Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 trường THCS Tân Ước, Thanh Oai năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 trường THCS Tân Ước năm 2015 - 2016 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, gồm 5 câu hỏi Địa lý nâng cao nhằm kiểm tra kiến thức và phân loại học sinh hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9 huyện Lý Nhân, Hà Nam năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý lớp 9 phòng GD&ĐT Tĩnh Gia năm 2015 - 2016

PHÒNG GD&ĐT THANH OAI

Trường THCS Tân Ước

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn: Địa lý
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm có: 01 trang

Câu 1 (3đ): Trình bày chuyển động tự quay quanh trục của Trái đất? Nêu khái quát các hệ quả của sự vận động tự quay quanh trục của Trái đất?

Câu 2 (3đ): Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày và giải thích đặc điểm chung của sông ngòi Việt Nam.

Câu 3 (4đ): Cho bảng số liệu: Tình hình phát triển dân số nước ta giai đoạn 1995-2009;

Năm Tổng số
(triệu người)
Số dân thành thị (triệu người) Tốc độ
tăng dân số (%)
1995 71,99 14,93 1,65
1998 75,45 17,46 1,55
2000 77,73 18,72 1,35
2001 78,62 19,29 1,28
2005 83,11 22,33 1,17
2007 85,17 23,74 1,09
2009 86,02 25,46 1,06

(Nguồn: Niên giám thống kê 2009- NXB Thống kê)

a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện bảng số liệu trên?

b) Nhận xét và giải thích tình hình phát triển dân số của nước ta giai đoạn trên?

Câu 4 (5đ):

a. Phân tích những điều kiện để phát triển ngành giao thông vận tải nước ta.

b. Tại sao để phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi nước ta, giao thông vận tải phải đi trước một bước?

Câu 5 (5đ): Phân tích ý nghĩa của việc phát huy các thế mạnh kinh tế ở Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Câu 1:

Chuyển động tự quay quanh trục của Trái đất:

  • Trái đất tự quay theo hướng từ tây sang đông một trục tưởng tượng nối liền hai cực và nghiêng 66033' với mặt phẳng quỹ đạo. (0,5đ)
  • Thời gian Trái đất tự quay một vòng quanh trục là 24 giờ (một ngày đêm). (0,5đ)
  • Vận tộc lớn nhất ở xích đạo là 464m/giây, giảm dần về 2 cực, đến 2 cực chỉ còn 0m/giây. (0,5đ)

Các hệ quả của sự vận động tự quay quanh trục của Trái đất:

  • Sự luân phiên ngày và đêm dài 24 giờ (trừ cưc Bắc và cực Nam). (0,5đ)
  • Giờ trên Trái đất (chia 24 múi giờ) và đường chuyển ngày quốc tế (kinh tuyến 180 trên Thái Bình Dương). (0,5đ)
  • Sự chuyển động lệch hướng của các vật thể trên Trái đất (gió, dòng nước...). Nửa cầu Bắc vật chuyển động lệch sang phải, nửa cầu Nam vật chuyển động lệch sang trái. (0,5đ)

Câu 2: Trình bày và giải thích đặc điểm chung của sông ngòi nước ta;

Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước song phần lớn là sông nhỏ, ngắn và dốc (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Đồng Nai...) (0,5đ)

Vì: nước ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, lượng mưa lớn; lãnh thổ nước ta hẹp ngang với ¾ diện tích là đồi núi, núi lại ăn sát ra biển. (0,25đ)

Sông ngòi nước ta chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc – Đông Nam (sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Cả, sông Tiền, sông Hậu...) và hướng vòng cung (sông Sông Lô, sông Gâm, sông Cầu, sông Hương, sông Ba...). (0,5đ)

Vì: do hướng nghiêng chung của đại hình là tây bắc – đông nam và hướng vòng cung. (0,25đ)

Sông ngòi nước ta có hai màu lũ và cạn khác nhau rõ rệt: mùa lũ chiếm 70-80% lượng nước cả năm, nước sông dâng cao và chảy mạnh. (0,5đ)

Vì: Chế độ mưa của nước ta phân màu rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. (0,25đ)

Sông ngòi nước ta có hàm lượng phù sa lớn: hàng năm sông ngòi vận chuyển 839 tỉ m3 nước cùng hàng trăm triệu tấn phù sa. (0,5đ)

Vì: lãnh thổ nước ta chủ yếu là đồi núi, địa hình dốc, khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, độ che phủ rừng thấp, địa hình dễ bị phong hóa. (0,25đ)

Câu 3:

a. Vẽ biểu đồ ( 2đ):

  • Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường: cột chồng gồm số dân thành thị và nông thôn, đường thể hiện tốc độ gia tăng dân số.
  • Yêu cầu: phải có tên biểu đồ, chú giải (phân biệt rõ số dân thành thị và số dân nông thôn, tỷ lệ gia tăng tự nhiên), biểu đồ đẹp và chính xác về khoảng cách các năm, có số liệu trên biểu đồ. (thiếu một trong các yêu cầu trên trừ 0,25đ)

b. Nhận xét và giải thích (2đ):

Dựa vào biểu đồ ta thấy: Từ năm 1995 đến 2009:

  • Dân số nước ta tăng nhanh và tăng liên tục (tăng 14,03 triệu người). Do: Dân số nước ta đông nên tốc độ tăng dân số có giảm nhưng quy mô dân số vẫn tăng. (0,5đ)
  • Số dân thành thị tăng nhanh và liên tục (tăng 10,53 triệu người). Do: Quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển mạnh. (0,5đ)
  • Dân số nông thôn đông và tăng nhưng chậm và liên tục (tăng 3,5 triệu người). Do kinh tế nước ta chủ yếu là nông nghiệp, cần nhiều lao động nên dân cư tập trung ở nông thôn. (0,25đ)
  • Tỉ lệ dân thành thị còn thấp (năm 2009 tỷ lệ dân thành thị nước ta là 29,6 %). Do điểm xuất phát nền kinh tế nước ta còn thấp, trình độ đô thị hóa của nước ta chưa cao. (0,25đ)
  • Tốc độ tăng dân số giảm liên tục (giảm 0,59 %). Do: Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. (0,25đ)

Câu 4:

a. Điều kiện để phát triển giao thông vận tải (3,25đ):

* Vị trí địa lí (0,75đ):

  • Việt Nam nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, gần trung tâm Đông Nam Á, vừa gắn với đất liền, vừa thông với đại dương giúp cho nước ta có thể đẩy mạnh ngành giao thông vận tải với đầy đủ các loại hình. (0,25đ)
  • Nằm gần tuyến đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, lại có đường bờ biển kéo dài 3260 km, có nhiều vũng vịnh nước sâu, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển GTVT đường biển. (0,25đ)
  • Nằm ở vị trí gần như trung chuyển giữa nhiều tuyến đường bay quốc tế, nên chúng ta có nhiều điều kiện để phát triển GTVT hàng không. (0,25đ)

* Điều kiện tự nhiên (1,5đ):

Địa hình:

  • Ở phần đất liền, lãnh thổ nước ta kéo dài theo hướng bắc – nam, có dải đồng bằng gần như liên tục ven biển và bờ biển kéo dài 3260km nên việc giao thông giữa các miền Bắc, Trung, Nam khá dễ dàng. Dọc bờ biển nước ta lại có nhiều của sông, vũng vịnh thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu... (0,25đ)
  • Địa hình chạy theo 2 hướng chính: Tây Bắc - Đông Nam và hướng vòng cung nên việc đia lại theo hướng Đông - Tây gặp nhiều khó khăn. (0,25đ)
  • Có nhiều dãy núi ăn sát ra tận biển (Bạch Mã, Hoành Sơn..) nên xây dựng các tuyến GTVT Bắc - Nam gặp nhiều khó khăn, tốn kém. (0,25đ)

Khí hậu:

  • Nhiệt cao quanh năm cho phép hoạt động của các ngành vận tải nước ta diễn ra sôi động suốt các tháng trong năm. (0,25đ)
  • Tuy nhiên chế độ nhiệt đới ẩm cũng làm cho các phương tiện vận tải dễ bị ôxy hoá, mưa kéo dài dễ gây sạt lở, biển có nhiều bão, nhiều đảo đá ngầm... cản trở giao thông biển. (0,25đ)

Sông ngòi:

  • Mạng lưới sông ngòi nước ta dày đặc thuận lợi cho GTVT đường sông phát triển, đặc biệt ở Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. (0,25đ)
  • Tuy nhiên, mạng lưới sông ngòi dày đặc cũng làm cho ngành GTVT đường bộ và đường sắt phải mất nhiều chi phí cho việc xây dựng cầu, phà.. (0,25đ)
  • Mùa mưa, sông đầy nước, hiện tượng lũ lụt, làm tắc nghẽn cầu cống, bồi đắp phù sa của sông nên cũng tốn kém để nạo vét và tu bổ. (0,25đ)

* Điều kiện KT – XH (1,0đ):

  • Nước ta đang trong quá trình đổi mới, giao thông vận tải được đầu tư đi trước một bước. (0,25đ)
  • Dân cư đông, nhu cầu đi lại lớn. (0,25đ)
  • Mạng lưới đô thị hóa triển thúc đẩy sự phát triển của ngành giao thông vận tải. (0,25đ)
  • Khó khăn: thiếu vốn, phải nhập khẩu xăng dầu, cơ sở hạ tầng kém. (0,25đ)
  • Cơ sở vật chất-kĩ thuật còn thấp, vốn đầu tư ít, phương tiện máy móc phải nhập từ nước ngoài tốn nhiều ngoại tệ. (0,25đ)

b. Để phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, giao thông vận tải phải đi trước một bước (1,75đ):

  • Các vùng núi thường là nơi cư trú của các dân tộc ít người. Họ sống chủ yếu dựa vào ngành trồng trọt, chăn nuôi, khai thác chế biến lâm sản, đời sống còn rất nhiều khó khăn. (0,25đ)
  • Nền kinh tế miền núi phần lớn là trong tình trạng chậm phát triển, mang tính chất tự cung, tự cấp là chủ yếu. (0,25đ)
  • Cơ sở hạ tầng kém đặc biệt là giao thông vận tải trong khi tiềm năng còn rất lớn. (0,25đ)
  • Vì vậy, nếu phát triển giao thông vận tải ở miền núi sẽ thúc đẩy giao lưu giữa các địa phương ở miền núi, giữa miền núi với đồng bằng, từ đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa. (0,25đ)
  • Khai thác các tài nguyên là thế mạnh to lớn của miền núi, hình thành các nông – lâm trường, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, đô thị, tăng cường thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi. (0,25đ)
  • Thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ, hình thành cơ cấu kinh tế ở miền núi. Các hoạt động dịch vụ (kể cả văn hóa, y tế, giáo dục) cũng có điều kiện phát triển, giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng, tăng tiềm lực quốc phòng cho đất nước. (0,25đ)

Câu 5:

* Ý nghĩa về kinh tế (2,5đ):

  • Tăng tiềm lực phát triển của vùng và của cả nước, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, nhất là phát triển các ngành khai thác chế biến khoáng sản. (0,5đ)
  • Nâng cao vị thế của vùng tạo ra cơ cấu kinh tế ngày càng hoàn thiện hơn. (0,5đ)
  • Khai thác hiệu quả các thế mạnh: chế biến khoáng sản, thủy điện, chăn nuôi gia súc, cây công nghiệp, cay ăn quả, cây dược liệu.... (0,5đ)
  • Tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (0,5đ)
  • Cho phép phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao. (0,5đ)

* Về xã hội (1,25đ):

  • Đây là vùng tập trung các dân tộc ít người, mức sống thấp, kinh tế khó khăn. Việc phát triển kinh tê sẽ tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân để từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. (0,5đ)
  • Từ đó, từng bước xóa bỏ dần sự chênh lệch về mức sống giữa người dân miền núi với đồng bằng. (0,25đ)
  • Góp phần hạn chế nạn du canh, du cư trong vùng. (0,5đ)

* Về chính trị (0,75đ):

  • Củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc. (0,25đ)
  • Đây là vùng căn cứ địa cách mạng với nhiều di tích lịch sử, nên việc phát triển kinh tế còn mang tính chất đề ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. (0,5đ)

* Về quốc phòng (0,5đ): góp phần bảo vệ và giữ vững an ninh biên giới.

Đánh giá bài viết
2 1.362
Sắp xếp theo

Thi học sinh giỏi lớp 9

Xem thêm