Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Thuận năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Thuận năm học 2015 - 2016. Đây là tài liệu tham khảo hay, giúp các bạn học sinh lớp 10 nâng cao kỹ năng giải đề để chuẩn bị cho kì thi học kì 1 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Lê Hồng Phong, Đăk Lăk năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT NINH THUẬN
TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI
ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 10
Thời gian làm bài: 90 phút

I. Phần đọc - hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 5:

Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Câu 1. Hãy xác định thể thơ của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu khái quát giá trị nội dung của văn bản? (1,0 điểm)

Câu 3. Hiệu quả nghệ thuật của các từ "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn" trong việc miêu tả cảnh sắc mùa hè? (0,5 điểm)

Câu 4. Xác định nghệ thuật trong hai câu thơ sau (0,5 điểm):

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Câu 5. Về mặt hình thức, câu thơ mở đầu và kết thúc của văn bản có gì đặc biệt so với những câu khác? Sự khác biệt đó nói lên điều gì? (0,5 điểm)

II. Phần làm văn (7,0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp của người trai thời Trần qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão:

Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Là thanh niên trong thời đại mới, anh/chị có suy nghĩ gì về trách nhiệm đối với Tổ quốc?

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

SỞ GD&ĐT NINH THUẬN
TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ I
NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 10

Phần I: Đọc hiểu

  • Yêu cầu chung:
    • Học sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.
    • Trình bày vấn đề rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
    • Sau đây là một số gợi ý hướng dẫn chấm:

Câu 1: Thể thơ thất ngôn bát cú xen lục ngôn 0,5

Câu 2: Nêu khái quát giá trị nội dung của văn bản:

  • Bài thơ tả cảnh sắc mùa hè. Cảnh vật gần gũi, ấm áp, sinh động và đầy sức sống. 0,5
  • Qua bài thơ, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, nhưng trên tất cả vẫn là tấm lòng yêu dân, yêu đất nước của tác giả Nguyễn Trãi. 0,5

Câu 3: Các từ: Đùn đùn, giương, phun, tiễn là những động từ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Cảnh sắc mùa hè được miêu tả sống động, tràn đầy sức sống. Cảnh như đang sinh sôi, phát triển, đang căng tràn nhựa sống, như muốn phô bày ra hết lớp này đến lớp khác, phải đùn ra, phải giương lên, phải phun ra... Cả mùi hương của sen hồng trong ao cũng trở nên dư thừa, tỏa ngát,... 0,5

Câu 4: Nghệ thuật:

  • Sử dụng từ láy "lao xao", "dắng dỏi", 0,25
  • Đảo ngữ: "...chợ cá lao xao, "...cầm ve dắng dỏi" 0,25

Câu 5

  • Về mặt hình thức, câu thơ mở đầu và kết thúc của văn bản chỉ có 6 tiếng (khác với các câu khác trong một bài thất ngôn đều có 7 tiếng) 0,25
  • Sự khác biệt đó nói lên Nguyễn Trãi đã Việt hóa/dân tộc hóa thơ Đường luật. 0,25

Phần II: Làm văn

A. Yêu cầu kĩ năng: 1,0

  • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học.
  • Kết cấu rõ ràng, đảm bảo bố cục bài nghị luận, diễn đạt mạch lạc, trong sáng, biết sử dụng các thao tác lập luận để phân tích làm sáng tỏ vấn đề.
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Bài viết có cảm xúc, trình bày sạch đẹp, rõ ràng.

B. Yêu cầu kiến thức: Trên cơ sở có những hiểu biết về tác giả và bài thơ Tỏ lòng, học sinh có thể trình bày bài viết bằng nhiều cách, nhưng cần làm rõ một số nội dung sau:

1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả Phạm Ngũ Lão, hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản của bài thơ. 1,0

2. Thân bài: Vẻ đẹp của người trai thời Trần. 4,0

a/ Đẹp ở tư thế hiên ngang, oai phong, dũng mãnh, được thể hiện qua:

  • Hình ảnh người tráng sĩ "cầm ngang ngọn giáo" trấn giữ non sông trải qua bao mùa thu. Hình ảnh đẹp, kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh đó nói lên lí tưởng yêu nước, ý chí bền bỉ đi cứu nước của người trai đời Trần.
  • Hình ảnh: "Ba quân" sức mạnh của quân đội, của dân tộc với khí thế hừng hực quyết chiến, quyết thắng kẻ thù Nguyên Mông. Khí thế dũng mãnh đó được tác giả miêu tả qua một hình ảnh so sánh, cường điệu đầy ấn tượng "Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu"....
  • Hình ảnh tráng sĩ lồng trong hình ảnh "ba quân" gợi hào khí dân tộc thời Trần – Hào khí Đông A.

b/ Đẹp ở khát vọng hào hùng:

  • Theo quan niệm lí tưởng của thời phong kiến thì kẻ làm trai phải lập nên công danh: Lập công để lại sự nghiệp, lập danh để lại tiếng thơm. Khát vọng công danh trở thành lẽ sống của người nam tử trong thời đại phong kiến.
  • Công danh mà Phạm Ngũ Lão nói đến trong bài thơ là công danh cao cả đền nợ nước, là khát vọng lập công để đền ơn vua, báo nợ nước.
  • Chính vì vậy nợ công danh là một niềm day dứt, thể hiện ý thức tu thân của người quân tử. Đồng thời nó cũng bộc lộ một cái tôi yêu nước, một cái tôi trách nhiệm với đời, với dân, với nước mà kẻ làm trai nguyện trả, nguyện đền...

c/ Đẹp ở cái tâm trong sáng của Phạm Ngũ Lão:

  • Phạm Ngũ Lão "thẹn" vì chưa trả được món nợ công danh; chưa có tài mưu lược lớn và lập được nhiều công trạng như Vũ Hầu Gia Cát Lượng (Trung Quốc) để trừ giặc, cứu nước, giúp vua. Đó là cái thẹn của một người luôn ý thức về trách nhiệm đối với đất nước, lúc nào cũng cảm thấy mình làm chưa hết, chưa tận. Đó là cái thẹn cao cả, cái thẹn làm nên nhân cách Phạm Ngũ Lão. Cái thẹn đó làm nên một cái tâm trong sáng, cao cả.
  • Cái thẹn đó thể hiện khát vọng của một con người muốn cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cho dân tộc. Khát vọng này chính là biểu hiện của lòng yêu nước ở mức độ chân thành sôi nổi nhất của một trang nam tử anh hùng Phạm Ngũ Lão, cũng là của một thế hệ, một thời đại, một dân tộc anh hùng – thời đại mang hào khí Đông A.

3. Kết bài. 1,0

  • Đánh giá chung về bài thơ Thuật hoài và về vẻ đẹp của hình tượng nghệ thuật trong bài thơ.
  • Liên hệ đến vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay đối với Tổ quốc.
  • Yêu cầu: Học sinh phải nêu được những suy nghĩ, thái độ đúng đắn, hợp lí, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay đối với Tổ quốc. Sau đây là một vài gợi ý:
    • Nhận thức về vai trò của thanh niên đối với đất nước.
    • Trách nhiệm của người thanh niên hiện nay là phải góp sức bảo vệ và xây dựng đất nước.
    • Phê phán những thanh niên sống tiêu cực, thiếu lí tưởng.
    • Liên hệ bản thân: Phải biết rèn luyện sức khỏe, rèn đức luyện tài để góp sức bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Đánh giá bài viết
2 3.107
Sắp xếp theo

    Đề thi học kì 1 lớp 10

    Xem thêm