Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn luyện đề, ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia năm 2015 sắp diễn ra trong thời gian tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Lý Tự Trọng, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ

SỞ GD VÀ ĐT BÌNH ĐỊNH
Trường THPT Lý Tự Trọng

ĐỀ THI THỬ TN.THPTQG – XÉT ĐẠI HỌC
Môn: NGỮ VĂN. NĂM HỌC 2014-2015
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:

Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn thơ ngây của chị; Liên không sao hiểu, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.

(Trích "Hai đứa trẻ"- Thạch Lam, Ngữ văn 11, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam 2011)

  1. Cho biết văn bản trên nói về điều gì?
  2. Hãy xác định và nêu ý nghĩa tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn một của văn bản.
  3. Cho biết các phương thức biểu đạt trong văn bản và phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?
  4. Giải thích cách sử dụng dấu chấm phẩy ";" trong câu cuối của văn bản.
  5. Nhận xét gì về nét đặc sắc nghệ thuật trong văn bản trên?

PHẦN II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (3 điểm)

Để sống được hàng ngày tất nhiên phải dựa vào những "giá trị tức thời", nhưng để có phẩm chất, cốt cách nhất định phải dựa vào "giá trị bền vững".

Suy nghĩ của anh/chị như thế nào về vấn đề trên?

Câu 2. (4 điểm)

Phân tích cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ:

"Quân đi điệp điệp trùng trùng

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên"

("Việt Bắc", Ngữ văn 12, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam 2011)

"Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái"

("Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm", Ngữ văn 12, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam 2011)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

PHẦN I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

1. Cho biết văn bản trên nói về điều gì? (0,5đ)

Văn bản miêu tả bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng vào buổi chiều tàn qua cảm nhận của Liên.

2. Hãy xác định và nêu ý nghĩa tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn một của văn bản. (0,5đ)

- Nhân hóa: "Tiếng trống thu không ...... gọi buổi chiều."

- So sánh: "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn."

Tác dụng: hình ảnh miêu tả trong đoạn văn có tính gợi hình, gợi cảm. Thiên nhiên trở nên tươi đẹp thơ mộng trong thời khắc của ngày tàn.

3. Cho biết các phương thức biểu đạt trong văn bản và phương thức biểu đạt nào là chủ yếu? (0,5đ)

  • Phương trức biểu đạt trong văn bản: miêu tả, biểu cảm.
  • Phương trức biểu đạt chủ yếu trong văn bản: miêu tả.

4 Giải thích cách sử dụng dấu chấm phẩy ";" trong câu cuối của văn bản. (0,5đ)

  • Dấu chấm phẩy là một dấu câu thông dụng, có tác dụng ngắt quãng câu hoặc dùng để liệt kê.
  • Dấu chấm phẩy dùng trong câu cuối của văn bản để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, giữa các vế có sự liệt kê, bổ sung về nghĩa.

5 Nhận xét gì về nét đặc sắc nghệ thuật trong văn bản trên? (1,0đ)

  • Nghệ thuật đặc sắc trong văn bản trên là nghệ thuật miệu tả, Biểu hiện:
    • quan sát tinh tế: không gian tĩnh lặng, màu sắc hài hòa nhưng có tính đối lập giữa sáng và tối, âm thanh đa dạng nhưng gần gũi.
    • dùng từ ngữ, hình ảnh có tính hình tượng và đầy chất thơ thông qua lối nhân hóa, so sánh, miêu tả cảnh và tâm trạng bâng khuâng, man mác.

PHẦN II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (3 điểm)

Yêu cầu chung: Đảm bảo yêu cầu của bài nghị luận xã hội với vấn đề: nghệ thuật ứng xử để đạt được thành công của con người trong cuộc sống.

Cụ thể:

Ý 1: Giới thiệu vấn đề và dẫn đề: trong cuộc sống ai cũng mong muốn đạt được thành công trong công việc và khẳng định giá trị nhân cách của mình. Giao tiếp và ứng xử có nghệ thuật là một trong những điều quan trọng giúp ta thực hiện điều đó.

Ý 2: Giải thích:

- "Giá trị tức thời": là những giá trị vật chất và tinh thần chưa trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian. Nó có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, thoả mãn những nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: cơm, áo, gạo, tiền, vui chơi, giải trí, các mối quan hệ... Đây là những giá trị rất cần thiết vì thiếu nó con người không thể tồn tại trong hiện tại.

- "Giá trị bền vững": "Giá trị bền vững" chỉ những giá trị tinh thần đã trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa lâu bền, trở thành nền tảng văn hoá, đạo lí của dân tộc và nhân loại như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tình cảm tri ân, sự ngay thẳng trong sạch, thẩm mỹ tinh tế. Đây là những giá trị quan trọng giúp con người sống có phẩm hạnh, cốt cách.

Ý 3: Bàn luận

* Giá trị tức thời

  • Muốn tồn tại con người cần phải tạo ra và nhờ vào những giá trị tức thời (dẫn chứng).
  • Tuy nhiên nếu quá coi trọng những giá trị đó, con người sẽ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt (dẫn chứng).

* Giá trị bền vững

  • Để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, con người nhất định phải vươn tới những giá trị tinh thần tốt đẹp (dẫn chứng).
  • Tuy nhiên, cốt cách, phẩm giá con người không thể có tức thời trong ngày một ngày hai, mà đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, bồi đắp lâu dài về tâm hồn, trí tuệ, hành động... Đó cũng là cách để con người có một cuộc sống bền vững, không chỉ giới hạn trong thời gian đời người mà còn trong sự ghi nhận lâu dài của cộng đồng (dẫn chứng).

Ý 4: Quan điểm của bản thân về vấn đề

  • Mối quan hệ giữa hai giá trị: Vừa đối lập vừa thống nhất. Con người cần có những giá trị tức thời để duy trì cuộc sống, cũng rất cần những giá trị bền vững để sống có ý nghĩa.
  • Những giá trị tức thời, nếu có ý nghĩa tích cực, được xã hội đón nhận, gìn giữ, lưu truyền sẽ trở thành những giá trị bền vững (dẫn chứng). Trong khi đó, có những giá trị đã được hình thành từ lâu, qua thực tiễn không còn phù hợp, trở nên lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải (dẫn chứng). Cứ thế, các giá trị được sàng lọc, chuyển hoá, làm cho cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn.

Ý 5: Bài học nhận thức và hành động:

  • Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của mỗi giá trị.
  • Hình thành kĩ năng sống, biết tiếp nhận hợp lí trước các giá trị của cuộc sống.
  • Phải có bản lĩnh để sống có phẩm giá, cốt cách dựa theo nền tảng những giá trị bền vững về văn hóa, đạo lí...của dân tộc và nhân loại.

Câu 2. (4 điểm) Phân tích cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ:

Ý 1: Khái quát về hai tác phẩm và đoạn trích

  • Tố Hữu (1920- 2002) là nhà thơ rất nổi tiếng, là cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ ông được nhiều người ưa thích bởi ở đó ta nhận thấy chất say mê lí tưởng, đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bài thơ "Việt Bắc" là bản tình ca về quê hương, đất nước được nhà thơ cảm nhận trong một thời kì gian lao mà anh dũng của đất nước.
  • Nguyễn Khoa Điềm (1943) là nhà thơ nổi bật trong thế hệ nhà thơ trẻ, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiều đóng góp nổi bật vào thơ ca VN. Thơ ông có sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước và con người, kết hợp giữa trữ tình chính luận với tri thức văn hóa dân gian trong tư duy nghệ thuật hiện đại. Đoạn thơ sau là những cảm nhận sâu sắc về trầm tích văn hóa của đất nước trong thời kháng chiến chống Mĩ đầy cam go thử thách của dân tộc.

Ý 2: Cảm nhận nét đẹp riêng từng đoạn thơ

a. Đoạn bài Việt Bắc: Tác giả đã ghi lại hình ảnh quân dân ra trận đánh Pháp trong một khí thế hào hùng:

"Quân đi điệp điệp trùng trùng

................................

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên"

* Đoàn quân ra trận với niềm tin, khí thế oai hùng cùng với nét lãng mạn yêu đời: "Quân đi điệp điệp trùng trùng. Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan"

  • Có lẽ chẳng còn từ nào diễn tả được sức mạnh, khí thế hùng dũng của đoàn quân ra trận hay bằng từ "trùng trùng, điệp điệp". Hai từ láy này làm ta hình dung những đoàn quân "lớp lớp ào ào" nối tiếp nhau trên đường ra trận.
  • Câu thơ "ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan" gợi chất hào hùng và nét thơ mộng lãng mạn của người lính cụ Hồ. Trăng sao là "bạn" với các anh, chia sẻ với các anh những tâm sự tình cảm giữa cái bỏng rát của chiến tranh. Giữa những đêm hành quân gian khổ người lính như lặng đi trước cảnh đẹp của đất trời. Ta từng gặp hình ảnh "đầu súng trăng treo" của nhà thơ Chính Hữu và ở đây có sự hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn trong tâm hồn người lính.

* Bên cạnh đội ngũ "trùng trùng, điệp điệp" là những đoàn dân công xung phong phục vụ cho mặt trận cũng rất khí thế: Dân công đỏ đuốc từng đoàn. Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

  • "Ánh đuốc" sáng bừng trong đêm tối soi đường cho dân công vận chuyển những chuyến hàng tình nghĩa ra tiền tuyến. Từ chỉ số lượng "từng đoàn, muôn tàn" nhằm diễn tả sự hùng hậu, mạnh mẽ của đội ngũ dân công. Họ muốn đem sức lực của mình góp chung vào cuộc chiến của dân tộc để đánh thắng kẻ thù.
  • Bước chân ra trận của họ được so sánh "bước chân nát đá". Đây là cách nói cường điệu để diễn tả sức mạnh phi thường của từng đoàn quân. Đây cũng là hình ảnh rất hiện thực.

* Với sức mạnh phi thường, ta có quyền tin tưởng vào chiến thắng, vào tương lai tươi sáng của đất nước "Nghìn đêm thăm thẳm sương dày. Đèn pha bật sáng như ngày mai lên".

  • Để chỉ tiền đồ thắng lợi phía trước, nhà thơ dùng thủ pháp đối lập "đêm thăm thẳm" sương giá bao phủ của cảnh đời nô lệ với "ngày mai" ánh sáng bừng lên. Những đêm dài nô lệ và đau thương sẽ qua và chúng ta có quyền tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Vì vậy đoàn quân bước đi trong niềm tin và hi vọng, họ dồn tâm sức vì ngày mai. Câu thơ là niềm lạc quan dự cảm về thắng lợi của dân tộc

Tóm lại: Cảm nhận về dất nước trong những ngày chống Pháp với khí thế hào hùng, niềm lạc quan về một đất nước trong ngày đại thắng nên hình ảnh, giọng thơ hào hùng, sảng khoái.

b. Đoạn thơ trong bài Đất nước: nhà thơ ghi lại những trầm tích văn hóa về vật chất và tinh thần của đất nước được lưu giữ như những báu vật và truyền lại cho con cháu muôn đời:

" Họ đã truyền lửa qua mỗi nhà ....... hái trái"

  • Họ giữ và "truyền cho ta hạt lúa"- truyền lại nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước mà bao đời nay con cháu tự hào.
  • Họ đã "truyền lửa" – văn hóa lửa cho mỗi nhà bằng hình thức "ủ lửa, rơm con cúi".
  • Họ "truyền giọng ñiệu" – truyền lại văn hóa ngôn ngữ, thứ tiếng Việt trong trẻo "cho con tập nói" đến tận hôm nay.
  • Họ đã lập nên các thôn bản với các địa danh trong hành trình mở cõi với các tên xã, tên làng để hôm nay ta tự hào cất lên các tên gọi Mục Nam Quan, Mũi Cà Mau đầy thân thương khi nói về đất nước.
  • Họ bày cho cháu con cách dẫn thủy, trị thủy như "đắp đập be bờ" để phát triển nông nghiệp, để cho người sau trồng cây hái trái.

Tóm lại:

  • Dùng nghệ thuật điệp từ "họ", điệp cấu trúc và mật độ lớn của các động từ "giữ, truyền, chuyền"....gợi lên tầng tầng lớp lớp những con người nối tiếp nhau tạo dựng lên tầm vóc kì vĩ của Đất nước.
  • Tác giả khẳng định công sức trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ con người Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ý 3: Đánh giá chung về hai đoạn thơ

a. Giống nhau:

  • Cả hai đoạn đều nói về cảm hứng đất nước trong những ngày kháng chiến khốc liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Thể hiện tình yêu, niềm lạc quan của các nhà thơ của con người Việt Nam.

b. Khác nhau:

  • Đoạn bài Việt Bắc:
    • Cảm hứng về đất nước nghiêng về ca ngợi sức mạnh hào hùng, khí thế tiến công và niềm lạc quan về một đất nước trong ngày thắng lợi.
    • Thể thơ lục bát truyền thống nhưng giọng điệu, nhịp điệu hào hùng. Từ ngữ sử dụng độc đáo, linh hoạt với nhiều biện pháp tu từ, liên tưởng như nhân hóa, từ láy, nói quá, đối lập. Giọng điệu say sưa, tươi vui mang cảm hứng sử thi và lãng mạn cách mạng.
    • Thể hiện phong cách độc đáo của một nhà thơ trữ tình-chính trị.
  • Đoạn thơ trong bài Đất nước:
    • Cảm hứng về đất nước lắng đọng ở chiều sâu văn hóa với những giá trị truyền thống được khái quát sâu sắc, bền vững.
    • Thể thơ tự do với những biến đổi câu linh hoạt để diễn đạt những cảm xúc tâm tình. Từ ngữ sử dụng độc đáo, linh hoạt với nhiều biện pháp tu từ như lặp cấu trúc, liên tưởng, điệp từ, động từ. Giọng điệu đối thoại, tâm tình dễ đi vào lòng người, có tính thuyết phục cao.
    • Thể hiện phong cách độc đáo của một nhà thơ trữ tình-chính luận.
Đánh giá bài viết
1 10.419
Sắp xếp theo

    Môn Văn khối D

    Xem thêm