Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bố của Xi-Mông – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9

Bố của Xi-Mông – Văn học nước ngoài

Bố của Xi-Mông – Văn học nước ngoài – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9 được VnDoc sưu tầm và đăng tải, giúp các bạn nắm được nội dung, ý nghĩa nghệ thuật miêu tả, diễn biến tâm trạng của Xi - mông. Rút ra bài học về lòng yêu thương con người. Thấu hiểu nỗi khổ của một đứa trẻ không có bố và những ước mơ, những khao khát của Xi - mông. Mời các bạn tham khảo

Văn bản trong SGK trích từ truyện ngắn Bố của Xi-mông của G.đơ Mô-pa-xăng. Nỗi đau khổ, tuyệt vọng của Xi-mông và niềm khao khát có bố của em:

+ Tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng của Xi-mông: Xi-mông không có bố, tới trường, em bị các bạn trêu chọc và đánh vì điều đó. Tuyệt vọng, em bỏ nhà ra bờ sông, định nhảy xuống sông cho chết đuối. Nhưng Xi-mông vẫn là một đứa trẻ nên gặp khi trời ấm, không khí dễ chịu, ánh nắng êm đềm, bắt được chú nhái trên bãi cỏ, em nghĩ đến một thứ đồ chơi ở nhà, em chợt nhớ đến nhà, đến mẹ. Nỗi buồn lại dâng lên và em lại khóc hoài.

Nỗi đau khổ của Xi-mông được biểu hiện qua những giọt nước mắt. Tác giả nhiều lần tả Xi-mông khóc: “và thấy buồn vô cùng, em lại khóc, người em rung lên”, “những cơn nức nở lại kéo đến”, em “chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa mà chỉ khóc hoài”, “mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào”…

+ Niềm khao khát có bố: Từ nhỏ, Xi-mông chỉ sống với mẹ, không có bố. Em cũng chưa thực sự hiểu có bố là như thế nào. Chỉ từ khi bị lũ bạn chế giễu và đánh vì không có bố, em mới khao khát có một người bố. Niềm khao khát ấy trong tâm hồn trẻ thơ khiến em rất thành thực và hồn nhiên đưa ra lời đề nghị với bác Phi-líp: “Bác có muốn làm bố cháu không?”. Và em đặt tất cả niềm hi vọng, thậm chí cả sự sống của mình vào câu trả lời của bác Phi-líp: “Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối”. Khi được bác Phi-líp nhận làm bố, em đã vui sướng, hết cả buồn.

Ngày hôm sau, ở trường, trước những lời trêu chọc, doạ dẫm của lũ bạn, niềm tin rằng mình đã có một người bố khiến cho Xi-mông có đủ sức mạnh để sẵn sàng đối đầu với bọn chúng, “em đưa con mắt thách thức chúng, sẵn sàng chịu hành hạ, còn hơn là bỏ chạy”.

Nhân vật bác thợ rèn Phi-líp: Phi-líp là người có tấm lòng đôn hậu, độ lượng; bác có thân hình cao lớn, râu tóc đen, quăn, vẻ mặt nhân hậu. Lòng nhân hậu của Phi-líp thể hiện ở việc ngay khi nhìn thấy Xi-mông khóc ở bờ sông, bác đã dừng lại hỏi han, tìm cách an ủi và dẫn em về nhà. Lúc đầu,, khi nhận ra Xi-mông là con chị Blăng-sốt – một thiếu phụ đẹp và từng lầm lỡ – Phi-líp cũng thầm có ý nghĩ định đùa cợt với chị. Nhưng ngay khi nhìn thấy Blăng-sốt đứng nghiêm nghị trước cửa vào nhà mình, bác đã hiểu ra chị là người tốt, không thể đùa bỡn. Việc Phi-líp nhận lời với Xi-mông làm bố em trước hết vì tình thương, bác muốn giúp đứa trẻ thoát khỏi tình cảnh đau khổ, tuyệt vọng, nhưng cũng phần nào vì bác có cảm tình với Blăng-sốt (ở phần cuối truyện, Phi-líp đã đến nhà Blăng-sốt với lời đề nghị cầu hôn nghiêm túc và đã được chị đồng ý).

Nhân vật Blăng-sốt: Là một phụ nữ đẹp, cao lớn, xanh xao, nét mặt buồn. Từng một lần lầm lỡ, nhưng Blăng-sốt là người đứng đắn, có lòng tự trọng. Tuy nghèo nhưng ngôi nhà của chị “quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ”; cử chỉ, hành động của chị khi gặp người đàn ông đến nhà mình cũng rất nghiêm túc: “đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước qua ngưỡng cửa”. Blăng-sốt rất thương con, đau khổ vì tình cảnh đứa con không có bố: Khi nghe con nói bị bạn đánh vì không có bố, “đôi má thiếu phụ đỏ bừng và, tê tái đến tận xương tuỷ, chị ôm con hôn lấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn rơi”.

– Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn. Truyện được kể theo trình tự diễn biến của các sự kiện tiếp nối nhau, không hề đảo ngược thời gian. Cách kể như vậy có vẻ đơn giản nhưng truyện vẫn hấp dẫn vì tác giả đã lựa chọn, sáng tạo những tình tiết bất ngờ mà họp lí, có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ: Vì không có bố, Xi-mông bị lũ bạn ở trường trêu chọc, đánh; đau đớn, em bỏ nhà ra bờ sông định nhảy xuống sông; bác Phi-líp gặp em, an ủi và đưa Xi-mông về nhà em; đến đó, Phi-líp gặp chị Blăng-sốt, rồi trước lời khẩn cầu của Xi-mông, bác nhận lời làm bố em…

Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động.

+ Diễn biến tâm lí của Xi-mông được miêu tả chân thực, tự nhiên, đúng với tâm lí của một đứa trẻ 7 – 8 tuổi. Tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng vì bị lũ bạn đánh bởi không có bố khiến em tìm ra bờ sông, định nhảy xuống sông. Nhưng trời ấm, nắng đẹp, bãi cỏ xanh đã làm dịu đi tâm trạng đau khổ ở em; rồi chú bé bị thu hút vào trò chơi với con nhái; trò chơi ấy lại gợi em nghĩ đến một thứ đồ chơi ở nhà, từ đó mà nhớ nhà, nhớ mẹ, nỗi đau khổ trở lại và em lại khóc ròng… Tác giả diễn tả rất chính xác trạng thái dễ biến đổi, chịu sự tác động của ngoại cảnh trong tâm lí của trẻ em, được biểu hiện qua các cử chỉ, hành động, ngôn ngữ.

+ Diễn biến tâm lí của Phi-líp: Ban đầu, chỉ là do lòng nhân hậu mà Phi-líp dừng lại hỏi han Xi-mông khi em khóc; rồi an ủi và dẫn em về nhà. Nhận ra Xi-mông là con của chị Blăng-sốt, Phi-líp còn có ý nghĩ định đùa bỡn. Nhưng khi gặp, nhìn thấy cử chỉ và thái độ của Blăng-sốt, bác đã hiểu chị là người đứng đắn, không thể đùa bỡn. Việc Phi-líp nhận lời, chấp nhận lời đề nghị của Xi-mông làm bố em là hành động đã thể hiện sự thay đổi trong tâm lí và thái độ đối với hai mẹ con chị Blăng-sốt.

+ Tâm trạng của Blăng-sốt được biểu hiện qua cử chỉ, hành động: sự cảnh giác khi lần đầu gặp Phi-líp thể hiện trong tư thế và cử chỉ nghiêm nghị của chị khi đứng trước cửa nhà mình; nỗi đau khổ và tình thương con khi nghe Xi-mông kể về việc bị đánh vì không có bố được thể hiện trong cử chỉ ôm lấy đứa con và những giọt nước mắt lã chã lăn trên khuôn mặt người mẹ; nỗi xấu hổ và ngượng ngùng khi thấy con cầu xin bác Phi-líp nhận làm bố đã khiến chị đỏ bừng mặt, tê tái đến tận xương tuỷ.

Trên đây VnDoc đã chia sẻ tới các bạn bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Văn học nước ngoài – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Thông qua đó ta thấy được những ước mơ, những nỗi khổ của đứa trẻ không có bố, đồng thời nắm được ý nghĩa nghệ thuật miêu tả của tác phẩm.

.......................................................................

Ngoài Bố của Xi-Mông – Văn học nước ngoài – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
1 103
Sắp xếp theo

    Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 9

    Xem thêm