Đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Địa lý lớp 9 phòng GD&ĐT Hải Dương năm 2014 - 2015

Đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Địa lý lớp 9

Đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Địa lý lớp 9 phòng GD&ĐT TP Hải Dương năm 2014 - 2015 giúp các bạn học sinh ôn thi học sinh giỏi môn Địa lý, chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố, ôn thi vào lớp 10 các trường chuyên trong cả nước. Mời các bạn tải đề thi học sinh giỏi lớp 9 này về và cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Lịch sử lớp 9 phòng GD&ĐT Hải Dương năm 2014 - 2015

Đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT TP Hải Dương năm 2014 - 2015

PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI VÒNG 2
NĂM HỌC 2014-2015
MÔN THI: ĐỊA LÍ
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề thi gồm 05 câu, 01 trang)

Câu 1 (2 điểm): Hãy trình bày và giải thích các nhân tố ảnh hưởng tới sự phân bố nhiệt độ không khí trên Trái Đất?

Câu 2 (2 điểm): Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học:

a. Nêu sự khác biệt về địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và vùng núi Trường Sơn Nam.

b. Nêu sự khác biệt về khí hậu miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với khí hậu miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Câu 3 (1 điểm): Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học:

a. Nhận xét về sự phân bố dân cư nước ta.

b. Sự phân bố dân cư như vậy gây những khó khăn gì đối với kinh tế- xã hội và quốc phòng?

Câu 4 (3 điểm): Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học phân tích tình hình phát triển hoạt động ngoại thương của nước ta?

Câu 5 (2 điểm): Dựa vào bảng số liệu sau:

Tốc độ tăng dân số, sản lượng lương thực
và bình quân lương thực theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng (%)

Năm1995199820002002
Dân số100,0103,5105,5108,2
Sản lượng lượng lương thực100,0117,7128,6131,1
Bình quân lương thực theo đầu người100,0113,8121,8121,2

a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tốc độ tăng dân số, sản lượng lương thực và bình quân lương thực theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng.

b. Rút ra nhận xét và giải thích.

Đáp án đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Địa lý lớp 9

Câu 1: Trình bày và giải thích các nhân tố ảnh hưởng tới sự phân bố nhiệt độ không khí trên Trái Đất:

a. Vĩ độ:

  • Nhiệt độ không khí giảm dần từ xích đạo về 2 cực, biên độ nhiệt tăng dần từ xích đạo về 2 cực. (0,25đ)
  • Vì: Khu vực xích đạo quanh năm có góc nhập xạ lớn, nhiệt độ cao; càng xa xích đạo góc nhập xạ càng nhỏ, nhiệt độ thấp. (0,25đ)

b. Lục địa và đại dương:

  • Nhiệt độ trung bình cao nhất và thấp nhất đều ở lục địa. (0,25đ)
  • Biên độ nhiệt độ ở lục địa lớn, đại dương nhỏ. (0,25đ)
  • Vì: Lục địa hấp thụ nhiệt và tỏa nhiệt nhanh, đại dương hấp thụ nhiệt và tỏa nhiệt chậm. (0,25đ)
  • Nhiệt độ không khí còn thay đổi theo bờ Đông và bờ Tây lục địa. Do ảnh hưởng của dòng biển nóng, lạnh và sự thay đổi hướng của chúng. (0,25đ)

c. Địa hình:

  • Nhiệt độ thay đổi theo độ cao. Vì càng lên cao không khí càng loãng, nhiệt độ giảm. (0,25đ)
  • Nhiệt độ không khí thay đổi theo độ dốc và hướng của sườn núi. Hướng phơi của sườn núi với tia sáng Mặt Trời có góc nhập xạ lớn. nhiệt độ cao; ngược lại hướng sườn của núi khuất tia sáng Mặt Trời có góc nhập xạ nhỏ, nhiệt độ thấp. (0,25đ)

Câu 2:

a. Sự khác biệt về địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và vùng núi Trường Sơn Nam:

Vị trí, giới hạn:

  • Trường Sơn Bắc: từ phía nam sông Cả đến dãy Bạch Mã. (0,25đ)
  • Trường Sơn Nam: từ dãy Bạch Mã đến 110 Bắc (hoặc vùng Đông Nam Bộ) (0,25đ)

Độ cao:

  • Trường Sơn Bắc:tương đối thấp, độ cao trung bình > 1000m, có rất ít đỉnh núi cao > 2000m. (0,25đ)
  • Trường Sơn Nam: cao hơn so với Trường Sơn Bắc, có nhiều đỉnh núi cao > 2000m (Ngọc Linh, Chưyangsin...) (0,25đ)

Hướng núi:

  • Trường Sơn Bắc: Tây Bắc- Đông Nam. (0,25đ)
  • Trường Sơn Nam: Hướng vòng cung. (0,25đ)

Dạng địa hình:

  • Trường Sơn Bắc: gồm các dãy núi so le nhau, có 2 sườn không đối xứng. Sườn Đông Trường Sơn hẹp và dốc, có nhiều nhánh núi nằm ngang chia cắt đồng bằng duyên hải Trung Bộ. (0,25đ)
  • Trường Sơn Nam: là vùng đồi núi và cao nguyên hùng vĩ. (0,25đ)

Địa hình núi cao tập trung nhiều ở phía Đông. Phía Tây là những cao nguyên xếp tầng tương đối bằng phẳng như cao nguyên Đắk lắk, CN Mơ Nông, CN PlâyKu... (0,25đ)

b. Sự khác biệt về khí hậu miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với khí hậu miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ:

Miền Bắc và Đông Bắc Bắc BộMiền Tây Bắc và Bắc Trung BộĐiểm
Đặc điểm chungTính chất nhiệt đới bị giảm sút mạnh mẽ, mùa đông lạnh nhất cả nước.Khí hậu đặc biệt do tác động của địa hình.0,25
Mùa đôngMùa đông đến sớm và kết thúc muộn.Mùa đông đến muộn và kết thúc sớm.0,25
Mùa hạ

Mùa hạ nóng ẩm mưa nhiều, có tiết mưa ngâu.

Mùa mưa chậm dần từ Tây Bắc đến Bắc Trung Bộ.

Ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam khô nóng nên ít mưa.0,25

Câu 3: a, Nhận xét:

Dân cư nước ta phân bố không đều giữa các vùng.

  • Đông nhất: đồng bằng sông Hồng > 1001 người/km2 (0,25đ)
  • Thấp nhất: vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên< 50 người/km2 (0,25đ)

Dân cư tập trung ở miền đồng bằng ven biển và ở các đô thị có mật độ dân số rất cao: các đồng bằng thường có mật độ > 201-500 người/km2 (0,25đ)

Dân cư thưa thớt ở miền núi và cao nguyên thường có mật độ dân số <100 người/km2 (0,25đ)

b, Những khó khăn do sự phân bố dân cư không đều gây ra:

  • Miền đồng bằng: đất hẹp người đông, tài nguyên bị khai thác quá mức, nguồn lao động không được sử dụng hết. (0,25đ)
  • Miền núi và cao nguyên: đất rộng, tài nguyên phong phú lại không có đủ nhân lực để khai thác. (0,25đ)
  • Nước ta có đường biên giới dài, vùng biên giới chủ yếu ở miền núi và cao nguyên thưa dân nên vấn đề bảo vệ có nhiều khó khăn. (0,25đ)

Câu 4: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 24 và kiến thức đã học phân tích tình hình phát triển hoạt động ngoại thương của nước ta:

Ngoại thương là hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng nhất của nước ta. (0,25đ)

Nền kinh tế càng phát triển và mở cửa thì hoạt động ngoại thương càng quan trọng, có tác dụng giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất với chất lượng cao và cải thiện đời sống nhân dân. a. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa (biểu đồ cột kép): (0,25đ)

Từ năm 2000- 2007: Tổng giá trị xuất - nhập khẩu tăng nhanh và liên tục.

  • Xuất khẩu tăng từ 14,5 tỉ đôla Mĩ lên 48,6 tỉ đôla Mĩ, tăng 34,1 tỉ đôla Mĩ (0,25đ)
  • Nhập khẩu tăng từ 15,6 tỉ đôla Mĩ lên 62,8 tỉ đôla Mĩ, tăng 47,2 tỉ đôla Mĩ. (0,25đ)

Giá trị nhập khẩu luôn lớn hơn giá trị xuất khẩu nên nước ta là nước nhập siêu. (0,25đ)

b. Biểu đồ cơ cấu giá trị hàng xuất – nhập khẩu năm 2007:

Cơ cấu hàng xuất khẩu khá đa dạng:

  • Công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất: 42,6%. (0,25đ)
  • Công nghiệp nặng và khoáng sản: 34,3%. (0,25đ)
  • Nông – lâm sản:15,4%. (0,25đ)
  • Thủy sản: 7,7%. (0,25đ)

Cơ cấu hàng nhập khẩu:

  • Nguyên, nhiên, vật liệu lớn nhất: 64,0%. (0,25đ)
  • Máy móc, thiết bị, phụ tùng: 28,6%. (0,25đ)
  • Hàng tiêu dùng: 7,4%. (0,25đ)

c. Bản đồ ngoại thương năm 2007:

  • Các bạn hàng: Việt Nam có quan hệ với các quốc gia thuộc các châu lục trên thế giới. (0,25đ)
  • Các bạn hàng truyền thống: các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ô-xây-li-a và vùng lãnh thổ như Đài Loan... (0,25đ)
  • Thị trường Tây Âu và Bắc Mĩ ngày càng tiêu thụ nhiều hàng hóa của Việt Nam. (0,25đ)
  • Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam: Nhật Bản, Hoa Kì > 6 tỉ đôla Mĩ. (0,25đ)
  • Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Xingapo > 6 tỉ đôla Mĩ. (0,25đ)

Câu 5:

a. Vẽ biểu đồ: (1,0đ)

Vẽ biểu đồ ba đường biểu diễn: trục hoành thể hiện (năm), trục tung thể hiện tốc độ tăng dân số, sản lượng lương thực và bình quân lương thực theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng (%). Có ghi số liệu trên các đường. Có chú thích đầy dủ. Biểu đồ có tên, vẽ chính xác, đẹp.

(Nếu thiếu hoặc sai mỗi ý trừ 0,25 đ. Không chấm điểm phần vẽ khi học sinh chọn kiểu biểu đồ khác.)

b. Nhận xét và giải thích:

  • Tốc độ tăng dân số, sản lượng lương thực và bình quân lương thực theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 1995-2002 không đều. (0,25đ)
  • Tốc độ tăng dân số tăng chậm nhất (CM=SL). Do việc triển khai chính sách kế hoạch hoá gia đình có hiệu quả nên tỉ lệ gia tăng tự nhiên giảm. (0,25đ)
  • Tốc độ tăng sản lượng lương thực tăng nhanh nhất (CM=SL). Do vùng Đồng bằng sông Hồng thực hiện tốt thâm canh tăng vụ, là vùng có trình độ thậm canh cao. (0,25đ)
  • Tốc độ tăng bình quân lương thực theo đầu người ở Đồng bằng sông Hồng tăng thứ hai (CM=SL). Do tốc độ tăng dân số tăng chậm hơn tốc độ tăng sản lượng lương thực. (Bài làm có phần nhận xét và giải thích khi chưa vẽ xong biểu đồ thì vẫn chấm điểm song không cho điểm tối đa của phần nhận xét và giải thích.) (0,25đ)
Đánh giá bài viết
1 906
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm