Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý lần 1 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý lần 1 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định là đề thi thử đại học môn Địa có đáp án mà VnDoc.com giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 12, thí sinh tự do luyện đề, ôn thi THPT Quốc gia, luyện thi đại học môn Địa. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 1 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý lần 2 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định

SỞ GD-ĐT BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT LÝ TỰ TRỌNG

ĐỀ THI THỬ - KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: ĐỊA LÍ
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I (2,0 điểm)

  1. Trình bày biểu hiện tính chất nhiệt đới ẩm của khí hậu nước ta. Nguyên nhân nào làm cho khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới?
  2. Đô thị hóa có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta? Tại sao trong những năm gần đây dân số thành thị ngày càng tăng?

Câu II (3,0 điểm)

  1. Trình bày những đặc điểm nổi bật của ngành ngoại thương nước ta trong thời kì đổi mới.
  2. Phân tích thế mạnh về tự nhiên và hiện trạng phát triển cây chè của Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tại sao đàn trâu của nước ta phân bố chủ yếu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Câu III (2,0 điểm)

Sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

  1. Kể tên các vùng có cà phê là sản phẩm chuyên hóa của vùng.
  2. Giải thích tại sao cà phê lại được trồng nhiều ở các vùng đó?

Câu IV (3,0 điểm)

Cho bảng số liệu:

KHỐI LƯỢNG HÀNG HÓA ĐƯỢC VẬN CHUYỂN THÔNG QUA CÁC CẢNG BIỂN CỦA NƯỚC TA DO TRUNG ƯƠNG QUẢN LÍ

(Đơn vị: nghìn tấn)

Năm

Loại hàng

2000

2003

2005

2009

Tổng số

21 903

34 019

38 328

46 247

Hàng xuất khẩu

5 461

7 118

9 916

11 661

Hàng nhập khẩu

9 293

13 575

14 859

17 856

Hàng nội địa

7 149

13 326

13 553

16 730

  1. Vẽ biểu đồ miền thể hiện sự thay đổi cơ cấu khối lượng vận chuyển phân theo loại hàng hóa thông qua các cảng biển trong giai đoạn 2000 – 2009.
  2. Nhận xét sự thay đổi đó từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý

Câu I (2,0 điểm)

1. Trình bày biểu hiện tính chất nhiệt đới ẩm của khí hậu nước ta. Nguyên nhân nào làm cho khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới? (1,0đ)

a. Biểu hiện tính chất nhiệt đới ẩm:

  • Tổng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ dương quanh năm.
  • Nhiệt độ trung bình năm cao trên 200C (trừ vùng núi cao). Tổng số giờ nắng nhiều từ 1400 – 3000 giờ/năm.
  • Lượng mưa trung bình năm lớn: 1500–2000 mm. Sườn đón gió biển và vùng núi cao, lượng mưa lớn hơn nhiều. Độ ẩm không khí cao trên 80%, cân bằng ẩm luôn luôn dương.

b. Nguyên nhân:

Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến Bắc Bán Cầu nên nhận được lượng bức xạ MT lớn do có góc nhập xạ lớn, trong một năm nơi nào trên đất nước ta cũng có 2 lần MT lên thiên đỉnh.

2. Đô thị hóa có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta? Tại sao trong những năm gần đây dân số thành thị ngày càng tăng? (1,0đ)

a. Ảnh hưởng của ĐTH đến phát triển KT-XH:

  • Tác động thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng hiện đại hóa.
  • Có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng trong nước. Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
  • Các thành phố, thị xã là các thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng, là nơi sử dụng đông đảo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có sức hút đối với đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo ra động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

b. Trong những năm gần đây, dân số thành thị ngày càng tăng vì:

Do quá trình đô thị hóa – công nghiệp hóa, sự mở rộng các đô thị, nhiều đô thị mới được thành lập

Câu II (3,0 điểm)

1. Trình bày những đặc điểm nổi bật của ngành ngoại thương nước ta trong thời kì đổi mới. (1,5đ)

a. Toàn ngành:

  • Sau đổi mới, thị trường buôn bán ngày càng mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. VN chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO và hiện có quan hệ buôn bán với hầu hết các nước và vùng LT trên TG.
  • Cán cân xuất nhập khẩu tiến tới cân đối năm 1992, sau đó tiếp tục nhập siêu nhưng bản chất đã khác xa so với thời kì trước đổi mới.

b. Xuất khẩu:

  • Kim ngạch XK liên tục tăng, các mặt hàng XK ngày càng phong phú, thị trường XK ngày càng mở rộng.
  • Hạn chế: Tỉ lệ hàng đã qua chế biến hoặc tinh chế còn thấp, hàng gia công vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn hoặc phải nhập nguyên liệu.

c. Nhập khẩu:

  • Kim ngạch NK tăng khá nhanh, phản ánh sự phục hồi và phát triển của SX và tiêu dùng cũng như đáp ứng yêu cầu XK.
  • Các mặt hàng NK chủ yếu: nguyên liệu, tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng... Thị trường NK chủ yếu là khu vực châu Á-TBD và châu Âu.

2. Phân tích thế mạnh về tự nhiên và hiện trạng phát triển cây chè của Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tại sao đàn trâu của nước ta phân bố chủ yếu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ? (1,5đ)

a. Thế mạnh tự nhiên và hiện trạng phát triển cây chè:

  • Thế mạnh tự nhiên:
    • Địa hình - đất đai: Diện tích rộng, địa hình đa dạng có thể tổ chức sản xuất với quy mô khác nhau. Có nhiều loại đất thuận lợi cho cây chè phát triển.
    • Khí hậu: Nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh phù hợp với đặc điểm sinh thái cây chè. Sự phân hóa khí hậu theo độ cao tạo điều kiện trồng nhiều giống chè khác nhau.
  • Hiện trạng phát triển:
    • Là vùng trồng chè lớn nhất nước ta, nổi tiếng các loại chè thơm ngon nhất là ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La...
    • Khó khăn: Thời tiết diễn biến thất thường, tình trạng thiếu nước vào mùa đông, mạng lưới cơ sở CN chế biến chưa tươg xứng với thế mạnh của vùng.

b. Đàn trân phân bố chủ yếu ở TDMNBB là vì:

  • Có địa hình đồi núi dốc, khí hậu lạnh và ẩm, trâu có thể thích nghi và phát triển tốt.
  • Có nhiều đồng cỏ trên các cao nguyên, trong rừng...

Câu III (2,0 điểm)

1. Kể tên các vùng có cà phê là sản phẩm chuyên hóa của vùng. (0,75đ)

Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ.

2. Giải thích tại sao cà phê lại được trồng nhiều ở các vùng đó? (1,25đ)

  • Các vùng này có ĐKTN thuận lợi để phát triển cây cà phê:
    • Địa hình: có các vùng bán bình nguyên, cao nguyên, trung du rộng lớn cho phép phát triển các vùng trồng cà phê với quy mô lớn.
    • Đất đai: Có đất feralit, nhất là đất badan màu mỡ thích hợp cho cây cà phê.
    • Khí hậu: Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, cận xích đạo gió mùa với nguồn nhiệt-ẩm thích hợp cho sản xuất cây cà phê.
  • Các điều kiện KT-XH thuận lợi để phát triển cây cà phê:
    • Chích sách đầu tư của nhà nước, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nhất là TT xuất khẩu.
    • Người dân có nhiều kinh nghiệm, có nhiều cơ sở chế biến cây cà phê...

Câu IV (3,0 điểm)

1. Vẽ biểu đồ miền (2,0đ)

a. Xử lí số liệu

Cơ cấu khối lượng vận chuyển phân theo loại hàng hóa thông qua các cảng biển (%)

Năm

Loại hàng

2000

2003

2005

2009

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,0

- Hàng xuất khẩu

24,9

20,9

25,9

25,2

- Hàng nhập khẩu

42,4

39,9

38,8

38,6

- Hàng nội địa

32,7

39,2

35,3

36,2

b. Vẽ biểu đồ:

  • Yêu cầu
    • Vẽ chính xác biểu đồ miền.
    • Đảm bảo khoảng cách năm.
    • Có ghi số liệu trên các miền.
    • Có tên biểu đồ và chú giải.

2. Nhận xét và giải thích (1,0đ)

  • Nhận xét:
    • Cơ cấu khối lượng vận chuyển phân theo loại hàng hoá có sự thay đổi, nhưng không lớn. Sự thay đổi diễn ra theo hướng tăng tỉ trọng hàng nội địa và hàng xuất khẩu, giảm tỉ trọng hàng nhập khẩu (dẫn chứng).
    • Tuy có tỉ trọng giảm nhưng hàng nhập khẩu vẫn luôn chiếm tỉ trọng cao nhất, hàng xuất khẩu tỉ trọng còn thấp (dẫn chứng).
  • Giải thích:
    • Do sản xuất trong nước phát triển và chính sách đẩy mạnh xuất khẩu nên tỉ trọng hàng nội địa và hàng xuất khẩu tăng.
    • Tuy vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất nhưng do khối lượng hàng nhập khẩu tăng chậm hơn so với hai loại hàng trên nên tỉ trọng giảm.
Đánh giá bài viết
1 382
Sắp xếp theo

Môn Địa lý khối C

Xem thêm