Các bước rèn kỹ năng giải Toán cho học sinh Tiểu học

Các bước rèn kỹ năng giải Toán cho học sinh Tiểu học

Để giúp học sinh giải được tốt các bài toán cần hướng dẫn các em nắm được các bước chung, cơ bản nhất. Sau đây là các bước rèn kỹ năng giải Toán cho học sinh Tiểu học, các thầy cô cùng các em cùng tham khảo.

Bí quyết dạy Toán có lời văn ở tiểu học

Bài tập sử dụng tính chẵn lẻ trong giải Toán

Các bước giải Toán cho học sinh Tiểu học

Bước 1: Đọc kĩ đề bài. (2; 3 lần):

Trước khi giải một bài toán, ta cần phải đọc thật kĩ đề bài. Đọc chậm rãi, vừa đọc vừa suy nghĩ. Tìm hiểu mỗi ý trong khi ta đọc đã nói lên được điều gì và nó gợi cho ta dự đoán được điều gì không? Vì mỗi ý trong đề bài đều có liên quan đến việc giải bài Toán.

Khi đọc kỹ đề toán cần lưu ý mấy điểm sau:

  • Trong bất kỳ bài toán nào cũng có hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất là những điều đã cho; bộ phận thứ hai là cái phải tìm. Bắt buộc phải xác định cho được, cho đúng những cái đã cho, những cái phải tìm trong bài toán.
  • Hướng dẫn học sinh nắm rõ những gì thuộc về bản chất của đề toán, từ nào chưa hiểu hết ý nghĩa thì phải nắm hiểu ý nghĩa của nó.
  • Hướng dẫn học sinh nắm rõ những gì thuộc về bản chất của đề toán, những gì không thuộc về bản chất đề Toán để hướng sự chú ý vào những chỗ cần thiết.

Bước 2: Tìm hiểu mối quan hệ giữa các dữ kiện

Sau khi đọc xong đề bài, ta tìm hiểu xem những điều đề bài đã cho, chúng có mối quan hệ với nhau như thế nào? Qua những mối quan hệ giữa các dữ kiện đó, ta có thể dự đoán được điều gì?

Bước 3: Tóm tắt, vẽ hình. (nếu cần)

Ta có thể tóm tắt (hay vẽ hình) đề bài bằng cách nào thuận tiện nhất, biểu hiện mối quan hệ giữa các dữ kiện một cách rõ ràng nhất.

Đối với những dạng toán điển hình như: Tổng hiệu, tổng tỉ, hiệu tỉ, ta phải tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng, qua đó ta tìm được cách giải dễ dàng hơn.

Bước 4: Tìm hiểu yêu cầu của đề bài. (Hỏi gì?)

Đọc và tìm hiểu kĩ đề bài hỏi ta điều gì? Yêu cầu chúng ta làm gì?

Bước 5: Phân tích để tìm hướng giải

Khi chúng ta đã biết được những điều đề bài đã cho và mối quan hệ của chúng, biết được yêu cầu của đề bài, ta có thể dựa vào yêu cầu đó để phân tích tìm cách giải bài toán, bằng cách đi ngược từ câu hỏi của bài toán trở về những điều đã có trong đề bài.
Nói thì đơn giản, chứ đây là một bước rất quan trọng dẫn đến con đường giải xong bài toán.

Bước 6: Giải và trình bày bài giải

Tìm được cách giải bài toán, ta tiến hành giải ở nháp. Đặt lời giải rõ ý, tính toán cẩn thận và xem kĩ cách trình bày bài giải như thế có phù hợp hay chưa, có cần sửa chữa, chỉnh đốn những điểm nào trong bài giải. Chú ý các hình vẽ, các tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng (nếu có) để trình bày cho chính xác.

Bước 7: Kiểm tra lại kết quả tìm được

Sau khi chúng ta kiểm tra lại kết quả thật chính xác, ta ghi bài vào bài làm chính thức một cách rõ ràng, sạch sẽ.

Bước 8: Khai thác bài toán

Bước này dành cho học sinh khá, giỏi. Sau hi giải xong bài toán cần suy nghĩ xem: Còn những cách nào khác để giải bài toán nữa không? Từ bài toán này có thể rút ra những nhận xét, kinh nghiệm gì? Từ bài toán này có thể phát triển, đặt ra các bài toán khác như thế nào? Giải chúng ra sao? Mối quan hệ xuôi ngược là thế nào? v.v...

Đánh giá bài viết
1 964
Sắp xếp theo

    Học tập

    Xem thêm