Đề thi học kì 2 môn Địa lý lớp 12 trường THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 2 môn Địa lý lớp 12

Đề thi học kì 2 môn Địa lý lớp 12 trường THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ năm học 2015 - 2016 đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Địa hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, giúp các bạn củng cố và luyện tập môn Địa hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng cho bài kiểm tra cuối năm. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 2 môn Toán lớp 12 trường THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ năm học 2015 - 2016

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề có 01 trang)
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II
NĂM HỌC: 2015-2016
MÔN: Địa lí - GDTHPT
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I. (1,5 điểm) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam (trang 15) và kiến thức đã học:

  1. Trình bày xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế ở nước ta những năm gần đây. Giải thích nguyên nhân.
  2. Xác định 05 đô thị có quy mô dân số đông nhất nước ta hiện nay.

Câu II. (2,5 điểm) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam (trang 19, 26) và kiến thức đã học:

  1. Hãy kể tên 05 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước ta. Vì sao các tỉnh này có diện tích trồng lúa lớn?
  2. Cho biết qui mô và cơ cấu ngành của trung tâm công nghiệp Hạ Long. Tại sao các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên nước ta chủ yếu hình thành các điểm công nghiệp?

Câu III. (3,0 điểm) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam (trang 4+5, 26, 28) và kiến thức đã học:

  1. Cho biết Đồng bằng sông Hồng bao gồm những tỉnh (thành phố tương đương cấp tỉnh) nào? Việc tập trung dân số đông, mật độ dân số cao đã gây khó khăn gì cho phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trường ở Đồng bằng sông Hồng?
  2. Trình bày các thế mạnh về mặt tự nhiên để phát triển tổng hợp kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Câu IV. (3,0 điểm) Cho bảng số liệu sau:

SẢN LƯỢNG THỦY SẢN NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1990-2013

(Đơn vị: nghìn tấn)

Năm

Tổng cộng

Chia ra

Đánh bắt

Nuôi trồng

1990

890,6

728,5

162,1

2000

2 250,5

1 660,9

589,6

2010

5 142,7

2 414,4

2 728,3

2013

6 019,7

2 803,8

3 215,9

  1. Vẽ biểu đồ miền thể hiện sự thay đổi về cơ cấu sản lượng thuỷ sản phân theo đánh bắt và nuôi trồng của nước ta trong giai đoạn 1990 - 2013.
  2. Nhận xét và giải thích sự thay đổi đó.

Đáp án đề thi học kì 2 môn Địa lý lớp 12

Câu I. (1,5 điểm)

1. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế ở nước ta hiện nay. Giải thích nguyên nhân.

  • Xu hướng:
    • Phần lớn lao động tập trung ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và tỉ trọng có xu hướng giảm (dẫn chứng).
    • Tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỉ lệ thấp và có xu hướng tăng (dẫn chứng).
    • Cơ cấu lao động đang chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng chuyển biến còn chậm.
  • Giải thích:
    • Do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành trong thời kỳ đổi mới.
    • Do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

2. Xác định 05 đô thị đông dân nhất nước ta:

  • TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Câu II. (2,5 điểm)

1. Các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước, giải thích nguyên nhân:

  • Tên 05 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng.
  • Các tỉnh này có diện tích trồng lúa lớn nhất vì: Điều kiện tự nhiên thuận lợi (địa hình đồng bằng, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi); các điều kiện kinh tế xã hội khác (kinh nghiệm, thị trường, chính sách...).

2. Qui mô, cơ cấu ngành của trung tâm công nghiệp Hạ Long. Giải thích vì sao các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên nước ta chủ yếu hình thành các điểm công nghiệp?

  • Qui mô, cơ cấu ngành của trung tâm công nghiệp Hạ Long.
    • Qui mô: từ 9 đến 40 nghìn tỉ đồng.
    • Cơ cấu: cơ khí, chế biến nông sản, khai thác than, đóng tàu.
  • Các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên nước ta chủ yếu hình thành các điểm công nghiệp vì:
    • Vị trí không thuận lợi, địa hình hiểm trở.
    • Thiếu lao động đặc biệt là lao động có chuyên môn kỹ thuật cao.
    • Thị trường tiêu thụ hạn chế.
    • Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn hạn chế, nhất là giao thông vận tải.

Câu III. (3,0 điểm)

1. Các tỉnh (thành) thuộc Đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.

* Khó khăn của việc tập trung dân số đông đến việc phát triển kinh tế -xã hội của Đồng bằng sông Hồng.

  • Bình quân đất nông nghiệp thấp nhất nước.
  • Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn cao hơn mức trung bình toàn quốc.
  • Nhu cầu về việc làm, y tế, văn hóa, giáo dục ngày càng cao, đòi hỏi đầu tư lớn.
  • Một số tài nguyên bị xuống cấp, ô nhiễm môi trường.

2. Thế mạnh tự nhiên để phát triển tổng hợp kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ:

  • Nghề cá: Biển giàu hải sản, có ngư trường lớn (dẫn chứng), nhiều loài có giá trị cao. Bờ biển có nhiều vũng vịnh, đầm phá thuận lợi cho nuôi trồng.
  • Du lịch biển: Có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng: Nha Trang, Mỹ Khê, Sa Huỳnh...
  • Dịch vụ hàng hải: Có nhiều vũng vịnh sâu, kín gió thuận lợi để xây dựng các cảng nước sâu.
  • Khai thác khoáng sản: có mỏ dầu khí ở phía đông quần đảo Phú Quý, tiềm năng sản xuất muối lớn.

Câu IV. (3,0 điểm)

1. Vẽ biểu đồ:

- Xử lí số liệu: %

Năm

Tổng cộng

Chia ra

Đánh bắt

Nuôi trồng

1990

100

81,8

18,2

2000

100

73,8

26,2

2010

100

46,9

53,1

2013

100

46,6

53,4

- Vẽ biểu đồ miền: Đảm bảo chính xác, có ghi số liệu, chú giải, tên biểu đồ, khoảng cách năm. (thiếu mỗi chi tiết trừ 0,25 đ)

2. Nhận xét:

  • Tỉ trọng sản lượng đánh bắt cao nhưng ngày càng giảm (dẫn chứng).
  • Tỉ trọng sản lượng nuôi trồng thấp nhưng ngày càng tăng (dẫn chứng)
  • Từ năm 2010 thủy sản nuôi trồng lớn hơn tỉ trọng sản lượng thủy sản khai thác.

* Giải thích:

  • Ngành nuôi trồng phát triển mạnh vì:
    • Phát huy mạnh mẽ lợi thế diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
    • Chính sách đầu tư của nhà nước.
    • Hiệu quả kinh tế cao, chủ động được nguồn cung cho thị trường, phù hợp với xu hướng sản xuất hàng hóa.
  • Hiện nay ngành khai thác gặp nhiều khó khăn: hạn chế về tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt xa bờ, tranh chấp ngư trường...
Đánh giá bài viết
1 467
Sắp xếp theo

Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Địa

Xem thêm