Bộ đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn tải nhiều

VnDoc giới thiệu 12 đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 có đáp án do đội ngũ VnDoc biên soạn. Tài liệu bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 luyện thêm đề môn Ngữ văn, làm quen với nhiều dạng đề thi khác nhau, từ đó đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Văn 9 sắp tới.

Đội ngũ giáo viên VnDoc đã biên soạn Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 9 mới nhất để gửi đến thầy cô cùng các em học sinh. Các thầy cô và các em tham khảo tại:

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 1

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.”

Câu 1 (0,5đ): Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu là gì?

Câu 2 (1đ): Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động gì?

Câu 3 (2,5đ): Đoạn văn giúp em nhận ra bài học gì? (Trình bày bằng một đoạn văn).

II. Làm văn (6đ):

Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.

Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ văn Đề 1

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu: một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.

Câu 2 (1đ):

Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động: Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những chú trai không chịu được đau xót nên đã chết. Những cơ thể trai sống thì lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót.

Câu 3 (2,5đ):

Bài học rút ra sau đoạn văn:

Trong cuộc sống sẽ có nhiều khó khăn thử thách ập đến mà chúng ta không lường trước được.

Lựa chọn vượt qua hay bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách là của chính bản thân mỗi người.

Khi vượt qua khó khăn, chúng ta sẽ có được những thành quả ngọt ngào.

II. Làm văn (6đ):

Dàn ý Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” và vẻ đẹp, số phận bi kịch của Vũ Nương.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp của Vũ Nương

Vũ Nương là cô gái xinh đẹp: tư dung tốt đẹp.

Là cô gái có đức tính tốt đẹp: thùy mị, nết na.

→ Khiến chàng Trương đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ.

Ngày chồng tòng quân: nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về.

Khi chồng ra trận: ở nhà một lòng một dạ chăm sóc con trai và chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời.

→ Là người vợ hiền lành, đảm đang, đầy đủ “công - dung - ngôn - hạnh” đáng ngưỡng mộ.

→ Là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ với những phẩm hạnh tốt đẹp.

b. Số phận bi kịch của Vũ Nương

Nguyên nhân: khi chồng bế con ra thăm mộ mẹ, đứa nhỏ đã tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm nó → Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông.

Khi Trương Sinh về nhà đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và thanh minh.

→ Người phụ nữ không được tự quyết định số phận của mình mà phải phụ thuộc vào người đàn ông tỏng gia đình. Tuy mình bị oan nhưng không được thanh minh.

Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình Vũ Nương đã nhảy sông tự tử.

→ Đau khổ, xót thương trước số phận bất hạnh của nàng sau những điều tốt đẹp nàn dã làm cho nhà chồng.

Sau này, khi Trương Sinh hiểu ra oan khuất của nàng đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung. → Đây được coi là cái kết vừa có hậu vừa đoản hậu của Vũ Nương: có hậu vì cuối cùng nàng cũng được minh oan và khiến cho người làm nàng đau khổ là Trương Sinh nhận ra lỗi lầm, ân hận về lỗi lầm đó; đoản hậu vì nàng không được quay lại nhân gian để sống tiếp kiếp người, để nhận lại phúc đức sau những nghĩa cử cao đẹp nàng đã làm.

3. Kết bài

Khẳng định lại vẻ đẹp, số phận của Vũ Nương và giá trị của tác phẩm.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 2

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ ngỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (1đ): Tác giả sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn thơ? Nêu tác dụng.

Câu 3 (2,5đ): Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ trên.

II. Làm văn (6đ):

Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ văn đề 2

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Câu 2 (1đ):

Biện pháp nghệ thuật: so sánh (Lưng núi - lưng mẹ) và ẩn dụ (ví em bé là mặt trời của mẹ).

Tác dụng: phép so sánh nhấn mạnh nỗi vất vả của người mẹ khi phải một tay làm cả nương ngô rộng lớn. Ẩn dụ để thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho đứa con bé bỏng, con giống như mặt trời của cuộc đời mẹ.

Câu 3 (2,5đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào những gợi ý sau:

Người mẹ trong đoạn văn trên là người mẹ chăm chỉ, tần tảo làm việc không chỉ để nuôi con mà còn để giúp đỡ người chiến sĩ, giúp đỡ cách mạng.

Người mẹ trên có một tình yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì con.

Là người mẹ đại diện cho Người mẹ Việt Nam anh hùng.

II. Làm văn (6đ):

Dàn ý phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

1. Mở bài

Giới thiệu nhà thơ Huy Cận và bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

2. Thân bài

a. Khổ thơ 1 và 2:

Hoàn cảnh ra khơi: Buổi hoàng hôn ấm áp, yên bình.

Vũ trụ là một ngôi nhà lớn mà màn đêm là cánh cửa, ngọn sóng là then.

→ Giữa lúc thiên nhiên nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu công cuộc lao động của mình.

"Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi", từ "lại" vừa tạo ra sự đối lập giữa tứ thơ ở hai câu trên và hai câu thơ dưới, vừa biểu hiện sự lặp lại của công việc giống như mọi ngày, giống như bao nhiêu năm tháng đã đã qua đoàn thuyền đánh cá vẫn tiếp tục ra khơi không ngừng nghỉ.

Con người lao động không mệt mỏi, luôn vững tinh thần, công việc dù có lặp lại nhưng không hề nhàm chán vẫn mang đến những cảm giác, phấn chấn, náo nức, say mê ở người ngư dân.

b. Khổ 3:

Những câu hát vui tươi cất lên đã sưởi ấm cái màn đêm tăm tối, khơi gợi niềm phấn khởi trong con người, xua đi những khó khăn mệt mỏi, mang lại một không khí lao động vô cùng hào hùng và lãng mạn.

"Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!", câu hát với một tâm hồn ngập tràn niềm vui và sức sống, niềm trông đợi vào một mẻ lưới đầy. Cách xưng hô, thân thiết mời gọi ấy càng kéo gần khoảng cách giữa mẹ thiên nhiên và con người.

c. Khổ 4 và 5:

Hình ảnh con thuyền đánh cá giữa đêm trăng, vừa mang vẻ đẹp lãng mạn, thi vị lại vừa hào hùng và mạnh mẽ, đồng thời miêu tả sự giàu có nơi biển cả.

Con người không chỉ lao động bằng sức mạnh mà còn dựa vào lòng dũng cảm, sẵn sàng ra tận khơi xa "dò bụng bể", đồng thời còn vận dụng đầu óc để vạch ra kế hoạch rõ ràng, tạo "thế trận lưới vây giăng" sao cho được nhiều cá, tôm.

d. Khổ 6:

Vẻ đẹp của người ngư dân còn hiện lên thông qua tấm lòng yêu mến và trân trọng thiên nhiên. "Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng", câu thơ vừa thể hiện chuyến ra khơi bội thu của những người nông dân, cũng thể hiện sức mạnh của họ trong công việc kéo lưới giữa biển khơi đầy vất vả.

e. Khổ 7:

Khúc ca khải hoàn trở về với chuyến bội thu.

Vẻ đẹp lớn lao kì vĩ của người lao động sánh ngang với thiên nhiên, con người đã dần đứng lên trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, họ có lòng tự tin, tinh thần hăng say lao động không ngừng nghỉ.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 3

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nha quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hoặc hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời cực nhọc ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.”

(Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Đối tượng được tác giả nêu ra trong đoạn trích là gì?

Câu 3 (1đ): Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện như thế nào?

Câu 4 (2đ): Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về tầm quan trọng của văn nghệ?

II. Làm văn (6đ):

Phân tích vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.

Đáp án đề thi học kì số 3: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 3.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 4

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Người ăn xin

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có khăn tay, không có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:

- Xin ông đừng giận cháu. Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc-ghê-nhép)

Câu 1 (0,5đ): Người ăn xin trong câu chuyện được miêu tả như thế nào?

Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của câu chuyện.

Câu 3 (1đ): Theo em, điều mà nhân vật “tôi” nhận được là gì?

Câu 4 (1,5đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về bài học được rút ra từ câu chuyện.

II. Làm văn (6đ):

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Đáp án đề thi học kì số 4: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 4.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 5

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Lỗi lầm và sự biết ơn

Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận và một người nổi nóng không kiềm chế được mình nên đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?”

Anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”.

Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

(theo Hạt giống tâm hồng)

Câu 1 (0,5đ): Người bạn trong câu chuyện trên đã viết và khắc lên đâu?

Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của câu chuyện.

Câu 3 (1đ): Em rút ra được điều gì qua câu chuyện trên?

Câu 4 (1,5đ): Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện (Bằng một đoạn văn).

II. Làm văn (6đ):

Phân tích bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu.

Đáp án đề thi học kì số 5: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 5.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 6

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Hai kiểu áo

Có ông quan lớn đến hiệu may để may một cái áo thật sang tiếp khách. Biết quan xưa nay nổi tiếng luồn cúi quan trên, hách dịch với dân, người thợ may bèn hỏi:

- Xin quan lớn cho biết người may chiếc áo này để tiếp ai ạ?

Quan lớn ngạc nhiên:

- Nhà ngươi biết để làm gì?

Người thợ may đáp:

- Thưa ngài, con hỏi để may cho vừa. Nếu ngài mặc hầu quan trên thì vạt đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc, còn nếu ngài mặc để tiếp dân đen, thì vạt đằng sau phải may ngắn lại.

Quan ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo:

- Thế thì nhà ngươi may cho ta cả hai kiểu.

(Theo Trương Chính - Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)

Câu 1 (0,5đ): Nhân vật trong câu chuyện trên là ai? Họ đối thoại với nhau về vấn đề gì?

Câu 2 (0,5đ): Vị quan là người thế nào?

Câu 3 (1đ): Tiếng cười trong câu chuyện được bộc phát thế nào?

Câu 4 (2đ): Qua câu chuyện, em hiểu thêm điều gì về con người trong xã hội bấy giờ? (Trình bày thành đoạn văn).

II. Làm văn (6đ):

Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Đáp án đề thi học kì số 6: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 6.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 7

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

(Tiếng thu - Lưu Trọng Lư)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Kể tên những sự vật được nhắc đến trong hai khổ thơ trên.

Câu 3 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ và nêu tác dụng.

Câu 4 (2đ): Từ bài thơ trên hãy trình bày cảm nhận của em về mùa thu.

II. Làm văn (6đ):

Phân tích hình ảnh người lính qua bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Đáp án đề thi học kì số 7: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 7.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 8

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

(Bếp lửa - Bằng Việt)

Câu 1 (0,5đ): Thói quen của bà là gì?

Câu 2 (0,5đ): Kể tên những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 3 (1đ): Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 4 (2đ): Từ nội dung chính của đoạn thơ, viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về tình cảm bà cháu.

II. Làm văn (6đ):

Đóng vai người lính trong bài thơ Ánh trăng kể lại câu chuyện.

Đáp án đề thi học kì số 8: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 8.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 9

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.

(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)

Câu 1 (1đ): Nêu câu chủ đề của văn bản?

Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3 (2đ): Đoạn trích giúp em nhận ra bài học gì?

II. Làm văn (6đ):

Em hãy thuyết minh về cái kéo.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 10

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.”

Câu 1 (1đ): Nêu câu chủ đề của văn bản.

Câu 2 (1đ): Từ đoạn văn trên, em hãy kể ra những “giá trị có sẵn tốt đẹp” của bản thân mình.

Câu 3 (2đ): Đoạn văn giúp em nhận ra điều gì?

II. Làm văn (6đ):

Suy nghĩ của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 11

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Trên bao dặm đường dài của cuộc đời, có thể cũng có lúc con chồn chân, mỏi gối và đớn đau. Đó chưa hẳn là bất hạnh đâu con ạ. Đời người, nếu bằng phẳng quá, cũng coi như mình chưa từng nếm đủ các dư vị của cuộc đời. Nhạt nhẽo, không thể là nguyên liệu của hạnh phúc.

Mẹ không cầu chúc con may mắn. Mẹ không cầu chúc con sung sướng, hạnh phúc hơn người. Mẹ chỉ mong muốn con của mẹ luôn là một CON NGƯỜI có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và với non sông, đất nước này.

(Trích: Thư mừng sinh nhật con gái 21 tuổi – nguồn: Giáo dục, Vietnamnet)

Câu 1: Người mẹ cầu chúc điều gì cho con mình?

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản.

Câu 3: Em hiểu thế nào về câu: “Đời người, nếu bằng phẳng quá, cũng coi như mình chưa từng nếm đủ các dư vị của cuộc đời. Nhạt nhẽo, không thể là nguyên liệu của hạnh phúc.”

II. Làm văn (6đ):

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

Đáp án đề thi học kì1 lớp 9 môn Ngữ Văn đề số 11: Đáp án Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 11.

Đề thi học kì 1 môn Văn 9 Đề 12

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

"Hài hước cũng phải học, học để thưởng thức được cái hài, học để diễn được cái hài. Chính khách nhiều nước phải thuê thầy riêng đến nhà dạy cách pha trò hài hước. Hài để làm cho việc tuyên truyền được vui vẻ tự nhiên đậm đà ý nhị. Hài để tấn công đối thủ cũng đang đi vận động tuyên truyền lấy phiếu cử tri. Hài để đá bóng về sân đối phương. Hài để gỡ bí trong tình huống trớ trêu khó xử. Lúc ấy mà mặt khó đăm đăm thì chắc chắn sẽ liệt, sẽ mất điểm.

Chính khách khi nói một câu hóm hỉnh chưa chắc đã thực lòng nói, diễn đấy. Nghệ sĩ nhân dân đấy nghệ sĩ ưu tú đấy. Nhưng cái hóm hỉnh hài hước ấy thuyết phục được cử tri và công chúng, vậy là đạt được mục đích.

Cao hơn cả diễn nữa, là mình có khả năng hiểu được cái hài, thích cái hài, thấm được cái hài, mình cười một cách tự nhiên, pha trò một cách tự nhiên. Đấy là của trời cho. Đấy là người được thiên phú. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ".

(Trích Không biết cười – Hồ Anh Thái, Lang thang trong chữ, Nxb Trẻ, 2015, tr. 56)

Câu 1 (0,5đ): Chủ đề của đoạn văn là gì?

Câu 2 (1đ): Tác giả đã nói về những tác dụng gì của cái hài và nói với giọng điệu ra sao? Hãy liệt kê các yếu tố hình thức cho phép em nhận ra giọng điệu ấy.

Câu 3 (1đ): Trong đoạn văn, từ "diễn" được tác giả dùng đến ba lần. Em hiểu như thế nào về hàm nghĩa của từ này?

Câu 4 (1,5đ): Từ điều tác giả Hồ Anh Thái gợi mở, hãy viết một đoạn văn khoảng 5 - 7 câu nói về ý nghĩa của cái hài trong cuộc sống.

II. Làm văn (6đ):

Cảm nhận của em về tình cha con giữa anh Sáu và bé Thu qua truyện ngắn Chiếc lược ngà.

---------------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Ngoài Bộ đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn tải nhiều, mời các bạn tham khảo thêm Soạn Văn 9 và các đề thi học kì 1 lớp 9 khác trên VnDoc để có sự chuẩn bị cho kì thi học kì 1 sắp tới đạt kết quả cao.

Chúc các em học tập thật tốt.

Đánh giá bài viết
36 66.302
Sắp xếp theo

    Đề thi học kì 1 lớp 9

    Xem thêm