Đề thi HSG môn Sinh học lớp 8 huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2013 - 2014

Đề thi HSG môn Sinh học lớp 8

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 8 huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2013 - 2014 có đáp án là đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện lớp 8 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, giúp các bạn học sinh lớp 8 ôn tập và nâng cao kiến thức Sinh học, ôn tập kỳ thi học sinh giỏi các cấp hệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi chọn HSNK môn Vật lý lớp 8 huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2013 - 2014

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2012 - 2013

PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 8 THCS NĂM HỌC 2013 – 2014
MÔN: SINH HỌC
(Thời gian làm bài 150 phút không kể thời gian giao đề)
Đề thi có 01 trang

Câu 1 (2.0 điểm):

Chứng minh tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể người?

Câu 2 (2.75 điểm):

1. Em hãy vẽ sơ đồ truyền máu, nêu các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi truyền máu cho bệnh nhân?

2. Anh Nam và anh Ba cùng đi tiếp máu cho một bệnh nhân. Sau khi xét nghiệm thấy huyết tương của bệnh nhân làm ngưng kết hồng cầu của anh Ba mà không làm ngưng kết hồng cầu của anh Nam. Bệnh nhân có nhóm máu gì? Giải thích?

(Biết rằng anh Nam có nhóm máu A, anh Ba có nhóm máu B)

Câu 3 (3.0 điểm):

Giải thích những đặc điểm cấu tạo của tim phù hợp với chức năng mà nó đảm nhiệm?

Câu 4 (2.5 điểm):

1. Quá trình trao đổi khí ở phổi và tế bào diễn ra như thế nào?

2. Tại sao những dân tộc ở vùng núi và cao nguyên hàm lượng hêmôglôbin trong máu của họ thường cao hơn so với những người sống ở vùng đồng bằng?

Câu 5 (2.5 điểm):

1. Trình bày đặc điểm cấu tạo của ruột non phù hợp với chức năng hấp thụ chất dinh dưỡng?

2. Vì sao khi mắc các bệnh về gan thì làm giảm khả năng tiêu hóa?

Câu 6 (3.0 điểm):

1. Phản xạ là gì? Phân biệt tính chất phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện?

2. Hiện tượng cụp lá của cây trinh nữ khi ta động vào có phải là một phản xạ không? Hiện tượng đó có điểm gì giống và khác hiện tượng "khi chạm tay vào lửa ta rụt tay lại"?

Câu 7 (1.25 điểm):

Trình bày chức năng tuyến tụy? Tại sao nói tuyến tụy là tuyến pha?

Câu 8 (3.0 điểm):

Cho biết tâm thất trái mỗi lần co bóp đẩy đi 70 ml máu và trong 1 ngày đêm đã đẩy đi được 7560 lít máu. Thời gian pha dãn chung bằng ½ chu kì tim, thời gian pha co tâm nhĩ bằng 1/3 pha co tâm thất. Hỏi:

a. Số lần mạch đập trong một phút?
b. Thời gian hoạt động của 1 chu kì tim?
c. Thời gian của mỗi pha: co tâm nhĩ, co tâm thất, dãn chung?

Đáp án đề thi HSG môn Sinh học lớp 8

Câu 1:

Chứng minh tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể người

Mọi cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể người dù có hình dạng , kích thước, chức năng khác nhau nhưng đều được cấu tạo bởi tế bào: (0,5đ)

  • Hệ cơ được cấu tạo bởi các tế bào cơ
  • Hệ xương được cấu tạo bởi các tế bào xương

Các tế bào này rất khác nhau về hình dạng, kích thước nhưng đều có cấu tạo thống nhất. Mỗi tế bào hồm 3 thành phần: màng tế bào, chất tế bào, nhân. (0,5đ)

Thành phần hoá học của mọi tế bào về cơ bản cũng không khác nhau gồm: (0,5đ)

  • Các hợp chất hữu cơ: P, L, G, các axít Nuclêic....
  • Các chất vô cơ: N, C, O, P, Fe, Cu... và các hợp chất vô cơ như nước, muối khoáng...

Các tế bào và các chất gian bào cùng thực hiện một chức năng gọi là mô, nhiều mô hợp thành cơ quan, các cơ quan hợp thành hệ cơ quan, các hệ cơ quan họp thành cơ thể. (0,5đ)

Câu 2:

1. Vẽ sơ đồ truyền máu

Đáp án môn Sinh học lớp 8

Các biện pháp đảm bảo an toàn khi truyền máu

  • Phải đảm bảo nguyên tắc truyền máu xem hồng cầu người cho có bị huyết tương người nhận gây ngưng kết hay không (0,5đ)
  • Phải xét nghiệm máu của người nhận và người cho trước khi truyền máu để xác định nhóm máu rồi từ đó lựa chọn nhóm máu thích hợp tránh hiện tượng ngưng máu gây tử vong (0,5đ)
  • Phải xét nghiệm máu để kiểm tra máu người cho xem có nhiễm HIV/AIDS hoặc có chứa các mầm bệnh nguy hiểm không (0,5đ)

2. Huyết tương của bệnh nhân làm ngưng kết hồng cầu của anh Ba (nhóm máu B)→ Huyết tương bệnh nhân có kháng thể ß (1) (0,25đ)

Huyết tương của bệnh nhân không làm ngưng kết hồng cầu của anh Nam (nhóm máu A)→ Huyết tương bệnh nhân không có kháng thể α (2) (0,25đ)

Từ (1) và (2)=> Bệnh nhân có nhóm máu A (0,25đ)

Câu 3: Giải thích những đặc điểm cấu tạo của tim phù hợp với chức năng mà nó đảm nhiệm?

Chức năng của tim là co bóp đẩy máu tuần hoàn trong mạch đảm nhiệm việc vận chuyển ôxi, cácbonic và vận chuyển các chất đáp ứng cho hoạt động trao đổi chất của tế bào và của cơ thể (0,5đ)

Tim hoạt động liên tục, không theo ý muốn con người. Để thực hiện được chức năng trên, cấu tạo của tim có những đặc điểm sau:

  • Cơ cấu tạo tim: là loại cơ dày, chắc chắn tạo ra lực co bóp mạnh đáp ứng với việc đẩy máu từ tim tới động mạch. Bên cạnh đó lực giãn cơ tim lớn tạo sức hút để đưa máu từ các tĩnh mạch về tim. (0,5đ)
  • Bao xung quanh tim là một màng liên kết mỏng: Mặt trong của màng liên kết có một chất dịch nhày giúp tim khi co bóp tránh được sự ma sát giữa các bộ phận khác gần đó (0,5đ)
  • Tim có yếu tố thần kinh tự động: Ngoài việc chịu sự chi phối của thần kinh trung ương như các bộ phận khác trong cơ thể; trên thành của cơ tim còn yếu tố thần kinh tự động là các hạch thần kinh. Nhờ yếu tố này giúp cho tim có thể co bóp liên tục, kể cả khi cơ thể ngủ. (0,5đ)
  • Độ dày của các cơ xoang tim: ở các phần xoang tim khác nhau, độ dày của cơ không đều nhau thích ứng với sức chứa và nhiệm vụ đẩy máu của mỗi phần xoang. Thành cơ tâm thất dày hơn thành cơ tâm nhĩ để đảm bảo cho lực co bóp lớn đưa máu vào động mạnh. Thành cơ tâm thất trái dày hơn thành cơ tâm thất phải giúp nó tống máu và gây lưu thông máu trong vòng tuần hoàn lớn. (0,5đ)
  • Các van trong tim: trong tim có hai loại van: van ngăn giữa tâm nhĩ và tâm thất ở mỗi bên và van ngăn giữa xoang tim với các mạch máu lớn xuất phát từ tim (0,5đ)
    • Van nhĩ - thất: ngăn giữa tâm nhĩ và tâm thất theo chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Các van này có dây chằng nối chúng vào cơ tâm thất. Cấu tạo như vậy giúp máu trong tim lưu thông một chiều từ tâm thất xuống tâm nhĩ
    • Van bán nguyệt: ngăn chỗ lỗ vào động mạnh với tâm thất. Cấu tạo của loại van này giúp máu chỉ lưu thông một chiều từ tâm thất vào động mạch chủ và động mạnh phổi.

Câu 4:

1. Quá trình trao đổi khí ở phổi và tế bào diễn ra theo cơ chế khuếch tán khí từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp

Trao đổi khí ở phổi:

  • Nồng độ khí oxi trong phổi cao hơn trong mao mạch phổi nên oxi khuếch tán từ phổi vào mao mạch phổi (0,5đ)
  • Nồng độ khí cacbonic trong mao mạch phổi cao hơn trong phổi nên cacbonic khuếch tán từ mao mạch phổi vào phổi (0,5đ)

Trao đổi khí ở tế bào:

  • Nồng độ khí oxi trong mao mạch máu cao hơn trong tế bào nên oxi khuếch tán từ mao mạch máu vào tế bào (0,5đ)
  • Nồng độ khí cacbonic trong tế bào cao hơn trong mao mạch máu nên cacbonic khuếch tán từ tế bào vào mao mạch máu (0,5đ)

2. Hàm lượng Hb trong máu người vùng núi và cao nguyên cao hơn người sống ở đồng bằng vì càng lên cao không khí càng loãng, nồng độ ô xi trong không khí thấp, nên để có đủ ôxi cho cơ thể thì hồng cầu phải tăng dẫn đến hàm lượng Hb phải tăng. (0,5đ)

Câu 5:

1. Đặc điểm cấu tạo ruột non phù hợp chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng:

  • Lớp niêm mạc ruột non có các nếp gấp với các lông ruột và lông cực nhỏ làm cho diện tích bề mặt bên trong của nó tăng gấp khoảng 600 lần so với diện tích mặt ngoài. (0,5đ)
  • Ruột non rất dài (2.8 – 3m ở người trưởng thành), là phần dài nhất của ống tiêu hóa. (0,5đ)
  • Ruột non có mạng lưới mao mạch máu và mao mạch bạch huyết dày đặc, phân bố tới từng lông ruột. (0,5đ)

2. Khi mắc các bệnh về gan thì làm giảm khả năng tiêu hóa vì:

  • Dịch mật do gan tiết ra tạo môi trường kiềm giúp đóng mở cơ vòng môn vị điều khiển thức ăn từ dạ dày xuống ruột và tạo môi trường kiềm cho enzim tiêu hoá hoạt động. Góp phần tiêu hoá và hấp thụ mỡ. (0,5đ)
  • Khi bị bệnh về gan làm giảm khả năng tiết mật, dẫn đến giảm khả năng tiêu hoá. (0,5đ)

Câu 6:

1. Phản xạ là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích từ môi trường trong và ngoài cơ thể thông qua hệ thần kinh.

Phân biệt tính chất PXKĐK và PXCĐK:

Tính chất PXKĐK Tính chất PXCĐK Điểm
Trả lời các kích thích tương ứng hay kích thích không điều kiện Trả lời các kích thích bất kì hay kích thích có điều kiện(đã được kết hợp với kích thích không điều kiện một số lần 0,25
Bẩm sinh Hình thành trong đời sống cá thể 0,25
Bền vững, tồn tại suốt đời Dễ mất khi không củng cố 0,25
Có tính chất di truyền, mang tính chất chủng loại Không di truyền, mang tính cá thể 0,25
Số lượng hạn định Số lượng không hạn định 0,25
Cung phản xạ đơn giản Hình thành đường liên hệ tạm thời 0,25
Trung ương nằm ở trụ não và tủy sống Trung ương nằm ở vỏ đại não 0,25

2. Hiện tượng cụp lá ở cây trinh nữ là hiện tượng cảm ứng ở thực vật, không được coi là phản xạ, bởi vì phản xạ có sự tham gia của tổ chức thần kinh và được thực hiện nhờ cung phản xạ. (0,25đ)

Điểm giống nhau: đều là hiện tượng nhằm trả lời kích thích môi trường... (0,25đ)

Điểm khác nhau: hiện tượng cụp lá không có sự tham gia của tổ chức thần kinh; hiện tượng rụt tay có sự tham gia của tổ chức thần kinh. (0,25đ)

Câu 7: Trình bày chức năng của tuyến tụy? Tại sao nói tuyết tụy là một tuyến pha?

Chức năng tuyến tụy:

  • Chức năng ngoại tiết: Các sản phẩm tiết theo ống dẫn đổ vào tá tràng, giúp cho sự biến đổi thức ăn trong ruột non (0,5đ)
  • Chức năng nội tiết: Tiết hoocmon giúp điều hòa lượng đường trong máu. (0,5đ)

Tuyết tụy là một tuyến pha vì tuyến tụy vừa thực hiện chức năng ngoại tiết, vừa thực hiện chức năng nội tiết (0,25đ)

Câu 8:

a. Trong một phút đã co và đẩy được lượng máu là:

7560 : (24.60) = 5,25 (lít)

Số lần tâm thất trái co trong một phút là:

(5,25 . 1000) : 70 = 75 (lần) (0,5đ)

Vậy số lần mạch đập trong 1phút là: 75 lần

b. Thời gian hoạt động của một chu kì tim là: 60: 75 = 0,8 (giây) (0,5đ)

c. Thời gian của các pha:

Thời gian của pha giãn chung: 0,8 : 2 = 0,4 (giây) (0,5đ)

Gọi thời gian pha nhĩ co là x giây -> Thời gian pha thất co là 3x.

Ta có: x + 3x = 0,8 – 0,4 = 0,4 => x = 0,1 (giây) (0,5đ)

Vậy thời gian tâm nhĩ co: 0,1 giây

Thời gian tâm thất co: 0,1. 3 = 0,3 giây (0,5đ)

Đánh giá bài viết
2 6.645
Sắp xếp theo

Sinh học lớp 8

Xem thêm