Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn tỉnh Đăk Nông năm 2015

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn tỉnh Đăk Nông năm 2015 gồm 4 câu hỏi có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh, giúp các bạn củng cố và ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 Cụm chuyên môn 11, Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai

Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2016

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TỈNH ĐĂK NÔNG

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI KHẢO SÁT LỚP 12 NĂM HỌC 2014 - 2015

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút;

(không kể thời gian giao đề)

Câu 1. (2,0 điểm) Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu sau:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

(Trích Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên)

a. Xác định biện pháp tu từ trong đoạn thơ?

b. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung của đoạn thơ?

c. Triết lý đặt ra trong câu thơ "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"?

Câu 2. (2,5 điểm)

Ngạn ngữ Latinh có câu: Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều. Thế nhưng nhà văn Nga M.Prisvin lại cho rằng: Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải ước mơ tha thiết hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại.

Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong hai quan điểm trên.

Câu 3. (1,5 điểm)

Chi tiết giọt nước mắt của A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ được Tô Hoài khắc họa như thế nào? Anh, chị hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về hình ảnh đó?

Câu 4. (4,0 điểm)

Trong bài trả lời phỏng vấn về tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã khẳng định: "Tôi được biết nhiều chuyện qua những năm tháng đó: Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ ... Đói. Nó vừa cay đắng, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại loé lên một tia sáng về đạo đức, danh dự".

(Hỏi chuyện các tác giả có tác phẩm giảng dạy trong nhà trường, Nguyễn Quang Thiều chủ biên, NXB Trẻ, 2000)

Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Câu 1: (2,0 điểm)

a. Sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh:

Anh nhớ em - như - đông về nhớ rét

Tình yêu - như - cánh kiến hoa vàng, (như) xuân đến chim rừng lông trở biếc.

b. Tác dụng của nghệ thuật so sánh:

  • Tác giả đã cụ thể và nhấn mạnh một cách thi vị hóa nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa, thể hiện mối quan hệ khăng khít và sự gắn bó chặt chẽ giữa những người đang yêu.
  • Nhưng tình yêu ở đây không chỉ giới hạn trong tình yêu đôi lứa của anh và em, mà còn là sự kết tinh những tình cảm đối với đất nước quê hương.

c. Triết lý: Chế Lan Viên đã nói tới phép màu của tình yêu. Chính tình yêu đã biến những miền đất xa lạ thành thân thiết như quê hương.

Câu 2: (2,5 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.
  • Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.
  • Hạn chế các lỗi về chính tả và diễn đạt

II. Yêu cầu về nội dung

Đặt vấn đề: Ước mơ có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi người, vì nó giúp con người vượt lên những khó khăn, thử thách để hướng đến tương lai và những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, những ước mơ đó phải thiết thực và cao đẹp.

Giải quyết vấn đề:

* Giải thích

  • Ý kiến 1: Cuộc sống ngắn ngủi, con người sẽ không đủ thời gian để thực hiện ước mơ, vì vậy không nên mơ ước quá nhiều, quá xa rời thực tại.
  • Ý kiến 2: Con người cần mơ ước nhiều hơn, khát khao mãnh liệt hơn để đủ sức mạnh biến những điều mơ ước thành hiện thực, ước mơ đó phải thiết thực, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh sống của bản thân, gia đình và xã hội.

* Phân tích - Chứng minh

  • Ước mơ và khát vọng sống làm nên vẻ đẹp cuộc sống: Trong cuộc sống, nếu không có nhiều mơ ước, không có những ước mơ cao, xa, con người sẽ không thể vượt lên thực tại để thực hiện những điều tốt đẹp, kì diệu.

(Dẫn chứng: - Ước nguyện của Nick Vujicic là : được sống đúng với con người của mình và được làm điều mình mong muốn, là đi diễn thuyết động viên mọi người vượt qua gian khó để đạt được ước mơ.

  • Lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn vô địch cử tạ trẻ thế giới 2014 (tổ chức tại Nga) ước mơ trở thành vận động viên xuất sắc và cao hơn nữa là huấn luyện viên đã giúp anh vượt qua khó khăn thử thách về con đường học vấn.
  • Anh em nhà Wright – người phát minh ra máy bay đã có ước mơ: "Nếu chúng ta có thể bay giống như chim nhạn thì tốt quá, nếu được bay, chúng ta có thể bay tới thiên đường gặp mẹ..."
  • Ước mơ của Bác Hồ: đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.)
  • Không nên ước mơ xa vời, viển vông, ước mơ phải thiết thực
    • Không phải cứ ước mơ thật nhiều, khát khao mãnh liệt thì tất cả đều trở thành hiện thực.
    • Phải biết kết hợp giữa ước mơ và thực tại, ước mơ phải bắt nguồn từ cuộc sống. Phải theo đuổi ước mơ nhưng đừng mơ ước hão huyền.

(Dẫn chứng : - Nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn còn có những ước mơ xa vời, không thiết thực như : chọn ngành, chọn nghề chưa phù hợp năng lực của bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội.

  • Nhiều người đặt mơ ước làm giàu từ những tấm vé số mà không lo làm ăn tích lũy....)

* Đánh giá - mở rộng

  • Hai ý kiến trên bổ sung cho nhau, có ý nghĩa hướng con người vươn tới lối sống đẹp, sống có ý nghĩa.
  • Phê phán những người không dám ước mơ và những kẻ mơ ước quá xa rời thực tế
  • Thời đại hôm nay mở ra nhiều cơ hội cho tuổi trẻ. Sống phải có khát vọng và biết cách giữ niềm tin ở bản thân để có thể vươn tới bao mục tiêu chờ ta chinh phục.

Kết thúc vấn đề:

* Bài học nhận thức và hành động

  • Phải biết kết hợp ước mơ và thực tại, ước mơ phải bắt nguồn từ cuộc sống, phải có ước mơ, có những khao khát mãnh liệt, cháy bỏng nhưng đừng mơ ước hão huyền.
  • Phải vạch ra những kế hoạch để biến ước mơ thành hành động.
  • Phải trau dồi tri thức, phải rèn luyện ý chí, kĩ năng sống, rèn đức luyện tài để có khả năng biến ước mơ thành hiện thực.

Câu 3: (1,5 điểm)

A. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết cách cảm nhận một chi tiết, hình ảnh đặc sắc trong tác phẩm văn học.
  • Văn viết mạch lạc, trong sáng, giàu hình ảnh, có cảm xúc.
  • Hạn chế các lỗi diễn đạt.

B. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách, miễn sao hợp lí và thuyết phục.

Nội dung cần đạt:

  • Giọt nước mắt của A Phủ được khắc họa: "... hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại".
  • Ý nghĩa:
    • Là tột đỉnh của nỗi đau (thể xác và tinh thần) mà người dân nghèo phải gánh chịu dưới ách thống trị bạo tàn của bọn địa chủ phong kiến miền núi. Là khát vọng sống mãnh liệt nhưng A Phủ đã ý thức được rằng mình không còn cơ hội để sống nữa.
    • Đánh thức nỗi đau đớn khổ sở mà trước đây Mị đã trải qua, đã chịu đựng, gợi nhắc cho Mị nhớ lại có đến hàng tháng trời đêm nào Mị cũng khóc, biến một cô Mị chỉ mấy ngày trước thấy A Phủ bị trói đứng vẫn "thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay" thành một cô Mị phải suy nghĩ : "người kia việc gì phải chết ...?"
    • Là sự hoàn thiện quá trình thức tỉnh của Mị, đánh thức sự đồng cảm về thân phận trong Mị để cô đi đến hành động táo bạo: cắt đứt dây trói cứu A Phủ và giải thoát chính mình. Giọt nước mắt của A Phủ làm tăng giá trị hiện thực và nhân đạo cho tác phẩm.

Câu 4: (4,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết cách làm bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
  • Bố cục rõ ràng, sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận
  • Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

b. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

Đặt vấn đề:

  • Kim Lân là cây bút chuyên viết về nông thôn và đời sống của người nông dân, những trang viết của ông chân thật, xúc động về cuộc sống và số phận của những người dân quê.
  • Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân viết về hiện thực nạn đói năm 1945, đồng thời thể hiện khát vọng, niềm tin bất diệt của người lao động.
  • Trích dẫn nhận định.

Giải quyết vấn đề:

* Cái đói hành hạ tất cả mọi người, nó vừa cay đắng vừa đau đớn

  • Kim Lân đã xây dựng thành công bức tranh của xóm ngụ cư ngày đói vừa cay đắng lại vừa đau đớn:
    • Hình ảnh con người: Người chết như ngả rạ, người sống bồng bế dắt díu nhau xanh xám như những bóng ma nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Đám trẻ con buồn ủ rũ, người vợ nhặt rách rưới tả tơi như tổ đỉa, anh cu Tràng dáng vẻ mệt mỏi đăm chiêu, bà cụ Tứ thì bủng beo u ám...
    • Không gian xóm ngụ cư: là một gam màu tối, xác xơ, heo hút và ảm đảm. Hai bên dãy phố úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, không khí vẩn mùi ẩm thối của rác và mùi gây của xác người.
    • Âm thanh: tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết và tiếng hờ khóc vẳng đến từ những nhà có người chết đói.
  • Cái đói cái nghèo đã hành hạ con người:
    • Cái đói biến anh Tràng trở nên thô kệch, ủ rũ, ngang tàng.
    • Nó khiến Thị trở thành người đàn bà chao chát chỏng lỏn, kém duyên "ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng trò chuyện gì" và theo không Tràng về.
    • Nó khiến bà cụ Tứ xuất hiện với dáng vẻ tảo tần, lọng khọng, húng hắng ho.

* Sức sống đơn sơ của tâm hồn - một tia sáng về đạo đức, danh dự

  • Trên nền của hiện thực tăm tối ấy, Kim Lân đã phát hiện và trân trọng phẩm giá con người, ngòi bút nhân đạo của nhà văn đã cho thấy sức sống đơn sơ nhưng vô cùng mãnh liệt trong tâm hồn người lao động
    • Tràng dắt Thị về trong ngày đói, trước cặp mắt tò mò của người dân xóm ngụ cư – đó là sự cưu mang, đùm bọc che chở của anh đối với những người cùng cảnh ngộ và những số phận bất hạnh. Điều đó đã thổi một làn gió mát vào xóm ngụ cư, khiến những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng nhiên rạng rỡ hẳn lên.
    • Tràng đã thay đổi rất nhiều từ cách ăn nói đến suy nghĩ: hắn thấy hắn nên người, thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này, hắn muốn làm một việc gì để tu sửa lại căn nhà.
    • Thị - nhờ cảm nhận được tình người của Tràng và bà cụ Tứ mà đã trở thành "người đàn bà hiền hậu đúng mực": biết ngượng nghịu trên đường về với Tràng, nói lí nhí nhỏ nhẹ với mẹ chồng, dậy sớm dọn dẹp như một nàng dâu mới và đặc biệt là hành động "điềm nhiên và vào miệng" cái món chè khoán đắng chát và nghẹn bứ trong cổ họng.
    • Bà cụ Tứ - trước cảnh con mình có vợ thì rạng rỡ hẳn lên. Người mẹ nông dân nghèo thương con thương dâu ấy có tấm lòng thơm thảo, không bi lụy mà lạc quan qua câu chuyện vui, chuyện sung sướng về sau trong bữa cơm ngày đói.
    • Kết thúc tác phẩm là hình ảnh đoàn người đi trên đê Sộp, phía trước có lá cờ đỏ to lắm.
  • Đói nghèo đã cướp đi sự duyên dáng của người lao động, nhưng tình người, niềm tin vào cuộc sống đã làm cho họ đẹp hơn nhờ nhân phẩm và đạo đức của mình. Rõ ràng là ngay trên bờ vực của đói nghèo và cái chết, người lao động vẫn vui sống, vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai.

* Nghệ thuật:

  • Xây dựng tình huống truyện độc đáo
  • Cách kể chuyện sinh động, hấp dẫn
  • Phân tích nội tâm nhân vật sâu sắc

Kết thúc vấn đề:

Đánh giá chung: Từ giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm, nhà văn đã thể hiện được quan điểm, tư tưởng của mình về số phận và khát vọng của người nông dân Việt Nam.

Đánh giá bài viết
3 6.283
Sắp xếp theo

    Luyện thi đại học khối A

    Xem thêm