Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Nhằm giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm tài liệu tự ôn thi THPT Quốc gia cũng như ôn thi đại học, VnDoc.com xin giới thiệu Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Đề thi thử đại học môn Văn có đáp án đi kèm, hi vọng tài liệu này giúp các bạn đạt điểm cao trong kì thi quan trọng sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Việt Yên 2, Bắc Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC

Đề thi có 02 trang

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 1 LỚP 12

NĂM HỌC 2015-2016

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3

MÙA XUÂN XANH

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

(Nguyễn Bính, theo Thơ Nguyễn Bính, NXB Giáo dục, 2002)

Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Bài thơ đã gợi tả những sắc xanh gì? Qua đó tác giả đã thể hiện vẻ đẹp của mùa xuân như thế nào?

Câu 3: Hình ảnh cái thắt lưng xanh gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 4 đến câu 6

Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, người châu Âu vẫn chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa quần đảo Trường Sa với quần đảo Hoàng Sa. Cho đến năm 1787-1788, đoàn khảo sát Kergariou Locmaria mới xác định rõ vị trí của quần đảo Paracel (là quần đảo Hoàng Sa hiện nay) và từ đó người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc với một quần đảo khác ở phía nam, tức quần đảo Trường Sa. Đến năm 1791, Henry Spratly, người Anh, du hành qua quần đảo và đặt tên cho đá Vành Khăn là Mischief. Năm 1843 Richard Spratly đặt tên cho một số thực thể địa lý thuộc Trường Sa, trong đó có Spartly's Sandy Island cho đảo Trường Sa. Kể từ đó, Spartly dần trở thành tên tiếng Anh của cả quần đảo. Đối với người Việt, thời nhà Lê các hải đảo ngoài khơi phía đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo. Đến thời nhà Nguyễn triều vua Minh Mạng thì tên Vạn Lí Trường Sa xuất hiện trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn thổ của Phan Huy Chú. Bản đồ này đặt nhóm Vạn Lí Trường Sa ở phía nam nhóm Hoàng Sa. Về mặt địa lí thì cả hai nhóm đều nằm dọc bờ biển miền trung nước Đại Nam...

Theo Wikipedia

Câu 4: Đoạn văn trên viết về vấn đề gì? Đặt tiêu đề cho đoạn văn.

Câu 5: Đoạn văn trên có những cơ sở nào chứng tỏ quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam?

Câu 6: Đọc đoạn văn trên trong không khí chính trị - xã hội hiện nay, em có suy nghĩ gì về chủ quyền biển đảo Tổ quốc? (Viết đoạn văn 5-7 câu)

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (3,0 điểm)

Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp.

Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng)

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ thất ngôn. (0,5đ)

2. - Bài thơ gợi lên bạt ngàn sắc xanh từ mọi tầng không gian: trời xanh, lá xanh, lúa xanh, cỏ xanh, tre xanh, thắt lưng xanh,... Các sắc xanh này giao hòa, lan tỏa. (0,25đ)

- Nhà thơ đã thể hiện vẻ đẹp căng tràn, tươi mới của mùa xuân và mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người. (0,25đ)

3. Trên nền không gian tươi mới của mùa xuân, nổi bật lên hình ảnh cái thắt lưng xanh của người con gái. Đó là màu xanh của tuổi trẻ, của tình tình yêu và hi vong. Vẻ đẹp của thiên nhiên đã hòa làm một với vẻ đẹp của con người. (0,5đ)

4. - Đoạn văn trên viết về lịch sử và các tên gọi khác nhau của 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, đưa những cơ sở chứng tỏ 2 quần đảo này là của Việt Nam. (0,25đ)

- Đặt nhan đề: Trường Sa và Hoàng Sa – Lịch sử và tên gọi. (0,25đ)

5. Trong đoạn văn trên đã nêu những cơ sở chứng tỏ quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam: (0,5đ)

  • Thứ nhất, thời nhà Lê các hải đảo ngoài khơi phía đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo.
  • Thứ hai, đến thời nhà Nguyễn triều vua Minh Mạng thì tên Vạn Lí Trường Sa xuất hiện trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn thổ của Phan Huy Chú.

6. (0,5đ)

  • HS biết cách viết đoạn văn theo đúng qui định về số câu.
  • Thể hiện suy nghĩ, thái độ và có ý thức hành động về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc nói chung và quyền biển đảo nói riêng.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (3,0 điểm) Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25đ)

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,5đ)

Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp.

c. Triền khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí luận và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

  • Giải thích. (0,25đ)
    • Nghề nghiệp là cách nói khái quát về ngành nghề, công việc của mỗi người trong xã hội
    • Cao quí là có giá trị lớn về mặt tinh thần, rất đáng trân trọng
    • Ý kiến nhằm khẳng định mọi ngành nghề trong xã hội đều quan trọng; giá trị cao quí của nghề nghiệp là do con người làm nên chứ không phải do bản thân nghề nghiệp đó.
  • Bàn luận ý kiến
    • Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người. (0,5đ)
      • Bản thân nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người, sự cao quí ấy phải do tự thân con người làm nên trong quá trình thực hiện nghề nghiệp của mình
      • Trong xã hội, không có nghề tầm thường, bất cứ nghề nào mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng đều đáng được trân trọng, tôn vinh.
    • Chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp. (0,5đ)
      • Thước đo giá trị nghề nghiệp là hiệu quả và phẩm chất đạo đức của người lao động trong công việc.
      • Sự cao quí của nghề nghiệp là do con người biết đem hết tài năng, sức lực và phẩm chất đạo đức của mình để làm nên các giá trị vật chất hoặc tinh thần, giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
    • Phê phán một số quan niệm lệch lạc trong xã hội hiện nay khi cho rằng có nghề cao quí, có nghề tầm thường và chạy theo những ngành nghề chỉ đem lại lợi ích trước mắt cho cá nhân. (0,25đ)
  • Bài học nhận thức và hành động. (0,25đ)
    • Cần phải biết chọn nghề phù hợp với năng lực và trình độ của bản thân.
    • Cần nuôi dưỡng niềm say mê, tình cảm yêu nghề để có thể tận tâm và cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

d. Sáng tạo (0,25đ)

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25đ)

Đảm bảo quí tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25đ)

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,5đ)

Nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trong bài Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu).

c. Triền khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; cảm nhận sâu sắc; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Giới thiệu khái quát về hai tác giả, hai tác phẩm

  • Quang Dũng (1921-1988), quê Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Còn Tố Hữu (1920-2002), quê ở Huế, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam với hồn thơ đậm đà tính dân tộc.
  • Tây Tiến (1948), Việt Bắc (1954) đều là những thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, đều là những bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng, hào hoa của lịch sử dân tộc.

- Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng

  • Vị trí đoạn thơ: nằm ngay phần mở đầu của bài thơ.
  • Nội dung:
    • Đoạn thơ bộc lộ nỗi nhơ da diết, vời vợi về miền Tây và người lính Tây Tiến.
    • Thiên nhiên miền Tây xa xôi mà thân thiết, hoang vu mà thơ mộng; con người miền Tây gian khổ mà hào hoa.
  • Nghệ thuật:
    • Hình ảnh thơ có sự hài hòa giữa nét thực và ảo, vừa mông lung vừa gợi cảm về cảnh và người (bút pháp lãng mạn).
    • Nhạc điệu có sự hài hòa giữa lời cảm thán với điệu cảm xúc (câu mở đầu như một tiếng gọi vang vọng vào không gian), giữa mật độ dày những âm vần (rồi, ơi, chơi vơi, mỏi, hơi) với điệp từ nhơ và lối đối uyển chuyển (câu 3 với câu 4) đã tạo ra một âm hưởng tha thiết, ngậm ngùi.

- Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu

  • Vị trí: đoạn thơ nằm ở phần đầu của bài thơ Việt Bắc
  • Nội dung:
    • Đây là lời của người đi (những cán bộ kháng chiến đã từng gắn bó và công tác ở Việt Bắc, trong đó có Tố Hữu), khẳng định với người ở lại rằng: dù về xuôi, dù xa cách nhau về không gian địa lí nhưng vẫn nhớ Việt Bắc như nhớ người yêu. Từ đó, muốn nói nỗi nhớ của tình yêu là nỗi nhớ cháy bỏng, nỗi da diết nhất, thường trực nhất, để từ đó khẳng định nỗi nhớ và tấm lòng thủy chung của mình với Việt Bắc – suối nguồn nuôi dưỡng của cách mạng.
    • Sau lời khẳng định là những hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc đẹp như khúc hát đồng quê. Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương,.. là hình ảnh rất đặc trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng ở Việt Bắc. Trên cái nền trữ tình là hình ảnh con người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó. Con người và thiên nhiên hài hòa gắn bó trong nỗi nhớ người về xuôi.
  • Nghệ thuật:
    • Các hình ảnh trong hoài niệm nhưng hiện lên thật cụ thể, rõ nét, chứng tỏ sự gắn bó sâu sắc và nỗi nhớ tha thiết.
    • Thể thơ lục bát cùng với biện pháp so sánh, điệp từ... đã góp phần thể hiện sâu sắc nỗi nhớ và tấm lòng thủy chung của người về.

- So sánh hai đoạn thơ

  • Điểm tương đồng:
    • Hai đoạn thơ đều bộc lộ nỗi nhớ của người trong cuộc: tha thiết, bồi hồi, sâu lắng về thiên nhiên và con người một thời gắn bó, yêu thương trong kháng chiến.
    • Đều thể hiện phong cách thơ độc đáo, tấm lòng thủy chung son sắt của những người trong cuộc đối với những mảnh đất một thời gắn bó.
  • Điểm khác biệt:
    • Nỗi nhớ của nhà thơ Quang Dũng được bộc lộ trực tiếp, cụ thể: nỗi nhó đơn vị cũ trào dâng, không kìm nén nổi bật lên thành tiếng gọi Tây Tiến ơi. Hai chữ chơi vơi vẽ ra trạng thái cụ thể của nỗi nhớ, hình tượng hóa nỗi nhớ và nỗi nhớ da diết, thường trực, ám ảnh, mênh mông bao trùm cả không gian, thời gian. Nỗi nhớ của Tố Hữu trong đoạn thơ dùng nỗi nhớ tình yêu để khẳng định nỗi nhớ với quê hương cách mạng.
    • Hai đoạn thơ (cũng như toàn bài thơ) sử dụng hai hình thức khác nhau để bộc lộ cảm xúc: Tây Tiến sử dụng thể thơ thất ngôn trường thiên. Việt Bắc sử dụng thể thơ lục bát.
  • Lí giải:
    • Hai bài thơ đều được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
    • Quang Dũng và Tố Hữu là hai nhà thơ, hai chiến sĩ, viết về nỗi nhớ của người trong cuộc. Mỗi nhà thơ có phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng.

- Đánh giá chung về giá trị hai đoạn thơ:

Với hồn thơ đậm đà tính dân tộc, lãng mạn, hào hoa, phóng khoáng, Tố Hữu và Quang Dũng đã làm nổi bật nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng về quê hương cách mạng và đơn vị cũ.

d. Sáng tạo (0,5đ)

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25đ)

Đảm bảo quí tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Đánh giá bài viết
3 3.953
Sắp xếp theo

    Môn Văn khối D

    Xem thêm