Dàn ý giải thích Thương người như thể thương thân

VnDoc giới thiệu tới các bạn các mẫu Dàn ý cho đề bài Giải thích câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân", bao gồm dàn ý ngắn gọn và dàn ý chi tiết, qua đó các bạn sẽ nắm được những ý chính cần có để xây dựng bài viết, từ đó đưa ra lý lẽ và dẫn chứng phù hợp để xây dựng bài văn hoàn chỉnh và đạt điểm cao.

Lập dàn ý giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 1

a. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”

Mẫu: Từ xưa đến nay, dân tộc ta vẫn luôn gìn giữ và phát huy những truyền thống, đạo lí tốt đẹp. Đó là về sự đoàn kết, về lòng yêu nước, về đức tính cần cù chịu khó. Quan trọng không kém, chính là truyền thống yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào ta. Từ khi còn tấm bé, những bài học ấy đã được ông cha ta khéo léo lồng ghép vào những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn và cả tục ngữ nữa. Tiêu biểu là câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”.

b. Thân bài:

- Giải thích nội dung câu tục ngữ:

  • “người”: những người khác xung quanh bản thân mình như người thân, bạn bè, thầy cô, những người xa lạ…
  • “thân”: chỉ chính bản thân mình
  • “thương”: chỉ hành động yêu thương, tôn trọng, đối xử bình đẳng, quan tâm, giúp đỡ nhau…

→ Câu tục ngữ khuyên nhủ hãy yêu thương, trân trọng, tôn trọng người khác như đang đối xử với chính bản thân mình

- Bàn luận: Vì sao cần phải yêu thương, giúp đỡ người khác như với chính mình?

  • Vì con người là sinh vật cộng đồng, sống theo tập thể, không thể chỉ sống một mình, hoạt động một mình, không tiếp xúc, giao lưu với người khác
  • Vì xung quanh chúng ta có nhiều người vô tình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cần được giúp đỡ, chia sẻ
  • Vì chúng ta rồi sẽ đến lúc gặp phải những tình huống không mong muốn, lúc đó cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác
  • Vì đây là truyền thống ý nghĩa được truyền lại qua bao thế hệ người Việt Nam

- Biểu hiện của tình yêu thương, chia sẻ với người khác như với bản thân mình:

  • Giúp đỡ người khác khi thấy họ gặp khó khăn
  • Ủng hộ các quỹ từ thiện, quyên góp, trại trẻ mồ côi, người khuyết tật…
  • Không phá hoại, gây khó khăn, ức hiếp… những người xung quanh

- Ý nghĩa của tình yêu thương, chia sẻ với người khác như với bản thân mình:

  • Giúp cho người được giúp đỡ vượt qua khó khăn, thử thách
  • Giúp bản thân có sự thoải mái, hạnh phúc
  • Giúp gắn kết, thắt chặt tình cảm giữa mọi người với nhau hơn
  • Giúp tạo sự liên kết, đoàn kết cho tập thể, cộng đồng
  • Giúp gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

- Mở rộng vấn đề:

  • Phê phán, lên án những người sống thiếu tình thương, không giúp đỡ người khác dù có khả năng
  • Tố cáo những kẻ đánh đập, ức hiếp, chà đạp lên những người yếu hơn mình trong xã hội

- Bài học cá nhân:

  • Nên biết giúp đỡ bạn bè, người thân trong khả năng của mình
  • Biết nhờ vả sự giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn
  • Không làm khó, ức hiếp những người nhỏ hơn mình

c. Kết bài: Đánh giá, suy nghĩ của em về câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

Mẫu: 

Qua câu tục ngữ ấy, em thấm nhuần thêm về bài học yêu thương, đùm bọc mà cha ông luôn nhắn nhủ. Đó không chỉ là một đạo lí, mà còn là một sợi dây vô hình nhưng vững chắc gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Em sẽ cố gắng làm theo lời cha ông dạy dỗ qua câu tục ngữ để gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 2

1. Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu nội dung vấn đề và trích dẫn câu tục ngữ.

2. Thân bài

- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ.

  • Thương thân: Yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quí trọng… bản thân mình.
  • Thương người: Yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ…những người xung quanh.

→ Lời nhắn nhủ: Yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.

- Phải “Thương người như thể thương thân” bởi:

  • Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng.
  • Nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
  • Mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn.
  • Giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc, nó sẽ khiến ta thấy thanh thản hơn.
  • Đây là nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

- Tinh thần “thương người như thể thương thân” được thể hiện:

  • Xem việc quan tâm giúp đỡ người khác là lẽ sống và phải xuất phát từ tình cảm chân thành, tự nguyện, tự giác.
  • Giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
  • Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỉ, hẹp hòi…
  • (Nêu dẫn chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong chiến tranh; phong trào từ thiện hiện nay, đặc biệt là phong trào từ thiện của học sinh… để làm sáng tỏ những điều đã giải thích).
  • Những việc đã, đang và sẽ làm của bản thân.

3. Kết bài

  • Câu tục ngữ thể hiện một đạo lí đúng đắn.
  • Lời khuyên.

Dàn ý Giải thích Thương người như thể thương thân mẫu 3

1. Mở bài

  • Nhân ái là truyền thống của con người Việt Nam.
  • Tục ngữ có câu: "Thương người như thể thương thân".

2. Thân bài

a. Ý nghĩa câu tục ngữ:

  • "Thương người" có nghĩa là gì?
  • Thế nào là thương người khác như thương thân mình?
  • Tóm lại, câu tục ngữ đề cao vấn đề gí?

b. Biểu hiện của tình thương người như thương thân:

  • Cảm thông với khổ đau, bất hạnh.
  • Đề cao giá trị, phẩm chất của con người.
  • Mong những điều tốt đẹp mà mình muốn cũng đến với người khác.
  • Giúp đỡ, đùm bọc để con người vượt qua gian khổ.

c. Vì sao phải yêu thương người khác như bản thân mình:

  • Đây là tình cảm tạo nên giá trị cao cả của con người..
  • "Thương người" tạo nên sự gắn bó giữa người và người.
  • Là gốc rễ để tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, như sự cao thượng, sự sẻ chia...

d. Bài học:

  • Thương yêu con người phải từ trái tim chân thành.
  • Thể hiện bằng hành động cụ thể, hữu ích.
  • Lan tỏa yêu thương khắp mọi nơi.

3. Kết bài

  • Câu tục ngữ là bài học quý giá mà cha ông để lại.
  • Thế hệ trẻ phải luôn mở rộng tấm lòng yêu thương con người.

>> Tham khảo thêm: Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

Dàn ý chi tiết Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 4

1. Mở bài:

  • Dẫn dắt vấn đề: Tình yêu thương con người la một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và là yếu tố quan trọng giúp xây dựng một xã hội đoàn kết, văn minh.
  • Nêu vấn đề và khái quát ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã khuyên nhủ chúng ta về lối sống yêu thương lẫn nhau giữa người với người.

2. Thân bài:

- Luận điểm 1: Giải thích

  • Thương người như thể thương thân: Yêu thương những người xung quanh như thương chính bản thân mình.
  • Câu tục ngữ khuyên chúng ta cần phải có lòng thương người, yêu thương đồng loại như yêu thương chính bản thân mình và người thân của mình.

- Luận điểm 2: Tại sao lại nói như vậy

  • Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là một điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển chung của xã hội.
  • Những người trong gia đình là những người có chung dòng máu, chung gốc gác, tổ tiên, cha mẹ, vì vậy yêu thương nhau là một lẽ đương nhiên bởi “máu chảy ruột mềm”.
  • Đến những người bạn bè, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” là những người tuy không cùng máu mủ, huyết thống, nhưng lại là những người vui cùng ta lúc ta vui, đồng cảm, giúp đỡ ta khi ta gặp khó khăn, đôi khi tình cảm giữa những người tưởng chừng như xa lạ đó lại cũng vô cùng sâu nặng, thân thiết.
  • Xa hơn, đến những con người không biết mặt, biết tên, khác miền khác dân tộc, nhưng tất cả lại cùng chung dòng máu Lạc Việt, cùng là con cháu Rồng Tiên, cũng được gọi với 2 tiếng thân thương: “đồng bào”. (Lấy ví dụ cả nước chung tay hướng về giúp đỡ đồng bào miền Trung khỏi thiên tai bão lũ)
  • Lòng thương người không chỉ là yêu thương người thân ruột thịt, bạn bè làng xóm, đồng bào quê hương, mà rộng ra là yêu thương toàn nhân loại trên thế giới.
  • Lòng thương người, tương thân tương ai chính là gốc rễ của tình thân ái, của lòng nhân nghĩa – truyền thống quý báu của dân tộc ta.

- Luận điểm 3: Bài học rút ra

  • Tình thân ái, lòng yêu thương con người chính là sợi dây bền chặt kết nối những con người xa lạ lại với nhau, kể cả những người con xa quê, lưu lạc nơi đất khách quê người, cũng luôn hướng về đồng bào tổ quốc. Điều này tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra sức mạnh dân tộc to lớn, giúp ta đánh thắng mọi kẻ thù tàn bạo để có được hòa bình độc lập ngày hôm nay.
  • Lòng nhân ái, thương người được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng hành động cụ thể, bằng những nghĩa cử cao đẹp:
    • Sẵn sàng giúp đỡ, đồng cảm với những người gặp khó khăn, thiếu thốn.
    • Dù ở nơi nào vẫn luôn hướng về tổ quốc, chung tay bảo vệ đồng bào, kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ những người gặp khó khăn…

- Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

  • Vẫn còn những trường hợp vô tâm, ích kỉ, “khác máu tanh lòng”, bán nước hại dân,…
  • Những người lợi dụng lòng thương của mọi người để trục lợi…

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ: Tình yêu thương con người chính là bài học quý giá mà ông cha ta răn dạy con cháu đời sau.
  • Liên hệ bản thân: Chúng ta cần xây dựng và phát huy tình cảm tốt đẹp này bởi nó chính là kim chỉ nam quan trọng giúp hình thành những tình cảm, lối sống cao đẹp khác.

Văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

Tục ngữ Việt Nam là kho kinh nghiệm ngàn đời, đúc kết từ trí tuệ người xưa. Nhưng cũng có câu tục ngữ được thốt ra từ trái tim nồng nàn yêu thương của cha ông. Đó là câu “Thương người như thể thương thân”. Lời khuyên này có ý nghĩa gì?

Câu tục ngữ như một lời nói hết sức bình dị hàng ngày. Nó là một câu so sánh với hai vế: a và b. Thương người như thể thương thân. Vậy muốn hiểu thương người phải hiểu thương thân là gì? Thân tức là thân thể hay thân xác của mỗi người, được cha mẹ ban cho mà có. Thương thân là từ hết sức hàm súc, nó diễn tả tâm trạng của người tự lập, phải biết thương lấy mình, tự chăm sóc, giữ gìn bản thân.

Cũng chính vì thế thương thân thể hiện một tình thương dồi dào nhất, một sự chăm sóc tích cực nhất, vì “vị kỉ” và “ích kỉ” là bản tính của con người. Thương người như thể thương thân chứa đựng một lời khuyên: hãy thương yêu, chăm sóc, thông cảm và chia sẻ vui buồn, hoạn nạn với người khác như chính mình vậy. Sở dĩ ông bà ta có lời khuyên này vì nhiều người trong xã hội có thói ích kỉ, ích kỉ đến độ tàn nhẫn. Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là những câu thành ngữ, tục ngữ miêu tả loại người ấy.

Do đó, thương người như thể thương thân như một hồi chuông đánh thức lương tri, lay động tâm hồn của con người.Thật vậy, trong xã hội không ai sống lẻ loi, đơn độc mà tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình, ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỷ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể. Do đó khi gặp khó khăn, hoạn nạn ta làm sao có thể quay lưng làm ngơ cho được, bởi máu chảy ruột mềm.Anh em như thể chân tay.Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ dần.

Rộng hơn tình anh em là tình nghĩa bè bạn, bà con hàng xóm, những người đã cùng chúng ta tối lửa tắt đèn có nhau, tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình có nghĩa sâu nặng vời ta. Những lúc trái gió trở trời, những khi ta cùng đường bí lối, họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để chia sẻ, động viên. Tình nghĩa ấy thật sâu đậm nào khác gì anh em một nhà. Vì vậy, khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lẽ nào ta ngoảnh mặt thờ ơ cho đành. Lúc này, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách là một việc mà ta phải thực hiện.

Ngay đến cộng đồng xã hội mà ta sống, những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù ở nơi rừng núi hay đồng bằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc, có chung một mẹ Âu Cơ. Chính mối quan hệ gắn bó này tạo nên tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy đã bao đời nay trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, cả nước đều chung lòng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng đã biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi một miếng khi đói bằng một gói khi no những khi lũ lụt, hỏa hoạn. Những lúc ấy, có người đã dũng cảm quên đói, quên lạnh, cứu sống biết bao mạng người để lại gương sáng cho đời sau.

Câu tục ngữ thương người như thể thương thân là một bài học sâu sắc về đạo lí làm người. Hãy thương yêu người khác như yêu thương chính bản thân mình. Điều đó mãi mãi nhắc nhở ta về lòng nhân ái, về tình người mà ta cần thực hiện tốt. Để phát huy truyền thống tốt đẹp ấy của ông cha, em hứa sẽ luôn giúp đỡ những người hoạn nạn mà em gặp trong cuộc đời mình.

>> Xem đầy đủ các bài văn mẫu tại đây Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân lớp 7

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em các mẫu dàn ý cho đề bài Giải thích câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" trong chương trình Ngữ văn 7. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em nắm được các ý chính cần có, đồng thời có thêm nhiều lí lẽ dẫn chứng giúp các em xây dựng cho mình bài văn hoàn thiện và có tính thuyết phục hơn.

Để học tốt Văn 7 hơn, mời các bạn tham khảo các chuyên mục sau:

Đánh giá bài viết
170 61.856
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm