Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3

Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3 bao gồm đáp án chi tiết cho các em học sinh tham khảo nắm được cấu trúc bài kiểm tra học kì 2 lớp 5, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho bài thi học kì 2 lớp 5 đạt kết quả cao. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Đề bài ôn tập học kì 2 Môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3

I. ĐỌC HIỂU

CÓ NHỮNG DẤU CÂU

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không có gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối với mọi chuyện.

Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình, anh ta cũng không biết. Anh ta đã đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được nữa, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.

Cứ mất dần các dấu, cuối cùng anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy. Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.

Thiếu những dấu câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn không hay, không ý nghĩa, nhưng đánh mất những dấu câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng vô vị, cũng mất ý nghĩa như vậy.

Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của mình, bạn nhé!

(Theo Hồng Phương)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1. Trong câu chuyện trên, người "đánh mất dấu phẩy" trong cuộc đời sẽ như thế nào?

a. Trở thành một người không biết cách dùng dấu phẩy.

b. Trở thành một người lười suy nghĩ, ngại vất vả.

c. Trở thành một người viết văn kém.

Câu 2. Nếu anh ta "đánh mất dấu chấm than", anh ta sẽ ra sao?

a. Trở thành một người suốt ngày buồn rầu, ủ rũ.

b. Trở thành một người vui sướng, nói cười suốt ngày.

c. Trở thành một người thờ ơ, mất hết cảm xúc.

Câu 3. Nếu "đánh mất dấu chấm hỏi", anh ta sẽ như thế nào?

a. Trở thành một người ích kỉ chỉ biết mình.

b. Trở thành một người hiểu biết hết mọi điều.

c. Mất khả năng học hỏi, không quan tâm đến mọi điều.

Câu 4. Tiếp tục “đánh mất dấu hai chấm” sẽ ra sao?

a. Trở thành một người không còn khả năng giải thích, hay đổ lỗi cho người khác và sống vô trách nhiệm.

b. Trở thành một người vụng về, hay làm hỏng mọi việc.

c. Trở thành một người hay quên, không nhớ những việc mình làm.

Câu 5. Đến khi "chỉ còn dấu ngoặc kép" điều gì sẽ xảy ra?

a. Trở thành một người uyên thâm, nhớ hết mọi điều.

b. Trở thành một người hay trích dẫn lời của người khác, không có chính kiến riêng, chỉ biết nói dựa theo người khác, không chịu độc lập suy nghĩ.

c. Trở thành một người nói năng rõ ràng, chính xác.

Câu 6. Câu "Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết." có kết thúc ra sao?

a. Trở thành một người không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.

b. Trở thành một người nghèo khổ, mất hết tiền bạc của cải.

c. Trở thành một người cô đơn, không còn ai thân thích.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1. Từ "tư duy" cùng nghĩa với từ nào?

a. Học hỏi

b. Suy nghĩ

c. Tranh luận

Câu 2. Chủ ngữ trong câu "Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản." là gì?

a. Đằng sau

b. Đằng sau những câu đơn giản

c. Những câu đơn giản

Câu 3. Dấu phẩy trong câu "Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu." có nhiệm vụ gì?

a. Ngăn cách các vị ngữ.

b. Ngăn cách các vế câu ghép.

c. Ngăn cách các bộ phận cùng giữ chức vụ bổ trợ cho động từ nói.

Câu 4. "Thiếu những dấu câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn không hay, không ý nghĩa, nhưng mất những dấu câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mất ý nghĩa như vậy." Dựa vào ý đầu của câu văn trên, viết 3 câu ghép chính phụ theo từng mẫu câu sau:

a) Nếu C - V thì C – V

b) Vì C - V nên C - V

Câu 5. Các câu trong đoạn văn sau được nối với nhau bằng cách nào?

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Em viết tiếp vào chỗ trống để có đoạn văn khoảng từ 3 - 4 câu:

Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của cuộc đời mình. Nếu đánh mất chúng thì...

IV. TẬP LÀM VĂN

Tưởng tượng các dấu câu: dấu phẩy, dấu chấm than, dấu chấm hỏi, dấu hai chấm đang trò chuyện với nhau về ý nghĩa, vai trò của mình trong viết văn và trong cuộc sống. Em hãy ghi lại đoạn đổi thoại đó.

Lời giải chi tiết đề ôn tập học kì 2

I. ĐỌC HIỂU

Gợi ý:

Câu 1: Con đọc đoạn văn thứ 1.

Câu 2: Con đọc đoạn văn thứ 2.

Câu 3: Con đọc đoạn văn thứ 3.

Câu 4: Con đọc đoạn văn thứ 4.

Câu 5: Con đọc đoạn văn thứ 5.

Câu 6: Con đọc đoạn văn số 5 và 6

Trả lời:

Câu 1 - b

Câu 2 – c

Câu 3 - c

Câu 4 - a

Câu 5 – b

Câu 6 - a

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Gợi ý:

Câu 1: Tư duy là quá trình nhận thức, đi sâu vào phân tích bản chất của sự vật bằng những ý nghĩ, phán đoán của mình.

Câu 2: Con phân tích các thành phần trong câu rồi trả lời.

Câu 3: Con phân tích các thành phần trong câu rồi trả lời.

Câu 4: Con suy nghĩ và hoàn thành bài tập.

Câu 5: Đọc kĩ đoạn văn để tìm các từ nối có trong đoạn.

Trả lời:

Câu 1 - b

Câu 2 – b

Câu 3 - c

Câu 4.

Viết 3 câu ghép chính phụ theo từng mẫu câu:

a) Nếu C - V thì C – V

- Nếu bạn đánh mất những dấu câu trong cuộc đời thì cuộc sống của bạn sẽ mất hết ý nghĩa.

- Nếu bài văn thiếu những dấu câu thì nó sẽ mất hết ý nghĩa.

- Nếu bài văn bị thiếu những dấu câu thì bạn sẽ bị điểm thấp.

b) Vì C - V nên C - V

- Vì bài văn thiếu những dấu câu nên nó mất hết ý nghĩa.

- Vì bài văn của bạn thiếu những dấu câu nên bạn bị điểm kém.

- Vì bạn đánh mất những dấu câu trong cuộc đời nên cuộc sống của bạn mất hết ý nghĩa.

Câu 5. Câu "Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản."

- Câu 1 và câu 2 nối bằng cách thay thế cụm từ "một người" bằng từ "anh ta".

- Câu 2 và câu 3 nối với nhau bằng cách lặp từ ngữ: "những câu đơn giản".

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Gợi ý:

Con đọc kĩ lại câu chuyện để nắm được nội dung rồi viết tiếp để có đoạn văn khoảng 3 – 4 câu.

Trả lời:

Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của cuộc đời mình. Trong viết văn, nếu không có những dấu câu, bài văn của bạn sẽ không hay, không ý nghĩa, bạn sẽ bị điểm thấp. Nếu đánh mất những dấu câu trong cuộc đời, bạn sẽ trở thành một con người vô cùng đơn giản. Lúc đầu, có thể bạn sẽ lấy làm thích thú lắm vì bạn chẳng phải suy nghĩ gì cả. Nhưng rồi bạn sẽ chẳng thể vui mừng hay tức giận trước bất cứ ai hoặc bất cứ việc gì. Cuộc sống vô vị, tẻ nhạt của bạn cứ thế trôi đi: không tư duy, không cảm giác ; bạn thờ ơ với tất cả mọi người, mọi việc. Thậm chí, bạn còn chẳng biết mình là ai. Tồn tại trên đời này để làm gì. Bạn sống mà như chết, một cái xác không hồn. Chao ôi! Không giữ gìn được những dấu câu cho mình mới đáng sợ làm sao!!!

(Phan Thị Nga)

IV. TẬP LÀM VĂN

Tưởng tượng các dấu câu: dấu phẩy, dấu chấm than, dấu chấm hỏi, dấu hai chấm đang trò chuyện với nhau về ý nghĩa, vai trò của mình trong viết văn và trong cuộc sống. Em hãy ghi lại đoạn đổi thoại đó.

Gợi ý:

Con nhớ lại tác dụng của các dấu câu rồi viết lại thành bài văn kể về cuộc đối thoại đó.

Mở bài: Giới thiệu các dấu câu xuất hiện trong cuộc đối thoại.

Thân bài: Kể lại diễn biến cuộc đối thoại.

Kết bài: Kết cục của cuộc đối thoại, ý nghĩa được rút ra là gì?

Trả lời:

Bài làm

Các dấu câu đã tề tựu đông đủ, buổi hội thảo bắt đầu. Dấu phẩy, hùng hồn:

- Các bạn ạ! Trong các dấu câu, tôi có vai trò quan trọng nhất đấy! Khi tôi xuất hiện, những vấn đề phong phú cũng xuất hiện theo. Nếu vắng bóng tôi, tất cả lại trở nên vô cùng nghèo nàn. Khi đó ý nghĩ của con người cũng rất nghèo nàn, đơn giản.

Dấu hai chấm vội vàng lên tiếng:

- Anh quên là còn có tôi hay sao? Khi có tôi, mọi vấn đề được liệt kê cụ thể, tất cả được giải thích hết sức rõ ràng. Tôi thật có ý nghĩa biết bao!

- Ô hay! Các anh nói gì lạ vậy? - Dấu chấm hỏi giương đôi mắt tròn xoe. - Không có tôi liệu có các câu hỏi: "Tại sao?", "Vì sao lại thế?", "Sao không thế này mà lại thế kia?"... Nhờ có tôi mà con người mới quan tâm đến mọi vấn đề, có khả năng học hỏi và tìm hiểu các sự kiện xung quanh. Tôi mới là quan trọng nhất.

- Sai bét! Sai bét! - Dấu chấm than giận dữ quát to. - Ta mới thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời này. Nhò có ta mà con người mới bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của mình: mừng rỡ, vui sướng hay phẫn nộ, buồn đau. Ta nêu ra các yêu cầu, mệnh lệnh để mọi người thực hiện.

Cả phòng im lặng suy nghĩ: Ừ! Có lẽ đúng như vậy thật!

Lúc này dấu chấm mới lên tiếng:

- Các anh ơi! Cuộc sống này cần đến tất cả các dấu câu chúng ta. Mỗi chúng ta đều góp phần làm cho cuộc sống sinh động hơn và ý nghĩa hơn. Ví như tôi ghi dấu chấm hết ngay từ đầu, thì liệu còn gì để nghĩ, để nói, để bàn bạc nữa.

Các dấu câu gật gù tán thưởng. Dấu chấm lại rành rẽ:

- Con người mới là quan trọng nhất, họ sử dụng dấu câu như thế nào cho đúng, họ sống như thế nào cho có ý nghĩa mới là điều đáng nói. Chúng ta hãy mong tất cả mọi người - đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước - hãy dùng chính xác các dấu câu, hãy là con người có ý thức nhất trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Ngoài Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3 trên, các bạn có thể luyện giải bài tập SGK Tiếng Việt 5 hay SGK môn Toán lớp 5 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 5, đề thi học kì 2 lớp 5 theo Thông tư 22 mới nhất được cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi, bài tập mới nhất.

Đánh giá bài viết
33 18.428
Sắp xếp theo

Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt

Xem thêm