Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà học sinh Tiểu Học cần có

VnDoc.com xin tổng hợp tới các thầy cô cùng phụ huynh một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà học sinh Tiểu Học cần có. Mời các bạn cùng xem nội dung chi tiết để dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ.

1. Kỹ năng an toàn khi tự chơi

Trong quá trình chơi đùa thì trẻ dễ gặp phải các tình huống như ngã, chảy máu, làm đổ vỡ các vật dụng trong gia đình. Cha mẹ cần dạy con cách xử lí những tình huống này khi mà cha mẹ không có ở nhà. Theo đó cha mẹ nên dạy con cách xử lí vết thương. Trong gia đình cần bố trí hộp thuốc cứu thương ở vị trí vừa tầm với của trẻ, khi trẻ bị thương cần lấy oxy già rửa vết thương để tránh nhiễm trùng, sau đó bôi thuốc và dùng băng gạc. Bên cạnh đó thì cha mẹ cũng cần nhắc nhở con khi chơi tránh xa những vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, bếp ga, phích nước, ổ cắm, dây điện bởi những vật này tiềm ẩn nguy hiểm nếu trẻ không cẩn thận. Trẻ phải hiểu đâu là những đồ vật mình nên chơi và đâu là những đồ mình không được phép chơi. Trong bối cảnh hầu hết các bậc cha mẹ đều bận rộn với công việc, thường để trẻ tự chơi một mình thì việc trang bị cho trẻ kĩ năng an toàn khi chơi là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.

Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà học sinh Tiểu Học cần có

2. Kĩ năng tìm lối thoát hiểm

Nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra đe dọa đến sự nguy hiểm của trẻ như cháy nổ, chập điện… Điều này đòi hỏi cha mẹ cần cung cấp cho con một số kĩ năng để trẻ có thể thoát hiểm, rời khu vực nguy hiểm để tìm đến khu vực an toàn một cách nhanh nhất. Theo đó, trong những cuộc đi chơi đến các trung tâm giải trí, đi xem phim hay đến nhà hàng, siêu thị… cha mẹ cần dạy con phải biết quan sát nhanh chóng lối thoát hiểm ở đâu để đề phòng khi có tình huống nguy hiểm xảy ra, con biết xác định phương hướng lối ra. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con phải thật bình tĩnh trước những sự cố đó, cần phải xếp hàng thoát hiểm lần lượt chứ không nên chen lấn xô đẩy vì như vậy sẽ khiến cơ thể bị tổn thương. Có thể ban đầu trẻ sẽ không quen và không thích vì phải luôn tìm xem vị trí thoát hiểm ở đâu nhưng chỉ cần bố mẹ kiên trì nhắc nhở thì tự khắc trẻ hình thành được thói quen, biết bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm trong cuộc sống.

3. Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể

Vấn đề ấu dâm, xâm hại cơ thể trẻ em đang rất nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay. Các đối tượng xấu dựa trên sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của trẻ mà có những hành vi xấu, ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ. Để giúp trẻ có thể bảo vệ bản thân thì cha mẹ cần trang bị cho con một số kĩ năng phòng tránh xâm hại cơ thể. Muốn làm được điều này đòi hỏi cha mẹ phải luôn chia sẻ, cởi mở với con, cung cấp cho con những thông tin cần thiết, ví dụ như hành vi nào được coi là xâm phạm cơ thể, khi con gặp tình huống đó thì con xử lí ra sao? Cha mẹ cần dạy trẻ tuyệt đối không cho người khác động chạm đến những vùng kín của mình, nếu có chuyện gì thì luôn thông báo để cha mẹ được biết và tìm cách giải quyết. Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể là một trong những kĩ năng vô cùng quan trọng mà bất cứ trẻ tiểu học nào cũng cần phải biết để biết tự bảo vệ bản thân.

4. Kỹ năng ứng xử khi bị lạc

Rất nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra, ví dụ như trẻ đang đi chơi công viên, khu trung tâm giải trí, khu công cộng mà bị lạc khỏi cha mẹ hoặc người thân thì rất nguy hiểm. Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang và lo sợ. Để có thể giảm thiểu nguy cơ này, cha mẹ nên dạy trẻ tiểu học biết một số thông tin cơ bản và quan trọng như: số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà riêng, tên trường và địa chỉ trường học. Có như vậy nếu trẻ không may bị lạc, trẻ vẫn có thể liên hệ được với gia đình một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Trong nhiều trường hợp, lúc lạc đường trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn không nhớ được gì thì cha mẹ cần cẩn thận viết các thông tin cơ bản lên một tờ giấy và luôn đặt trong cặp sách hay túi đồ của trẻ. Đây là kỹ năng cần thiết mà cha mẹ nên trang bị cho trẻ tiểu học để tránh những tình huống đáng tiếc, không may có thể xảy ra.

5. Kỹ năng tham gia giao thông

Hàng ngày trẻ có thể được bố, mẹ chở đi học, khi đó trong quá trình di chuyển, cha mẹ có thể chỉ một số biển báo trên đường và dạy trẻ hiểu biển báo đó mang ý nghĩa gì. Ví dụ như biển báo hình tròn màu đỏ, ở giữa có gạch ngang màu trắng là biển cấm đi ngược chiều, hoặc dạy con cách qua đường sao cho an toàn. Dạy con kĩ năng tham gia giao thông để trẻ có sự tôn trọng luật giao thông đường bộ, có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người tham gia giao thông trên đường.

----------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà học sinh Tiểu Học cần có. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu bổ ích nhé.

Đánh giá bài viết
1 2.713
Sắp xếp theo

Kỹ năng sống

Xem thêm