Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm Dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Nêu cảm nhận về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

1. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm.

Mẫu: Đức tính giản dị là một đức tính vô cùng quý báu của dân tộc ta được truyền từ đời này sang đời khác. Đức tính quý báu đó được tác giả Phạm Văn Đồng trình bày lại vô cùng xuất sắc qua tác phẩm “Đức tính giản dị của Bác Hồ”.

2. Thân bài: Sự vị đại của Bác trong hoạt động chính trị và sự giản dị trong cuộc sống thường ngày:

- Đức tính giản dị trong bữa ăn, sinh hoạt

  • Mỗi bữa cơm chỉ có vài ba món giản dị, lúc ăn không để rơi vãi một hạt cơm nào, bát đũa lúc nào cũng sạch, thức ăn còn lại được sắp xếp một cách gọn gàng tươm tất
  • Nội dung thể hiện qua những năm tháng tác giả làm việc, sống bên cạnh Bác.

- Giản dị trong nơi ở

  • Nơi Bác ở không quá cầu kì cao sang, Bác sống hòa mình vào với thiên nhiên, xung quanh căn nhà nhỏ luôn mang hương vị của cỏ cây hoa lá
  • Những công việc nhỏ nhặt Bác luôn tự làm lấy mà không cần bất cứ sự giúp đỡ của ai

- Cuộc sống tạo nên nhân cách con người

  • Bác không phải là sống khắc khổ theo lối tu hành, cũng không phải là sống thanh bạch theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật.
  • Đời sống giản dị của Bác là xuất phát từ chính sự hòa hợp tuyệt đẹp giữa cách hòa quyện bản thân với sự sôi nổi, phong phú của xã hội

3. Kết bài: Cảm nghĩ về tác phẩm:

Mẫu: Qua tác phẩm tác giả vừa thể hiện về phẩm chất đáng quý của Bác vừa một lòng thể hiện sự kính mến và biết ơn đối với Bác, hơn thế nữa qua tác phẩm tác giả cũng muốn gửi gắm một bài học quý giá về đạo đức con người thông qua vị cha già vĩ đại của dân tộc ta.

Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng mẫu 1

Tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ do Phạm Văn Đồng chắp bút là một áng văn nghị luận giàu giá trị. Nó giúp cho những thế hệ mai sau, không có may mắn gặp Bác trực tiếp, được hiểu hơn về nét đẹp giản dị trong lối sống của Bác Hồ.

Bác Hồ là một vị lãnh tụ, nhưng Người khác hoàn toàn so với những vị lãnh tụ khác trên thế giới. Bởi Bác luôn giữ cho mình một lối sống giản dị. Từ trong lời ăn tiếng nói, phong cách ăn mặc hằng ngày cho đến cả cách ứng xử với người khác.

Là Chủ tịch nước, nhưng Bác chỉ sống trong một căn nhà sàn nhỏ, với các đồ vật giản đơn, bình thường. Những bữa ăn của Bác cũng chỉ gồm ba món. Khi ăn, Bác luôn quý trọng từng hạt cơm, tuyệt không để rơi vãi. Thức ăn còn dư thì được cất lại gọn gàng. Áo quần, giày dép của Bác cũng ít ỏi lắm, chỉ cần còn mặc được thì dù có cũ cũng không bị vất đi.

Tuy bận rộn với việc nước, nhưng Bác vẫn tự chăm lo cho cuộc sống của mình. Chẳng cần kẻ hầu người hạ. Không những thế, Bác còn dành thời gian tự tay chăm sóc cho vườn cây, ao cá cạnh nhà. Điều đó khiến người dân càng thêm yêu quý và kính trọng Bác.

Sự giản dị của Bác còn được thể hiện qua những lời nói và phong cách ứng xử hằng ngày. Tùy từng trường hợp mà có chút sự thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, với bà con nhân dân, với các em thiếu nhi, lời Bác luôn mộc mạc và dễ hiểu. Bởi cốt là Bác muốn truyền tới mọi người tình cảm chân thành của mình.

Bác chọn cho mình lối sống giản dị, là chọn cách sống hòa hợp giữa cá nhân và tập thể, giữa con người và thiên nhiên, giữa sự đơn giản và phong phú. Chứ không phải là sống một cách ẩn dật, chẳng màng thế sự như các bậc hiền triết ngày xưa. Lối sống đáng quý ấy, đã được tác giả Phạm Văn Đồng thể hiện rõ nét trong văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ.

Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng mẫu 2

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành trọn cho nhân dân Việt Nam, Người đã dâng trọn 79 mùa xuân của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Những đóng góp cho Tổ quốc đi cùng với tấm lòng bao dung, nhân hậu và những vẻ đẹp phẩm cách thanh cao của Người đã vĩnh viễn in sâu vào trong ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là trong ký ức của những người đã có vinh hạnh được cùng chung sống, tiếp xúc và học tập ở nơi Bác. Một trong số đó chính là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò, cộng sự thân thiết nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những tình cảm sâu nặng, yêu quý tha thiết đối với Bác, Phạm Văn Đồng đã viết nhiều những bài văn, những mẩu chuyện ngắn về Bác, tiêu biểu trong số đó là bài viết Đức tính giản dị của Bác Hồ để bộc lộ, cũng như làm rõ một trong những vẻ đẹp tâm hồn cao quý bậc nhất của vị lãnh tụ vĩ đại.

Đức tính giản dị của Bác Hồ

Tác giả đã mở đầu tác phẩm bằng cách đưa vào một luận điểm lớn với hai vế đối lập hoàn toàn với nhau để làm nổi bật đức tính giản dị thống nhất trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác đó là: "sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch". Ở hai vế của luận điểm thoạt đầu nhìn có vẻ là một sự đối lập và cách biệt lớn, thế nhưng trên thực tế với một con người vĩ đại như Bác, thì hai vế ấy lại vừa đối lập đồng thời cũng bổ sung một cách chặt chẽ cho nhau, thể hiện một cách rõ nét đặc điểm riêng nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh ấy là sự hài hòa cân đối giữa sự nghiệp cách mạng lớn lao và đời sống sinh hoạt giản dị, đời thường. Đồng thời song song với việc đưa ra luận điểm về đức tính giản dị của Bác, cố thủ tướng còn tinh tế luồn vào một lời bình rất sâu sắc, rất đỗi trân trọng yêu thương rằng ""Rất lạ lùng, rất kỳ diệu...Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một chiến sĩ cách mạng, tất cả vì dân, vì nước, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp". Cách viết ấy không chỉ làm nổi bật được chủ đề, luận điểm của bài viết, mà còn thể hiện được một cách rõ nét những tình cảm trân trọng, gắn bó và sự ngưỡng mộ đối với Bác của tác giả.

Tiếp theo để chứng minh cho luận điểm của mình, tác giả đã lần lượt dẫn ra các luận cứ thể hiện sự giản dị của Bác Hồ trong nhiều khía cạnh của đời sống và công việc. Bắt đầu với những phương diện đời thường nhất ấy là trong cung cách ăn ở sinh hoạt với những dẫn chứng tiêu biểu và thực thuyết phục như "bữa cơm chỉ có vài ba món", "lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột nào", "cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại đều được sắp xếp tươm tất". Thêm vào đó lời bình "Ở việc làm nhỏ đó đó chúng ta thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ", lại càng bổ sung thêm cho đức tính giản dị của Bác là xuất phát từ một tâm hồn thật đẹp biết trân quý sức lao động của con người, trân quý từng hạt gạo mà nhân dân đổ mồ hôi làm ra, cũng bộc lộ cả tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Bác chỉ từ những cử chỉ, thói quen nhỏ. Đó là ở cái ăn, còn chỗ ở của Bác cũng giản dị và đơn bạc, căn nhà của Bác "vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng", thế nhưng vì có Bác nên nó cũng trở nên thật đẹp, một vẻ đẹp lộng gió của thời đại, ngập tràn ánh sáng của niềm tin, cùng với những hương thơm phảng phát từ các thứ hoa cỏ trong vườn mà tự tay Bác chăm bón vun trồng. Điều ấy không chỉ thể hiện lối sống giản dị của một người ở cương vị Chủ tịch nước mà còn thể hiện cả những nét đẹp tâm hồn hiếm có: thanh bạch và tao nhã! Bác sống chan hòa với thiên nhiên và gắn bó với thiên nhiên bằng những tình cảm tha thiết, yêu thương. Đặc biệt ở cương vị người lãnh đạo một đất nước nhưng Bác vẫn giữ cho mình một lối sống tự túc, giản đơn, Bác là người "suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc", "việc gì Bác tự làm được thì không cần đến người giúp, cho nên bên cạnh Bác người giúp việc và phục vụ chỉ đếm trên đầu ngón tay". Không chỉ giản dị trong đời sống sinh hoạt mà cả trong mối quan hệ với những người xung quanh, với nhân dân Bác cũng thể hiện là một con người gần gũi, dung dị, dễ dàng thân thiết, điều ấy bộc lộ thông qua việc Bác "trồng cây trong vườn, viết thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân,...", đặt tên cho các đồng chí là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, thể hiện tấm lòng quyết tâm và niềm tin vào tương lai tươi sáng của Việt Nam ta. Có thể nói rằng Bác đã làm nên những điều phi thường, nhưng lại muốn sống một cuộc đời thật bình thường, gần gũi với nhân dân, Bác không muốn tạo ra sự cách biệt giữa mình, giữa cách mạng với nhân dân. Thêm vào đó, tác giả cũng để lại một lời bình rằng ""Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành thanh cao như nhà hiền triết ẩn dật. Bác sống giản dị, thanh bạch như vậy bởi vì Người sống sôi nổi phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng tình cảm, với những giá trị tinh thần cao đẹp nhất", đây là một lời giải thích rất hợp lý và sâu sắc về căn nguyên của đức tính giản dị của Bác, thể hiện sự thấu hiểu và những tình cảm gắn bó sâu sắc với Hồ Chủ tịch của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Không chỉ giản dị trong đời sống, trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân mà đức tính giản dị của Bác còn thể hiện trong cả lời ăn, tiếng nói, trong các bài viết của Người. Bác dùng từ ngữ thực dễ hiểu giản đơn, cốt là để "vì muốn cho nhân dân hiểu được, nói được và nhớ được". Điều đó được bộc lộ một cách rõ ràng nhất trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Phạm Văn Đồng có trích dẫn một vài câu rất tiêu biểu "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một ... không bao giờ thay đổi". Đó là những chân lý của thời đại, mà mọi người dân Việt Nam đều đã quen thuộc và khắc sâu trong lòng, giản dị, ngắn gọn, nhưng thực súc tích và đầy đủ ý nghĩa, bộc lộ được sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa cách mạng.

Đức tính giản dị của Bác Hồ là một bài viết hay, sâu sắc và chân thực về hình tượng người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bác đã sống và làm việc bằng trái tim thật cao đẹp, đáng quý, phong cách sống của Bác đã trở thành những bài học sâu sắc mà thế hệ thanh niên về sau này cần phải học tập và noi theo.

Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng mẫu 3

Đức tính giản dị là một đức tính vô cùng quý báu của dân tộc ta được truyền từ đời này sang đời khác, một trong những tấm gương vô cùng tiêu biểu không thể không kể đến đó là Bác Hồ, một con người vĩ đại cả về phẩm chất lẫn nhân cách sống. Đức tính quý báu đó được tác giả Phạm Văn Đồng trình bày lại vô cùng xuất sắc qua tác phẩm “Đức tính giản dị của Bác Hồ”.

Trong tác phẩm tác giả khẳng định một chân lí không thể thay đổi đó là sự vĩ đại của Bác trong các hoạt động chính trị cũng như những hoạt động thường ngày, Bác có thể làm những việc vô cùng lớn lao mà không phải ai cũng có thể thực hiện được nhưng trong cuộc sống hàng ngày Bác lại trở về với lối sống của một người lính, một con người hết sức bình thường. Qua những câu văn tiếp theo tác giả đã chứng minh được sự giản dị của Bác trên ba phương diện là cách ăn, cách ở, cách làm việc.

Về cách ăn uống hàng ngày của Bác là vô cùng giản dị, mang phong cách của người lao động bình thường, những món trong mâm cơm hàng ngày của Bác không phải là cao lương mĩ vị, không phải sơn hào hải vị, tất cả chỉ có vài ba món rất đơn giản, bởi Bác là một người hiểu người lao động, trân trọng những gì mà người lao động vất vả làm ra, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm nào, khi ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn thừa lại luôn được Bác sắp xếp tươm tất. Tác giả có thể nêu lên những dẫn chứng cụ thể như vậy bởi ông đã từng làm việc bên cạnh Bác, đã từng sống cùng Bác trong suốt một thời gian dài, chính vì vậy mà những điều ông nêu ra thật tỉ mỉ và sắc nét.

Cách ở của Bác cũng rất giản dị, với tâm hồn lộng gió mà nhà Bác ở chỉ là nhà sàn, không chỉ có vậy, không gian mà Bác sống luôn mang một sắc thái của thiên nhiên, nơi Bác ở luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn do tự tay Bác chăm sóc, nuôi trồng. Qua đó cũng có thể thấy được Bác là một người say mê với công việc, Bác suốt ngày làm việc, dành toàn bộ thời gian của bản thân để dành cho việc làm, từ việc rất lớn là cứu nước, lo nghĩ cho dân tộc đến những việc nhỏ bé nhất như chăm lo cuộc sống xung quanh mình, viết thư cho các cháu thiếu nhi hay thăm khu tập thể của công nhân, đối với Bác những việc mà Bác có thể làm được thì không cần người giúp.

Tác giả cũng bình luận về đời sống của Hồ Chí Minh, cách sống của Bác không phải là sống khắc khổ theo lối tu hành, cũng không phải là sống thanh bạch theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Đời sống giản dị của Bác là xuất phát từ chính sự hòa hợp tuyệt đẹp giữa cách hòa quyện bản thân với sự sôi nổi, phong phú của xã hội, bởi Bác đã dành phần lớn cuộc đời mình với những đấu tranh gian khổ ác liệt, cuộc sống khó khăn đã hình thành nên nhân cách con người Bác.

Qua tác phẩm tác giả vừa thể hiện về phẩm chất đáng quý của Bác vừa một lòng thể hiện sự kính mến và biết ơn đối với Bác, hơn thế nữa qua tác phẩm tác giả cũng muốn gửi gắm một bài học quý giá về đạo đức con người thông qua vị cha già vĩ đại của dân tộc ta

Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng mẫu 4

Ngày 19/5/1970, Đảng và Chính phủ đã tổ chức trọng thể Lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc diễn văn với nhan đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh – tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”. Bài Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ bài diễn văn ấy.

Hai đoạn văn đầu, tác giả khẳng định “sự nhất quán” trong nhân cách vĩ đại của Bác Hồ: “đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn”. Tiếp theo, ông ca ngợi Bác Hồ suốt đời “vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng”. Người đã sống và chiến đấu vì một lý tưởng cao quý: “tất cả vì nước vì dân, vì sự nghiệp lớn”. Đạo đức của Người“trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”. Phần đầu bài văn cho thấy một giọng văn sôi nổi lôi cuốn, trang trọng, lý lẽ đanh thép hùng hồn, ngôn từ chuẩn mực, đĩnh đạc, biểu cảm: “Điều rất quan trọng”, “đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất”, “vô cùng giản dị và khiêm tốn”, “rất lạ lùng, rất kì diệu”, “một cuộc đời sóng gió”, “vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý”, “tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”.

Đoạn văn thứ ba, Phạm Văn Đồng đã chứng minh một cách sáng tỏ đời sống giản dị của Bác Hồ trên ba phương diện: cách ăn, cách ở, cách làm việc.

Cách ăn của Bác rất giản dị: “Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm; ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại được sắp xếp tươm tất”. Tác giả nêu lên bốn chi tiết rất cụ thể để chứng minh cách ăn giản dị của Bác. Phạm Văn Đồng đã từng sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức (1925), đã từng bí mật sang Vân Nam gặp Bác (1940). Và từ những ngày ở chiến khu đến Cách mạng tháng Tám và suốt trong những năm dài kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông đã từng sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, nên mới có thể nói một cách tỉ mỉ, cụ thể về cách ăn của Bác như vậy. Đây là một câu văn bình luận rất hay, từ cách ăn, tác giả ca ngợi đạo đức của Bác: “Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ”.

Cách ở của Bác cũng rất giản dị. Tác giả lập luận tương phản giữa tâm hồn và cách ở của Bác; tâm hồn thì “lộng gió thời đại” mà nhà ở của Bác chỉ là nhà sàn “vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng”. Nơi ở “luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn” do tự tay Bác trồng và chăm bón. Tác giả đã bình và ca ngợi cách ở giản dị của Bác “thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Cách làm việc của Bác càng giản dị: “Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ…”. Phong cách làm việc ấy của Bác thể hiện một tinh thần xả thân, bền bỉ, cần mẫn, chu đáo và rất giản dị. Tác giả nêu lên bốn việc rất nhỏ Bác thường làm để ca ngợi cách làm việc giản dị, chu đáo của Bác như: “trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn”. Là Chủ tịch nước nhưng Bác rất giản dị trong sinh hoạt: “Việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp”, số người giúp việc và phục vụ Hồ Chủ tịch có thể đếm trên đầu ngón tay, mỗi người được Bác đặt cho một cái tên mới “gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!”.

Đoạn văn thứ tư, Phạm Văn Đồng bình luận về đời sống của Hồ Chủ tịch. Cách sống giản dị của Bác không phải là “sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật”. Đời sống giản dị, thanh bạch của Bác Hồ là một sự hòa hợp tuyệt đẹp, bởi vì Người đã “sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc sống đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân”. Hòa hợp giữa “đời sống vật chất giản dị’ với “đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất". Hai mặt đối lập mà thống nhất ấy, “là nơi sống thực sự văn minh”, “một gương sáng” mà Bác Hồ đã nêu lên trong thế giới ngày nay. Qua đó, ta thấy cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, lời bình luận rất sắc sảo.

Đức tính giản dị của bác hồĐoạn văn thứ 5, giải thích và bình luận về cách nói và cách viết giản dị của Bác Hồ. Người nói giản dị, viết giản dị vì Người “muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được”. Những chân lý lớn mà giản dị là khát vọng về độc lập, tự do, thống nhất, về ấm no hạnh phúc của nhân dân ta nên Bác đã nói lên một cách rất giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Những chân lý giản dị mà sâu sắc đó là “sức mạnh vô địch", là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” khi nó đã thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người. Qua đó, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy tư tưởng của Hồ Chủ tịch rất sâu sắc, cách nói cách viết của Người lại rất giản dị, thấm thía.

Văn bản này là một bài văn nghị luận tổng hợp, tác giả đã kết hợp một cách chặt chẽ giữa ba thao tác giải thích, chứng minh, bình luận về “đức tính giản dị của Bác Hồ” trong đời sống sôi nổi, phong phú, và cách nói cách viết rất giản dị về những chân lý lớn, những tư tưởng vĩ đại.

Văn bản nghị luận này thể hiện một lối viết đặc sắc, mẫu mực. Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng cụ thể, chọn lọc, rất tiêu biểu, lời bình luận sâu sắc, đầy thuyết phục, cách sắp xếp, trình bày lí lẽ, dẫn chứng khúc chiết, sáng tỏ. Giọng văn sôi nổi, tâm huyết, trang trọng, tự hào.

Qua văn bản này, tác giả đã nâng cao lòng kính yêu và biết ơn Bác Hồ trong tâm hồn mỗi chúng ta. Hơn bao giờ hết, bài Đức tính giản dị của Bác Hồ là một bài học quý báu đối với tuổi thơ chúng ta cả về tư tưởng, cả về văn chương.

Qua văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ, em hiểu như thế nào về đức tính giản dị. Hãy trình bày suy nghĩ của mình về đức tính ấy?

Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng mẫu 5

Làm người như thế nào, sống như thế nào là câu hỏi lớn day dứt bao nhiêu thế hệ xưa nay. Tại sao mọi người lại thường nhắc đến đức tính giản dị khi nhận xét, đánh giá một ai đó? Như vậy, chắc hẳn giản dị là một đức tính quan trọng của con người. Vậy giản dị là gì?

Giản dị là một đức tính về phong cách sống. Người ta thường nói: con người giản dị, tác phong giản dị, ăn mặc giản dị, lời văn giản dị… Đức tính giản dị đối lập với thói xa hoa, thói phô trương, kiểu cách, làm bộ làm tịch, bày vẽ ra nhiều thủ tục rắc rối, rườm rà. Giản dị là sống tự nhiên, tìm một con đường ngắn nhất để đến với mọi người, mọi việc.

Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương sáng lớn về đức tính giản dị. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Bình sinh Hồ Chủ tịch là một người rất giản dị. Hồi còn sống ở chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống chung, ăn chung với cán bộ, bộ đội. Đến bữa cơm, Người lấy thìa chọn thức ăn cho mọi người. Giờ giải lao Người đánh bóng chuyền với mọi người, về ngôn ngữ, tuy Người rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và nhiều thứ tiếng khác, nhưng Người chủ trương nói tiếng Việt, không thích dùng từ nước ngoài khi không cần thiết, không ai hiểu. Bác Hồ rất ghét phô trương, xa hoa. Đến thăm nơi nào Người không muốn báo trước để người ta tổ chức đón rước mất công, mất việc. Trong Di chúc, Người không muốn sau khi mình mất nhân dân phải tổ chức phúng điếu linh đình.

Nhưng giản dị không phải là đơn giản, thô sơ. Thơ của Bác Hồ chẳng hạn, rất giản dị, nhưng không đơn giản chút nào. Ví như bài Đi đường, dễ hiểu, gợi cảm, không dùng điển cố nhưng lại rất sâu sắc. Giản dị tức là sống, suy nghĩ một cách chân thật, trung thực.

Không nên hiểu giản dị là không ăn mặc đẹp, không đi giày dép; nói năng cộc lốc, không thưa gửi, uống nước không đun sôi, ăn quả xanh. Có bạn hiểu giản dị là ăn nói tùy tiện, thậm chí nói tục ở trong lớp, trước mặt mọi người. Như thế không phải là giản dị, mà là thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng người khác. Một người học sinh giản dị, theo em, là người sống khiêm nhường, không khoe khoang, phô trương. Một học sinh giản dị là học sinh biết ăn mặc đẹp, lịch sự, sạch sẽ, nhưng không lố lăng. Đó là người hòa nhã, gần gũi với mọi người trong học tập và vui chơi. Đó là người hồn nhiên, học hết mình, không có thái độ giả tạo. Chẳng hạn như không hiểu mà không muốn hỏi bạn, sợ mang tiếng là dốt, hoặc khi biết mà bạn hỏi thì không bảo, giữ kẽ, giữ tủ. Che đậy mình hoặc khoe khoang mình tức là giả tạo, không giản dị.

Tóm lại, giản dị là một đức tính quý báu, đồng thời cũng là một phương hướng tu dưỡng, rèn luyện để làm người của chúng em. Đẹp bao khi mọi người sống với nhau giản dị, chân thật, ấm áp, đầy lòng tin cậy đối với nhau.

---------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp và giới thiệu tới các em học sinh Dàn ý chi tiết và 4 bài văn mẫu Cảm nhận của em về bài Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng cho các bạn tham khảo. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn tham khảo để có ý tưởng làm bài, từ đó xây dựng cho mình bài viết hay, có tính thuyết phục.

Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
130 59.386
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

Xem thêm