực phong kiến đã tạo nên tình cảnh đau thương lên từng số phận con người từ những miền quê xơ xác, tiêu điều mà tiêu biểu là nhân vật Nhuận Thổ. Và cũng phải nói thêm rằng, trong đời sống tinh thần, tính Cách của người lao động bấy giờ cũng quá nặng về lễ giáo phong kiến, những tôn ti trật tự lỗi thời cũng là nguyên nhân đẩy họ vào con đường bế tắc, luẩn quẩn, không có khả năng tìm đường như Lỗ Tấn đã lựa chọn ngay từ buổi thiếu thời.

Những ngày ở quê, lòng “tôi” không khỏi phải xót xa, trăn trở vì phải chứng kiến cảnh tàn lụi của quê hương, sự bần cùng hóa của người dân ở đó. Vì hoàn cảnh đói nghèo, vất vả, nên con người ở quê nhân tính phần nào đã thay đổi, đó là sự tham lam, nhó nhen, thậm chí có những hành động bỉ ổi như thím Hai Dương. Thật ra họ là những con người cũng đáng được chia sẻ, thương cảm, đặc biệt là Nhuận Thổ.

Gần tối, “gia đình tôi” xuống thuyền để rời quê, về nơi ở mới. Trong hoàng hôn, những dãy núi, hai bên bờ sông “đen sẫm lại”, nối tiếp nhau chạy lùi về phía sau lái, ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần. Tồi ngồi trong khoang thuyền cảm thấy mình “vô cùng lẻ loi, ngột ngạt”. “Tôi” nghĩ bụng: “Tôi và Nhuận Thổ tuy cách bức đến như thế này, nhưng con cháu chúng tôi vẫn còn thân thiết với nhau. Chẳng phải là cháu Hoàng đang mơ tưởng nhớ đến Thủy Sinh đó ư? Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không bao giờ phải cách bức nhau cả… Nhưng tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi..... chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống”. Đó là những khát khao, trăn trở lẫn niềm hy vọng cô hương sẽ được đổi mới.

Kết thúc tác phẩm, hình ảnh con đường hiện ra sẽ được đổi mới suy ngẫm của “tôi”: “Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Hình ảnh “con đường” là một tín hiệu biểu hiện niềm tin vào sự đổi thay xã hội, tìm một đường đi mới cho nhân dân Trung Quốc, trong những năm đầu của thế kỉ XX, con đường học tập sáng tạo, tìm tòi cái mới. Và cũng có thể là con đường tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường của cách mạng.

Truyện ngắn Cố hương có một kết cấu đầu cuối tương ứng phù hợp với diễn biến cảm xúc và suy tư của nhân vật tôi. Từ chỗ phảng phất buồn của tôi trên đường về quê và kết thúc là niềm hy vọng trên đường rời quê. Đó là dụng ý nghệ thuật mà Lỗ Tấn muốn thể hiện tình cảm yêu mến quê hương của nhân vật xưng “tôi” một cách chân thực, sinh động và hợp lý.

Cố hương là truyện ngắn có tính hồi kí. Thuật lại chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật “tôi”, những rung cảm của “tôi” trước sự thay đổi của cô hương, đặc biệt là Nhuận Thổ, Lỗ Tấn đã phê phán xã hội phong kiến, lễ giáo phong kiến, đồng thời đặt ra con đường đi của người dân Trung Quốc vào những năm đầu thế kỉ XX để mọi người suy ngẫm.

Truyện có phương thức biểu đạt tự sự là chính nhưng có sự kết hợp một cách sinh động với các yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận tạo cho truyện giàu màu sắc hiện thực cùng những thái độ, suy tư của tác giả trước hiện thực của cố hương.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 379
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm