Chứng minh rằng Bác Hồ rất yêu cây cối

Văn mẫu lớp 7: Chứng minh rằng Bác Hồ rất yêu cây cối gồm nhiều bài văn mẫu hay và đa dạng giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Chứng minh rằng Bác Hồ rất yêu cây cối ngắn gọn

Được biết và tìm hiểu về Bác Hồ, ai cũng cảm nhận được ở trong Bác tình yêu thiên nhiên, cây cối vô bờ.

Tình yêu thiên nhiên của Bác là một thứ tình cảm thuần túy và trong sáng. Không thể hiện qua sự hô hào hay các khẩu hiệu lớn lao. Mà nó được thể hiện qua những hành động nhỏ nhặt, thường ngày của Bác.

Điều này được thể hiện qua khu vườn nhà do chính tay Bác chăm sóc. Cây cối trong vườn cây nào cũng tươi tốt, xanh um. Từ hoa cỏ đến cây ăn quả to lớn, cây nào cũng được Bác yêu thương, vun bón. Nhìn vào đó, là đủ để hiểu được tình yêu cây cối ở trong Bác.

Tình cảm ấy còn được thể hiện qua các tác phẩm thơ ca mà Bác Hồ sáng tác. Từ những bài thơ quen thuộc như Rằm tháng giêng, Không đề, Nguyên Tiêu, Đi đường, Chiều tối… Dù là tác phẩm nào, hình ảnh của thiên nhiên, bóng hình của cây cối cũng xuất hiện. Bởi với Bác, thiên nhiên cây cỏ như là một người bạn của mình. Lúc nào Bác cũng yêu quý, chú ý đến cây cối xung quanh mình.

Đặc biệt, Bác cũng rất trân trọng cây cối, thiên nhiên. Bác đã tận dụng ưu thế, sức mạnh của cây cối trong các khu rừng để thực hiện các chiến dịch thành công rực rỡ. Bác cũng hiểu được sự quan trọng của cây cối với cuộc sống con người, nên đã phát động các chiến dịch trồng cây, gây rừng. Và tiêu biểu nhất là hoạt động Tết trồng cây vào mỗi dịp mùa xuân cho đến nay vẫn còn được tổ chức rộng rãi.

Qua những chi tiết ấy, em cảm nhận được tình yêu cây cối, thiên nhiên ấm áp trong con người của Bác Hồ.

Chứng minh rằng Bác Hồ rất yêu cây cối mẫu 2

Bác Hồ là người trồng cây vĩ đại. Yêu cây, trồng cây ở Bác thể hiện năm phẩm chất cách mạng cao đẹp.

Trước hết yêu cây, trồng cây ở Bác là cả một tấm lòng yêu nước, thương đồng bào. Hoa râm bụt là một hình tượng về tấm lòng yêu nước của Bác. Khi còn ẵm ngửa, Bác đã say sưa đùa giỡn với bông hoa râm bụt mà mẹ và chị buộc chỉ treo trước mặt. Trong hành trang đi tìm đường cứu nước, Bác luôn luôn mang theo những hình tượng dân tộc, trong đó có lòng thương người, nụ cười dí dỏm, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, câu thơ Bà Huyện Thanh Quan, câu hát ru em và cả cây hoa râm bụt. Làm giỗ mẹ chẵn hai mươi năm trên đất Pháp, Bác vẫn tìm được hoa râm bụt cho gà thờ ngậm, đúng như câu ngạn ngữ ngàn xưa ông cha căn dặn “Gà thờ giỗ cha, gà ngậm ngọn trúc/ Gà thờ giỗ mẹ, gà ngậm hoa râm bụt”. Ngày hoạt động ở Xiêm, Bác nhắc anh em trồng cây râm bụt để nhớ về đất nước. Ngày ở chiến khu cũng như khi về ở Thủ đô Hà Nội, nơi Bác ở luôn luôn có cây râm bụt thân thương của quê nhà.

Cây vú sữa là một hình tượng của tấm lòng Bác luôn nhớ thương đồng bào Nam bộ. Năm 1955, đồng bào miền Nam gửi biếu Bác một cây vú sữa và một quả dừa. Cây vú sữa được Bác trồng giữa bờ ao cạnh ngôi nhà Bác ở đầu tiên trong Phủ Chủ tịch. Ngày ngày, tuy bận trăm công nghìn việc của Chủ tịch nước, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác Hồ đều chăm sóc tưới cho cây vú sữa. Năm 1958, Bác chuyển sang ở và làm việc bên nhà sàn. Bác cho chuyển cây vú sữa sang trồng cạnh nhà sàn, để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn. Hàng ngày làm việc tại nhà sàn, luôn được nhìn thấy cây vú sữa, mỗi khi đi xa về chưa đến cổng nhà sàn Bác đã để ý nhìn cây xanh tốt thế nào. Thấy cây như thấy đồng bào miền Nam, vơi đi nỗi nhớ da diết miền Nam trong trái tim Người. Vào những năm cuối đời, khi sức khỏe đã giảm sút, nỗi nhớ miền Nam dâng tràn, Bác muốn vào miền Nam thăm đồng bào, đồng chí. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh và sức khỏe nên Bác không vào được. Do vậy, ngày ngày chăm sóc và trông thấy cây vú sữa mang lại cho Bác cảm giác đang ở bên chiến sĩ, đồng bào miền Nam.

Thứ hai, yêu cây, trồng cây ở Bác là cả một chiến lược dân sinh kinh tế thiết thực và lâu dài. Các tao nhân mặc khách xưa kia cũng trồng cây, nhưng chỉ là mấy gốc liễu, mấy khóm cúc hay vài luống rau để thưởng thức hay tiêu sầu. Còn Bác trồng cây với một mục đích nhân sinh rõ ràng. Việc trồng cây của Bác tùy hoàn cảnh thực tế cụ thể mà có khác. Ngày mới giành lại được độc lập, dân ta vừa qua một trận đói chết hai triệu người chưa kịp hồi hơi, Bác đã phát động ngay việc trồng rau màu cứu đói. Ngày ở căn cứ cách mạng hay chiến khu, Bác chủ trương trồng rau màu là để góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân. Bác thả cải xoong trên dòng suối, làm vườn rau bên lán ở, hướng dẫn chiến sĩ rải đất trồng rau trên vách đá. Khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cải cách ruộng đất thành công, cái ăn cái mặc của dân bước đầu đã được đảm bảo, Bác liền phát động Tết trồng cây chuẩn bị cho dân có gỗ làm nhà. Bác kêu gọi trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, là mong trồng những rừng vàng mang lại những núi tiền vô tận làm giàu cho Tổ quốc.

Thứ ba, yêu cây, trồng cây ở Bác là cả một phong cách khoa học. Bác gắn bó với cây với bản chất của một người lao động cần cù đất Việt. Ngày ở Pháp có lúc Bác đã kiếm sống bằng nghề làm vườn. Ngày hoạt động ở Xiêm, rồi ở khu căn cứ Pác Bó, Tân Trào, chiến khu Việt Bắc, cho đến khi về ở Thủ đô Hà Nội, Bác luôn luôn tăng gia sản xuất một cách hoàn toàn tự giác và tổ chức lôi cuốn mọi người cùng làm theo. Bác không phải trồng cây với tính tượng trưng để động viên phong trào, mà Bác đã lao động thường xuyên và thật sự. Bác trồng cây với một phong cách khoa học. Trước hết phải chọn cây gì có lợi ích thiết thực, hiệu quả rõ ràng, trồng cây nào phải tốt cây ấy. Khi trồng rau phục vụ nhà ăn, Bác đã chọn cây cải canh thu hoạch nhiều lần, chứ không phải cây cải củ chỉ thu một lượt. Đi đâu thấy cây gì sinh lợi được cho dân là Bác đem về trồng như cây cọ dầu Hải Nam. Cảm động nhất là Bác đã du nhập cây săng xanh không rụng lá về định làm cây đường phố cho người quét rác đỡ vất vả.

Thứ tư, yêu cây, trồng cây ở Bác còn là một phương thức trồng người. Liên hệ ngôn ngữ phương Tây thấy từ Trồng trọt trong tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga cùng có một nguồn gốc chữ La - tinh cultura, đều có hai nghĩa; vừa là trồng trọt, vừa là văn hóa. Cái cây xưa kia mọc tự nhiên ở trong rừng hay ngoài bãi, con người đã biết lấy bàn tay và khối óc của mình mà thuần hóa nó, nghĩa là trồng trọt nó, vì lợi ích của bản thân con người, cái cây được trồng trọt đó trở thành một sản phẩm văn hóa. Và nói rộng ra, tất cả những cái gì do lao động và tư duy con người cải tạo hay sáng tạo đều gọi là văn hóa. Chính bản thân con người, một động vật sinh ra trong tự nhiên, có thể nói, nó tự trồng mình bằng lao động và tư duy để trở thành con người, và con người cũng là một sản phẩm văn hóa. Văn hóa tựu trung là cái làm cho con người khác con vật.

Quả thật, lời nói của Hồ Chủ tịch, đặt song song trồng cây và trồng người, có một ý nghĩa triết lý và thực tiễn rộng lớn, bao trùm. Bác Hồ quan tâm da diết đến việc trồng người, nhất là việc giáo dục thanh thiếu niên. Bác từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”, và, vì tương lai lâu dài của sự nghiệp cách mạng, ngay trong Di chúc của Người để lại, Bác cũng nhắc nhở đến việc chăm lo giáo dục cho các thế hệ mai sau… Ta nghĩ đến Nguyễn Trãi xưa đi tìm cái thiện chân, thiên tính trong “đạo tự nhiên”. Ông chủ trương “ẩn cả” (tức đại ẩn) ngay giữa nơi triều đường để lo việc nước việc dân. Cả hai vị anh hùng dân tộc đều có cái phong thái của bậc hiền triết phương Đông, nắm được cái triết lý con người thống nhất với thiên nhiên như một thể hoàn chỉnh, và đều mang tấm lòng nhân ái mênh mông, tựu trung là để lo việc trồng cây và trồng người.

Thứ năm, yêu cây, trồng cây ở Bác là một phong thái triết học cách mạng phương Đông. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: Có tâm hồn cách mạng, Cụ Hồ thương người. Có tâm hồn thi nhân, Cụ Hồ yêu thiên nhiên. Yêu thiên nhiên của Cụ Hồ và yêu thiên nhiên của Lão Trang có khác và khác xa. Cụ Hồ yêu thiên nhiên không phải để tiêu dao, xa trần tục. Cụ Hồ yêu thiên nhiên mà gắn liền thiên nhiên với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Ở thiên nhiên Cụ Hồ thấy một con người cổ vũ, chia vui buồn. Ở thiên nhiên Cụ Hồ cũng tìm thấy một sự quân bình trong tâm hồn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Ở Cụ Hồ, thiên nhiên như có tính người, thiên nhiên được nhân hóa, thiên nhiên là bạn tri âm, bạn chiến đấu của Người… Yêu nước, yêu dân, yêu con người một cách nồng nhiệt, Cụ Hồ cũng yêu thiên nhiên một cách nồng thắm, hòa hiệp thiên nhiên với cuộc đấu tranh vì phẩm chất và tự do của con người. Ắt có quan hệ gần gũi giữa tình yêu thiên nhiên với trạng thái tâm hồn thanh thản, tỉnh táo, ung dung trong lúc bình cũng như trong khi biến.

Tìm hiểu tình yêu thiên nhiên, quan điểm lao động và sự nghiệp trồng cây của Bác, ta thấy Bác quả là một con người vĩ đại, trọn đời lo dân lo nước. Tết trồng cây là một tục lệ tốt đẹp Bác để lại cho dân ta, không ngừng làm đẹp non sông, làm giàu cho dân nước.

Chứng minh Bác Hồ là người yêu cây cối mẫu 3

Sinh thời Bác Hồ rất yêu thiên nhiên, trăng gió cỏ cây cùng Bác đường như đã trở thành tri âm tri kỉ. Dường như bên cạnh mong ước đất nước độc lập tự do Bác còn có thêm một mong ước nhỏ nhoi cho mình là được sống thanh nhàn hòa mình vào cỏ cây sông núi. Người sớm chọn gìn giữ thiên nhiên bằng cách trồng cây . Say mê với cây cối đã gắn liền với cốt cách cao đẹp Hồ Chí Minh.

Mỗi loài cây Bác yêu đều gắn liền với đồng bào dân tộc. Hoa râm bụt là một tấm lòng hướng về người thân gia đình quê hương. Khi còn ẵm ngửa, Bác đã say sưa đùa giỡn với bông hoa râm bụt mà mẹ và chị buộc chỉ treo trước mặt. Trong hành trang đi tìm đường cứu nước, Bác luôn luôn mang theo những hình tượng dân tộc, trong đó có lòng thương người, nụ cười dí dỏm, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, câu thơ Bà Huyện Thanh Quan, câu hát ru em và cả cây hoa râm bụt. Làm giỗ mẹ chẵn hai mươi năm trên đất Pháp, Bác vẫn tìm được hoa râm bụt cho gà thờ ngậm, đúng như câu ngạn ngữ ngàn xưa ông cha căn dặn “Gà thờ giỗ cha, gà ngậm ngọn trúc/ Gà thờ giỗ mẹ, gà ngậm hoa râm bụt”. Ngày hoạt động ở Xiêm, Bác nhắc anh em trồng cây râm bụt để nhớ về đất nước. Ngày ở chiến khu cũng như khi về ở Thủ đô Hà Nội, nơi Bác ở luôn luôn có cây râm bụt thân thương của quê nhà. Hay cây vú sữa - món quà thương nhớ hướng về miền Nam ruột thịt và cũng là tấm lòng của nhân dân Miền Nam gửi về Bác. Hàng ngày làm việc tại nhà sàn, luôn được nhìn thấy cây vú sữa, mỗi khi đi xa về chưa đến cổng nhà sàn Bác đã để ý nhìn cây xanh tốt thế nào. Thấy cây như thấy đồng bào miền Nam, vơi đi nỗi nhớ da diết miền Nam trong trái tim Người. Vào những năm cuối đời, khi sức khỏe đã giảm sút, nỗi nhớ miền Nam dâng tràn, Bác muốn vào miền Nam thăm đồng bào, đồng chí. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh và sức khỏe nên Bác không vào được. Do vậy, ngày ngày chăm sóc và trông thấy cây vú sữa mang lại cho Bác cảm giác đang ở bên chiến sĩ, đồng bào miền Nam.

Say mê cây cối là lối sống lao động bình dị của một vị chủ tịch đáng kính. Dù cho việc nước việc dân có bộn bề, ngổn ngang, chiều Bác vẫn đi dạo vườn cây, tự tay cắt tỉa chăm bón cho từng cành cây ngành hoa. Xung quanh nơi Bác ở được trồng rất nhiều cây xanh. Cây cối mang lại cho Bác cảm giác thư thái nhẹ nhõm hơn sau hàng giờ làm việc căng thẳng.

“Việc quân việc nước đã bàn

Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”

Phong cách sống và làm việc chân hòa với thiên nhiên của Bác đường như được lan tỏa tới mọi người làm việc xung quanh Bác. Ta từng nghe chuyện anh chiến sĩ kể về sự kiên trì tỉ mỉ của Bác khi cứu sống một cây chết rễ, kéo dài rễ cây đa để tạo không gian cho các em nhỏ vui chơi, ngăn một chiến sĩ cắt cành cây làm vướng máy.

Tình yêu cây cối của Bác gắn với mong muốn xây dựng phát triển đất nước:

Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Bác đã tự tay trông những cây non đầu tiên, kêu gọi đồng bào cả nước chung tay phủ xanh đất trống đồi trọc .Mùa xuân cho cây cối đâm chồi nảy lộc, cây xanh cũng tô điểm cho đất nước sức sống mới tươi trẻ, đang trên đà phát triển

Người đã có tầm nhìn chiến lược cho phát triển tiềm lực đất nước thấy được giá trị của rừng vàng biển bạc. Bác hy vọng cây non kia sẽ cao lớn xum xuê tỏa bóng mát, cũng hy vọng đất nước vươn lên phát triển vững bền. Mỗi công dân như một cây xanh sẽ góp phần vào khu rừng rộng lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tố Hữu từng khắc họa tình yêu cây cối của Bác vào thơ ca: “yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa" cây cối cỏ hoa với bác không phải những vật vô tri mà là một phần máu thịt của tổ quốc. Thiên nhiên đã gắn liền với cuộc sống thường nhật và cuộc đời hoạt động cách mạng của người. Thể hiện tình yêu thiên nhiên nồng nàn thắm thiết phải chăng người đang gián tiếp hướng về đất nước, dân tộc. Thấy rõ điều đó ta thêm trân trọng và mến yêu phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Dường như ngày nay người đã hóa thân và từng ngọn cỏ mỗi nhành hoa hòa vào hồn thiêng sông núi Việt Nam.

-----------------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 7: Chứng minh rằng Bác Hồ rất yêu cây cối. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 7 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 7.

>> Bài tiếp theo: Chứng minh sự đúng đắn của bài ca dao: Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

Tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết
85 20.696
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm