Bình luận câu tục ngữ: Cái nết đánh chết cái đẹp

Văn mẫu lớp 9: Bình luận câu tục ngữ: Cái nết đánh chết cái đẹp dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình luận: Cái nết đánh chết cái đẹp mẫu 1

Nói về nhan sắc và đức hạnh trong mối quan hệ của con người, nhân dân ta có câu tục ngữ: "Cái nết đánh chết cái đẹp". Chúng ta cần hiểu và quan niệm thế nào cho đúng về câu tục ngữ trên?

Bằng hình thức nhân hóa, câu lục ngữ khẳng định "Cái nết đánh chết cái đẹp". "Cái nết" là tính nết, đức hạnh, tư tưởng, tình cảm của con người. "Nết" ở đây là nết xấu, tính xấu cho nên có thể "đánh chết" làm hại đến nhan sắc, cái đẹp hình thức bên ngoài cửa mỗi người.

Câu tục ngữ bao hàm một nghĩa rộng, nó nêu lên một bài học, một nhận xét sâu sắc. Đạo đức là cái gốc của con người. Người vô đạo đức là con người không có nhân cách. Đức hạnh được coi trọng hơn nhan sắc. Nội dung là cơ bản, nội dung quyết định hình thức.

Câu tục ngữ hoàn toàn đúng. Con người được biểu hiện ở hai mặt: tâm hồn và dung nhan. Dung nhan là ngoại hình, diện mạo, thể chất, nhan sắc,… Có người đẹp tâm hồn. Có người nhan sắc đẹp. Có người vừa đẹp nết vừa đẹp người.

Con người dù có đẹp về nhan sắc, áo quần có sang trọng, trang điểm son phấn xinh tươi nhưng cái nết lại xấu, nghĩa là lười biếng, thô lỗ, tục tằn trong giao tiếp, ích kỷ, tham lam, bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với nhân dân, v.v… thì tất sẽ bị mọi người cười chê, xa lánh. Sắc đẹp của hạng người ấy chẳng mang lại danh giá vì ác thay "Cái nết đánh chết cái đẹp".

Ngược lại, nếu một người không có sắc đẹp nhưng lại có đạo đức tốt, nhân cách đẹp tất sẽ được mọi người yêu mến, tin cậy.

Đồ vật cũng vậy, hình thức choáng lộn bên ngoài không thể nào che đậy được thực chất bên trong. Giá trị sử dụng của đồ vật là ở sự lâu bền, tiện lợi, tính hiệu quả của nó đối với cuộc sống của con người, đâu phải ở chỗ nước sơn, nước mạ bóng lộn. Qua đó ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ: "Cái nết đánh chết cái đẹp".

Câu tục ngữ trên còn chứa đựng một triết lý sâu sắc: Nội dung quyết định hình thức, nội dung quan trọng hơn hình thức. Vì thế nhân dân ta mới có câu tục ngữ tương tự:

"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người"

hoặc:

"Tốt danh hơn lành áo"

Điều đó nói lên đầu óc thực tế của con người Việt Nam. Nhân dân ta rất biết thưởng thức cái đẹp, nhưng nếu chỉ là cái đẹp bề ngoài mà nội dung không ra gì thì họ rất ghét, chẳng ưa chuộng gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ trên một cách biện chứng: trong "cái đẹp" đã bao hàm "cái nết", bao hàm tư tưởng, tình cảm, trí tuệ "đẹp" của con người Các cuộc thi hoa hậu ở nước ta trong những năm qua, những hoa hậu, á hậu, những hoa khôi "nổi danh tài sắc" Bắc Nam là những cô gái có hình thể đẹp, nhan sắc đẹp, trí tuệ và đức hạnh đẹp, tiêu biểu cho sắc đẹp Việt Nam: kiều diễm, duyên dáng. Vì thế, một thanh niên điển trai đức độ, một thiếu nữ sắc nước hương trời nết na … là mẫu người lý tưởng của xã hội.

Cái nết, cái đẹp của người học sinh là vẻ đẹp hình thức và tâm hồn, là đức trí, thể, mĩ được biểu hiện ở gương mặt sáng ngời, thể lực tốt, chăm học, chăm làm ngoan ngoãn, Lễ phép, biết kính thầy mến bạn, giàu tình thương và nhiều mơ ước. Tâm hồn đẹp, trí tuệ đẹp, nhan sắc đẹp là cái đẹp hoàn thiện đáng yêu và trân trọng.

Câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" cho ta một bài học sâu sắc về trau dồi đạo đức, nhân cách. Nó chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Gia đình ta, mái trường ta, đất nước ta cần có nhiều người đẹp như Bác Hồ đã nói: "Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Đất nước ta là cả một vườn hoa đẹp".

Bình luận: Cái nết đánh chết cái đẹp mẫu 2

Từ bao giờ đến bây giờ, ca dao tục ngữ luôn có sức đồng cảm mãnh liệt và sâu sắc. Nó ra đời giữa những vui buồn trong cuộc sống của loài người và nó sẽ kết bạn với con người cho đến ngày tận thế. Bởi từ xưa đến nay, những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ con cháu vẫn luôn là lời răn dạy giúp con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ và tầm cao của giá trị sống. Trong số đó, những câu ca dao, tục ngữ nói về phẩm chất và đức hạnh luôn là thiết yếu nhất, bởi lẽ phẩm chất và đức hạnh là chuẩn mực cao nhất trong nhân cách của con người:

“Cái nết đánh chết cái đẹp”

Trong mỗi con người đều có cái ác, cái thiện; mặt xấu và mặt đẹp. Không ai là hoàn thiện cả – “Nhân vô thập toàn”. Có người cho rằng: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng câu nói ấy chỉ mang tính tương đối mà không hoàn toàn đúng. Một người có cái nết là một người lúc nào cũng hướng về người khác, có hành vi tốt và có đạo đức đẹp (theo quan niệm của Phật giáo). Còn đối với “cái đẹp” ta có thể hiểu rằng “cái đẹp” là hình thức, diện mạo bên ngoài; một người sẽ được cho là đẹp khi những đường nét của người ấy đạt đến sự tối cao của cái được gọi là “sắc đẹp hoàn hảo”.

Cũng như câu nói của Bác: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” thì “Cái nết đánh chết cái đẹp” cũng vậy! Người có nết nhưng không đẹp sẽ là người không được ưa nhìn nhưng luôn được mọi người yêu quý bởi cái nết của mình. Ngược lại, người được tạo hóa ưu ái phú cho nhan sắc kiều diễm nhưng lại không có nết cả bên ngoài lẫn bên trong tâm thức, thì con người này sẽ luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý và cứ như thế họ sẽ chẳng đoái hoài gì đến cái nết – một trong những phẩm chất thiết yếu của con người. Với con người như vậy thì hẳn rằng ngoài sự chú ý của người khác đối với mình vì sắc đẹp vốn có của bản thân họ sẽ chẳng nhận được gì cả vì đã tự đánh mất cái nết vốn có của mình.

Theo quan niệm của phương Đông: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” – con người từ khi sinh ra thì ai cũng có cái thiện ở trong tâm. Nhưng cái thiện đó có được phát huy trọn vẹn hay không thì còn phụ thuộc vào quá trình tôi rèn nhân phẩm của mỗi chúng ta. Tạo hóa đã tạo ra con người không thập toàn để con người đi theo hai trường phái đối lập: có nết và chẳng ưa nhìn; có sắc và luôn lún sâu vào những hoa mỹ về ngoài. Nhưng con người vẫn có thể bừng tỉnh khỏi những “hố sâu không đáy” và vươn lên với chính bản thân mình để hướng ý thức, đạo đức của mình vươn tới chân, thiện, mỹ.

Một người có nết và biết làm đẹp cho bản thân của mình thì sẽ là người hoàn hảo, bởi trên đời này, không có người nào là xấu, mà chỉ có người không biết làm đẹp. cũng như thế, một người đã có sẵn ưu thế về sắc đẹp thì chỉ cần bỏ thời gian ra và rèn luyện lại cái nết của mình một cách tự giác thì cũng sẽ trở thành một người thập toàn, thập mỹ và nhận được sự quý mến của nhiều người.

“Cái nết đánh chết cái đẹp”

Câu nói như có vẻ mang tính khẳng định nhưng lại không hẳn là như vậy. Dường như nó chỉ đúng về một phương diện, khía cạnh nào đó. Nhưng nếu xét tổng thể thì có vẻ như câu nói ấy đã bị sai lệch về mặt bản chất. Mỗi con người đều có mặt tốt và mặt xấu ở trong lòng. Vậy ta phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phẩn xấu bị mất dần đi.

Bình luận: Cái nết đánh chết cái đẹp mẫu 3

Tốc độ phát triển xã hội ngày một tăng khiến nhiều chuẩn mực đạo đức bị xem nhẹ, toàn cầu hóa khiến nhiều bản sắc văn hóa khu vực bị mai một, song, những bài học đạo đức mà người xưa để lại thì mãi mãi vẫn có ý nghĩa sâu sắc đối với những tâm hồn người Việt Nam. "Cái nết đánh chết cái đẹp" là một trong những câu tục ngữ Việt cần được gìn giữ.

ĐẸP, theo ngôn ngữ mỹ thuật là sự cân đối hài hòa về hình khối và màu sắc, theo ý nghĩa nhân văn là sự tinh tế của tâm hồn. Đẹp dễ thu hút sự quan tâm của không chỉ con người mà gần như mọi giống loài trong vũ trụ là vẻ đẹp của hình thể, vẻ đẹp kiểu dáng của sản phẩm, vẻ đẹp cảnh sắc của thiên nhiên. Đẹp dễ đi vào lòng người và tồn tại theo năm tháng là nét đẹp của tâm hồn, nét đẹp đó không thể nhìn thấy bằng mắt, không ghi lại được bằng camera nhưng mà ai cũng cảm nhận được, khi bạn có nét đẹp tâm hồn, người ta nói bạn là người tốt. Đẹp là phạm trù của con người nên nó có chuẩn mực nhất định và được tác động bởi nhiều yếu tố, một trong những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ đẹp con người là nết na.

NẾT là tác phong sinh hoạt và thái độ ứng xử của con người bao gồm hành vi, cử chỉ, lời nói, dáng vẻ… Trong khi ĐẸP hình thức chủ yếu do bẩm sinh thì NẾT chủ yếu do tập luyện, nếu nét đẹp tâm hồn chỉ có thể cảm nhận thì Nết có thể nhìn thấy thậm chí ghi lại bằng máy ảnh, nết là yếu tố quan trọng làm cho người đẹp càng đẹp thêm, là cái duyên tạo thêm sự hấp dẫn cho người đẹp, ngược lại nếu không có nết người ta nói bạn vô duyên.

Một người không đẹp nhưng nết na luôn được nhiều người yêu quý, ngược lại người đẹp nhưng vô duyên không nết thì như một bông hoa di động, ít có kẻ dám gần. Thử nghĩ xem hầu hết các diễn viên đều đẹp và khi họ diễn vai thiện với phong cách chuẩn mực, cử chỉ dịu dàng, lời lẽ khiêm tốn thì ai cũng thích, nhưng khi vào vai phản diện thô kệch, đanh đá, vô duyên thì bị mắng nhiếc thậm tệ, rõ ràng cái nết tạo nên sự đánh giá khác biệt, nói cách khác, chính NẾT mới quyết định giá trị của con người chớ không phải ĐẸP, bởi thế câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" của người xưa vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến bây giờ và mai sau nữa.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình luận câu tục ngữ: Cái nết đánh chết cái đẹp cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 526
Sắp xếp theo

Soạn Văn 9 - Văn 9

Xem thêm