Có ý kiến cho rằng: Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại

Văn mẫu lớp 11: Có ý kiến cho rằng: Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại dưới đây gồm các dạng văn mẫu được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới bạn đọc cùng tham khảo.

Dàn ý: Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.

+ Có bao giờ trên đường đời gian nan, ta cảm thấy mỏi mệt? Có bao giờ ta thèm khát những khoảnh khắc nghỉ ngơi? Có bao giờ ta nhận ra mình bước quá nhanh vì đã vô tình bị những thứ vinh quang, hào nhoáng ám ảnh mà bỏ qua tất cả?

+ Và mỗi người sinh ra trên đời đều có cuộc hành trình của mình.

- Trích dẫn ý kiến.

+ Và có bao giờ ta phân vân: Bước tiếp hay nên có đôi chút dừng lại?

+ Có ý kiến cho rằng: Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại.

2. Thân bài

a, Giải thích khái niệm

- Đi: nghĩa đen: Đi là hoạt động hàng ngày của con người bằng hai chân để thực hiện suy nghĩ và công việc của mình. Nghĩa hàm ẩn: Hướng phấn đấu, vận động của con người trong cuộc đời để đạt mục tiêu, lý tưởng nào đó.

- Dừng: nghĩa đen: Dừng là trạng thái khi đôi chân tạm ngừng bước và các hoạt động khác cũng tạm thời ngừng lại. Nghĩa hàm ẩn: tạm thư giãn để suy nghĩ, hướng tới những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống. Cũng là để suy nghĩ về con đường mình đã chọn và đang bước đi.

b, Bình luận

- Tưởng chừng như như trái ngược nhau nhưng “đi và dừng” lại có mối liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

- Đi như thế nào?

+ Đi đúng: có mục tiêu, lý tưởng đúng đắn để chọn con đường đi thích hợp cho mình.

+ Có ý chí, nỗ lực phấn đấu để đi đến thành công.

+ Vượt qua khó khăn, thử thách, thất bại không nản chí, kiên trì theo đuổi lý tưởng.

Lưu ý: Kết hợp dẫn chứng để làm thuyết phục hơn lí lẽ đưa ra: tấm gương của Bác Hồ,Đảng ta, học sinh nghèo vượt khó, các nhà bác học,...

- Muốn đi tới thành công thì cần chọn cho mình mục tiêu phấn đấu hợp với năng lực, không đi quá xa.

- Dừng lúc nào?

+ Suy nghĩ, chiêm nghiệm con đường mình đi để có được những khoảng lặng, sống với những giá trị gần gũi như tình cảm gia đình...

+ Đừng để có những bước tiến vững chắc hơn, chọn cho mình con đường đi đúng.

+ Cho phép bản thân thả lỏng, lấy lại năng lượng để chuẩn bị cho những bước tiến xa hon trong tương lai.

—> Đây cũng là cách giúp ta tìm ra ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Biết đi đúng và dừng đúng lúc.

- Bác bỏ những quan điểm sai trái về “đi và dừng”: có những người dường như chỉ biết đi hoặc là đã dùng lại quá lâu... đê khẳng định suy nghĩ và ý kiến của mình.

3. Kết bài

- Khẳng định lần nữa về sự quan trọng của việc phải cân bằng giữa “đi và dừng” trên đường đời.

- Liên hệ bản thân về con đường bạn chọn cho mình trong cuộc sống.

Văn mẫu Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại

Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại - Mẫu 1

Hẳn là bạn đã không ít lần nghe thấy câu nói này “cuộc sống là một hành trình”. Hành trình ấy hẳn là một bức tranh tái hiện lại hai trạng thái “dừng” và “đi”. Thật đúng với ý kiến: “Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại”. Thế giới vẫn quay vạn vật không ngừng chuyển động. Đó là lý do để bạn phải cố gắng và “bước đi” mỗi ngày, để đáp ứng với sự thay đổi và phát triển của môi trường xung quanh. Bạn luôn phải học hỏi, phát triển kỹ năng, nâng cao trình độ để đáp ứng với những thách thức mới, đạt được mục tiêu và hoàn thành ước mơ của mình. Cũng vì lẽ đó, mà chẳng biết tự bao giờ cuộc hành trình của mỗi người trở nên thật nghiệt ngã và mệt mỏi. Bạn luôn cố gắng chạy thật xa không ngừng nghỉ với một nỗi hối hả và sự sợ hãi rằng chỉ cần chậm lại chút hay chỉ dừng lại nghỉ chân thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Bạn sợ thế giới ấy nhìn bạn như một kẻ lười biếng và đầy tội đồ. Nhưng đến máy móc cũng có lúc cần được ngơi nghỉ, còn chúng ta chỉ là những con người bằng da bằng thịt, đâu thể cứ chạy mãi chẳng cho mình một chốn dừng chân? Chúng ta dừng lại không có nghĩa là chúng ta đang bỏ cuộc. Đó có thể là những giây phút di chuyển chậm hơn để tận hưởng những điều tốt đẹp trên hành trình của mình. Nếu bạn cảm thấy áp lực khiến bản thân đang dần mất hướng đi, hãy nghỉ ngơi một chút và cho mình chút thời gian để được ngủ thật say, ăn thật ngon, đến những nơi mà mình muốn. Nghỉ ngơi rồi hãy cố gắng để bước tiếp bằng đôi chân cứng cáp và cái đầu thành thơi hơn. Đừng bước đi quá nhanh trên đường đời để rồi khi giật mình nhìn lại bạn không thể xác định được vị trí mà mình đang đứng và mục tiêu mình hướng đến là gì. Bạn hãy nhớ rằng: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”. Cuộc sống sẽ là một chuyến đi đầy ý nghĩa nếu bạn có một lối đi đúng đắn cho bản thân, hãy góp nhặt những mảnh vỡ cuộc sống và bước tiếp với những trải nghiệm đang chờ bạn trước mắt. 

Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại - Mẫu 2

Có bao giờ trên đường đời gian nan, ta cảm thấy mỏi mệt? Có bao giờ ta thèm khát những khoảnh khắc nghỉ ngơi? Có bao giờ ta nhận ra mình bước quá nhanh vì đã vô tình bị những thứ vinh quang, hào nhoáng ám ảnh mà bỏ qua tất cả? Và có bao giờ ta phân vân: Bước tiếp hay nên có đôi chút dừng lại?

Cuộc sống luôn đặt con người trước nhiều sự lựa chọn. Có những lựa chọn sẽ khiến cuộc đời ta hoàn toàn rệ sang một hướng khác. Trong bất cứ công việc nào mỗi người cần xác định rõ đúng sai nên tiếp tục (bước đi) hay dừng lại (từ bỏ), vấn đề “bước đi” và “dừng lại” là vấn đề của sự lựa chọn.

Chúng ta đều biết “bước đi” chỉ hành động tiến về phía trước. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến việc bước đi trên con đường tâm tưởng chứ không phải con đường vật chất. Bước đi trong tâm tưởng là nuôi ý chí và quyết tâm thực hiện công việc của mình. Cũng giống như “dừng lại” là quyết định ngừng làm công việc ấy. Vậy khi nào nên “bước đi” và lúc nào thì cần phải “dừng lại”?

Từ tấm bé ta đã được bố mẹ dạy dỗ cho những bước đi đầu đời và khi lớn lên ta cứ thế mà đi trên con đường của chính mình. Bước đi trong cuộc sống nghĩa là làm việc, là tồn tại. Học sinh sải bước trên con đường học tập, thương nhân lướt đôi chân trên con đường kinh doanh, người nghệ sĩ tiến dài trên con đường nghệ thuật... Nhưng cuộc sống xô bồ đã khiến ta quay cuồng trong mớ hơn thua, vụ lợi. Ta lao động không ngừng nghỉ và cũng chẳng hề nhận ra sai lầm. Để rồi một khi thức tỉnh, mọi thứ đã quá muộn, ta bất lực trước những gì đã qua. Phải chăng ta nuối tiếc vì đã không dừng lại?

Những con đường không hề có sẵn, con người ta đi mãi nên làm ra đường đấy thôi. Lúc đường gập ghềnh, lúc lại bằng phẳng. Ta cứ đi... đến khi đôi chân phập phồng vì mặt đường cát nắng, ta nên dừng lại. Con người cũng như mọi thứ máy móc, vận hành nhiều thể nào cũng trở nên mỏi mệt và cần có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng quan trọng là ta làm được gì trong những khoảng dừng lại đó. Dừng lại để tự hỏi tại sao ta vấp ngã, ta gặp phải những khó khăn, trở ngại làm chân ta chùn bước. Dừng lại để ta suy ngẫm, chiêm nghiệm những gì đã qua và rồi nhìn trước vào tương lai. Dừng lại để hiểu lòng ta, lòng người. Dừng lại để nghỉ ngơi, khi ta thật sự cảm mỏi mệt. Và đôi khi dừng lại... ta bỗng nhận ra yêu thương.

Cuộc đời là một hành trình vô biên mà chúng ta là những người hành khất đang chầm chậm bước lên. Cuộc sống quay cuồng, ta cứ bước... Nhưng nhiều người sợ hãi sự dừng lại, lúc nào họ cũng cúi đầu làm việc mà chẳng hề nghĩ đến mọi thứ xung quanh. Họ cho rằng một khi đã dừng bước thì khó lòng mà tiếp tục tiến lên. Chính vì thế, sự e ngại đã chiến thắng. Hậu quả là họ cứ bước đi trong mỏi mệt và tương lai mịt mù. Thử hỏi con người ta nếu cứ sống trong tâm thế ủ rũ, không phương hướng thì làm sao vươn tới thành công đích thực?

Cuộc sống cần nhiều khoảng lặng. Có những thứ ta không thể tìm gặp một khi chỉ lươn lướt bề ngoài. Bước đi và dừng lại đúng lúc không phải là nói lời buông xuôi với số phận. Ta bước đi để biết mình vẫn tồn tại trong cuộc sống, nhưng dừng lại để xem cuộc sống vẫn tồn tại trong mắt ta. Hãy thử lắng nghe con tim lên tiếng, lý trí mách bảo. lắng nghe âm thanh cuộc sống như một khúc dương cầm du dương tha thiết. Và rồi ta sẽ bước nhanh hơn, những bước chân dồn dập mang tình yêu và tuổi trẻ.

Cuộc sống là không ngơi nghỉ nhưng cuộc sống cũng cần đến những giây phút nghỉ ngơi, cuộc hành trình dài của đời người cũng phải có những khoảnh khắc dừng lại. Dừng lại để nhìn lại, để biết mình đã đánh mất những gì và có được những gì, để yêu thương và đón nhận yêu thương, để nhận ra đâu đó quanh đây có một bàn tay cần chúng ta giúp đỡ và thâm cảm ơn thượng đế đã ban cho chúng ta cuộc sống để chúng ta tận hưởng mọi thứ trong cuộc sống này. Nếu cứ mãi bước đi, mãi hướng về phía trước mà không biết dừng lại không biết nhìn lại xung quanh thì bước đi đó liệu còn có ý nghĩa gì nữa. Chúng ta sẽ chẳng thể nhận ra giá trị của đoạn đường mà chúng ta đã đi qua, chẳng thể hiểu được ý nghĩa của sự cố gắng và nỗ lực. Nhưng đừng bao giờ tự cho phép mình được dừng lại mà không bước đi nữa, đừng bao giờ mải nghỉ ngơi mà quên mất phấn đấu. Bởi sự nghỉ ngơi lâu dài chi chờ đợi ban ơn những nấm mồ, bởi dừng lại lâu dài đồng nghĩa với cái chết. Tự thỏa mãn với những gì mà bạn đang có sẽ biến bạn trở thành kẻ lạc hậu của ngày hôm qua.

Phía trước chúng ta luôn có một con đường. Và với những người ngồi trên ghế nhà trường, con đường ấy lại là cả một quãng dài gian nan. Vì thế, bước đi và dừng lại như một lẽ thường tình. Vứt bỏ những phút giây căng thẳng mỏi mệt, dành cho mình một khoảng thời gian nhìn lại những gì đã qua và để rồi tìm con đường đi về tương lai chính là chìa khóa quý báu để mở cánh cửa thành công của mỗi người học sinh nói riêng và của tất cả chúng ta nói chung. Vâng dương sẽ hắt lên thứ ánh sáng hi vọng đón chờ ta ở phía trước. Và với một tâm thế thoải mái, khỏe khoắn sau một cuộc dừng chân, hãy tin rằng ta sẽ dễ dàng chạm tay vào ước mơ. “Bước đi” và “dừng lại” là chiếc chìa khóa thành công đối với mỗi con người. Chúng ta hơn nhau ở chỗ quyết định khi nào nên “dừng lại” và lúc nào thì cần phải “bước đi”. Chớ nên hiểu lầm ‘dừng lại” là biểu hiện sự tiêu cực trong suy nghĩ. Người biết dừng lại đúng lúc là người hiểu rõ bản thân mình biết ranh giới giữa cái hữu hạn và vô hạn như Lamenai đã nói: Bạn có biết tại sao con người đau khổ nhất trong các tạo vật không? Tại y có một chân trong sự hữu hạn còn chân kia trong sự vô hạn và bị phanh thây không phải vì bốn ngựa mà là hai thế giới.

Hãy bước đi và dừng lại suy nghĩ. Cuộc sống của bạn sẽ chỉ thật sự hạnh phúc khi bạn dám sống cho điều mình ước mơ - Emmet Fox. Mỗi một ngày và mỗi dịp có thời gian tĩnh lặng riêng cho cõi lòng, bạn đối diện với điều gì nơi mình? Phải chăng đó là một khát khao cháy bỏng nào đó trong tim mà giờ đây vì nhiều lý do mà nó chưa được thực hiện trong cuộc sống của mình? Hãy làm gì đó ngay từ bây giờ từng việc nhỏ một với ý hướng về điều mình khao khát thì đến một lúc nào đó cơn gió mạnh từ trời sẽ ập đến để thổi bùng cái vải vốn che đôi mắt của ta đi để ta thấy ánh sáng và vinh quang đang chờ đón ta tiến đến nhận phần thưởng cho người biết sống sứ mạng của mình để cống hiến cho đời, mọi cơ hội sẽ nở hoa và bạn chỉ còn đưa tay ra gặt hái vì Thượng Đế luôn có một kế hoạch lớn lao cho mọi người, và Ngài cùng có kế hoạch cho riêng bạn.

-----------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Có ý kiến cho rằng: Bất cứ ai trong chúng ta trên con đường của cuộc sống luôn có hai hành động bước đi và dừng lại cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm Soạn văn 11, soạn bài lớp 11 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
2 4.411
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

Xem thêm