Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn (Đề số 1) do VnDoc ra đề, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học luyện thêm đề thi thử môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn có đáp án

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Ngữ Văn do Đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản gồm 4 câu hỏi được chọn lọc bám sát chương trình học, theo đúng 4 cấp độ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn đại học năm nay.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn (Đề số 1)

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc bài thơ sau của nhà thơ Thanh Thảo:

“bông súng mọc lên từ nước
bão Haiyan mọc lên từ biển
bão Haiyan cho tôi kinh hoàng
bông súng tím cho tôi bình yên
rồi có thể người ta quên
mà nhớ
trong siêu bão một bông súng nở
bông súng ấy màu tím
bão Haiyan màu gì?”

(Bông súng và siêu bão, Báo Thanh niên chủ nhật, 17/11/2013)

Câu 1 (0,5đ). Chủ đề bài thơ là gì?

Câu 2 (0,5đ). Hai câu thơ rồi có thể người ta quên/ mà nhớ gợi lên điều gì?

Câu 3 (0,5đ). Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 4 (0,75đ). Tại sao những chữ đầu của các câu thơ đều không viết hoa? Anh (chị) đã gặp hiện tượng này trong những bài thơ nào đã học hoặc đã đọc?

Câu 5 (0,75đ). Hai câu kết bông súng ấy màu tím/ bão Haiyan màu gì? đã gợi cho anh (chị) cảm xúc gì đặc biệt?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận xã hội về sự thấu cảm trong cuộc sống.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.

Đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn

1. Đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ). Chủ đề của bài thơ là sự thảm khốc mà cơn bão Haiyan đem lại cho con người.

Câu 2 (0,5đ). Hai câu thơ rồi có thể người ta quên/ mà nhớ gợi cho người đọc liên tưởng đến nhiều suy nghĩ khác. Cơn bão Haiyan gợi ra nhiều cơn bão khác, nhiều thảm họa thiên tai khác (lũ lụt, hán hán,...) diễn ra ở nhiều vùng của nước ta. Nhà thơ muốn nhớ đến những cơn bão, nhớ đến những nỗi đau thảm khốc đó mà nhắc nhở con người ta đôi khi cũng phải biết quên đi những nỗi đau, những mất mát mà thiên tai đem lại.

Câu 3 (0,5đ). Bài thơ được viết theo thể thơ tự do. Số chữ của mỗi dòng trong bài không được viết theo một quy tắc nào cố định.

Câu 4 (0,75đ). Những chữ đầu của các câu thơ đều không viết hoa vì:

- Làm cho mạch thơ như mạch kể liên tục, không đứt đoạn, ý thơ liền mạch như nhà thơ đang kể một câu chuyện. Dòng cảm xúc vì thế được diễn tả một cách tự nhiên, người đọc trôi theo mạch kể của nhà thơ như chính câu chuyện của mình vậy.

- Thể hiện ý thức cách tân thơ ca của nhà thơ, không đi theo những lối mòn sẵn có của những người đi trước. Cách viết thơ ấy là phù hợp và đem lại giá trị biểu đạt cao.

Những bài thơ không viết hoa chữ cái đầu dòng có thể kể đến các bài như: Ánh trăng (Nguyễn Duy), Đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo),...

Câu 5 (0,75đ). (Học sinh trình bày bằng đoạn văn)

Câu kết bông súng ấy màu tím/ bão Haiyan màu gì? đã để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ.

Màu tím của bông súng vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa biểu tượng, đó là màu của sự bình yên, trong trẻo, thứ màu vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách và mất mát. Màu tím của bông hoa súng đã nhuộm tím cả bài thơ, ba trùm lên bài thơ cảm hứng nhân sinh sâu sắc.

Câu hỏi tu từ bão Haiyan màu gì? gây cho người đọc nhiều day dứt về những mất mát mà bão Haiyan cùng những thiên tai khác đem đến cho Việt Nam. Đọng lại cuối cùng la thái độ phê phán sâu sắc những thiên tai đã gây ra cho con người, là lời cảnh tỉnh đối với những người đã phá hủy môi trường, không góp phần giữ gìn sự trong sạch của môi trường,…

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Học sinh hình thành bài văn dựa vào các gợi ý sau:

2. Dàn ý nghị luận xã hội về sự thấu cảm

1. Mở bài

Dẫn dắt vào sự thấu cảm.

2. Thân bài

a. Giải thích

Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ để hiểu những thứ mà họ đang phải trải qua.

b. Phân tích

Mọi người khi nhận được sự cảm thông, sẻ chia trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống sẽ vơi nhẹ nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách

Sự thấu cảm giúp con người tạo dựng một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết.

Sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng tiêu biểu về sự thấu cảm để minh chứng cho bài làm của mình.

d. Phản biện

Phê phán những biểu hiện của những người chỉ thờ ơ, vô cảm, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.

Thấu cảm không có nghĩa là chúng ta bao che cho những hành vi xấu, ác (đạo đức, pháp luật) của người khác.

3. Kết bài

Khẳng định tầm quan trọng của thấu cảm và liên hệ bản thân

Câu 2 (5đ):

3. Dàn ý phân tích nhân vật bà cụ Tứ

1. Mở bài

Giới thiệu nhà văn Kim Lân, Vợ nhặt và nhân vật bà cụ Tứ. (Kim Lân là nhà văn vô cùng thành công khi viết về đề tài người nông dân nghèo. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông chính là truyện ngắn Vợ nhặt và nhân vật bà cụ Tứ là một minh chứng rõ nét cho thành công của ông).

2. Thân bài

Ngoại hình, tính cách, hoàn cảnh sống:

  • Là một bà lão ngoài 70 tuổi, già nua, lưng còng.
  • Là dân nghèo của xóm ngụ cư, cuộc sống nghèo khổ.
  • Chồng mất sớm, sống cùng anh con trai.
  • Là một người mẹ giàu tình yêu thương, cả đời lam lũ vất vả chăm lo cho con.

Sự ngạc nhiên của cụ khi a Tràng dắt vợ về

  • Khi làm về, thấy một người phụ nữ ngồi trong nhà mà còn thưa u. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình xấu xí, nghèo mà vẫn có vợ trong thời khó khăn.
  • Bà cụ vẫn không tin vào những gì con trai mình nói “Kìa nhà tôi nó chào u”… “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”
  • Bà vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra

Tâm trạng vừa mừng vừa tủi của bà cụ

  • Khi biết rằng con bà “ nhặt” được vợ: bà vui vì con đã an bề gia thất, buồn phận làm mẹ mà không cưới nổi vợ cho con và bà nghĩ đến chồng, đến con gái lại càng trở nên buồn hơn.
  • Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn: Bà không biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng con đã có vợ. Bà khóc vì thương con không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.

Nỗi lo của bà cụ Tứ

Bà lo cho con trai, con dâu, cái gia đình nhỏ của mình không biết phải qua những ngày khó khăn này như thế nào. → Khuyên con, khuyên dâu thương nhau, cố gắng vươn lên.

→ Nỗi lo, nỗi thương của người mẹ từng trải, hiểu đời.

Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của cụ Tứ

  • Bà suy nghĩ vui trong những điều tốt đẹp tương lai “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”
  • Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa.
  • Vui trong bữa cơm đạm bạc đầu tiên có con dâu.
  • Bà vẫn luôn tạo một không khí ấm cúng cho bữa ăn để con dâu đỡ tủi.

→ Người mẹ nghèo từng trải đời, hết mực yêu thương con, luôn lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn.

→ Là đại diện cho người mẹ Việt Nam cần mẫn, mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương và đức hi sinh.

3. Kết bài

Vợ nhặt là một trong những tác phẩm vô cùng thành công của Kim Lân. Với những giá trị, ý nghĩa, thông điệp sâu sắc của mình, tác phẩm đã gây nhiều dấu ấn quan trọng trong lòng bạn đọc.

Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Văn khác

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: 2k2 quyết tâm đỗ đại họcTài liệu học tập lớp 12.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Trắc nghiệm Toán 12, Giải bài tập Tiếng Anh lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết
1 1.829
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm