Đề thi thử Quốc gia lần 2 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Tĩnh Gia 1, Thanh Hóa

Đề thi thử Quốc gia lần 2 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Tĩnh Gia 1, Thanh Hóa là đề thi thử môn văn có chất lượng dành cho các bạn học sinh khối 12. Tài liệu này bao gồm đề thi và đáp án thi thử quốc gia 2015 của trường Tĩnh Gia 2, Thanh Hóa, hi vọng giúp các bạn ôn thi THPT Quốc gia, ôn thi đại học có hiệu quả.

Đề thi thử Quốc gia lần 2 năm 2015 môn Địa lý trường THPT Tĩnh Gia 1, Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

SỞ GD & ĐT THANH HOÁ
TRƯỜNG THPT TĨNH GIA 1

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ÔN THI QUỐC GIA
LẦN 2, NĂM HỌC 2014-2015
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
Đề gồm 01 trang

Câu 1: (2.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi.

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

(Trích Vội vàng – SGK Ngữ văn 11 Chương trình chuẩn, tập 2, trang 23)

  1. Chủ đề của đoạn thơ trên là gì?
  2. Nhịp điệu được nhà thơ sử dụng có vai trò như thế nào trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của đoạn đoạn thơ?
  3. Nhận xét về đặc điểm ngôn từ trong đoạn thơ trên?

Câu 2: (3.0 điểm)

Trên trang Web tuoitre.vn ngày 25/02/2015 có đưa thông tin: Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 22/02/2015 (27 tháng chạp đến mùng 4 tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015) cả nước có trên 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong…

Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về thông tin trên?

Câu 3: (5.0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp và sức mạnh kỳ diệu của tình người trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

SỞ GD & ĐT THANH HOÁ
TRƯỜNG THPT TĨNH GIA 1

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ÔN THI QUỐC GIA
LẦN 2, NĂM HỌC 2014-2015
MÔN NGỮ VĂN
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

A. Hướng dẫn chung

  1. Giám khảo cần đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  2. Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,50 (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,50; lẻ 0,75 làm tròn thành 1,00 điểm).
  3. Chỉ cho điểm tối đa cho các câu (hoặc toàn bài) nếu bài làm được trình bày khoa học, cẩn thận; diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; có kỹ năng đọc hiểu và viết bài văn nghị luận.

B. Hướng dẫn chấm cụ thể

Câu 1: (2.0 điểm)

  1. Chủ đề của đoạn thơ: Lời giục giã cuống quýt, vội vàng để tận hưởng những giây phút tuổi xuân của con người giữa mùa xuân của cuộc đời, của vũ trụ. (0,5 điểm)
  2. Vai trò của nhịp điệu trong đoạn thơ: Nhịp điệu thơ dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt đã thể hiện sinh động lòng yêu đời, yêu sống mãnh liệt của nhà thơ. (0,5 điểm)
  3. Đặc điểm ngôn từ trong đoạn thơ: ngôn từ gần với lời nói thường nhưng được nâng lên thành nghệ thuật. Cách dùng từ của Xuân Diệu rất táo bạo. Biện pháp điệp cùng với dòng cảm xúc mãnh liệt đã tạo nên những làn sóng ngôn từ vừa đan xen, vừa cộng hưởng theo chiều tăng tiến. Tác giả dùng nhiều động từ mạnh, tăng tiến chỉ sự đắm say; nhiều danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân, tươi trẻ; nhiều tính từ chỉ xuân sắc, nhiều điệp từ, điệp cú. (1,0 điểm)

Câu 2: (3.0 điểm)

  1. Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực lan rộng trên toàn thế giới: xung đột sắc tộc, tôn giáo, bạo lực gia đình, học đường … đang là mối lo ngại của mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Nhiều người sẽ giật mình với thông tin trên trang Web tuoitre.vn ngày 25/02/2015 (và nhiều kênh thông tin khác): Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 22-2-2015 (27 tháng chạp đến mùng 4 tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015) cả nước có trên 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong… (0,5 điểm)
  2. Tết Nguyên Đán là dịp mỗi người dân Việt Nam đoàn tụ, vui vẻ, chúc phúc cho nhau, thế nhưng nhiều người phải nhập viện, thậm chí có người tử vong do hành vi bạo lực của người khác. Đây là hiện tượng xấu, thiếu tính nhân văn, thiếu văn hoá, cần phải lên án. (0,5 điểm)
  3. Đây là hiện tượng có nguy cơ lan rộng trên toàn xã hội, trong thời gian qua nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi bạo lực (gia đình, học đường…) đã gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, làm xấu đi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam … (1,0 điểm)
  4. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là lối hành xử mang tính bạo lực, thiếu tính nhân văn của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam, trong đó có không ít đối tượng đang là học sinh, trong độ tuổi vị thành niên. (0,5 điểm)
  5. Mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội cần phê phán và có hành động thiết thực để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trên từ đó hướng tới cuộc sống nhân ái, tốt đẹp hơn. (0,5 điểm)

Câu 3: (5.0 điểm)

1. Kim Lân (1920-2007) là cây bút viết truyện ngắn vững vàng, xuất sắc hàng đầu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Truyện của Kim Lân thường hướng về đề tài nông thôn, tái hiện vẻ đẹp tâm hồn của những người dân quê cực nhọc, khốn khổ với lòng trân trọng và yêu thương chân thành.

Truyện Vợ nhặt được in trong tập Con chó xấu xí (1962), tiền thân của truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm 1945. Truyện để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc bởi vẻ đẹp và sức mạnh kỳ diệu của tình người trong tâm hồn người dân lao động dù họ ở ranh giới sự sống và cái chết.

2. Nhà văn đã sáng tạo được tình huống truyện rất đặc sắc. Tràng, anh chàng nghèo khổ, xấu trai, là dân ngụ cư bỗng dưng “nhặt” được vợ giữa những ngày đói kém.

Trong cảnh "xác người chết đói ngập đầy", "người lớn xanh xám như những bóng ma", "không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi gây của xác người", "tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết", người ta dễ cấu xé nhau, dễ ích kỷ và có thể đối xử tàn nhẫn với nhau. Nhưng nhà văn Kim Lân qua các nhân vật anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ lại khám phá ra điều ngược lại - Càng cận kề cái chết họ càng yêu thương nhau hơn.

3. Người đọc có thể ngán ngẩm trước ngoại hình, gia cảnh và xuất thân của Tràng nhưng không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của nhân vật này - "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào", vậy mà Tràng vẫn “đèo bòng” thêm một cô vợ “đói rách” trong khi anh không biết cuộc đời phía trước mình ra sao. Đó là hành động của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ bằng đạo lí tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.

4. Bà cụ Tứ là hiện thân rõ rệt nhất về chiều sâu nhân văn của tác phẩm. Đói khổ đang vây lấy gia đình bà, cái chết vì đói có thể đến với bà nhưng bà sẵn sàng dang tay đón nhận đứa con dâu khốn khổ. Sau khi thấu hiểu mọi điều, bà nhìn cô con dâu đang "vân về tà áo đã rách bợt" mà "lòng đầy thương xót".

Chi tiết nồi cháo cám khiến người đọc thấm thía tình cảnh con người giữa nạn đói và càng thấm thía hơn tình yêu thương con thật tội nghiệp nhưng rất đáng kính trọng của người mẹ khốn khổ này.

5. Tình yêu thương đã xua tan đi không khí u ám chết chóc đang vây bủa những kiếp người đói khổ, đem lại cho các nhân vật thêm nhiều nghị lực, niềm tin cuộc sống và hi vọng về tương lai.

Tình yêu thương đã khiến người vợ nhặt từ chao chát, chỏng lỏn thành người vợ, người con dâu ý tứ, hiền hậu đúng mực. Chính người đàn bà khốn khổ này đã mang luồng sinh khí mới cho gia đình Tràng, cho những kiếp người đói khổ xóm ngụ cư này.

Từ khi đón nhận người vợ nhặt, có lúc Tràng quên hết mọi đói khổ, ê chề trước mắt, chỉ cảm thấy tình nghĩa giữa mình với người đàn bà đi bên. Hạnh phúc gia đình đã khiến Tràng thấy yêu thương, gắn bó với ngôi nhà của mình một cách lạ lùng, Tràng thấy mình nên người và có trách nhiệm với gia đình hơn bao giờ hết.

Niềm hạnh phúc của các con khiến bà cụ Tứ - người “gần đất xa trời” quên đi thực tại khắc ngiệt và nghĩ về tương lai với niềm tin mãnh liệt nhất…

6. Với tình huống truyện độc đáo, tài năng miêu tả tâm lí nhân vật, nhà văn Kim Lân qua thiên truyện đã ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh kỳ diệu của tình người trong tâm hồn những thân phận nghèo đói, cận kề với cái chết. Ba nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ đã để lại niềm xúc động và niềm tin mãnh liệt ở người đọc về mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Đây cũng chính là tinh thần nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của nhà văn Kim Lân.

Đánh giá bài viết
1 2.495
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm