Bộ đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9

Để giúp quý thầy cô cùng các bạn học sinh thuận tiện hơn trong quá trình ôn thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 VnDoc.com đã sưu tầm và tổng hợp đề thi của các huyện trên cả nước tạo thành tài liệu: Bộ đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 – 2017. Với tài liệu này chúng tôi hi vọng rằng các bạn học sinh sẽ đạt được thành tích cao.

ĐỀ SỐ 1

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THUỶ
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS NĂM HỌC: 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Đề thi có: 01 trang

Câu 1 (8,0 điểm)

Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?

Em hãy viết một bài văn ngắn, trình bày suy nghĩ, quan điểm của em để trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về khả năng tác động của tác phẩm văn học đến tâm hồn con người, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã cho rằng: "Mỗi tác phẩm như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi..."

(Tiếng nói của văn nghệ - SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 14)

Em hiểu như thế nào về ý kiến trên?

Từ bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy) hãy phân tích và làm rõ ánh sáng riêng mà tác phẩm này đã soi rọi vào tâm hồn em.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Câu 1 (8,0 điểm)

* Lưu ý: Đây là dạng đề mở. Vấn đề mà đề bài nêu ra lại được diễn đạt bằng một câu nghi vấn. HS trả lời câu hỏi đề bài nêu ra, từ đó thể hiện được tư tưởng, quan điểm của bản thân. Với vấn đề mở như thế này, không gò bó bắt buộc học sinh phải trả lời theo khuôn mẫu. HS được bày tỏ quan điểm của cá nhân: Có thể đồng tình hoàn toàn, có thể chỉ đồng tình với một khía cạnh nào đó của vấn đề. Điều quan trọng nhất là phải có lí lẽ, có lập luận để làm sáng tỏ ý kiến, đảm bảo sự đúng đắn, lô-gíc. Giám khảo chấm chủ yếu căn cứ vào cách tư duy, vốn kiến thức, sự hiểu biết, cách lập luận, lí lẽ của HS thể hiện trong bài làm để đánh giá.

A. Yêu cầu về kĩ năng

  • HS biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội, dạng bài bày tỏ ý kiến trước một tư tưởng, một quan điểm.
  • Biết kết hợp các thao tác nghị luận: Giải thích, chứng minh, bình luận..., biết lập luận chặt chẽ để bài làm có sức thuyết phục.
  • Biết đặt vấn đề vào thực tế cuộc sống để bàn luận: Có sự hiểu biết từ thực tế cuộc sống để lấy được những dẫn chứng tiêu biểu, biết phân tích, bàn luận để làm nổi bật vấn đề.

B. Yêu cầu về nội dung

1. Giải thích, xác định được vấn đề cần nghị luận (Phần này cho: 2,0 điểm)

  • Những điều ngọt ngào: Là những lời nói ngọt, những cử chỉ thái độ cư xử dịu dàng, âu yếm..., những hành động mang ý nghĩa tích cực như: Động viên, khen ngợi, tán dương, chiều chuộng, cưng nựng...
  • Yêu thương: Là tình cảm yêu mến, ưu ái, gắn bó giữa người với người.

=> Ý kiến này đã gợi ra cho mỗi chúng ta suy ngẫm về cách thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống: Người ta thường nghĩ những điều ngọt ngào mới là biểu hiện của tình yêu thương, nhưng thực ra có nhiều cách biểu hiện tình yêu thương...

2. Bàn luận về vấn đề: (Phần này cho: 4,0 điểm)

  • Những điều ngọt ngào luôn đem lại cho người ta cảm giác vui sướng, hạnh phúc. Nó làm ta thấy hài lòng, thích thú, đôi khi khiến ta có thêm niềm say mê, quyết tâm... (Ví dụ: Sự quan tâm, chiều chuộng..., những lời khen ngợi, động viên khích lệ của thầy cô, cha mẹ..., lời khen, lời tán dương của bạn bè...) => Vì vậy khi đón nhận những điều ngọt ngào thì ta thường coi đó là biểu hiện của tình yêu thương (HS lấy dẫn chứng, phân tích........)
  • Nhưng không phải lúc nào những điều ngọt ngào cũng làm nên yêu thương. Nhiều khi sự khắt khe, nghiêm khắc, thậm chí những điều cay đắng... cũng là biểu hiện của tình yêu thương. Những điều ấy có thể khiến ta cảm thấy khó chịu, nhưng nó lại xuất phát từ sự chân thành, từ mong muốn những điều tốt cho ta..., đó cũng chính là biểu hiện của yêu thương thật sự. (HS lấy dẫn chứng, phân tích, ví dụ như sự nghiêm khắc, khắt khe, thái độ cứng rắn không dung túng cho con cái, cho học trò của cha mẹ, của thầy cô..., những lời nói thẳng nói thật của bạn bè........)
  • Trong thực tế cuộc sống, có những ngọt ngào không xuất phát từ yêu thương và có những điều cay đắng không làm nên yêu thương. (HS lấy dẫn chứng, phân tích........)
  • Cuộc sống phong phú và muôn màu muôn vẻ, nếu chúng ta có cái nhìn phiến diện, đơn giản về tình yêu thương như vậy, nếu chỉ biết đón nhận tình yêu thương thông qua những ngọt ngào thì nhiều khi ta sẽ bỏ lỡ nhiều yêu thương thực sự, cũng như phải nhận những yêu thương giả dối... (HS lấy dẫn chứng, phân tích........)

3. Bài học nhận thức và hành động: (Phần này cho: 2,0 điểm)

  • Cần nhận thức đúng đắn về tình yêu thương: Không phải chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương. Cần biết lắng nghe, trân trọng cả những điều "không ngọt ngào", nếu những điều ấy xuất phát từ sự chân thành, nếu những điều ấy là cần thiết để giúp ta hoàn thiện hơn bản thân mình...
  • Biết trân trọng những tình yêu thương chân thành mà bản thân nhận được từ mọi người xung quanh...
  • Có ý thức và hành động cụ thể để đem sự yêu thương đến cho mọi người và cho chính bản thân mình. (Liên hệ bản thân)

Câu 2 (12,0 điểm)

A. Yêu cầu về kĩ năng

  • Kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, khả năng cảm thụ thơ, kĩ năng tạo lập văn bản để làm bài.
  • Thí sinh có thể cảm nhận và trình bày theo những cách khác nhau, nhưng phải rõ hệ thống luận điểm, có lí lẽ, lập luận chặt chẽ, căn cứ xác đáng.
  • Diễn đạt trong sáng; dùng từ đặt câu chuẩn xác.

B. Yêu cầu về kiến thức

1. Giải thích ý kiến

  • Soi rọi vào tâm hồn: Làm bừng sáng, thức tỉnh những điều lương thiện, những điều tốt đẹp trong tâm hồn người đọc.
  • Ánh sáng riêng: Là những điều tốt đẹp nhất (những điều chân - thiện - mĩ) được gửi gắm qua mỗi tác phẩm...
  • Không bao giờ nhòa đi: Không phai nhạt, không thể mất đi, nó được khắc sâu và trở thành ánh sáng của tâm hồn

=> Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã khẳng định sự tác động mạnh mẽ của tác phẩm văn học: Thức tỉnh tâm hồn con người, hướng con người những điều tốt đẹp nhất

=> Đây là chức năng giáo dục, chức năng cảm hóa của văn học.

2. Phân tích, làm rõ vấn đề qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

* Khái quát về tác phẩm:

  • Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Khi chiến tranh kết thúc, người lính (Nguyễn Duy) trở về với cuộc sống đời thường.
  • Đề tài: Bài thơ khai thác đề tài về đời sống nội tâm của người lính trong thời bình, giữa cuộc sống đời thường.
  • Hai hình tượng nghệ thuật trung tâm là ánh trăng và người lính đã góp phần thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm: Lối sống thủy chung tình nghĩa, không thờ ơ bạc bẽo với quá khứ, biết trân trọng giá trị của quá khứ

* Ánh sáng riêng từ bài thơ Ánh trăng:

  • Hình ảnh vầng trăng gắn với những kỉ niệm tuổi thơ, gắn với kỉ niệm một thời lính chiến của nhà thơ đã đánh thức những kỉ niệm, những kí ức trong lòng mỗi người, đánh thức những cảm xúc trong trẻo, đẹp đẽ nhất trong mỗi chúng ta về thời quá khứ... (HS phân tích hình ảnh vầng trăng trong hai khổ thơ đầu)
  • Những tâm sự mà Nguyễn Duy gửi gắm qua bài thơ đã làm thức tỉnh trong lòng người đọc nhiều điều thấm thía:
    • Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường, giữa những vội vã gấp gáp của nhịp sống hiện đại, nhưng con người vẫn nên có những khoảnh khắc sống chậm lại để nhìn lại quá khứ...
    • Không được thờ ơ, phũ phàng với quá khứ. Sống với ngày hôm nay nhưng không thể hoàn toàn xóa sạch kí ức của ngày hôm qua..., luôn thủy chung, giữ trọn vẹn nghĩa tình với quá khứ, trân trọng những điều thiêng liêng đẹp đẽ trong quá khứ... (HS phân tích các khổ thơ 3, 4, 5, 6)
    • Dám dũng cảm đối diện với chính bản thân mình, đối diện với lương tâm mình để nhìn nhận rõ những sai lầm. Khoảnh khắc lương tâm thức tỉnh là khi sự thánh thiện, lối sống tình nghĩa, thủy chung được thức tỉnh trong tâm hồn; sự vô tình vô nghĩa, thái độ sống thờ ơ vô cảm, thậm chí sự vô ơn, bạc bẽo... bị đẩy lùi (HS phân tích cái giật mình của nhà thơ trong câu thơ cuối)

* Liên hệ: Gắn vấn đề Nguyễn Duy đặt ra trong bài thơ vào cuộc sống đương thời và liên hệ với bản thân:

  • Trong cuộc sống hiện đại đương thời, nhịp sống vội vàng, gấp gáp, con người có nhiều to toan, bận rộn... nên đôi khi thờ ơ với quá khứ, thậm chí sống nhanh, sống gấp, thờ ơ với cả những gì thân thuộc đang diễn ra ngay xung quanh mình. (cả vô tình và cả hữu ý) (HS lấy dẫn chứng và phân tích
  • Liên hệ bản thân, rút ra bài học sâu sắc, thấm thía.

3. Tổng kết, khái quát lại vấn đề

* Quay trở lại với ý kiến của Nguyễn Đình Thi:

  • Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến, khẳng định chức năng giáo dục, chức năng cảm hóa tâm hồn con người là chức năng quan trong nhất của văn học...
  • Khẳng định giá trị của bài thơ Ánh trăng: Có tính giáo dục, có sức mạnh làm thức tỉnh tâm hồn người đọc => Điều này làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm

* Lưu ý:

  • Nếu HS không hiểu đề bài, đi phân tích diễn xuôi bài thơ theo lối thông thường mà không hướng vào trọng tâm vấn đề là: Ánh sáng riêng từ tác phẩm, không có lí lẽ lập luận, không rõ luận điểm. thì cho tối đa không quá nửa số điểm của cả câu.
  • Giám khảo chấm phải linh hoạt, căn cứ cụ thể vào bài làm của học sinh.

ĐỀ SỐ 2

PHÒNG GD&ĐT ĐẠI LỘC

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 (NĂM HỌC 2016 - 2017)
Môn: Ngữ văn 9 (Thời gian: 150 phút)

Câu 1 (3,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."

("Viếng lăng bác"- Viễn Phương)

a/ Từ "mặt" và từ "hoa" trong khổ thơ trên được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Nếu là nghĩa chuyển thì chuyển theo phương thức nào?

b/ Xác định các biện pháp nghệ thuật tu từ trong đoạn thơ trên và phân tích giá trị thẩm mĩ của nó trong mạch cảm xúc của bài thơ. (Viết thành đoạn văn)

Câu 2 (6,0 điểm): Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" Thanh Hải viết:

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc"

Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên bằng một bài văn ngắn.

Câu 3 (10,0 điểm): Hãy tưởng tượng em là bé Đản (trong truyện người con gái Nam Xương) năm 20 tuổi, trong một lần đến miếu Vũ Nương viếng mẹ, được gặp lại mẹ của mình. Em hãy kể lại buổi gặp gỡ ấy.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Câu 1 (3,0 điểm)

a/ Từ "mặt" được dùng theo nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ (0,25 điểm), từ "hoa" dùng theo nghĩa gốc (0,25 điểm)

b/ HS xác định được biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong khổ thơ: Ẩn dụ (0,25 điểm).

* Các hình ảnh ẩn dụ: Mặt trời (câu thơ thứ 2 của khổ thơ) (0,25 điểm), tràng hoa (0,25 điểm), mùa xuân (0,25 điểm)

* Phân tích được giá trị thẩm mỹ của biện pháp nghệ thuật ấy. (1,5 điểm)

  • Ca ngợi bác Hồ - người như mặt trời: Đem đến ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống mới cho dân tộc Việt Nam (0,5 điểm)
  • Thể hiện tình yêu thương, lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của người dân Việt Nam đối với Bác Hồ (0,5 điểm)
  • Ca ngợi cuộc đời đẹp đẽ, có ý nghĩa vô cùng to lớn của Bác Hồ (0,5 điểm)

Câu 2: (7,0 điểm)

1. Yêu cầu

a/ Về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b/ Về kiến thức:

* Học sinh có thể trình bày nhận thức của mình về vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng hệ thống lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí.

* Cần nêu được các ý sau:

  • Khát vọng sống và cống hiến mãnh liệt của nhà thơ Thanh hải
  • Tâm nguyện đóng góp cho đời của nhà thơ rất chân thành nhưng cũng rất khiêm tốn.
  • Thấy được chân lý sống là cống hiến cho đời cả cuộc đời của tác giả.
  • Ý thức rèn luyện và sống có ý nghĩa của bản thân em trong hiện tại và cả tương lai.
  • Liên hệ thái độ sống của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay: Phê phán thái độ sống buông thả, ích kỉ, thờ ơ, chỉ biết hưởng thụ.
  • Khẳng định thái độ sống đúng đắn: Sống phải cống hiến, đó là quan niệm sống đẹp làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

3/ Biểu điểm

  • 7 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, có nhiều ý hay, có thể có một vài lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả.
  • 5 - 6 điểm: Đáp ứng khá các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, có một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • 3 - 4 điểm: Mới đáp ứng tương đối các yêu cầu trên, lập luận còn lủng củng, phạm nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • 1 - 2 điểm: Còn nhiều hạn về kĩ năng làm bài, kiến thức chưa đảm bảo, có nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • 0 điểm: Không làm được gì hoặc viết lạc đề.

Câu 3 (10,0 điểm): Hãy tưởng tượng em là bé Đản (trong truyện người con gái Nam Xương) năm 20 tuổi, trong một lần đến miếu Vũ Nương viếng mẹ, được gặp lại mẹ của mình. Em hãy kể lại buổi gặp gỡ ấy.

1/ Yêu cầu

a/ Về kĩ năng:

  • Đề bài yêu cầu kể chuyện tưởng tượng. Người kể hóa thân vào nhân vật để kể chuyện.
  • Cần kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận và các hình thức sử dụng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm.
  • Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, trình bày rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ, dùng từ, đặt câu đúng, diễn đạt trong sáng và giàu sức biểu cảm.

b/ Về kiến thức: Cần nói được những ý sau:

  • Nội dung chính là cuộc gặp gỡ giữa bé Đản và Vũ Nương khi Đản đã 20 tuổi.
  • Tâm sự của Đản: Hiểu thấu nỗi oan của mẹ, đau đớn vì sự ngây thơ của mình ngày xưa – là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ, khát khao mong được thấy lại mẹ mình, mong mẹ tha thứ cho lỗi lầm của quá khứ.
  • Sự hiểu biết của Đản: Sự độc đoán, vũ phu, thiếu hiểu biết, đa nghi của cha là nỗi bất hạnh của mẹ; quan niệm sống trọng nam khinh nữ, chế độ nam quyền gây ra nỗi đau cho người phụ nữ; có ý thức thay đổi bản thân, cố gắng thay đổi mọi người xung quanh để mọi người biết đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn
  • Nhân vật Vũ Nương: Thương yêu, mong nhớ con; vi tha với lỗi của con và chồng; hiểu biết hơn về con đường dẫn đến hạnh phúc của người phụ nữ.
  • Câu chuyện có thể có thêm các nhân vật khác để trở nên hấp dẫn và toát lên tư tưởng của người viết.

2/ Biểu điểm

  • 9 - 10 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bài viết sáng tạo, làm rõ được chủ đề câu chuyện, có thể có một vài lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả.
  • 7 - 8 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu trên, cơ bản làm rõ được chủ đề câu chuyện, ít lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • 5 - 6 điểm: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên, trình bày có phần hạn chế, còn phạm một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • 3 - 4 điểm: Đáp ứng tương đối các yêu cầu trên, việc kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận còn mờ nhạt, phạm nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
  • 1 - 2 điểm: Chưa đảm bảo yêu cầu, văn viết rời rạc, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
  • 0 điểm: Không làm được gì hoặc viết lạc đề.

* Lưu ý:

1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản mang tính định hướng, giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm; tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc; cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của học sinh; phát hiện, trân trọng những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách trình bày khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lý, có sức thuyết phục.

2. Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, điểm lẻ đến 0,25 điểm.

Đánh giá bài viết
17 50.754
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm