Đề thi HSG môn GDCD lớp 9 huyện Cam Lộ, Quảng Trị năm 2015 - 2016

Đề thi HSG môn GDCD lớp 9 huyện Cam Lộ, Quảng Trị

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Cam Lộ, Quảng Trị là đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện lớp 9 THCS. Đề thi môn GDCD có đáp án đi kèm, hi vọng sẽ giúp các bạn củng cố lại kiến thức, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi học sinh giỏi các cấp lớp 9 THCS. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi HSG môn Sinh học lớp 9 huyện Cam Lộ, Quảng Trị năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 năm học 2014 - 2015 trường THCS Mỹ Hưng, Hà Nội

UBND HUYỆN CAM LỘ

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016
Môn thi: GDCD; LỚP 9
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1: (12 điểm)

a. Hợp tác là gì? Vì sao trong tình hình hiện nay hợp tác là một vấn đề quan trọng và tất yếu?

b. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề hợp tác quốc tế. Nêu một ví dụ về hợp tác quốc tế ở địa phương mà em biết?

c. Em hiểu như thế nào về quan điểm "Hoà nhập chứ không hoà tan" trong quan hệ giao lưu hợp tác quôc tế?

Câu 2: (8 điểm)

Hiện nay chiến tranh còn xảy ra ở một số nơi trên thế giới. Chiến tranh đã gây ra sự bất hạnh cho nhiều trẻ em, gia đình và quốc gia.

a. Hãy nêu 3 việc học sinh có thể làm để thể hiện thái độ hòa bình, mong muốn đoàn kết giữa các dân tộc.

b. Nếu em được đại diện cho HS Việt Nam tham dự trại hè thiếu nhi Quốc tế, em sẽ làm gì để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam?

Câu 3: (12 điểm)

a. Theo em, việc học tập sẽ mang lại lợi ích gì cho bản thân mỗi người?

b. Hiện nay có một số học sinh chưa nhận thức đúng đắn về lợi ích của việc học tập nên dẫn đến mục đích học tập sai lầm. Vậy theo em, thế nào là mục đích học tập đúng? Thế nào là mục đích học tập sai?

c. Tình huống:

Đào và Mai cùng trao đổi với nhau về mục đích học tập của bản thân. Đào bảo rằng: "Tớ phải cố gắng học tập để sau này có được việc làm nhàn nhã, không phải vất vả như cha mẹ tớ bây giờ". Em có tán thành với suy nghĩ của Đào không? Vì sao?

Câu 4: (12 điểm)

Có một nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: "Sau chiến tranh và thiên tai thì tai nạn giao thông là thảm họa thứ ba gây nên cái chết cho con người". Bằng sự hiểu biết của mình em hãy làm rõ:

a. Nguyên nhân phổ biến gây nên các vụ tai nạn giao thông hiện nay?

b. Đặc điểm và ý nghĩa của các loại biển báo giao thông?

c. Ý nghĩa của việc con người thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông?

Câu 5: (6 điểm)

Năm học 2015-2016 ngành GD&ĐT Quảng Trị thực hiện điểm "Nhấn" gì? Trách nhiệm của bản thân em trong việc thực hiện điểm "Nhấn" đó.

Đáp án đề thi HSG môn GDCD lớp 9

Câu 1: (12 điểm)

a. Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. (1 đ )

Hiện nay thế giới đang đứng trước những vấn đề cấp thiết, đe dọa sự sống còn của toàn nhân loại (bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường, khủng bố quốc tế, dịch bệnh hiểm nghèo...) để giải quyết những vấn đề đó cần phải có sự hợp tác quốc tế, không một quốc gia, dân tộc riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được. Do đó hợp tác quốc tế là một vấn đề quan trọng và tất yếu). (3 đ)

b. Học sinh nêu được:

  • Tăng cường hợp tác quốc tế. (0,5 đ )
  • Tuân theo nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bình đẳng cùng có lợi... (1,5 đ )
  • Giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng thương lượng, hòa bình. (0,75 đ)
  • Phản đối mọi âm mưu và hành động gây sức ép áp đặt, cường quyền (0,75 đ)
  • VD: Hợp tác với các tổ chức MAG, RENEW để rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. (0,5 đ)

c. Câu "Hoà nhập chứ không hoà tan" là quan điểm của chúng ta trong quá trình hội nhập quốc tế. Được hiểu như sau:

  • Trong xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng,chúng ta muốn phát triển phải có sự giao lưu với các dân tộc khác, với nên văn hoá khác. Trong quá trình giao lưu đó, dân tộc ta sẽ tiếp thu tinh hoa văn hoá và những thành tựu khoa học kĩ thuật tiên tiến của nhân loại đó là hoà nhập (2đ)
  • Tuy nhiên trong quá trình ấy chúng ta luôn biết kế thừa, gìn giữ phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc, không đánh mất bản sắc riêng của mình, không bị đồng hoá bởi các dân tộc khác (2đ)

Câu 2: (8 điểm)

Đây là đề mở giám khảo linh hoạt trong việc chấm bài làm của HS. Cần đánh giá năng lực cảm nhận và tổng hợp của HS.

a. HS trả lời đúng việc học sinh có thể làm như viết thư, gửi quà ủng hộ trẻ em và nhân dân các vùng có chiến tranh; Tham gia vẽ tranh để phê phán chiến tranh; Viết thư thăm hỏi các chú bộ đội đang bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của tổ quốc...(3 đ, trả lời đúng 1 việc làm 1đ)

b. HS có thể trả lời nhiều việc làm để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam như thuyết trình, giới thiệu hình ảnh hay hát các bài hát ca ngợi đất nước con người Việt Nam... nhưng phải trình bày được nội dung quảng bá sau:

  • Đất nước và con người Việt Nam có lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng....
  • Đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hóa thế giới: Vịnh Hạ Long, động Phong Nha...
  • Con người Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình, dũng cảm, đoàn kết, thông minh, cần cù, thân thiện, thông minh....

Điểm tối đa 5 đ, tùy vào bài viết và năng lực của HS để giám khảo cho điểm

Câu 3: (12 điểm)

a. Lợi ích của việc học tập (2đ)

Việc học tập đối với mọi người là vô cùng quan trọng. Có học tập, chúng ta mới có kiến thức, có hiểu biết, được phát triển toàn diện, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

b. Yêu cầu nêu được:

* Mục đích học tập đúng là: (3đ)

  • Học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, người công dân tốt có ích cho gia đình và xã hội. (1.5đ)
  • Trở thành con người chân chính có đủ khả năng lao động để tự lập nghiệp và góp phần xây dựng quê hương đất nước, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. (1.5đ)

* Mục đích học tập sai là: (3đ)

  • Chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt (như vì điểm số...) mà không nghĩ đến điều quan trọng hơn là học để nắm vững kiến thức. (1.5đ)
  • Chỉ nghĩ đến lợi ích, tương lai của bản thân (như để có nhiều tiền, sống sung sướng...). (1.5đ)

c. Tình huống: (4đ)

Em không tán thành với suy nghĩ của Đào. (1đ)

Vì:

  • Học tập để có việc làm nhàn nhã là một mục đích học tập sai, tầm thường, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân (1,5đ)
  • Học tập không chỉ vì tương lai của bản thân mà phải học tập vì tương lai của dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước. (1,5đ)

Câu 4: (12 điểm)

a. Nguyên nhân phổ biến gây nên các vụ tai nạn giao thông hiện nay: (4 đ)

  • Do ý thức của người tham gia gia thông chưa tốt.
  • Kém hiểu biết pháp luật về ATGT hoặc biết nhưng không tự giác chấp hành
  • Cơ sở hạ tầng giao thông không đảm bảo (đường xấu và hẹp)
  • Người tham gia giao thông đông, phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn

Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do ý thúc của người tham gia giao thông.

b. Đặc điểm và ý nghĩa của các loại biển báo giao thông: HS phải kể được đầy đủ các nội dung sau: (4 đ)

  • Biển báo cấm: Hình tròn, nền màu trắng có viền đỏ, hình vẽ màu đen thể hiện điều cấm.
  • Biển báo nguy hiểm: Hình tam giác đều, nền màu vàng có viền đỏ, hình vẽ màu đen thể hiện điều nguy hiểm, cần đề phòng.
  • Biển hiệu lệnh: Hình tròn, nền màu xanh lam, hình vẽ màu trắng nhằm báo điều phải thi hành.
  • Biển chỉ dẫn: Hình chữ nhật (vuông) nền xanh lam- Báo những định hướng cần thiết hoặc những điều có ích khác.
  • Biển báo phụ: Hình chữ nhật (vuông)- thuyết minh, bổ sung để hiểu rõ hơn các biển báo khác.
  • Vạch kẻ đường.
  • Hàng rào chắn, tường bảo vệ, cọc tiêu...

c. Ý nghĩa của việc con người thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông (4 đ)

  • Đảm bảo an toàn giao thông cho mình và cho mọi người.
  • Tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, gây hậu quả đau lòng cho mình và cho mọi người.
  • Đảm bảo cho giao thông được thông suốt, tránh ùn tắc, gây khó khăn trong giao thông
  • Hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội.

Câu 5 (6 điểm)

Điểm nhấn năm học: "Tăng cường văn hóa học đường và giáo dục kỷ năng sống cho HS". (2,0 điểm)

HS trình trách nhiệm của bản thân: (4,0 điểm); mỗi việc làm đúng (1 điểm)

  • Tiếp tục tìm hiểu và nắm vững các nội dung quy định đối với HS: 5 tiêu chí đối với văn hóa học đường và 20 tiêu chí GD kỷ năng sống cho HS.
  • Lên kế hoạch và thực hiện tốt các tiêu chí trên.
  • Có thái độ phê phán đối với các bạn HS có hành vi vi phạm văn hóa học đường, và không tích cực rèn kỷ năng sống.
  • Tích cực tham gia các hoạt động của Nhà trường, Liên độ nhằm rèn luyện kỷ năng sống cho bản thân.
Đánh giá bài viết
3 5.992
Sắp xếp theo

Lớp 9

Xem thêm