Chuẩn bị hành trang cho bé vào lớp 1

Chuẩn bị hành trang cho bé vào lớp 1 là tài liệu tham khảo hay, giúp các thầy cô cùng các bậc phụ huynh nắm được các đặc điểm của trẻ chuẩn bị vào lớp 1 để giảng dạy và nắm bắt tâm lý trẻ. Từ đó, giúp các em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời mới bớt bỡ ngỡ, hòa đồng với hoàn cảnh mới nhanh hơn.

I. Chuẩn bị hành trang cho bé vào lớp 1

Có nhiều phụ huynh luôn cố gắng trang bị cho trẻ thật nhiều kiến thức, để giúp con biết đọc, biết viết trước. Họ luôn sợ nếu con chưa biết những cái đó thì sẽ sợ học, sẽ không theo kịp các bạn, mặc cảm...

Vì vậy, khi các bé mầm non vừa được nghỉ hè, cha mẹ đã tìm chỗ gửi con đến nhà giáo viên dạy tiểu học để nhờ các cô rèn chữ, tập đọc, làm toán. Thực ra, việc lo trước tưởng có lợi, nhưng đôi khi lại phản tác dụng. Vì khi biết trước, đến trường học lại, các bé sẽ thấy nhàm chán, không chú ý, dẫn đến sự thiếu tập trung. Mặt khác, khi học ở nhà, giáo viên chỉ chú ý đến việc dạy sao để học sinh đọc được, viết được mà không chú ý rèn cho các cháu kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc trong tập thể, nhóm, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong phương pháp dạy học, làm trẻ thiếu tự tin.

Khó khăn không ở việc học chữ

Các nhà giáo dục đã chỉ ra rằng, khó khăn của các bé vào lớp 1 không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết... mà là học cách hoà nhập với môi trường mới, hoạt động mới – môi trường hoạt động học tập là chủ đạo. Vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng để giúp trẻ vào học tốt chương trình tiểu học, các bậc cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ các điều kiện về thể chất, trí tuệ, tình cảm – xã hội, ngôn ngữ, một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập.

Tiên học lễ

Dạy các bé biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, lễ phép, kính trọng người lớn để trẻ thích ứng với những quan hệ xã hội ở nhà trường. Ngay khi trẻ còn học mầm non, cha mẹ cần kết hợp với giáo viên để biết cách dạy trẻ phát âm 29 chữ cái trong chương trình mẫu giáo, làm quen với các mẫu chữ in thường, viết thường, in hoa.

Tạo cho trẻ một góc học tập gọn gàng, đẹp mắt, phù hợp với điều kiện sẵn có của mình nhằm giúp trẻ thích thú đối với việc ngồi vào bàn học. Giúp trẻ chọn lựa sách, đọc sách cho trẻ nghe và trẻ có thể "đọc vẹt" sách, nhưng việc đọc như thế có một ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết cho việc học đọc sau này. Giúp trẻ diễn đạt điều mình muốn nói một cách mạch lạc, rõ ràng.
Tạo cho trẻ thói quen tự lập và khuyến khích trẻ tự học

Phụ huynh cũng cần tạo cho trẻ thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn vài việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy. Có thể dẫn trẻ đến thăm trường tiểu học và chỉ cho trẻ biết các phòng, lớp học, sân chơi; nói cho trẻ những điều mới lạ sẽ được học ở đó để trẻ có mong muốn được đi học...

Những ngày đầu, khi trẻ từ trường về, cha mẹ nên hỏi trẻ những câu hỏi như: Hôm nay ở trường (lớp) con có gì vui nào, kể mẹ nghe được không? Bạn nào được cô khen?...Không nên hỏi: Hôm nay con được điểm mấy? Mỗi buổi tối, cha mẹ cần dành thời gian hướng dẫn trẻ cách sắp xếp sách vở, đồ dùng học tập cho buổi học ngày mai, hướng dẫn trẻ cách học ở nhà để từng bước xây dựng thói quen học tập tự giác, đặc biệt là biết cách tự học.

Lưu ý một số mẹo vặt sau khi lựa chọn học cụ cho bé

- Tập vở: Chọn chất lượng giấy tốt, độ trắng vừa phải để tránh bị gây lóa mắt. Giấy nên là loại dày do bé mới viết sẽ ấn lực mạnh. Nên hỏi giáo viên để biết chọn vở 4 ô ly hay 5 ô ly.

- Bút chì: Thông thường, các mẹ nên lựa chọn loại bút chì gỗ chất liệu mềm, tránh sử dụng bút chì kim, bút chì đốt thân cứng, khó viết. Nên mua loại có chất lượng gỗ tốt để tránh mục nát, chì dễ gãy khi bé viết bài.

- Bút mực: Sau khi viết thành thạo bằng bút chì, bé sẽ chuyển qua bút mực. Nên chọn loại bút có trọng lượng nhe, ngòi viết êm, trơn, bút ra mực đều nét.

- Balô, cặp: Không nên đeo túi chéo vì sức nặng sẽ chỉ dồn qua một bên vai, về lâu dài sẽ gây cong lưng, gù lưng. Trong khi đó, balo phân đều lực qua 2 bên vai. Nên chọn balo có vai đeo bản lớn, được chèn đệm xốp, có đêm lưng để phân tán lực nén lên cơ thể, tránh gây tê tay, hằn đỏ vai.

II. Chương trình mới cho con vào lớp 1 có những thay đổi gì?

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai Chương trình GDPT 2018 trong đó thực hiện SGK mới, để chuẩn bị tốt tâm thế cho con vào học lớp 1, lớp đầu cấp tiểu học, các bậc cha mẹ cần biết những nét đặc trưng sau đây để chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1.

Thứ nhất, mục tiêu của Chương trình

Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai đối với lớp 1, trong đó các em được học tập giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện ở trẻ em, học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1.

Thứ hai, các môn học và hoạt động giáo dục

Lớp 1 gồm có 7 môn học và Hoạt động giáo dục bắt buộc như sau: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Nghệ thuật (Gồm môn Âm nhạc và Mĩ Thuật); Giáo dục thể chất; Hoạt động trải nghiệm .

So với Chương trình cũ, lớp 1 Chương trình GDPT 2018 các môn học không có nhiều thay đổi, nội dung hoạt động giáo dục mới so với trước là Hoạt động trải nghiệm có 105 tiết học, trong đó 35 tiết chung cho các hoạt động tập thể chào cờ đầu tuần, 35 tiết chung cho nội dung sinh hoạt lớp cuối tuần và 35 tiết còn lại được ghép với tài liệu giáo dục địa phương tìm hiểu về văn hóa, xã hội, địa lí, du lịch.

Điểm mới của môn học ở lớp 1 Chương trình GDPT 2018: Giáo dục thể chất được coi trọng nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ, các môn học đều đóng vai trò như nhau, mỗi môn học có tác dụng riêng góp phần hình thành nhân cách cho học sinh, do vậy cha mẹ cần quan tâm con tới việc học đều tất cả các môn học, khi trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện cho trẻ phát huy thế mạnh về môn học đó. Riêng môn Tiếng Anh lớp 1 là môn học tự chọn, nếu học sinh có nhu cầu thì cha mẹ đăng ký nhà trường cho con học.

Thứ ba, kế hoạch giáo dục

Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trước hết các bậc cha mẹ học sinh cần nắm vững thời gian để sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thuận tiện đưa đón.

Trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp, do vậy các bậc cha mẹ không phải lo lắng chuyện học thêm cho con, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe.

Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội , góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng.

Thứ tư, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Đổi mới Chương trình, SGK đồng thời đổi mới đánh giá học sinh, trong đó có đánh giá thường xuyên và kiểm tra định kỳ.

Đánh giá thường xuyên: Lớp 1 là nền móng của cấp tiểu học, khi ở cấp học Mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em chưa thể làm quen ngay với các hoạt động học, thậm chí có trẻ còn khóc nhè đòi về. Giai đoạn này giáo viên đúng danh nghĩa “Cô giáo như mẹ hiền” vừa dạy học vừa làm thay nhiệm vụ người mẹ, giáo viên phải hình thành từng bước nền nếp học tập, quy định của lớp như: Tư thế ngồi học, tư thế viết, cách cầm bút, chuẩn bị đồ dùng học tập…. . Giai đoạn này rất cần sự quan tâm phối hợp của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm, trong quá trình trẻ đi học tại trường, giáo viên không chấm điểm tất cả các môn mà dành thời gian nhận xét, đánh giá và giúp đỡ kịp thời cho các em ngay trong quá trình học tập, do vậy ở giai đoạn đầu của lớp 1 sự kết nối thường xuyên giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng.

Đổi mới đánh giá giáo viên không chấm điểm thường xuyên ở lớp, do vậy cha mẹ không thể hỏi các câu: Hôm nay con được mấy điểm? điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con em mình, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù là nhỏ nhất, những băn khoăn của con cần giải thích của cha mẹ và cô giáo. Những câu hỏi bố mẹ cần trao đổi là: Hôm nay con học có vui không? Hôm nay con xung phong trả lời câu hỏi nào? Hôm nay con giúp đỡ bạn điều gì? Điều gì con thấy vui và tâm đắc nhất? Con thấy khó khăn nào bố mẹ giúp đỡ và trao đổi cô giáo….?

Kiểm tra định kỳ: Mỗi em học sinh được nhà trường tổ chức kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt và Môn Toán của 2 giai đoạn gồm học kỳ 1 và cuối năm học, thời gian đi học 9 tháng tại trường, giáo viên chỉ đánh giá, nhận xét thường xuyên bằng lời kết hợp ghi vào vở khi cần thiết.

Thứ năm, việc học của học sinh

Thời gian đầu mới vào học lớp 1, phụ huynh sẽ băn khoăn khi học sinh tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn, ở tuần thứ 4, các em đã đọc đoạn văn hiểu nội dung để trả lời câu hỏi như vậy là quá năng lực, khiến con học hành vất vả. Chương trình lớp 1 quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng. Với môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ 1 phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao, để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết và chương trình cũ học 1 buổi còn chương trình lớp 1 mới học 2 buổi/ngày. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nhiều hơn. Chương trình mới có điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác. Do đó, dù kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành, nhưng môn Tiếng Việt lớp 1 đã tăng thời lượng lên 420 tiết (chương trình hiện hành là 350 tiết), trong khi Toán chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1.

Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình 2018 được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.

Thời khóa biểu bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, sáng không quá 4 tiết, chiều không quá 3 tiết, không quá 2 tiết/môn học/buổi, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 1. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy buổi sáng theo dõi và cung cấp thông tin trao đổi với giáo viên buổi chiều có biện pháp giúp đỡ kịp thời đối với các em học sinh còn khó khăn trong học tập, những em chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập trong buổi sáng.

Thứ sáu, tổ chức dạy học của giáo viên

Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định yêu cầu cần đạt vào cuối năm lớp 1 không quy định yêu cầu cần đạt ở từng giai đoạn học tập. Theo đó, SGK cũng được thiết kế có tính mở, trao quyền chủ động cho GV lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Vì vậy, ở mỗi hoạt động, GV có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng HS và điều kiện thực tế nhà trường. lớp học. Khi HS còn đang trong giai đoạn làm quen với việc học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Đối với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc.

Sách giáo khoa được các tác giả viết theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình, vì vậy các sách giáo khoa đều đảm bảo đúng các điều kiện quy định. Tuy nhiên, mỗi sách giáo khoa có các cách tiếp cận khác nhau nên khi triển khai thực hiện, giáo viên đã được bồi dưỡng và có kinh nghiệm qua 1 năm thực hiện sẽ nắm vững yêu cầu của chương trình, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện thực hiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp (về thời lượng, tiến độ thực hiện, thời khóa biểu...) vì chương trình chỉ quy định thời lượng thực hiện cho mỗi môn học trong một năm và yêu cầu cần đạt cho từng năm học nên giáo viên được quyền xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra vào cuối năm học cho mỗi môn học.

Đối với môn tiếng Việt lớp 1 không coi trọng và đặt yêu cầu cao về tập viết, thời gian đọc của học sinh chiếm thời lượng 60%, trong đó viết chỉ thực hiện khoảng 25%, thời gian còn lại dành cho các kĩ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Do vậy, trong quá trình mới bắt đầu dạy học và học sinh mới làm quen cách học tiếng Việt thì giáo viên không quá chú trọng vào viết chữ, học sinh luyện viết nhiều sẽ làm cho học sinh vất vả, mệt mỏi dẫn đến không thích học.

Đối với những lớp sĩ số đông, giáo viên chia nhỏ nhóm đối tượng học sinh để sâu sát, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời cho các em, giai đoạn này giáo viên không phải ghi nhận xét nhiều vào vở mà trực tiếp giúp đỡ các em khi gặp khó khăn, ghi nhận tuyên dương các em với tiến bộ nhỏ nhất. Giai đoạn con mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết của các con, nội dung này giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các cha mẹ học sinh và giúp đỡ kịp thời.

Đặc điểm học sinh tiểu học 6 tuổi vào lớp 1 bắt đầu học chữ, do vậy học sinh phải được nhận diện được chữ cái mới học được âm vần, nhận diện được các âm vần, do đó cách hướng dẫn đánh vần của giáo viên là rất quan trọng, giai đoạn này giáo viên phải phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ, thể hiện làm mẫu đánh vần cho học sinh quan sát cách phát âm. Giáo viên linh hoạt trong kỹ thuật hướng dẫn đánh vần cho học sinh, trong đó chú ý các học sinh chưa nắm vững và không nhận diện được.

Đối với kỹ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng giai đoạn học tập tiếp sau, tiến tới đạt yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.

Thứ bảy, công tác phối hợp, đồng hành của cha mẹ học sinh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”, Các bậc cha mẹ cần biết, lớp 1 là nền móng của tiểu học, khi ở cấp học Mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo, nay bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy yếu tố rất quan trọng góp phần thành công giáo dục trẻ đó là công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 chưa quen nền nếp, hoạt động học tập, do vậy cha mẹ cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để có các biện pháp giáo dục hợp lý, tất cả các thông tin phải kịp thời, thông suốt, bất kể việc gì xảy ra cần phải bình tĩnh tìm cách giải quyết, tránh nôn nóng làm ảnh hưởng tới tâm lý các em, một trong những giải pháp để giúp HS không sợ học, không áp lực với việc học là không giao thêm và ép HS thực hiện quá nhiều nhiệm vụ học ở nhà.

Việc giúp HS đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội, các bậc cha mẹ không quá lo lắng và cho trẻ học chữ trước vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ. Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các em học sinh. Trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước. Điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có những em đã biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.

Giai đoạn con mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết. Nội dung này các cha mẹ cần phối hợp giáo viên chủ nhiệm để được giúp đỡ và hướng dẫn.

Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, cùng chơi và cùng học với bé lúc ở nhà thông qua một số hình thức học tập trải nghiệm, tạo được môi trường gia đình ấm áp, cùng với môi trường giáo dục nhà trường thân thiện và xã hội an toàn, đem đến niềm vui cho trẻ, phụ huynh cũng có thể yên tâm vì những âm chữ hoặc vần mới các em không chỉ được học ở một bài học mà liên tục được thực hành, ôn tập trong một chuỗi các bài học tiếp đó nên trẻ sẽ đọc được.

Để thực hiện được chương trình theo chuẩn đầu ra quy định, lớp 1 được tổ chức học 2 buổi/ngày và giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao bài tập về nhà nhằm giúp các em có thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm kiến thức đã được học ở nhà trường với người thân, từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Các bậc cha mẹ không nên lo lắng chuyện học thêm cho con, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe, thời gian buổi tối gia đình cho con vừa ôn luyện vừa trò chuyện vừa chơi vui với con mình.

Các bậc cha mẹ học sinh cần phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái. Ví dụ để tăng cường kỹ năng đọc cho các em bố mẹ có thể mua cho các em những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc truyện và hình thành thói quen đọc sách.

Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào học lớp 1 chương trình GDPT 2018, mỗi trường tiểu học tạo ra được diện mạo mới, bước tiến mới, dấu ấn mới với môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng, tạo ra một “Thương hiệu riêng” của nhà trường để đội ngũ các thầy cô giáo tự hào, tin tưởng, phấn khởi cống hiến cho hoạt động dạy học. Các em học sinh cảm thấy đi học là hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì luôn được thầy cô bảo vệ. Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ học sinh chuẩn bị tốt hành trang cho con vào lớp 1 và luôn tin tưởng và đồng hành thì nhất định sẽ thành công./.

Tài liệu học vần, tập đọc cho bé chuẩn bị vào lớp 1

Tài liệu tập viết cho bé chuẩn bị vào lớp 1

Tài liệu Toán dành cho các bé chuẩn bị vào lớp 1

Bộ tranh tô màu cho bé

Ngoài Chuẩn bị hành trang cho bé vào lớp 1 trên, các em học sinh lớp 1 còn có thể tham khảo đề thi học kì 1 lớp 1 hay đề thi học kì 2 lớp 1 mà VnDoc.com đã sưu tầm và chọn lọc. Hy vọng với những tài liệu này, các em học sinh sẽ học tốt môn Tiếng Việt lớp 1, Tiếng Anh lớp 1, Toán lớp 1 hơn.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 1, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 1 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 1. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Đánh giá bài viết
1 14.452
Sắp xếp theo

Tài liệu

Xem thêm