Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa năm 2013 - 2014

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Đề thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa năm 2013 - 2014 là đề tham khảo dành cho các bạn học sinh và thầy cô nghiên cứu, học tập tốt môn Lịch sử lớp 9 cũng như luyện tập và làm quen với nhiều đề học sinh giỏi hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi sắp diễn ra. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi chọn HSG môn Lịch sử lớp 9 năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Đỗ Động, Hà Nội

Đề Thi:

A. LỊCH SỬ VIỆT NAM

Câu 1 (5,0 điểm) Trên cơ sở những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến năm 1930, hãy phân tích vai trò của Người trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 2 (5,0 điểm) Lập bảng so sánh Phong trào cách mạng 1930 - 1931 với Cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 ở Việt Nam trên các mặt: mục tiêu, lực lượng, hình thức và phương pháp đấu tranh, kết quả và ý nghĩa lịch sử.

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Câu 3 (3,0 điểm) Cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Cộng hòa Nam Phi đã đạt được thắng lợi nào có ý nghĩa lịch sử to lớn?

Câu 4 (5,0 điểm) Trình bày hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của tổ chức ASEAN. Vì sao nói, từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tại Bali (Indonexia) tháng 02/1976, ASEAN có bước phát triển mới?

C. LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Câu 5 (2,0 điểm) Đặc điểm, ý nghĩa của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 năm 2013-2014

Câu 1: Trên cơ sở những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến năm 1930, hãy phân tích vai trò của Người trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được vai trò của Đảng Cộng sản, từ đó Người tích cực chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức tiến tới thành lập Đảng Cộng sản ở nước ta.

Chuẩn bị về tư tưởng chính trị:

  • Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước Việt Nam thuộc địa, xây dựng nên lí luận cách mạng giải phóng dân tộc để truyền bá cho nhân dân Việt Nam.
  • Những tư tưởng cách mạng của Người được thể qua nhiều tờ báo và các bài tham luận:
  • Các tờ báo, các bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), báo Đời sống công nhân (của Liên đoàn Lao động Pháp); Sự thật (Đảng Cộng sản Liên Xô); tạp chí Thư tín quốc tế (Quốc tế Cộng sản), báo Người cùng khổ, báo Thanh niên (trong những năm 1912 - 1925).
  • Các bài tham luận của Nguyễn Ái Quốc trình bày trong Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên, Đại hội Quốc tế Nông dân, Phụ nữ (1924).
  • Qua các tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927).
  • Những tư tưởng này là ngọn cờ hướng đạo cho phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kì vận động thành lập Đảng, là ánh sáng soi đường cho lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đang đi tìm chân lí đầu thế kỷ XX; là sự chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đồng thời cũng đặt nền móng cơ sở để xây dựng cương lĩnh cách mạng Việt Nam sau này.

Về tổ chức:

  • Sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (6/1925). Đây là tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản, một tổ chức tiền thân để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo một đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Từ năm 1925 đến năm 1927, Người mở các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, đã đào tạo được 75 người; một số được cử đi học ở Liên Xô, một số vào học ở trường Quân sự Hoàng Phố - Trung Quốc, còn phần lớn trở về nước hoạt động, tuyên truyền lí luận cách mạng trong quần chúng và xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Vai trò của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị thành lập Đảng:

  • Chủ động triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản…
  • Năm 1929, khi biết tình hình Đông Dương có các tổ chức cộng sản không thống nhất được với nhau (các tổ chức hoạt động riêng rẽ, thậm chí còn công kích, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng làm cho phong trào cách mạng có nguy cơ bị chia rẽ), Người đã rời Xiêm sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản. Với tư cách là người có quyền quyết định mọi vấn đề của cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu các nhóm cộng sản đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để họp Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản. Bằng uy tín tuyệt đối, Người đã phân tích tình hình và đưa Hội nghị đến thành công, thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Là người soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng và được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng. Đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Theo sự phân công của Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã viết lời kiêu gọi quần chúng tham gia, ủng hộ Đảng và đứng dưới ngọn cờ đấu tranh của Đảng

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập ra ĐCS Việt Nam.

Câu 2:

Lập bảng so sánh phong trào cách mạng 1930 - 1931 với Cuộc vận động dân chủ 1936 –- 1939 ở Việt Nam trên các mặt: mục tiêu, lực lượng, hình thức và phương pháp đấu tranh, kết quả và ý nghĩa lịch sử.

Nội dung Phong trào 1930 - 1931 Phong trào 1936 - 1939
Mục tiêu Chống đế quốc, phong kiến, đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ, chia ruộng đất cho nông dân Chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình
Lực lượng Công nhân và nông dân Công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác
Hình thức và phương pháp đấu tranh Mít tinh, biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền Bãi công, bãi thị, bãi khóa và mít tinh, kết hợp đấu tranh công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp
Kết quả và ý nghĩa lịch sử - Giáng một đòn quyết liệt vào bè lũ đế quốc và phong kiến tay sai.
- Thành lập được các xô viết
- Tuy thất bại nhưng khẳng định quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng và của liên minh công nông, là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945
- Tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi
- Đảng ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các hoạt động đấu tranh để phát huy sức mạnh sáng tạo của quần chúng
- Là cuộc diễn tập lần thứ hai chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945

Nhận xét: Như vậy, so với thời kỳ cách mạng 1930 –- 1931, chủ trương, sách lược, hình thức đấu tranh trong thời kì 1936 –- 1939 đều có nét khác nhau. Nguyên nhân là do hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi so với trước. Đảng ta đã biết triệt để lợi dụng cơ hội thuận lợi (Mặt trận nhân dân Pháp ban bố một số quyền tự do dân chủ cho các nước thuộc địa) để phát động phong trào đấu tranh phù hợp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, tạo nên một nét mới cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Câu 3: Cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Cộng hòa Nam Phi đã đạt được thắng lợi nào có ý nghĩa lịch sử to lớn?

  • Năm 1961, Liên bang Nam Phi rút ra khỏi khối Liên hiệp Anh và tuyên bố là nước Cộng hòa Nam Phi
  • Trong hơn ba thế kỉ, chính quyền thực dân da trắng Nam Phi thi hành chính sách phân biệt chủng tộc
  • Dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Đại hội dân tộc phi (ANC), người da đen bền bỉ tiến hành cuộc đấu tranh đòi thủ tiêu chế độ phân biệt chủng tộc.
  • Năm 1993, chế độ A-pac-thai bị xóa bỏ, lãnh tụ ANC Nen-xơn-man-đê-la được trả lại tự do sau 27 năm bị cầm tù
  • Tháng 05 năm 1994, Nen-xơn-man-đê-la trở thành Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước này.

=> Đó là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử: chế độ phân biệt chủng tộc đã bị xóa bỏ ngay tại sào huyệt cuối cùng của nó sau hơn 3 thế kỉ tồn tại.

Từ 06/1996, Chính quyền mới Nam Phi thực hiện "Chiến lược kinh tế vĩ mô" => xóa bỏ "chế độ A-–pac-–thai về kinh tế"

Câu 4:

Trình bày hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của tổ chức ASEAN. Vì sao nói, từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Indonesia) tháng 2/1976, ASEAN có bước phát triển mới?

Hoàn cảnh ra đời:

  • Sau hơn 20 năm đấu tranh giành độc lập, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kỳ ổn định và phát triển kinh tế, nhiều nước có nhu cầu hợp tác với nhau để cùng giải quyết khó khăn và phát triển.
  • Trong bối cảnh Mĩ ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương, họ muốn liên kết lại để một mặt giảm bớt sức ép của các nước lớn, mặt khác nhằm hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang thắng lợi ở Trung Quốc, Việt Nam
  • Những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sự thành công của Khối thị trường chung châu Âu (EEC) đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á.
  • Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc với sự tham gia của 5 nước: Indonesia, Malayxia, Philippin, Thai Lan và Singapore.

Mục tiêu: Là tiến hành hợp tác giữa các nước thành viên nhằm phát triển kinh tế và văn hóa trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Câu 5:

Đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa

* Đặc điểm:

  • Phong trào bùng nổ sớm, kéo dài liên tuc và bền bỉ, qui mô càng về sau càng lớn.
  • Phong trào diễn ra rộng khắp và rất sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc miền núi, miền xuôi tham gia từ những ngày đầu đến ngày cuối của phong trào. Điều đó đã đưa Thanh Hóa lên vị trí hàng đầu trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX.
  • Lãnh đạo phong trào là những sĩ phu, văn thân, hoặc thổ ty, lãnh đạo, có người là nông dân. Họ đều là những người có uy tín.
  • Phong trào dựa vào nhân dân mà chiến đấu, hình thức đấu tranh rất phong phú

* Ý nghĩa lịch sử phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa:

  • Nêu một tấm gương chiến đấu anh dũng sáng ngời của nhân dân các dân tộc Thanh Hóa trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
  • Gây cho pháp tổn thất nặng nề làm châm bước tiến trong âm mưu bình định của chúng. Đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, về chiến tranh du kích, về tổ chức đấu tranh cho phong trào GPDT sau này.
Đánh giá bài viết
1 1.997
Sắp xếp theo

Thi học sinh giỏi lớp 9

Xem thêm