Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Dàn ý chi tiết nghị luận về nạn bạo lực gia đình

Những bài văn mẫu hay lớp 9

Văn mẫu lớp 9: Dàn ý chi tiết nghị luận về nạn bạo lực gia đình được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý chi tiết nghị luận về nạn bạo lực gia đình mẫu 1

1- Mở bài

Ngày nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phấn đấu cho một chế độ công bằng và văn minh, dân chủ và giàu mạnh. Ấy thế mà trong xã hội vẫn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của những người lương thiện. Đó là hiện tượng bạo hành trẻ em. Vậy thế nào là bạo hành, hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của chúng ta ra sao trước vấn nạn này?

2- Thân bài

A - Thế nào là bạo hành? Đó là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn... bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.

B - Thực trạng bạo hành trẻ em trong xã hội

Vừa qua, những phương tiện thông tin đại chúng đã gay gắt lên án những vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các địa phương trong cả nước, ở các môi trường sống khác nhau: Trong gia đình, trong các quán ăn và cả trong học đường. Chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết và chưa quên trường hợp thật đau lòng của cháu Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ, bị cô bảo mẫu Lê Vi, vì muốn cháu ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn đến cái chết bi thương.

Bé Hảo mới 4 tuổi đã bị ngay người mẹ "đứt ruột" đẻ ra mình bạo hành. Thấy con nghịch tờ tiền, bà mẹ đã dùng kéo cắt ngón tay để "Cảnh cáo", một lần bé Hảo không may trèo cây bị ngã. Trước sự việc đó, bà mẹ chẳng những không cứu con, mà thậm chí còn có một hành động tàn ác hơn cả dã thú. Dùng dao phạt đứt gót chân con. Hậu quả là bé Hảo bị mất 41% sức khoẻ, trên mình đầy rẫy vết thương và phải sống như một người tàn phế.

Cô bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà, Đồng Nai đã dùng bạo lực đánh đập, tát, vả... những đứa trẻ còn rất non yếu do bà ta trông giữ, đến độ bà phải lãnh án tù.

Ở trường nọ, có một thầy giáo dạy ngoại ngữ thấy học sinh mình học quá kém, thầy không hề tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em vô cùng éo le, nhà nghèo, bố đạp xích lô, mẹ đi bán vé chui, một mình em gánh trên vai việc chăm sóc ba em nhỏ, nên việc học tập đã bị sa sút, để mà thông cảm và tìm cách giúp đỡ. Đằng này, thầy lại buông lời xỉ vả, xúc phạm: "Ba mày ngu, mẹ mày ngu nên sinh ra mày ngu vậy đó". Chưa hết, thầy còn lăng mạ, ấn dùi đầu em học sinh ấy để cả lớp cười chê về "tấm gương xấu" này.

Hình thức bạo hành trong nhà trường còn có nhiều biểu hiện, muôn hình vạn trạng như cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã bị chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến nỗi em bị thương nặng phải đi viện....

Đó là những việc "nổi tiếng", vì hậu quả nghiêm trọng gây thương tích, chết người nên công luận lên tiếng và mọi người mới biết. Còn những kiểu bạo hành âm thầm "hành" mà không "bạo" như mắng nhiếc, dọa dẫm, "khủng bố" tinh thần và thể xác, không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta, thì ai mà thống kê hết được?

C - Bình luận: Bản chất của nạn bạo hành trẻ em hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của mỗi chúng ta trước vấn nạn này.

Bạo hành là một hành động xấu xa cần phải lên án: Bác Hồ đã từng viết "Trẻ em ... là bầy con cưng", "trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ. Biết học hành là ngoan" Thế mà có những búp non không những bị vùi dập một cách thô bạo, phũ phàng, mà còn bị rẻ rúng, khinh thường. Những người bạo hành con cái, trẻ em là những người không yêu con, không yêu trẻ và có cách giáo dục thiếu tình thương. "Phụ tử tình thâm" "Hổ báo cũng không ăn thịt con"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng...", mà nỡ đối xử với con thơ, trẻ thơ như thế sao? Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Đặc biệt ở nhiều gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến. Theo số liệu điều tra của Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em, có đến 80% em bỏ nhà hoặc phạm pháp là do hậu quả của nạn bạo hành.

Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người.

Dù bởi nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do áp lực của cuộc sống, do đói nghèo, do say rượu thiếu tỉnh táo... hay gì đi nữa, thì hành động bạo hành cũng là hành động của những con người gần như mất hết lương tri, suy đồi về đạo đức, tha hoá về nhân cách và đi ngược lại truyền thống đạo lý yêu thương nhân ái "Thương người như thể thương thân" vốn rất đẹp và quý báu của dân tộc ta.

3- Kết luận

Việt Nam ta là nước đầu tiên ở Châu Á đã ký kết công ước về đảm bảo quyền trẻ em. Chúng ta hãy nỗ lực thực hiện bằng được cam kết ấy. Và pháp luật, báo chí, toàn xã hội phải góp sức, chung tay cùng lên án hành vi bạo hành trẻ em để có thể mang lại sự bình yên cho gia đình và xã hội, làm cho mọi người được sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Dàn ý chi tiết nghị luận về nạn bạo lực gia đình mẫu 2

A- Mở bài:

Gia đình là tế bào của xã hội là nơi mỗi chúng ta sinh ra lớn lên được chăm lo về vật chất lẫn tinh thần, là nơi chúng ta được sống trong hạnh phúc yêu thương.

Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng vậy. Trong thực tế có rất nhiều gia đình vì những lí do cá nhân mà gây ra mẫu thuẫn dẫn đến bạo lực. Đây là vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm, Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

B- Thân bài:

1/ Bạo lực gia đình: Theo khoản 2 điều 1 luật quy định về gia đình: Bào lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với các thành viên khác trong gia đình.

Mỗi gia đình có hoàn cảnh sống khác nhau mà nguyên nhân dẫn đến việc bạo lực cũng không giống nhau

2/ Biểu hiên: Do mâu thuẫn cá nhân không thể giải quyết được nên vợ chồng có những hành vi chửi bới, xúc phạm, lăng mạ và dùng những hành động thiếu văn hoa để thỏa cơn giận dữ.

3/ Nguyên nhân:

  • Do thiếu hiểu biết về pháp luật, chồng và vợ đánh nhau chỉ vì nghĩ việc vợ chồng đánh nhau là chuyện riêng trong gia đình không liên quan đến người khác và không ai có quyền can thiệp
  • Do tức giận không làm chủ được bản thân thường hay giải quyết bằng hành động
  • Do không được trang bị những kĩ năng sống cần thiết để kiềm chế các hành vi bạo lực nên những lúc giận dữ họ hay giải quyết bằng nắm đấm chứ không phải bằng lời lẽ
  • Có những người chồng gia trưởng hay phản ứng với vợ bằng bạo lực
  • Do nghiện ngập: Nghiện rượu và ma túy dễ đưa người ta đến bạo lực bởi nó làm thay đổi suy nghĩ con người. Mỗi lần suy nghĩ con người mất khả năng tự chủ làm cho con người trở nên thô bạo hơn, không cần suy nghĩ gì về hành vi của mà đã biến mâu thuẫn thành bạo lực.
  • Do khó khăn về kinh tế hoặc do chơi cờ bạc cũng rất dễ bị xung đột cãi cọ rồi sinh ra bạo lực.
  • Do ghen tuông

4/ Hậu quả:

  • Bạo lực gia đình đem đến những hậu quả nặng nề về thể xác, tinh thần của con người cho ở hành động nào, mức độ nào thì nó cũng gây nguy hại về tinh thần
  • Hôn nhân gia đình tan vỡ
  • Làm giảm lực lượng lao động trong xã hội, tăng số người bị bệnh tật
  • Ảnh hướng đến kinh tế: Việc chữa trị cho người bị bạo hành tốn kém nhiều

5/ Biện pháp

  • Bạo lực gia đình là vấn đề bức xúc của xã hội đòi hỏi mỗi chúng ta phải có biện pháp phòng chống và hạn chế. Tuy nhiên nạn phân biệt đối xử trọng nam khinh nữ, quan niệm gia trưởng vẫn còn tồn tại nhiều trong xã hội chúng ta. Vì vậy rất khó để xóa bỏ được tệ nạn này.
  • Mặt khác do nhận thức về pháp luật của một số người còn hạn chế, một số xã, huyện thuộc vùng sâu vùng xa cần phải có cách tuyên truyền đến từng hộ dân.
  • Cả cộng đồng cần chung tay giải quyết, xem xét và nhận thức được đây là vấn đề quan trọng cần xã hội quan tâm và yêu cầu sự vào cuộc của tất cả cơ quan chức năng.
  • Tuyên truyền sâu rộng bộ luật ”bình đẳng giới” tới cộng đồng và từng gia đình
  • Hoàn thành tốt chương trình ”toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục” đối với tất cả chúng ta. Giúp chúng ta nhận thức được rằng bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật.
  • Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng luật đặc biệt là luật phòng chóng bạo lực gia đình.

C- Kết bài:

Bạo lực gia đình làm tổn hại đến thể chất và tinh thần của con người vì vậy chúng ta cần phải loại bỏ ngay hành vi này để cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình tốt đẹp hơn

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Dàn ý chi tiết nghị luận về nạn bạo lực gia đình. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Dàn ý suy nghĩ của em về câu "Gia đình là nền móng và môi trường tự nhiên để trẻ em khôn lớn và phát triển tốt nên cần được bảo vệ và giúp đỡ đầy đủ”

Đánh giá bài viết
11 2.830
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm