Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Cẩm Vũ, Hải Dương năm học 2016 - 2017

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Cẩm Vũ, Hải Dương năm học 2016 - 2017 được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn. Đề thi bao gồm đề kiểm tra đầu năm môn Văn, có đáp án đi kèm, là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các em học sinh từ lớp 7 lên lớp 8, giúp các em ôn tập và hệ thống lại kiến thức môn Văn hiệu quả.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Cẩm Vũ, Hải Dương năm học 2017 - 2018

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Tân Hợp, Yên Bái năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD&ĐT CẨM GIÀNG

TRƯỜNG THCS CẨM VŨ

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM

NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: Ngữ Văn 8

Thời gian làm bài: 90 phút

Đề thi gồm: 01 trang

Câu 1 (2.0 điểm):

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.”

a. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.” Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng như thế nào?

Câu 2 (3.0 điểm):

a. Hãy cho biết sự giống nhau và khác nhau giữa câu đặc biệt và câu rút gọn?

b. Tìm cụm chủ - vị làm thành phần câu trong câu sau và cho biết cụm chủ - vị ấy làm thành phần gì?

- Trung đội trưởng Tuấn khuôn mặt đầy đặn.

c. Xác định câu đặc biệt trong câu sau và cho biết tác dụng?

Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời.

Câu 3 (5.0 điểm):

Em hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”?

_________________Hết________________

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8 môn Văn

Câu 1 (2.0 điểm):

a. (1 điểm)

  • Mức tối đa: (1 điểm)
    • Đoạn văn được trích trong văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta. (0,5 đ)
    • Tác giả: Hồ Chí Minh. (0,5 đ)
  • Mức ch­ưa tối đa: (0,25 -> 0,75) Chưa đáp ứng đủ các yêu cầu nêu trên. (GV căn cứ vào mức độ hoàn thành của HS để cho điểm phù hợp).
  • Mức ch­ưa đạt (0 điểm): Làm sai, không làm.

b. (1 điểm)

  • Mức tối đa: (1 điểm)
    • Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.” Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng biểu hiện cho tinh thần yêu nước trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập của dân tộc ở các thế hệ khác nhau.
  • Mức ch­ưa tối đa: (0,25 -> 0,75) Chưa đáp ứng đủ các yêu cầu nêu trên. (GV căn cứ vào mức độ hoàn thành của HS để cho điểm phù hợp).
  • Mức ch­ưa đạt (0 điểm): Làm sai, không làm.

Câu 2 (3.0 điểm):

a. (1 điểm)

  • Mức tối đa: (1 điểm) So sánh câu đặc biệt và câu rút gọn.
    • Giống nhau: Cả hai kiểu câu này không tuân thủ cấu tạo theo mô hình C- V.
    • Khác nhau:
      • Câu đặc biệt không xác định được thành phần câu.
      • Câu rút gọn có thể xác định được chủ ngữ hoặc vị ngữ, thành phần còn lại đã được rút gọn.
  • Mức ch­ưa tối đa: (0,25 -> 0,75) Chưa đáp ứng đủ các yêu cầu nêu trên. (GV căn cứ vào mức độ hoàn thành của HS để cho điểm phù hợp).
  • Mức ch­ưa đạt (0 điểm): Làm sai, không làm.

b. (1 điểm)

  • Mức tối đa: (1 điểm) Học sinh nêu được các ý sau:
    • C-V làm thành phần câu: khuôn mặt đầy đặn. (0,5 đ)
    • Cụm C-V làm thành phần vị ngữ. (0,5 đ)
  • Mức chưa tối đa (0,25 -> 0,75): Chỉ đảm bảo được một số yêu cầu. (GV căn cứ vào bài làm của HS để cho điểm từ 0,25 đến 0,75)
  • Mức không đạt (0 điểm): Không làm bài hoặc làm sai.

c. (1 điểm)

  • Mức tối đa: (1 điểm)
    • Xác định đúng câu đặc biệt và nói được tác dụng của câu đặc biệt:
    • Than ôi! -> Bộc lộ cảm xúc.
  • Mức ch­ưa tối đa: (0,25->0,75) Chưa đáp ứng đủ các yêu cầu nêu trên. (GV căn cứ vào mức độ hoàn thành của HS để cho điểm phù hợp).
  • Mức ch­ưa đạt (0 điểm): Làm sai, không làm.

Câu 3 (5.0 điểm):

1. Tiêu chí về nội dung (4,0 điểm)

a. Mở bài (0,5 điểm) Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần giải thích:

  • Lòng biết ơn là truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta.
  • Từ xưa, ông cha ta thường nhắc nhở về đạo lí đó qua nhiều câu tục ngữ, một trong số đó là câu: “Uống nước nhớ nguồn.”
    • Mức tối đa (0,5 điểm): HS biết dẫn dắt, nêu vấn đề hay, ấn tượng, sáng tạo.
    • Mức chưa tối đa (0,25 điểm): HS giới thiệu còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả, lủng củng.
    • Mức không đạt (0 điểm): Lạc đề hoặc mở bài chưa đạt yêu cầu, sai cơ bản về kiến thức

b. Thân bài (3,0 điểm):

  • Giải thích câu tục ngữ:
    • Nguồn: Là nơi khởi đầu, xuất phát của dòng nước. Hiểu rộng hơn là yếu tố tạo ra thành quả mà con người hưởng thụ...
    • Uống nước: Là được thừa hưởng hoặc được sử dụng thành quả của các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên.

=> Ý nghĩa của câu tục ngữ: Là lời khuyên, lời nhắc nhở của ông cha ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả, công lao của người đi trước.

  • Lập luận tại sao “Uống nước”, phải “nhớ nguồn”:
    • Trong thiên nhiên và xã hội không có sự vật nào không có nguồn gốc. Trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không do công sức lao động tạo nên. Vì thế nhớ nguồn thể hiện tấm lòng trân trọng, biết ơn và sự đền đáp xứng đáng chính là bổn phận tất yếu và là đạo lí của con người.
    • Lòng biết ơn là nền tảng vững chắc giúp cho chúng ta gắn bó với người đi trước, với tập thể, tạo nên một xã hội thân ái, đoàn kết. Thiếu tình cảm và lòng biết ơn con người sẽ trở nên ích kỉ, dễ bị thái hóa biến chất thành kẻ sâu mọt của xã hội…
  • Biểu hiện của nhớ nguồn là phải làm gì?
    • Chúng ta phải biết tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng và nền văn hóa rạng rỡ của dân tộc. Bằng khả năng của mình, phải bảo vệ và phát huy những truyền thống quý báu ấy, tích cực học tập và lao động góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
    • Có ý thức giữ gìn bản sắc, tinh hoa văn hoá của dân tộc. Mọi thái độ tự ti dân tộc đều là biểu hiện của sự vong ân, bội nghĩa, quên cội nguồn…
    • Biết sử dụng thành quả lao động một cách tiết kiệm, không lãng phí...
    • Nhớ nguồn nhưng không loại trừ việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nước ngoài để làm cho truyền thống văn hoá của chúng ta ngày càng phong phú, rạng rỡ hơn...
    • Uống nước nhớ nguồn còn được thể hiện vừa là người ăn quả nhưng đồng thời cũng là người trồng cây cho đời sau...
  • Mức tối đa (3,0 điểm): Đáp ứng các yêu cầu trên, cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Viết câu lưu loát, có những câu văn hay; không mắc lỗi về chính tả, từ, câu.
  • Mức chưa tối đa (Từ 0,25 -> 2,75 điểm): HS chưa đáp ứng những yêu cầu nêu trên. (GV căn cứ bài làm cụ thể của học sinh để cho điểm phù hợp.)
  • Mức không đạt (0 điểm): Lạc đề, sai cơ bản về kiến thức.

3. Kết bài (0,5 điểm)

  • Khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần giải thích:
    • Khẳng định giá trị của câu tục ngữ, nhất là trong tình hình đạo đức ngày nay...
    • Suy nghĩ và bài học cho bản thân...
  • Mức tối đa (0,5 điểm): Đáp ứng các yêu cầu trên.
  • Mức chưa tối đa (0,25 điểm): HS chưa đáp ứng những yêu cầu nêu trên. (GV căn cứ bài làm cụ thể của học sinh để cho điểm phù hợp.)
  • Mức không đạt (0 điểm): Không có kết bài.

2. Các tiêu chí khác (1,0 điểm)

1. Hình thức: (0,5 điểm)

  • Mức tối đa (0,5 điểm): Xác định đúng kiểu bài nghị luận giải thích. HS viết được một bài văn đủ 3 phần, luận điểm rõ ràng, lí lẽ thuyết phục, lập luận chặt chẽ. Dùng từ, đặt câu chuẩn mực, chữ viết cẩn thận, không sai chính tả, trình bày sạch.
  • Mức chưa tối đa (0,25 điểm): Còn mắc lỗi trong khi trình bày. Lập luận thiếu chặt chẽ.
  • Không đạt (0 điểm): HS chưa hoàn thiện bố cục bài viết; hoặc các ý trong thân bài chưa được tách hợp lí, thiếu nhiều ý, chữ xấu, mắc nhiều lỗi chính tả hoặc không làm.

2. Sáng tạo: (0,25 điểm)

  • Mức tối đa (0,25 điểm): Bài viết thể sự tìm tòi, tự học hỏi, sáng tạo của bản thân.
  • Không đạt: HS không có tính sáng tạo, thiếu hiểu biết.

3. Lập luận: (0,25 điểm)

  • Mức tối đa (0,25 điểm): HS biết cách lập luận chặt chẽ, phát triển ý tưởng đầy đủ theo một trật tự lô gic giữa các phần: MB, TB, KB; thực hiện khá tốt việc liên kết câu, liên kết đoạn. Sử dụng một vài phương pháp lập luận phù hợp. Luận điểm rõ ràng, luận cứ hợp lí, lập luận chặt chẽ.
  • Không đạt: HS không biết cách tạo sự liên kết hầu hết các phần trong bài viết rời rạc, không biết cách phát triển ý ở thân bài, các ý trùng lặp, sắp xếp lộn xộn, thiếu định hướng hoặc không làm bài.

* Tuỳ thuộc vào bài làm cụ thể của HS mà GV cho điểm phù hợp.

Đánh giá bài viết
1 724
Sắp xếp theo

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 8

Xem thêm