Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc bộ tài liệu Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình, nội dung tài liệu sẽ là nguồn thông tin hữu ích để giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. VnDoc mời thầy cô và các bạn học sinh cùng tham khảo.

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THPT miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

1. Dàn ý Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình

A. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm “Truyện Kiều” và vị trí đoạn trích “Nỗi thương mình”.

- Đánh giá chung về đoạn trích “Nỗi thương mình”.

B. Thân bài

- Vị trí của đoạn trích “Nỗi thương mình”

Đoạn trích Nỗi thương mình từ câu 1229 đến câu 1248 cùa Truyện Kiều miêu tả tâm trạng đau đớn, tủi nhục, nỗi cô đơn, thương thân trách phận và ý thức về thân phận bất hạnh của Thúy Kiều ở chốn lầu xanh.

Nội dung: Là tác giả Nguyễn Du viết về tình cảnh, tâm trạng của Thúy Kiều khi bị buộc làm kĩ nữ tiếp khách làng chơi. Nguyễn Du đã miêu tả thật sống động bức tranh sinh hoạt đặc trưng ở chốn lầu xanh bằng bút pháp ước lệ tượng trưng:

Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

- Tác giả đã khai thác triệt để nhằm tô đậm nỗi thương thân, xót phận của Thúy Kiều và gây cảm giác đau đớn. Xót xa thực sự cho người đọc.

- Với 4 câu thơ đầu thôi mà tác giả như vừa là bức tranh sinh hoạt nhơ nhớp chốn thanh lâu vừa ẩn chứa tiếng thở dài não ruột của người con gái tài sắc buộc phải làm kĩ nữ.

>>>Tác giả Nguyễn Du như đang thực sự xót thương Thúy Kiều rơi vào chốn bùn nhơ, nơi nhân phẩm bị hủy hoại, nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó

+ Có thể nói rằng Thúy Kiều đường như đã ý thức rất rõ về nhân phẩm cao quý của mình.

+ Thúy Kiều là một người con gái tài hoa nhưng mệnh bạc, đã được Nguyễn Du xây dựng trở thành hình mẫu lí tưởng của cái đẹp, cái thiện. Khi lâm vào tình cảnh ô nhục mà nàng chưa từng nghĩ đến. Thúy Kiều như đã dùng hết sức cố vùng vẫy để được giải thoát, nhưng càng vùng vẫy lại càng bế tắc. Nỗi đau “trần thế’’ đối với một người Mai cốt cách, tuyết tinh thần như Thúy Kiều dường như nhân lên gấp bội

>>> Dường như nhà thơ tài năng Nguyễn Du đã thể hiện thật chân tình tâm trạng đau buồn, tủi hổ đến ê chề của nhân vậy Thúy Kiều khi phải đối diện với chính lòng mình:

- Sống trong cảnh cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm thi chỉ khi tỉnh rượu, lúc tàn canh Kiều mới có những khoảnh khắc hiếm hoi để sống thực với mình. Lúc khách làng chơi đã ra về, lúc này chỉ còn bóng đêm, đêm rất khuya, chỉ còn một mình Kiều đối diện với ngọn đèn chong.

- Đến câu thứ hai, nhịp thơ thay đổi thành 2/2/2/2: giật mình / mình lại / thương mình / xót xa. Hai chữ giật mình kết hợp với cách ngắt nhịp đột ngột dường như diễn tả tâm trạng thảng thốt đau thương buồn tủi của Thúy Kiều.

>>>Thúy Kiều đã như giật mình sợ hãi trước sự đổi thay ghê gớm của số phận và cũng như tình cảm thảm hại của mình lúc này.

- Nỗi thương mình có thể nói là cảm xúc bao trùm, chủ đạo trong đoạn trích.

Thúy Kiều đã buộc phải xa cha mẹ, xa tổ ấm hạnh phúc để bước lên cỗ xe định mệnh: vó câu khấp khểnh, bánh xe gặp ghềnh, lao đi trên con đường mịt mù, vô định.

- Thúy Kiều cay đắng nghĩ tới sự tương phản ghê gớm giữa quá khứ tươi đẹp, hạnh phúc và hiện thực đen tối, phũ phàng:

+ Nàng nhớ lại cảnh sống quý phái, sang trọng khi còn ở nhà với cha mẹ trước lúc xảy ra tai họa và thương tiếc thân mình vì vùi dập tan tác như hoa giữa đường.

+ Quá khứ đối lập hiện tại một cách khốc liệt. Dĩ vãng tươi đẹp chỉ được gợi lên qua một câu: Khi sao phong gấm rủ là, còn hiện tại đen tối được nhắc đến liên tiếp trong nhiều câu thơ.

- Tác giả tả tâm trạng của Kiều ở chốn lầu xanh:

Mặc người mưa Sở mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gì.

Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

+ Cảnh có đủ phong, hoa, tuyết, nguyệt, tượng trưng cho vẻ đẹp bốn mùa như: xuân có hoa; hè có gió; thu có trăng; đông có tuyết. Nhưng trước những cảnh đẹp đó, Kiều dửng dưng, thờ ơ bởi con tim nàng đã bị nỗi đau khổ quá mức làm cho giá lạnh.

+ Ở lầu xanh cũng có đủ các thú vui như cầm, kì, thi, họa, nhưng đối với Kiều thì cảnh vật, con người và những thú vui ấy giờ đây đốì với nàng đều trở nên vô nghĩa.

-Tưởng chừng như nỗi sầu từ lòng người lan tỏa sang cả cảnh vật:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

>>> Bằng sự thông cảm thực sự và bằng tài năng kì diệu. Nguyễn Du dường như đã viết lên hai câu thơ hay nhất về mối liên hệ tương đồng giữa ngoại cảnh và tâm cảnh, giữa cảnh và tình trong văn chương Việt Nam.

- Đoạn trích Nỗi thương mình chứa đựng ý nghĩa sầu sắc về quá trình nhân vật đã tự ý thức của con người cá nhân trong văn học trung đại.

+ Người phụ nữ xưa thường được giáo dục theo tinh thần an phận thủ thường, cam chịu và nhẫn nhục. Khi nhân vật Giật mình mình lại thương mình xót xa thì điều này đã bao hàm ý nghĩa “cách mạng” Con người không chỉ biết hi sinh, nhẫn nhục, cam chịu mà bước đầu đã có ý thức về phẩm giá, nhân cách, tức là ý thức về quyền sống của bản thân.

+Thương thân, xót phận là một hiện tượng khá phổ biến trong thơ văn thế kỉ XVIII. Không thể có tình thương sâu sắc, chân chính dành cho người khác nếu không có ý thức về bản thân, không biết thương chính bản thân mình.

- Đoạn trích Nỗi thương mình cho thấy phẩm giá cao quý, trong trắng của Thúy Kiều.

+ Không hề né tránh thực tế nghiệt ngã, và đã đề cao nhân cách của Kiều, phẩm giá của Kiều bằng việc thể hiện thành công nỗi buồn thương, day dứt, chán chường của nàng giữa chốn bùn nhơ.

C. Kết bài

- Khẳng định được tài năng của tác giả Nguyễn Du cũng như tác phẩm “Truyện Kiều” có tầm ảnh hưởng như thế nào

- Qua đoạn trích có thể hiểu được tâm trạng chán chường, buồn thương và tuyệt vọng của Thúy Kiều, nàng như đã tự ý thức được nhân phẩm của mình bị vùi dập cho nên càng thương mình.

2. Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình mẫu 1

Đây là đoạn thơ miêu tả tâm trạng đau đớn, ê chề của Thúy Kiều sau khi buộc phải làm kĩ nữ, tiếp khách ở lầu xanh. Khi biết rơi vào nhà chứa, Kiều đã tự tử, nhưng không chết. Nàng định liều chạy trốn theo Sở Khanh nhưng lại bị Sở Khanh lừa, bị Tú Bà bắt lại, đánh đập tàn nhẫn, cuối cùng buộc phải tiếp khách.

Kiều là một cô gái đẹp, cho nên nàng phải tiếp khách liên tục, cơ hồ như không dứt ra được.

"Biết bao bướm lả ong lơi,

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh".

Một không khí thật là náo nhiệt, ồn ào nơi chốn lầu xanh. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, nó hoàn toàn tương phản với những nỗi lòng tê tái của nhân vật ở bên trong. Nguyễn Du rất biết khai thác các tương phản để miêu tả nỗi lòng, biết phân tích sự khác biệt bề ngoài và bề trong. Phải hiểu nỗi đau đớn trong tâm hồn mới hiểu được phẩm giá của Kiều.

Cả đoạn thơ này tác giả không miêu tả cảm xúc của Thúy Kiều trong một thời điểm nào, một buổi nào, một ngày nào, mà miêu tả một tâm trạng triền miên trong chuỗi ngày tiếp khách liên tục Ngày tháng chỉ là một sự chồng chất và kéo dài. Khi cuộc sống trở nên vô nghĩa thì người ta tính ngày tháng cụ thể để mà làm gì? Nỗi thương mình của Kiều hiện lên những lúc vắng vẻ, những khi xong việc nàng tự đối diện với chính mình. Đó là nỗi đau thầm kín đằng sau các hoạt động tiếp khách ồn ào, rộn rã. Ở đây sự miêu tả kết hợp với thuật theo bút pháp tự (kể) tình. Tác giả lần lượt kể và tả những nỗi thương mình.

Thứ nhất là nỗi thương thân, xót thân, tiếc thân:

"Khi tỉnh rượu, lức tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân!

Mặc người mưa Sở, mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gỉ?"

Hai tiếng "giật mình" rất hay, nó nói lên cái thần của con người những lúc ngẫm lại những thay đổi quá lớn của cuộc đời. Ba chữ "mình" trong một câu nói lên sự cùng cực cô đơn: mụ chủ chỉ biết tiền, khách chơi chỉ biết sắc, gia đình ở xa, không ai biết là Kiều bị lừa, chẳng ai biết cho đời một người con gái tan nát! Nổi lên trên hết là sự nuối tiếc một phẩm giá bị chà đạp. Hình ảnh "phong gấm rủ là" nói lên hình ảnh của tấm thân vàng ngọc, được khoác gấm, rủ bức là, tức tấm thần bọc trong nhung lụa, quý báu, thế mà nay như hoa giữa đường, ai qua lại cũng có thể xéo lên tàn nhẫn!

Thứ hai là nàng ghê tởm chính bản thân mình: con người khuê các vốn kín đáo, e thẹn, nay đã thành mặt dạn mày dày "dày gió dạn sương", "bướm chán ong chường". "Bướm chán ong chường" không phải là nói khách chơi chán chường Kiều, mà nói chính Kiều chán chường bản thân mình, sao mình lại trở thành con ngurời tiếp khách trơ trẽn, vô liêm sỉ như thế được? Từ đây Kiều chỉ sống như một món hàng, một thứ đồ chơi, không sống như một con người nữa. Nhiều sách chép câu "Những mình nào biết có xuân là gì" thành "Riêng mình nào biết có xuân là gì". Chữ "những" có lẽ đúng hơn, hợp hơn. Đó là "những mình", như loại mình... bao hàm cái ý chán mình ở trong ấy.

Thứ ba là nỗi buồn và bẽ bàng:

"Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu".

Cảnh tượng nhìn qua quả là rất nên thơ, mà lòng nàng lại ủ dột:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!

Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa".

Cảnh quả là vui thú, tao nhã, phong lưu, nhưng đối với Kiều chi là vui gượng: "Ai tri âm đó, mặn mà với ai?". Đó chẳng qua là các trò chơi để giết thì giờ không mảy may ý nghĩa.

Thứ tư là sự cô đơn, đau đớn một mình, câu này tuy không có trong đoạn trích nhưng rất có ý nghĩa:

"Thờ ơ gió trúc mưa mai,

Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân".

Những nỗi lòng thương thân, xót thân, chán mình, buồn khổ cô đơn, vui gượng gạo như thế đã chứng tỏ mạnh mẽ Kiều là một con người có phẩm giá, không phải người tà dâm, lấy việc tiếp khách làm chuyện vui thú.

Có lẽ nói những nỗi lòng tan nát hợp hơn là những nỗi lòng tê tái chăng? Trong nỗi lòng Kiều, nổi lên tình cảm đau đớn vì tha hương lưu lạc và cảm giác thời gian kéo dài nặng nề vô nghĩa.

Khi thuật lại nỗi thương mình của Kiều, nhà thơ dùng lời kể với điểm nhìn bên trong của nhân vật. Bốn câu đầu chỉ là miêu tả cảm giác của Kiểu về các sự việc diễn ra với nàng. Những câu còn lại đều có chủ ngữ là "mình", mình tự nhìn mình, mình nghĩ về mình. Thử hỏi lúc này ai có thế suy nghĩ thay cho nàng được? Với điểm nhìn ấy, khi đọc đoạn thơ, ta như trực tiếp đọc được những ý nghĩ thầm kín hết sức đau đớn của bản thân Kiều, chứ không phải nghe lời do ai đó thuật lại. Lẽ dĩ nhiên đó vẫn là lời thuật của Nguyễn Du, nhưng điểm nhìn trần thuật bên trong là của Kiều đã tạo ra hiệu quả đó.

Nguyễn Du là nhà thơ rất tinh tế. Để miêu tả những cảnh tầm thường, dung tục nơi lầu xanh, tác giả chỉ gợi qua các biểu tượng với những cụm từ được cấu tạo đặc biệt.

- bướm lả ong lơi

- lá gió cành chim

- bướm chán, ong chường

- mưa Sờ, mây Tần

- gió tựa, hoa kề

Nếu nói ong bướm lả lơi thì có thể chỉ việc xảy ra một lần. Đảo lại thành ra nhiều lần. Bướm chán, ong chường cũng thế. Lá gió cành chim, gió tựa hoa kể đều chỉ các sự trăng gió, nhưng cách nói mới lạ và đa dạng, lại tao nhã.

Nguyễn Du không chỉ kể, tả mà còn gợi, tạo cảm giác cho người đọc. Đây là đoạn văn tài hoa, tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả tâm lí của Truyện Kiều.

3. Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình mẫu 2

Nguyễn Du là một trong số những gương mặt nhà thơ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho nền văn học trung đại Việt Nam với nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong số những tác phẩm của ông, “Truyện Kiều” được xem là kiệt tác, là đỉnh cao của nền văn học với nhiều điểm đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Đọc “Truyện Kiều”, chắc hẳn bạn đọc sẽ không thể nào quên được hình ảnh Thúy Kiều với bao nỗi đau đớn, xót xa, nỗi thương thân khi phải sống trong chốn lầu xanh và đoạn trích “Nỗi thương mình” đã thể hiện rõ nét điều đó

Đoạn trích với bút pháp ước lệ, tượng trưng đã gợi ra một cách rõ nét cuộc sống của Thúy Kiều nơi chốn lầu xanh.

Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm

Dập dìu lá gió cành chim

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.

Chỉ với bốn câu thơ, nhưng bằng việc sử dụng tài tình các hình ảnh ước lệ giàu sức gợi “bướm”, “ong”, “cuộc vui”, “trận cười” cùng việc sử dụng điển cố điển tích Tống Ngọc, Trường Khanh tác giả Nguyễn Du như lột tả một cách rõ nét, chân thực và sinh động bức tranh chốn lầu xanh. Đó là một cuộc sống nhơ nhớp, buông thả, ăn chơi trác tán. Ở nơi đó, những cô kĩ nữ như Thúy Kiều ngày đêm phải tiếp khách, trở thành món hàng, trở thành thứ đồ mua vui cho những vị khách phong lưu. Đặt nhân vật vào cuộc sống nhơ nhớp chốn lầu xanh, tác giả Nguyễn Du không chỉ cảm nhận thấy nỗi đau đớn, ê chề của Kiều mà hơn thế nữa trong chính hoàn cảnh ấy, Thúy Kiều càng bộc lộ rõ những nét phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của mình.

Giữa chốn lầu xanh với những ồn ào, vội vã tấp nập, trong khoảnh khắc hiếm hoi của đêm vắng, “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” chính là khoảnh khắc Kiều có thể đối diện với chính mình, với bao nỗi niềm suy tư, trăn trở và nỗi đau đớn trong lòng cô. Thúy Kiều tự độc thoại với chính mình, để rồi trong cô hiện lên nỗi thương mình và sự xót xa cho chính số phận của mình.

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Đến đây, nhịp thơ đã thay đổi, ngắt nhịp 2/2/2 đầy đường đột như để góp phần diễn tả rõ nét hơn tâm trạng của Thúy Kiều. Hai chữ “giật mình” được đặt ở đầu câu như chính sự bàng hoàng, thảng thốt của Thúy Kiều về cuộc sống thực tại của mình. Để rồi, ẩn sau cái “giật mình” đầy ngỡ ngàng ấy chính là lúc Thúy Kiều cảm thấy thương, cảm thấy xót xa, đau đớn cho chính bản thân mình. Ba chữ “mình” được lặp lại trong cùng một câu thơ đã cho thấy nỗi cô đơn đến tột cùng của Kiều trong những năm tháng sống ở chốn thanh lâu. Thúy Kiều đã giật mình, đã thương, đã xót xa cho chính mình trước thực tại. Và cái giật mình đầy ngỡ ngàng ấy của Thúy Kiều chính là biểu hiện của sự tự ý thức về thân phận bản thân của nàng. Thương cho chính mình, đó cũng chính là lúc Kiều nhận thấy sự đổi thay giữa quá khứ và hiện tại.

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Nếu quá khứ với Thúy Kiều là những tháng ngày “phong gấm rủ là”, êm ấm, hạnh phúc bên gia đình, cha mẹ thì hiện tại với Thúy Kiều thật phũ phàng. Tác giả đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để tái hiện lại thực tại cuộc sống của Thúy Kiều. Không còn là Thúy Kiều với dáng vẻ e ấp, thẹn thùng với sự trong trắng nữa mà giờ đây nàng trở thành món hàng, trở thành đồ vật mua vui, bị chà đạp một cách phũ phàng và tàn nhẫn. Thêm vào đó, tác giả còn sử dụng hàng loạt các từ mang sắc thái câu hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” như thêm một lần nữa nhẫn mạnh nỗi đau đớn đến tột cùng, sự chán chường, mệt mỏi, ghê sợ chính bản thân mình khi bị đẩy vào chốn lầu xanh. Không chỉ nhận thức rõ hoàn cảnh, số phận của mình ở quá khứ và hiện tại, Kiều còn nhận thức rõ sự đối lập giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì

Hai câu thơ đã diễn tả thái độ đầy dứt khoát của Thúy Kiều, từ đó đã tạo ra đối với những vị khách làng chơi phong lưu. Còn với chính mình, Thúy Kiều vẫn luôn sống trong sự cô độc. Từ “xuân” trong câu thơ không chỉ là tuổi trẻ, là sắc đẹp mà đó còn là tình yêu, là hạnh phúc lứa đôi. Giờ đây, trong cuộc sống hiện tại của chính mình, những điều đó đối với Kiều là những thứ xa xôi, không nghĩ tới mà trong nàng chỉ còn lại nỗi bẽ bàng, ê chề và tủi hổ

Trước hiện thực cuộc sống nơi chốn lầu xanh, Thúy Kiều cố tách mình ra khỏi thực tại để giữ lại phẩm giá, nhân cách cho chính mình.

Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Đòi phen nét vẽ câu tho

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.

Nơi lầu xanh, cảnh vật cũng có đủ những nét đặc trưng của thiên nhiên bốn mùa: mùa xuân có hoa, mùa hè có gió, mùa thu có ánh trăng vàng, mùa đông có làn tuyết trắng. Ở nơi đây, cũng có đủ cầm, kì, thi, họa - những thú vui trong đời sống của con người. Nhưng hơn ai hết, Thúy Kiều nhận thấy rõ cái thanh cao, tao nhã, đẹp đẽ ấy chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài còn ẩn sâu trong đó chính là sự nhơ nhớp, là những thú vui tiêu khiển để giết chết thời gian. Nhận thức rõ điều đó, Kiều càng cảm thấy cô đơn, xót xa hơn và chính nỗi buồn ấy của nàng đã thấm sang cả cảnh vật. Để rồi, Kiều đã cố mình gượng gạo, tự mình cố gắng. Trong nỗi lòng Kiều như hiện lên sự đối lập giữa cái bên ngoài - cố vui để chiều lòng khách nhưng thực chất bên trong là nỗi buồn thương không gì diễn tả hết.

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai.

Tâm trạng gượng gạo, sự chán chường và nỗi đau đớn của Kiều là biểu hiện rõ nét cho sự ý thức về nhân phẩm của nàng và qua đó cho thấy tâm hồn cao thượng, trong trắng của Thúy Kiều.

Đọc những câu thơ trong đoạn trích “Nỗi thương mình” của Đại thi hào Nguyễn Du, người đọc như càng thấm thía nỗi xót thương thân phận và sự đau đớn của Thúy Kiều khi phải sống giữa chốn lầu xanh. Nhưng đồng thời, đoạn trích cũng đã thể hiện được sự tự ý thức cao độ về nhân cách bản thân của Thúy Kiều.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

--------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Ngữ văn lớp 10, Học tốt Ngữ Văn lớp 10,Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
1 2.541
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm