Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị lần 2

Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị lần 2 vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Đề thi được biên soạn giống với đề thi THPT Quốc gia các năm trước. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị lần 2 để bạn đọc cùng tham khảo. Đề thi gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, đề có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.

Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị lần 2

SỞ GD&ĐT QUẢNG TRỊ

TRƯỜNG THPT THỊ XÃ QUẢNG TRỊ

THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2020

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU ( 3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng. Những người thành công là những người dám vượt lên các yêu cầu công việc. Bạn sẽ tìm ra con đường để đi hoặc sẽ tạo ra con đường mới mẻ. Ai sẽ dám đi trên hoang vu chưa có dấu chân người…

Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi và nước mắt. Nếu chỉ chăm chăm vào tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao.

“Mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Bạn đã dành thời gian cho những việc gì? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc, và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không ? Và có bao sự kiện đi qua đã làm bạn chùng lòng xuống, nguyện sống tốt hơn, nguyện chia sẻ nhiều hơn; và có bao nhiêu sự kiện xảy ra, khiến bạn hổ thẹn vì sức vóc trai tráng mà mà chẳng làm thêm một việc có ích cho đời?

(Theo Hải Bình, Thông điệp bất ngờ của thầy Hiệu trưởng trong ngày thành lập Đoàn, www.giaoducthoidai.vn )

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2. Theo tác giả, điều gì khiến đời người trở nên vô nghĩa?

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: “Nếu chỉ chăm chăm vào tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao.”?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi và nước mắt ” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.

(Ngữ văn 12, Tập emột, NXB Giáo dục, 2009, tr. 121)

-HẾT-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị lần 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2. Điều khiến đời người trở nên vô nghĩa: để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng.

Câu 3. Nếu chỉ dựa vào tài năng vốn có mà không chăm chỉ rèn luyện, không nỗ lực cố gắng thì sẽ không có được thành công lớn.

Câu 4. Nêu rõ đồng tình hoặc không đồng tình

Lí giải hợp lí và thuyết phục. Gợi ý:

- Đồng tình: Tài năng chỉ là điều kiện cần, còn sự quyết định thành công của mỗi người là công sức, sự nỗ lực bền bỉ, sự kiên nhẫn, sự chịu đựng và ý chí vượt qua khó khăn…

- Không đồng tình: Tài năng thiên bẩm là yếu tố quyết định thành công của mỗi người, còn những yếu tố khác chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ để con người đạt được thành công…

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Những điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích:

+ Tuổi trẻ là giai đoạn thanh xuân, là quãng đời đẹp đẽ, có ý nghĩa nhất của đời người….

- Tuổi trẻ cần làm gì để sống có ý nghĩa?

+ Tích cực học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng.

+ Trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách.

+ Sống có ước mơ, lí tưởng, dám nghĩ, dám làm.

+ Tích cực tham gia hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện…

+ Dành thời gian quan tâm đến gia đình, đến những người thân yêu...

- Phê phán những người sống uổng phí tuổi trẻ và rút ra bài học cho bản thân.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

Câu 2. Cảm nhận đoạn thơ trong bài Đất Nước

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Cảm nhận được nội dung (Khẳng định đất nước của nhân dân vì chính nhân dân đã làm ra đất nước) và nghệ thuật của đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cảm nhận được nội dung (Khẳng định đất nước của nhân dân vì chính nhân dân đã làm ra đất nước) và nghệ thuật của đoạn thơ. Có thể theo hướng sau:

Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, dẫn dắt vấn đề nghị luận

- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước; thơ ông giàu chất trí tuệ, suy tư sâu lắng, cảm xúc nồng nàn.

- Đất Nước thuộc phần đầu chương V trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, được sáng tác năm 1971 ở chiến khu Trị - Thiên.

- Dẫn dắt đoạn trích

* Cảm nhận đoạn thơ

- Nhân dân là những con người vô danh, thầm lặng. Cuộc đời của họ rất giản dị nhưng có những đóng góp lớn lao đối với đất nước. (Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước)

- Nhân dân là những người đã sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền những giá trị vật chất, văn hóa tinh thần cho đời sau . Đó là nền nông nghiệp lúa nước, là cách giữ lữa độc đáo, là tiếng nói thiêng liêng của dân tộc. (Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng; chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi; truyền giọng điệu mình cho con tập nói).

- Nhân dân là những người đã thầm lặng xây dựng, mở mang, khai phá, kiến tạo nên đất nước qua những chuyến khai sông lấn biển đầy gian khó. Nhân dân là người đã vất vả lao động, hi sinh, tạo ra thành quả cho con cháu muôn đời kế tục. (Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân/ Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái)

- Nhân dân là những người không tiếc máu xương, sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước trước những biến động lịch sử và hiểm họa xâm lăng. Nhân dân đã viết nên những trang sử hào hùng, tạo nên truyền thống quật cường của dân tộc. (Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại).

- Khẳng định chủ nhân đích thực của đất nước là nhân dân, đất nước do nhân dân xây dựng và gìn giữ, kiến tạo và bảo vệ nên đất nước này tất yếu thuộc về nhân dân. Khẳng định mới quan hệ giữa ca dao, thần thoại với nhân dân, là sản phẩm trực tiếp lưu giữ và tôn vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của nhân dân. (Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân/ Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại)

- Nghệ thuật

+ Thể thơ tự do; ngôn từ, hình ảnh vừa gần gũi quen thuộc vừa mang tính khái quát; các biện pháp tu từ được sử dụng một cách linh hoạt.

+ Cảm xúc thơ chân thành, tha thiết; giọng điệu tâm tình, có sự hòa quyện giữa chất trữ tình và chính luận.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị lần 2. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, Ngữ văn 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 6.791
Sắp xếp theo

    Đề đọc hiểu môn Ngữ Văn

    Xem thêm