Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 9 trường THCS Mỹ Hưng năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Mỹ Hưng, Hà Nội là đề tham khảo dành cho các bạn học sinh và thầy cô nghiên cứu, học tập tốt môn Văn lớp 9 cũng như luyện tập và làm quen với nhiều đề học sinh giỏi hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi sắp diễn ra. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS MỸ HƯNG
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học: 2015 - 2016
Môn: Ngữ Văn
(Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (4 điểm)

Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong đoạn thơ sau:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi mam mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh nghế ngồi."

(Kiều ở lầu Ngưng Bích – Ngữ văn 9, tập 1)

Câu 2: (6 điểm)

Lấy tựa đề "Gia đình và quê hương – chiếc nôi nâng đỡ đời con", hãy viết một bài Nghị luận nêu suy nghĩ của em về nguồn cội yêu thương của mỗi con người?

Câu 3: (10 điểm)

Tâm sự sâu kín của nhà thơ Nguyễn Duy qua bài thơ Ánh trăng?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 9

Câu 1:

Viết thành đoạn văn ngắn nêu lên được các nét nghệ thuật đặc sắc:

  • Cấu trúc cân đối nhịp nhàng (1,0đ)
  • Sử dụng điệp từ, điệp ngữ kết hợp với các từ láy thanh bằng làm cho nhịp thơ kéo dài, hiu hắt, trầm buồn... (1,0đ)
  • Miêu tả ngoại cảnh thể hiện được tâm trạng, nỗi lòng của nhân vật. Đó là tả cảnh ngụ tình. (1,0đ)
  • Hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ: Hoa trôi, nội cỏ, gió cuốn, tiếng sóng.(1,0đ)

Câu 2:

a) Mở bài: (0,5đ)

  • Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nguồn cội yêu thương của mỗi con người.
  • Gia đình và quê hương là điều không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người, sẽ là bến đỗ bình yên cho mỗi con người.

b) Thân bài:

Khẳng định ý nghĩa của gia đình và quê hương trong cuộc sống của mỗi con người: (1,5đ)

  • Gia đình là nơi có mẹ, có cha, có những người thân yêu, ruột thịt của chúng ta. Ở nơi ấy chúng ta được yêu thương, nâng đỡ, khôn lớn và trưởng thành.
  • Cùng với gia đình là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của ta. Nơi ấy có mọi người ta quen biết và thân thiết, có cảnh quê thơ mộng trữ tình, có những kỷ niệm ngày ấu thơ cùng bạn bè, những ngày cắp sách đến trường...
  • Gia đình và quê hương sẽ là bến đỗ bình yên cho mỗi con người; dù ai đi đâu, ở đâu cũng sẽ luôn tự nhắc nhở hãy nhớ về nguồn cội yêu thương.

Những việc để xây dựng quê hương và làm rạng rỡ gia đình (1,5đ)

  • Với gia đình, chúng ta hãy làm tròn bổn phận của người con, người cháu: Học giỏi, chăm ngoan, hiếu thảo để ông bà, cha mẹ vui lòng.
  • Với quê hương, hãy góp sức trong công cuộc dựng xây quê hương: Tham gia các phong trào vệ sinh môi trường để làm đẹp quê hương, đấu tranh trước những tệ nạn xã hội đang diễn ra ở quê hương.
  • Nếu có thể khi trưởng thành trở về quê hương lập nghiệp, dựng xây quê mình ngày một giàu đẹp...

Có thái độ phê phán trước những hành vi: (1,0đ)

  • Phá hoại cơ sở vật chất.
  • Những suy nghĩ chưa tốt về quê hương: Chê quê hương nghèo khó, chê người quê lam lũ, lạc hậu, không muốn nhận quê hương mình...

Liên hệ mở rộng: Liên hệ đến những tác phẩm viết về gia đình và quê hương để thấy ý nghĩa của quê hương trong đời sống tinh thần của mỗi con người: "Quê hương" (Đỗ Trung Quân), "Quê hương" (Tế Hanh)... (1,0đ)

c) Kết bài (0,5đ)

Khẳng định:

  • Nguồn cội của mỗi con người là gia đình và quê hương, nên hiểu rộng hơn quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, quê hương còn là Tổ quốc; tình yêu gia đình luôn gắn liền với tình yêu quê hương, tình yêu đất nước.
  • Mỗi con người luôn có sự gắn bó những tình cảm riêng tư với những tình cảm cộng đồng...

Câu 3:

a) Mở bài: (1,0đ)

  • Ánh trăng là đề tài quen thuộc của thi ca, là cảm hứng sáng tác vô tận cho các nhà thơ
  • Nguyễn Duy, một nhà thơ tiêu biểu cho thể hệ trẻ sau năm 1975 cũng góp vào một "Ánh trăng"
  • Ánh trăng trong thơ Nguyễn Duy không chỉ là niềm thơ mà còn biểu đạt một hàm nghĩa mới, mang dấu ấn tình cảm thời đại: Ánh trăng là biểu tượng cho quá khứ trong mỗi đời người.

b) Thân bài

* Cảm nghĩ về vầng trăng quá khứ: (2,0đ)

  • Ánh trăng gắn với những kỷ niệm trong sáng thời thơ ấu tại làng quê:

Hồi nhỏ sống với rừng
Với sông rồi với biển

  • Con người khi đó sống giản dị, thanh cao, chân thật trong sự hòa hợp với thiên nhiên trong lành (dẫn chứng).
  • Ánh trăng gắn bó với những kỷ niệm không thể nào quên của cuộc chiến tranh ác liệt của người lính trong rừng sâu (dẫn chứng).
  • Trăng khi đó là ánh sáng trong đêm tối chiến tranh, là niềm vui bầu bạn của người lính trong gian lao của cuộc kháng chiến – vầng trăng tri kỷ. Nhân vật trữ tình gắn bó với trăng trong những năm dài kháng chiến. Trăng vẫn thủy chung, tình nghĩa.

* Cảm nghĩ về vầng trăng hiện tại: (3,0đ)

Vầng trăng tri kỷ ngày nào nay đã trở thành "người dưng" – người khách qua đường xa lạ (dẫn chứng).

  • Sự thay đổi của hoàn cảnh sống – không gian khác biệt, thời gian cách biệt, điều kiện sống cách biệt.
  • Hành động "vội bật tung cửa sổ" và cảm giác đột ngột "nhận ra vầng trăng tròn", cho thấy quan hệ giữa người và trăng không còn là tri kỷ, tình nghĩa như xưa vì con người lúc này thấy trăng như một vật chiếu sáng thay thế cho điện sáng mà thôi.
  • Câu thơ dửng dưng – lạnh lùng – nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống.

Từ sự xa lạ giữa người với trăng ấy, nhà thơ muốn nhắc nhở: Đừng để những giá trị vật chất điều khiển chúng ta...

* Niềm suy tư của tác giả và tấm lòng của vầng trăng: (3,0đ)

Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ.

  • Vầng trăng vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ.
  • Sử dụng hình ảnh thơ khá hay "trăng tròn" biện pháp nghệ thuật nhân hóa đặc sắc "ngửa mặt lên nhìn mặt". Cách viết thật lạ và sâu sắc.

Ánh trăng đã thức dậy những kỷ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức lại tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên

  • Cảm xúc "rưng rưng" là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỷ.
  • Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao.

Ánh trăng hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào.

  • Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
  • "Giật mình" là cảm giác và phản xạ tâm lý có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái "Giật mình" của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống: Không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ thiện nhiên.

Câu thơ thầm nhắc nhở chính mình và cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, hưởng những tiện nghi hiện đại, đừng bao giờ quên công sức đấu tranh cách mạng của biết bao người đi trước.

c) Kết bài (1,0đ)

  • Bài thơ Ánh trăng là một lần "giật mình" của Nguyễn Duy về sự vô tình trước thiên nhiên, vô tình với những kỷ niệm nghĩa tình của một thời đã qua.
  • Nó gợi ra trong lòng chúng ta nhiều suy ngẫm sâu sắc về cách sống, cách làm người, cách sống ân nghĩa thủy chung ở đời.
  • Ánh trăng thật sự đã như một tấm gương soi để thấy được gương mặt thật của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi mà chúng ta tưởng đã ngủ yên trong quên lãng./.
Đánh giá bài viết
10 23.830
Sắp xếp theo

Thi học sinh giỏi lớp 9

Xem thêm