Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Dàn ý Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2

Dàn ý Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình II cung cấp cho các em những gợi ý chính cần có trong bài văn, giúp các em định hướng và làm bài tốt hơn.

Trên cơ sở dàn ý đã có hi vọng các em đã có thể hình dung được những ý chính trong bài cần triển khai. Các em có thể tự học bài ở nhà, xây dựng phương pháp viết bài riêng cho mình, bên cạnh đó các em chuẩn bị kiến thức để bước vào những kì thi quan trọng. Mời các em tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.

Dàn ý tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2

Dàn ý Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2 mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và dẫn dắt vào tâm sự của nữ thi sĩ qua bài thơ Tự tình 2 bằng cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của học sinh.

2. Thân bài

a. Hai câu đề

Giữa đêm khuya chỉ một mình Xuân Hương chống chọi lại với bóng đêm hoang vắng, âm u và lạnh lẽo. Từng câu, từng chữ như tạc vào lòng người một nỗi buồn sâu thẳm.

Đêm khuya vốn dĩ đã gợi lên nhiều tâm trạng, lại cộng thêm tiếng trống canh

Người con gái đang phó mặc số phận hồng nhan của mình cho nước non. Nàng bẽ bàng, và tự cười cho cái phận hồng nhan. Chỉ một từ “trơ” đủ nói lên nỗi tủi hổ, nỗi cay đắng đến xé lòng của người con gái đang khát khao yêu mà chẳng được yêu.

b. Hai câu thực

Nàng tìm đến rượu nhưng rượu càng khiến nỗi buồn sâu thêm. Nàng say bởi men rượu hay say bởi men tình?

Trăng là hình ảnh quen thuộc trong những bài thơ nói về tình yêu. Vầng trăng tròn tượng trưng cho sự trọn vẹn của một cuộc tình đẹp. Nhưng vầng trăng của Xuân Hương lại là vầng trăng khuyết khiến cho nàng phải ôm bao đớn đau, tủi hờn.

Cảnh vật vắng vẻ, còn lòng người quạnh hiu. Người và thiên nhiên hòa với nhau làm một.

Dù có lúc Xuân Hương cũng khát khao sống, khát khao yêu nhưng niềm khát khao ấy được bao nhiêu?

c. Hai câu luận

Rêu vốn chỉ là sinh vật yếu ớt, nhưng từng đám vẫn hiên ngang vươn mình xiên ngang mặt đất để đón ánh mặt trời.

Đá dù nhỏ bé so với bầu trời nhưng vẫn đua nhau đâm toạc chân mây, khẳng định sự hiện diện của mình.

Nghệ thuật đảo ngữ trong câu thơ đã nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Sự phản kháng, phẫn uất ấy của thiên nhiên phải chăng cũng chính là sự phẫn uất, phản kháng của người phụ nữ trước số phận hẩm hiu của mình.

→ Người phụ nữ cô độc, tủi hờn khoảnh khắc đó dường như giật mình tỉnh ngộ. Không cam chịu không lặng lẽ gặm nhấm bi ai mà muốn mạnh mẽ sống như rêu như đá, phá hủy tất cả những thứ ràng buộc, giam cầm và chà đạp cuộc đời mình.

d. Hai câu kết

Đời người đâu có thể đi ngược lại quy luật bất biến của tự nhiên. Thời gian trôi đi có bao giờ trở lại? Xuân đến, xuân lại đi theo vòng tuần hoàn vốn có, nhưng đời người đâu có sự tuần hoàn như thế?

Xuân đi xuân lại lại. Hai từ lại xuất hiện cùng lúc như để nhấn mạnh hơn về sự thật mà Xuân Hương đang chiêm nghiệm.

Qua mỗi mùa xuân, mảnh tình bé nhỏ của Xuân Hương lại bị san sẻ tí con con. Câu thơ sử dụng lượng từ theo thứ tự từ lớn đến bé dần, bé dần rồi dường như mất hẳn.

→ Nàng Hương đang rất đau khổ khi tình yêu cứ thứ tuột khỏi tay mình theo thời gian mà chẳng thể nào níu lại được.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân về bài thơ cũng như tâm sự của nữ thi sĩ.

Dàn ý 2: Dàn ý chi tiết tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương

- Giới thiệu đôi nét về tài thơ Tự tình 2, từ đó nêu đôi nét về tâm sự của Hồ Xuân Hương qua bài thơ

2. Thân bài

- Bài thơ thể hiện nỗi niềm của nhà thơ về đêm khuya cô đơn

+ Phân tích hai câu thơ đề: Lấy cái hồng nhan để đối với nước non

=> Hai câu thơ diễn tả tình cảnh cô đơn của người phụ nữ trong dêm khuya thanh vắng. Đó là nỗi dằn vặt và sắp bộc lộ, giãi bày một tâm sự

- Hai câu thực cho thấy cảnh ngụ tình

+ Hương rượu, ánh trăng cho thấy tình duyên chưa trọn, không như mong ước, khi mà tuổi xanh đã lần lượt trôi đi.

- Hai câu luận là nỗi bực dọc, phản kháng, ấm ức duyên tình

- Chủ đề chính của bài thơ là lời than thở, xuân đi rồi xuân lại mà duyên tình vần chưa được vuông tròn, còn mảnh tình quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là san sẻ tí con con

3. Kết bài

Tóm tắt nêu lại nỗi tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự Tình 2

Dàn ý 3: Dàn ý chung tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình 2

I. Mở bài:

- Giới thiệu chung: Hồ Xuân Hương là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm.

- Giới thiệu về bài thơ "Tự tình 2"

II. Thân bài:

- Bài thơ thể hiện nỗi buồn và tâm sự của nhà thơ về số phận lẻ loi của mình và niềm khát khao được hạnh phúc, được quân tử yêu thương.

* Hai câu đề:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non"

- Hoàn cảnh :giữa đêm khuya, hao thức, nghe tiếng trống dồn dập sang canh

- Thấy mình cô độc giữa cuộc đời. Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ mạnh, nghe thật thấm thía

* Hai câu thực:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

- Nói lên suy nghĩ của nhà thơ:

- Buồn, uống chén rượu để quên nhưng càng uống càng tỉnh, tỉnh lại càng buồn hơn. (Hình ảnh người con gái lấy chính mình ra làm đồ nhắm)

- Nhìn trăng thấy trang đã xế bóng mà lại chưa tròn. Vầng trăng như là thân phận của nhà thơ.

- "Khuyết chưa tròn": Chưa tuyệt vọng vẫn còn ấp ủ niềm hi vọng.

* Hai câu luận:

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn"

- Mở rộng tầm nhìn: những đám rêu trên mặt đất, mấy hòn đá phía chân trời. Những hình ảnh rất thực, ước lệ.

- Cái nhìn khoẻ khoắn. Có một sự phản kháng, sự vươn lên để khẳng định chỗ đứng của mình.

* Hai câu kết:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con."

- Từ thiên nhiên xung quanh, nhìn lại bản thân mình, cảm thấy ngán nỗi, buồn cho mình, nghịch lí.

- Thời gian cứ trôi qua xuân đi xuân lại lại, một sự tuần hoàn liên tục nghe mà ngán ngẩm cho duyên phận của mình. Tuổi xuân trôi qua ma lại không có tình duyên trọn vẹn

- Sự chia sẻ ít ỏi

- Một nỗi buồn chán và thất vọng.

III. Kết bài:

- Một bài thơ chứa đựng nỗi buồn và niềm khát khao chân thành

- Trong nền thơ trung đại, lần đầu tiên mới có một người phụ nữ dám nói lên điều ấy

Dàn ý 4: Dàn ý chi tiết tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2

I. Mở bài

- “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương thường có giọng thơ khinh bạc, mỉa mai. Bên cạnh giọng thơ khinh bạc ấy, ta lại bắt gặp một trong những bài thơ tả cảnh ngụ tình khá sâu sắc và ý tứ chân thành nhằm giãi bày tâm sự của mình. Bài thơ “Tự tình II" là một trường hợp như vậy!

II. Thân bài

1. Đêm khuya cô đơn

- Hai câu đề là cảnh đêm về khuya, tiếng trống canh từ xa văng vẳng mà dồn dập đổ về. Trong thời điểm ấy, nhân vật trữ tình lại trơ trọi đáng thương và “cái hồng nhan” đã cụ thể hoá một cá thể đang cô đơn, thao thức và dằn vặt.

- Hồng nhan nhằm để nói “phái đẹp” nhưng lại được trước nó là trạng từ “trơ”, khiến cho câu thơ đậm đặc cái ý chán chường. Rồi lại “cái hồng nhan” thì quả là khinh bạc.

- Lấy “hồng nhan" mà đem đối với “nước non" thì quả thật là thách thức nhưng cũng thật sự là mỉa mai, chua chát. Phép tiểu đối thật đắt và thật táo bạo nhưng phù hợp với tâm trạng đang chán chường, trong hoàn cảnh đang cô đơn, trơ trọi. Nỗi cô đơn ngập đầy tâm hồn đến mức phải so sánh nó ngang bằng với các hình tượng của thiên nhiên tạo vật. Hai câu thơ diễn tả tình cảnh cô đơn của người phụ nữ trong dêm khuya thanh vắng. Đó là nỗi dằn vặt và sắp bộc lộ, giãi bày một tâm sự.

2. Cảnh ngụ tình

- Đến hai câu thực ta nghe thoảng men rượu từ cơn say trước đó nhưng đã thoảng bay đi. Hương rượu chỉ sự thề hẹn (gương thề, chén thề) nhưng hương đã bay đi dù tình còn vương vấn. Cá thể đã tỉnh rượu nên càng nhận ra nỗi trống vắng, bạc bẽo của tình đời.

- Trăng gợi lên mối nhân duyên, nhưng trăng thì “khuyết chưa tròn”, ngụ ý tình duyên chưa trọn, không như mong ước, khi mà tuổi xanh đã lần lượt trôi đi.

- Hai câu luận là nỗi bực dọc, phản kháng, ấm ức duyên tình. Hình ảnh hết đám rêu này đến đám rêu khác “xiên ngang mặt đất” như trêu ngươi nhà thơ. Rêu phong là bằng chứng về sự vô tình của thời gian, nó là hiện thân của sự tàn phá chứ không phải chở che cho tuổi đời. Thế rồi nhà thơ bực dọc vì tuổi xuân qua mau, đời người ngắn ngủi, nhỏ bé, nên:

“Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”.

- “mấy hòn đá” không những đứng sừng sững ở chân mây mà còn “đâm toạc” thể hiện thái độ ngang ngạnh, phản kháng, ấm ức của nhà thơ về duyên tình lận đận...

3. Lời than thở

- Lời than thở cùng chính là chủ đề của bài thơ. Năm tháng cứ trôi qua, xuân đi rồi xuân lại mà duyên tình vần chưa được vuông tròn. Xuân thì đi rồi trở lại với thiên nhiên đất trời, nhưng lại vô tình, phũ phàng với con người.

- Kẻ chung tình không đến, người chung tình thì cứ chờ đợi mỏi mòn mà thời gian thì cứ trôi đi, tuổi xuân tàn phai. Mảnh tình quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là “san sẻ tí con con”. Câu thơ cực tả tâm trạng chua chát, buồn tủi của chủ thể trữ tình.

III. Kết bài

- Có đa tình mới tiếc xuân, trách phận và mới có giọng tự tình. Giọng thơ đầy đù cả sắc thái tình cảm: tủi hổ, phiền muộn, bực dọc, phản kháng rồi kết bằng chua chát, chán chường vì tình duyên chưa trọn.

- Hồ Xuân Hương đã góp vào kho tàng thơ Nôm Việt Nam một tiếng thơ táo bạo mà chân thành, mới lạ mà vẫn gần gũi với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công ngày ấy. Đó là một xã hội đã làm cho biết bao nhiêu thân phận “hồng nhan” bị lỡ làng và khổ đau.

- Khát vọng của Hồ Xuân Hương về mưu cầu hạnh phúc lứa đôi cũng chính là khát vọng của muôn vàn phụ nữ: một khát vọng chính đáng.

Dàn ý 5: Dàn ý chi tiết tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2

1. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ: Tự tình II là bài thơ Hồ Xuân Hương viết về thân phận nhỏ bé cùng thân phận dang dở của chính mình, nhưng qua những tâm sự ấy người đọc lại thấy được những thân phận chung của rất nhiều phụ nữ trong xã hội đương thời.

2. Thân bài

– Trong sự hoang vắng, tịch mịch của không gian, nhân vật trữ tình xuất hiện với những tâm sự, suy tư chất chồng về sự nhỏ bé của bản thân và sự lỡ làng của duyên phận.

– Âm thanh tiếng trống trong đêm không làm lòng người thôi khắc khoải mà dường như càng làm đậm thêm nỗi buồn, sự lạc lõng giữa cuộc đời.

– “Hồng nhan” là gương mặt đẹp, thường được dùng để chỉ những người con gái đẹp.

–> động từ trơ được đảo lên đầu câu lại gợi ấn tượng về sự nhỏ bé, lạc lõng của thân phận người phụ nữ trước cuộc đời rộng lớn.

– Tâm trạng chất chứa những suy tư, bế tắc khôn nguôi nhưng người phụ nữ ấy lại chẳng có lấy một người để giãi bày những tâm sự mà phải tìm đến rượu như một cách để thoát li với thực tại đau khổ.

– Đối diện với thân phận hẩm hiu, tình duyên dang dở nữ sĩ đã muốn mượn rượu giải sầu, muốn say để quên đi tất cả nhưng dường như càng uống càng tỉnh.

– “Say lại tỉnh” gợi ra trạng thái say – tỉnh bất phân, hơi rượu không làm cho nữ sĩ quên đi mà càng khắc sâu nỗi đau về thân phận.

– Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn là vầng trăng sắp tàn khi ngày đến, trạng thái khuyết chưa tròn cũng như tình duyên dang dở, lỡ làng của duyên phận.

– Nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng vô cùng hiệu quả để hiện sự bất bình, bức bối của tác giả trước tình sự bất công của số phận đồng thời thể hiện khát khao vượt thoát khỏi hoàn cảnh.

– Người phụ nữ dùng cả tuổi xuân của mình để chờ mong, khát cầu một hạnh phúc dù là nhỏ bé, đơn giản nhưng chờ cả tuổi xuân hạnh phúc khát cầu ấy cũng chẳng thể trọn vẹn.

– “Ngán” là trạng thái của nhà thơ Hồ Xuân Hương trước sự mất mát của tuổi xuân nhưng không thể một lần chạm đến hạnh phúc.

– Tình duyên vốn mỏng manh, nhỏ bé “mảnh tình” cũng không được trọn vẹn mà phải san sẻ càng khiến cho độc giả thêm xót xa về thân phận hẩm hiu của kiếp chồng chung, lẽ mọn.

3. Kết bài

  • Tự tình 2 là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho tâm hồn, tài năng và phong cách của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ thể hiện được sự ý thức sâu sắc của người phụ nữ trước hoàn cảnh éo le, bất công của số phận, tuy nặng trĩu nỗi buồn nhưng không hề bi lụy, ấn tượng đọng lại cuối cùng trong lòng người đọc lại là sự mạnh mẽ của tâm hồn người phụ nữ.

Dàn ý 6: Dàn ý chi tiết tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2

A, Mở bài

- giới thiệu tác giả: Hồ Xuân Hương là người ở làng Quỳnh Lưu, Quỳnh Đôi, Nghệ An, nhưng bà sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long. Bà có một ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây. Bà được mệnh danh là Bà Chúa thơ Nôm, đã đi nhiều nơi và quen với nhiều danh sĩ nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Du. Cuộc đời, tình duyên của Hồ Xuân Hương có nhiều éo le, ngang trái

- Sáng tác của Hồ Xuân Hương gồm cả chữ Nôm và chữ Hán. Tương truyền có khoảng 40 bài thơ Nôm do Hồ Xuân Hương sáng tác. Trong lịch sử văn hóa VN, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo: nhà thơ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Nổi bật trong sáng tác thơ Nôm Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định và đề cao vẻ đẹp và khát khao của họ.

- Tự tình (bài II) nằm trong chùm bài thơ Tự tình gồm ba bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ đã thể hiện được tâm trạng đau buồn, phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch số phận. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của Bà chúa thơ Nôm trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng.

B, Thân bài

- Tâm trạng nhân vật trữ tình đã được thể hiện vô cùng chân thực và sinh động trong bài thơ Tự tình II của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Bài thơ đã thể hiện được tâm trạng đau buồn, phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch số phận. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của Bà chúa thơ Nôm trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng.

- Câu thơ "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn" đã thể hiện được không gian và thời gian. Người đọc có thể hình dung được không gian đêm khuya và có tiếng trống canh dồn dập. Từ láy "văng vẳng" cho thấy một âm thanh văng vẳng dồn dập trong không gian. Hình tượng "cái hồng nhan" kết hợp với "với nước non" cho thấy cách sử dụng độc đáo về mặt từ ngữ. Từ "trơ" được đảo lên đầu và cách sử dụng chỉ từ "cái" cho thấy một đường tình duyên ngang trái của người phụ nữ bé nhỏ như Hồ Xuân Hương. "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh" có hình ảnh "chén rượu, hương đưa" cho thấy một tâm trạng u sầu, phẫn uất của nhà thơ trong chuyện tình duyên. "Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" có hình ảnh vầng trăng đặc trưng cho thơ của dân tộc.

- Hình ảnh vầng trăng bóng xế và khuyết không tròn biểu tượng cho một cuộc tình không trọn vẹn, không trọn vẹn trong hạnh phúc hôn nhân của nhà thơ. Cặp thơ đối "Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn" là một kiểu cặp câu thơ đặc trưng trong thơ cổ, đặc biệt là thơ trung đại Việt Nam. Đồng thời, cách sắp xếp từ ngữ "rêu từng đám, đá mấy hòn" cũng vô cùng đặc trưng trong thơ cổ VN. Các động từ mạnh "xiên ngang, đâm toạc" cũng có tác dụng nhấn mạnh và đặc trưng cho cách sử dụng ngôn từ của thơ ca dân tộc. Câu thơ biểu thị một sự không cam chịu trong tình yêu, sức sống mạnh mẽ của người phụ nữ khát khao tình yêu và hạnh phúc. Hai câu thơ cuối thể hiện được khẳ năng sử dụng ngôn từ dân tộc đỉnh cao của Hồ Xuân Hương. "Xuân đi xuân lại lại" thể hiện một dòng chảy thời gian chảy trôi vô cùng nhanh. Nhà thơ đang nhìn lại tuổi trẻ của mình đã trôi qua như thế nào.

- Hình ảnh "mảnh tình, tí con con" thể hiện được sâu sắc những tâm sự của nhà thơ khi không hạnh phúc trong chuyện tình yêu, không được thuận lợi trong chuyện tình yêu của mình.

C, Kết bài

Tóm lại, bài thơ đã thể hiện được khả năng sử dụng ngôn từ đỉnh cao của Hồ Xuân Hương. Cách sử dụng từ độc đáo cùng cách sắp xếp từ đặc trưng cho văn học dân tộc, đã làm cho bài thơ có sức sống lâu bền với bạn đọc.

VnDoc xin giới thiệu tới các em bài văn mẫu 11 Tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em ôn luyện và đạt kết quả cao. Mời các em tham khảo thêm các tài liệu khác tại mục Tài liệu học tập lớp 11 do VnDoc tổng hợp và đăng tải như: Trắc nghiệm Tiếng Anh 11, Trắc nghiệm Hóa hoc 11, Trắc nghiệm Sinh học 11,...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
3 50.977
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm