Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa là tài liệu học tập môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 9. Đề thi có đáp án đi kèm, giúp các bạn ôn tập và tra cứu hiệu quả, sẵn sàng cho kỳ thi học sinh giỏi THCS. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2011 - 2012 huyện Ninh Giang, Hải Dương

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2013 - 2014 huyện Thanh Oai, Hà Nội

PHÒNG GD&ĐT THIỆU HOÁ

Đề thi chính thức

KÌ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 02/12/2014.

Câu 1. (2.0 điểm):

Xác định biện pháp tu từ và phân tích giá trị biểu đạt của nó trong đoạn thơ sau:

"Hỡi những trái tim không thể chết
Chúng tôi đi theo vết các anh
Những hồn Trần Phú vô danh
Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn"

(Tố Hữu)

Câu 2. (6.0 điểm):

"Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa.
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà.
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua...."

(Nơi đảo xa - Thế Song)

Từ lời bài hát trên, bằng những hiểu biết xã hội, em hãy viết một bài nghị luận trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Câu 3. (12.0 điểm): Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, trong bài Việt Bắc, Tố Hữu đã viết:

"Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?"

(Việt Bắc - Tố Hữu)

Những dòng thơ trên gợi cho em liên tưởng đến lời tâm sự của tác giả nào trong một bài thơ mà em đã học ở chương trình Ngữ văn lớp 9, tập 1? Em hãy chỉ rõ điểm đồng điệu giữa ý thơ của Tố Hữu và tâm sự của nhà thơ đó. Hãy phân tích niềm tâm sự sâu kín của tác giả trong bài thơ em đã tìm được.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1. (2.0 điểm)

  • Học sinh chỉ ra được biện pháp tu từ hoán dụ: (1.0 điểm)
    • Những trái tim: chỉ những con người (0,25 đ)
    • Hồn Trần Phú vô danh: biểu thị các liệt sĩ cách mạng của Đảng và dân tộc. (0,25 đ)
    • Sóng xanh và cây xanh: Là những bộ phận của biển, của núi ngàn, đất nước, biểu thị sự trường tồn bất diệt. (0,5 đ)
  • Phân tích giá trị biểu đạt. (1.0 điểm)
    • Qua hình ảnh hoán dụ Tố Hữu đã ca ngợi tình yêu nước, lòng trung thành với lí tưởng cộng sản của các chiến sĩ cách mạng. (0,5 đ)
    • Nhà thơ khẳng định tên tuổi và tinh thần cách mạng của các liệt sĩ như Trần Phú đời đời bất tử trường tồn với đất nước thân yêu. (0,5 đ)

Câu 2. (6.0 điểm):

* Yêu cầu về hình thức:

  • Xác định đúng kiểu bài nghị luận xã hội.
  • Bố cục mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh.

* Yêu cầu về nội dung:

a) Mở bài: (0.5 điểm)

  • Lý lẽ dẫn dắt
  • Dẫn vấn đề cần bàn luận.

b) Thân bài. (5.0 điểm)

* Khẳng định lãnh thổ, suy nghĩ về cuộc sống của những người lính. (3.0 điểm)

  • Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền, thềm lục địa và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc. (1.0 đ)
  • Các anh là những người sống trong một hoàn cảnh có nhiều khó khăn gian khổ: sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố,... Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền: thiếu nước ngọt, thiếu sách báo...(0.5đ)
  • Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,...(0.25đ)
  • Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả.,...(0.5đ)
  • Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hằng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả, ...nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hi sinh thầm lặng của các anh,...(0,75đ)

* Mở rộng, nâng cao vấn đề. (2.0đ)

  • Vào những ngày đầu tháng 5/2014 Trung Quốc lại tiếp tục âm mưu bành trướng biển Đông bằng việc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép gần quần đảo Hoàng Sa và tiến hành các hoạt động cải tạo trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam theo công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982. (0.5đ)
  • Những ngày đầu tháng 11/2014 việc Đài Loan tiến hành bắn đạn thật trên đảo Hải Bình (từ 3-4/11) thuộc quần đảo Trường Sa... các chiến sĩ lại tiếp tục chiến đấu nơi "đầu sóng ngọn gió" để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc... Công việc của các anh vốn vất vả nay lại càng vất vả hơn. (0.25đ)
  • Hình ảnh của các anh chiến sĩ ngoài biển đảo là những hình ảnh hào hùng ẩn chứa vẻ đẹp của sư hi sinh vì nghĩa lớn. (0.25đ)
  • Trước tấm gương của các anh, thế hệ trẻ chúng ta cần phấn đấu học tập tốt để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương , đồng thời lên án hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ dân tộc của các thế lực xấu... (0.5đ)
  • Mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần có những hành động và việc làm thiết thực nhất để động viên chia sẻ với các anh cả về mặt vật chất và tinh thần.(0.5đ)

c) Kết bài (0,5đ):

  • Khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của VN, thể hiện quyết tâm bảo vệ biển đảo của tổ quốc.

Câu 3. (12.0 điểm):

* Yêu cầu về kĩ năng:

  • Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học.
  • Bố cục rõ ràng, kết cấu chăt chẽ, diễn đạt lưu loát trôi chảy
  • Không mắc các lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi dùng từ

* Yêu cầu về nội dung:

Mở bài (1.0đ): Giới thiệu được ý thơ của Tố Hữu và bài thơ tương đồng trong chương trình lớp 9 đó là bài "Ánh trăng" của Nguyễn Duy

Thân bài (10.0đ):

Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng yêu cầu đảm bảo được một số ý sau:

1. Điểm đồng điệu giữa ý thơ của Tố Hữu và Nguyễn Duy trong bài "Ánh trăng" (2,0 đ)

  • Đều là những lời nhắc nhở về đạo li ân nghĩa thủy chung. (0.5đ)
  • Ở những dòng thơ của Tố Hữu:là lời nhắc nhở với những người cán bộ kháng chiến khi từ Việt Bắc về xuôi ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc. (Khi sự lãng quên chưa xảy ra mà mới chỉ là dự cảm). (0.5đ)
  • Ở bài "Ánh trăng": Là lời tâm sự tự bạch, tự thú với chính mình, với mọi người khi giật mình nhận ra bản thân đã từng có lúc lãng quên quá khứ khi được sống trong hòa bình (Đã ba năm sau khi kháng chiến chống Mĩ). (0.5đ)

=> Có lẽ từ chiến tranh sang hòa bình, từ gian khổ sang an lạc, có không ít người lãng quên quá khứ, quên những người đã từng gắn bó, đùm bọc, sẻ chia .vì thế điểm đồng điệu của hai bài thơ chính là nhắc nhở moị người về đạo lí uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung với quá khứ (0.5đ)

2. Phân tích tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy qua bài "Ánh trăng" (8,0đ).

* Hoàn cảnh ra đời bài thơ:

  • Cuộc kháng chiến dã khép lại ba năm, sống trong thời bình không mấy ai nhớ lại những kỉ niệm gian khổ thời quá khứ, "ánh trăng giản dị như một niềm ân hận trong tâm sự sâu kín của nhà thơ. (0.5đ)
  • Đó là hình ảnh quen thuộc và còn vừa là niềm thơ vừa là biểu tượng đã qua của một đời người gắn bó với kỉ niệm. (0.5đ)

* Tâm sự của tác giả về những ngày tháng làm bạn với ánh trăng:

  • Nhớ về kỉ niệm đã qua: Kỉ niệm thuở ấu thơ gắn liền với không gian "đồng, sông, bể" đến thời chiến tranh gian khổ (0.5đ)

-> Vầng trăng là biểu tượng của thiên nhiên tươi mát, là biểu tượng nghĩa tình, nguồn cội, biểu tương của quá khứ nghĩa tình. (Phân tích) (0.5đ)

* Tâm sự sâu kín về những ngày lãng quên vầng trăng trong hiện tại

Lí do: do hoàn cảnh sống thay đổi. Con người lãng quên vầng trăng, quên quá khứ. Người và trăng trở nên xa lạ trăng trở thành người dưng. (0.5đ)

-> Đó là sự lãng quên của một lớp người. Nhà thơ không phê phán ánh điện cửa gương mà cốt yếu làm sao để giá trị vật chất không điều khiển được con người. (0.5đ)

* Niềm ân hận của tác giả và "tấm lòng" của vầng trăng

  • Sự bắt gặp lại hình ảnh vầng trăng trong một tình huống bất ngờ "mất điện" -> Sự đối diện trong khoảnh khắc con người đã nhận ra sự bạc bẽo, vô tình của mình. (0.5đ)

-> đó chính là sự ân hận, sám hối. (Phân tích) (0.5đ)

  • Hình ảnh trăng trở về nguyên vẹn "Tròn vành vạnh" là hình ảnh thiên nhiên tròn đầy, hình ảnh quá khứ vĩnh hằng hay đó chính là tấm lòng của vầng trăng (0,5đ)
  • Tâm sự sâu kín của nhà thơ không dừng lại ở đó. Điều ông muốn nói là con người phải tự mình bước qua những lỗi lầm của mình biết tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân. (0.5đ)
  • Vầng trăng ở đây không chỉ là quá khứ vẹn nguyên, là vẻ đẹp tự nhiên, vĩnh hằng mà ánh trăng còn là bạn, là nhân chứng nghĩa tình - đó là nhân dân, đồng đội của những người lính. (0.5đ)

-> Tấm lòng của nhân dân ta là vô cùng rộng lớn, luôn bao dung và tha thứ nhưng cũng nghiêm khắc nhắc nhở mỗi con người về đạo lí ân nghĩa thủy chung, đạo lí "uống nước nhớ nguồn". (Phân tích) (0.5đ)

* Nghệ thuật góp phần thể hiện chủ đề: Thể thơ năm chữ, lời thơ giản dị mộc mạc, kết cấu theo dòng thời gian. Chỉ viết hoa chữ cái đầu mỗi khổ làm cho bài thơ có dáng dấp như một câu chuyện kể, lời tâm tình thủ thỉ của tác giả về nỗi lòng sâu kín của mình. (2,0đ)

Kết bài: (1.0đ)

Khẳng định lại đạo lí sống ân nghĩa thủy chung luôn là đạo lí tôt đẹp từ xưa đến nay. Bài "ánh trăng" không chỉ là câu chuyện riêng của tác giả mà là câu chuyện, là vấn đề đặt ra đối với mỗi chúng ta.

Lưu ý:

  • Khuyến khích cho những bài có ý tưởng sáng tạo và giọng điệu độc đáo.
  • Học sinh có thể làm theo 3 ý tách biệt:
    • Nêu tên tác phẩm, tác giả bài cần tìm: "Ánh trăng" (1,0đ)
    • Điểm đồng điệu giữa 2 tác giả. (2,0đ)
    • Bài viết phân tích. (9,0đ)
  • Giám khảo cần linh hoạt khi chấm bài.
Đánh giá bài viết
10 23.007
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm