Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 1

Đề thi học sinh giỏi môn lịch sử lớp 9

Với kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè trong kì thi HSG khiến các em gặp rất nhiều áp lực. Hiểu được điều đó, thư viện đề thi VnDoc đã sưu tầm và xin được gửi tới các em học sinh: Đề thi học sinh giỏi môn lịch sử lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 1 giúp các em tham khảo, ôn tập dễ dàng hơn. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh và quý thầy cô giáo.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Thanh Oai, Hà Nội năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Phúc Yên, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 2 năm học 2016 - 2017

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 1 năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD&ĐT TP HẢI DƯƠNGĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 - VÒNG 1
NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: LỊCH SỬ
Thời gian làm bài: 150 phút

A. LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Câu 1 (2.0 điểm)

Trình bày những nét chính về phong trào giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới II. Vì sao phong trào giải phóng dân tộc đã góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới II?

Câu 2 (2.0 điểm) Cho các sự kiện sau:

Thời gian

Nội dung sự kiện

4/1951

Cộng đồng than thép châu Âu ra đời...

3/1957

Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu ra đời...

7/1967

Cộng đồng châu Âu thành lập...

12/1991

Các nước EC họp hội nghị cấp cao tại Ma-xtrich (Hà Lan)...

a. Vì sao các nước Tây Âu có xu hướng liên kết với nhau?

b. Hãy phân tích sự kiện đánh dấu mốc đột biến của quá trình liên kết quốc tế ở châu Âu.

Câu 3 (2.0 điểm)

Hội nghị I-an-ta (2/1945) đã thông qua những quyết định quan trọng nào về châu Á? Tác động của các quyết định đó đến tình hình châu Á sau Chiến tranh thế giới II

B. LỊCH SỬ VIỆT NAM

Câu 4 (2.0 điểm)

Trình bày nội dung chính của các đề nghị cải cách duy tân ở Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ XIX. Từ hạn chế của những đề nghị cải cách đó, hãy rút ra bài học trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Câu 5 (2.0 điểm)

Phong trào công nhân Việt Nam (1919 – 1925) đã diễn ra như thế nào? Vì sao sau Chiến tranh thế giới I, phong trào công nhân nước ta đã phát triển lên một bước cao hơn?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

PHÒNG GD&ĐT TP HẢI DƯƠNGHƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 - VÒNG 1
MÔN: LỊCH SỬ

Câu 1

1. Những nét chính về phong trào giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới II.

* Giai đoạn từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX:

  • Ngay khi phát xít Nhật đầu hàng, nhiều nước Đông Nam Á đã nổi dậy khởi nghĩa vũ trang lật đổ ách phát xít thành lập chính quyền cách mạng: In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào (1945)
  • Phong trào lan nhanh sang các nước Nam Á: Ấn Độ; Bắc Phi: Ai Cập, An-giê-ri...
  • 1960: 17 nước Châu Phi tuyên bố độc lập
  • 1/1959: Cách mạng Cu-ba thắng lợi lật đổ chế độ độc tài thân Mĩ.

-> Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc thực dân về cơ bản sụp đổ

* Giai đoạn từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX

  • Các nước Ăng-gô-la (1974), Mô-dăm-bích (1975) và Ghi-nê-bít-xao (1975) giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của Bồ Đào Nha

-> Sự tan rã các thuộc địa của Bồ Đào Nha là một thắng lợi quan trọng của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi

* Giai đoạn từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX

  • Chủ nghĩa thực dân chỉ còn tồn tại dưới hình thức cuối cùng của nó là chế độ phân biệt chủng tộc A-pac-thai
  • Các nước Rô-đê-di-a năm 1980 (cộng hòa Dim-ba-buê-ê), Tây Nam Phi năm 1990 (Cộng hòa Nam-mi-bi-a), Cộng hòa Nam Phi năm 1993 đã xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc sau hơn 3 thế kỉ tồn tại...

2. Phong trào giải phóng dân tộc đã góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới II vì:

  • Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc sụp đổ hoàn toàn, lịch sử các dân tộc Á, Phi, Mĩ la tinh bước sang chương mới.
  • Hơn 100 quốc gia độc lập trẻ tuổi đã ra đời, các nước Á, Phi, Mĩ-la-tinh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới.

Câu 2

a. Các nước Tây Âu có xu hướng liên kết với nhau vì:

  • Các nước Tây Âu đều có chung nền văn minh và nền kinh tế không cách biệt nhau lắm, từ lâu đã liên hệ mật thiết với nhau.
  • Dưới tác động của CMKHKT, sự hợp tác, phát triển là cần thiết nhằm mở rộng thị trường, giúp các nước tin cậy nhau hơn về chính trị, khắc phục nghi kị, chia rẽ.
  • Từ năm 1950, nền kinh tế Tây Âu phát triển với tốc độ nhanh, các nước muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mĩ, nếu đứng riêng lẻ không thể đọ được với Mĩ.

b. Phân tích sự kiện đánh dấu mốc đột biến của quá trình liên kết quốc tế ở châu Âu:

Tháng 12 năm 1991 các nước EC họp hội nghị cấp cao tại Ma-xtrich (Hà Lan) đánh dấu mốc đột biến của quá trình liên kết quốc tế ở châu Âu.

* Hội nghị thông qua 2 quyết định quan trọng

  • Xây dựng một thị trường nội địa châu Âu với một liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu, có đồng tiền chung duy nhất, phát hành 1/1/1999 là EURO.
  • Xây dựng một liên minh chính trị mở rộng sang liên kết về chính sách đối ngoại và an ninh tiến tới một nhà nước chung châu Âu.

* Hội nghị Ma-xtrich quyết định cộng đồng châu Âu mang tên gọi mới là Liên minh châu Âu.

Câu 3

1. Hội nghị I-an-ta (2/1945) đã thông qua những quyết định quan trọng nào về châu Á:

  • Duy trì nguyên trạng nền độc lập của Mông Cổ
  • Trả lại cho Liên Xô phía nam đảo Xa-kha-lin
  • Trả cho Trung Quốc những đất đai bị Nhật chiếm đóng như Đài Loan, Mãn Châu; thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc gồm Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
  • Triều Tiên được công nhận là một quốc gia độc lập nhưng tạm thời bị Liên Xô và Mĩ chia nhau kiểm soát đóng quân ở Bắc Và Nam vĩ tuyến 38.
  • Các vùng còn lại ở châu Á (Nam Á, Đông Nam Á...) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.

2. Tác động của các quyết định đó đến tình hình châu Á sau Chiến tranh thế giới II

  • Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến kéo dài từ 1946 đến 1949 giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản.
  • Triều Tiên bị chia cắt dẫn tới cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
  • Các vùng còn lại như Đông Nam Á, Nam Á bị tư bản phương Tây quay trở lại xâm lược

-> Châu Á bị ảnh hưởng sâu sắc của mối quan hệ quốc tế căng thẳng và phức tạp do Liên Xô và Mĩ đứng đầu 2 cực.

Câu 4

1. Trình bày nội dung chính của các đề nghị cải cách duy tân ở Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ XIX.

  • Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân muốn cho nước nhà giàu mạnh, một số quan lại sĩ phu yêu nước thức thời đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị yêu cầu đổi mới công cuộc nội trị ngoại giao, kinh tế của nhà nước phong kiến
  • Năm 1868 Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế xin mở cửa biển Trà Lí (Nam Định), Đinh Văn Điền xin đẩy mạnh khai khẩn ruộng hoang và khai mỏ, phát triển buôn bán, chấn chỉnh quốc phòng
  • 1863 đến 1871 Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình 30 bản điều trần đề nghị chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương nghiệp, tài chính; chấn chỉnh võ bị; mở rộng ngoại giao, cải tổ giáo dục
  • Từ 1877 đến 1882, Nguyễn Lộ Trạch dâng 2 bản thời vụ sách lên vua Tự Đức đề nghị khai thông dân trí, chấn hưng dân khí, bảo vệ đất nước.

2. Liên hệ công cuộc xây dựng đất nước

* Hạn chế: Các đề nghị cải cách mang tính chất lẻ tẻ, rời rạc, chưa xuất phát từ cơ sở bên trong, chưa giải quyết được 2 mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp.

* Bài học

  • Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay cần thực hiện đổi mới, cải cách toàn diện trên các lĩnh vực, trọng tâm đổi mới về kinh tế.......
  • Cải cách lấy dân làm gốc, phục vụ quyền lợi của nhân dân....

Câu 5

1. Phong trào công nhân Việt Nam (1919 - 1925)

  • 1920: Công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập tổ chức Công hội do Tôn Đức Thắng đứng đầu
  • 1922: Công nhân viêc chức các sở công thương của tư bản Pháp ở Bắc Kì đấu tranh đòi nghỉ ngày chủ nhật có trả lương
  • 1924: nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy xay xát gạo đã diễn ra ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương.
  • Tháng 8 năm 1925 cuộc bãi công của thợ máy xưởng Ba Son, Sài Gòn đấu tranh ngăn cản tàu chiến Pháp trở binh lính sang đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và thủy thủ Trung Quốc.
  • Cuộc bãi công Ba Son thắng lợi đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam bước đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng.

2. Sau Chiến tranh thế giới I, phong trào công nhân nước ta đã phát triển lên một bước cao hơn vì

  • Do sự trưởng thành về số lượng: đông hơn, sống tập trung tại các đô thị, nhà máy, xí nghiệp như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định.
  • Giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ, mang đặc điểm chung của công nhân thế giới, lại có đặc điểm riêng khiến công nhân nhanh chóng tham gia vào phong trào yêu nước và vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta
  • Do ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản năm 1919 và các Đảng Cộng sản trên thế giới: Đảng Cộng Sản Pháp năm 1920, Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921.
Đánh giá bài viết
1 4.059
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm