Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Hải Phòng

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Hải Phòng. Đề thi gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn với thời gian làm bài là 120 phút. Và để giúp các bạn học sinh tự đánh giá được chất lượng bài làm của chính mình VnDoc đã cập nhật đầy đủ và chính xác đáp án. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 3)

UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KÌ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu:

"Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.

Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi, ... Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.

Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân,sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.

Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.

Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài.

Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.

Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va".

(Theo Nguyễn Khắc Viện; Dẫn theo SGK Ngữ văn 11 nâng cao - tập II, NXB Giáo dục - 2007)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ văn bản (0,5 điểm)

Câu 2. Cho biết văn bản trên bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Trong văn bản tác giả dùng hình ảnh "kim chỉ nam" để chỉ điều gì? Ý nghĩa của hình ảnh? (1,0 điểm)

Câu 4. Trong khoảng từ 5 đến 7 dòng, hãy nhận xét về ý kiến: "Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào". (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: "Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận" mà tác giả Nguyễn Khắc Viện đã phát biểu trong văn bản ở phần đọc hiểu trên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ sau:

"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng ngừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..."

(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, tập I, trang 114 - NXB GD năm 2008).

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Văn

I. Đọc hiểu

1. Phong cách ngôn ngữ: chính luận

2. Văn bản bàn về vấn đề "Thanh niên và số phận" hoặc "Thanh niên và số phận trong xã hội xưa và nay"

3.

  • Trong văn bản, tác giả dùng hình ảnh "kim chỉ nam" để chỉ niềm tin và đạo lý.
  • Ý nghĩa của hình ảnh (ẩn dụ):
    • Khẳng định vai trò của niềm tin và đạo lý có tác dụng dẫn đường, chỉ lối đúng đắn
    • Cách nói có hình ảnh, tạo sức hấp dẫn

4. Học sinh có thể trình bày ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý; không đồng ý hoàn toàn và giải thích được vì sao. Sau đây chỉ là gợi ý các hướng trình bày:

  • Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn và khách quan vì: Thanh niên trong xã hội xưa phải tuân theo sự sắp đặt và hoàn toàn thụ động trong cuộc sống do sự quy định của lễ giáo và sự hạn chế của quan niệm số phận, định mệnh.
  • Ý kiến trên là chủ quan và có phần phiến diện vì: Tuy trong xã hội xưa còn chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan niệm giáo lý khắt khe nhưng không phải tất cả thanh niên trong xã hội xưa đều an phận, thụ động trong cuộc sống.
  • Kết hợp cả hai ý kiến trên.

II. Làm văn

Câu 1

1. Về hình thức:

  • Đúng hình thức, bố cục 1 đoạn văn
  • Đáp ứng yêu cầu về dung lượng khoảng 200 chữ
  • Xác định được vấn đề nghị luận
  • Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Về nội dung: Trên cơ sở đọc hiểu nội dung đoạn văn ở phần Đọc hiểu, học sinh có thể trình bày, sắp xếp theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính sau:

2.1 Giải thích: Ý nghĩa của ý kiến và từ đó nêu luận đề của đoạn văn:

  • Ba câu hỏi ám ảnh là ba câu hỏi trăn trở về tình yêu, nghề nghiệp, lối sống luôn lởn vởn, thường trực trong trí óc, khiến phải suy nghĩ, không yên tâm
  • Không thể quy cho số phận: không thể đổ lỗi cho số phận, định mệnh.

=> Tình yêu có được hạnh phúc hay đau khổ; nghề nghiệp có được như ý, thành công hay thất bại; lối sống có thuận lợi may mắn hay bất hạnh, rủi ro... không phải do sự định trước của số phận theo một thuyết duy tâm nào đó mà do chính bản thân con người quyết định.

2.2 Bàn luận

* Quan điểm trên là đúng đắn, khách quan vì:

  • Cả 3 vấn đề: tình yêu, nghề nghiệp, lối sống đối với mỗi thanh niên trong xã hội ngày nay đều do bản thân mỗi người tự lựa chọn và có quyền được lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, năng lực, sở trường... của mình
  • Chính các yếu tố: năng lực, phẩm chất, tính cách, tâm hồn, ý chí, nghị lực...của mỗi người sẽ quyết định không nhỏ tới cuộc sống của chính họ (cho vd minh họa)

* Tuy nhiên cũng không loại bỏ yếu tố may rủi của khách quan đem lại trong cuộc sống của mỗi người (cho vd minh họa).

* Bài học liên hệ của bản thân

  • Luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh
  • Sống chân thành, có bản lĩnh, có ý chí, nghị lực; luôn lạc quan và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống

Câu 2

1. Về hình thức:

  • Đúng hình thức, bố cục 1 bài văn nghị luận
  • Đảm bảo đủ bố cục 3 phần: mở bài; thân bài, kết bài
  • Xác định đúng vấn đề và phạm vi nghị luận: Chất liệu văn hóa dân gian trong 9 dòng thơ đầu đoạn trích Đất Nước (Trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).
  • Lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc quá 03 lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Về nội dung: Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng đảm bảo các ý cơ bản sau:

2.1 Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nêu luận đề

  • Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén thể hiện tâm tư người trí thức.
  • Trường ca Mặt đường khát vọng được sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị miền Nam vùng tạm chiếm về non sông đất nước và ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Đoạn trích thể hiện một cách cảm nhận mới mẻ về Đất Nước, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng nhuần nhị, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian tao sức hấp dẫn cho đoạn thơ nói riêng và tác phẩm nói chung.

2.2 Giải thích: Chất liệu văn hóa dân gian trong một tác phẩm văn học là việc sử dụng mang tính sáng tạo nghệ thuật các yếu tố của văn hóa dân gian như: Văn học dân gian; phong tục tập quán dân gian; truyền thống tốt đẹp của dân gian.

2.3 Phân tích biểu hiện của chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng trong đoạn trích

  • Sử dụng những chi tiết, hình ảnh, nhân vật, từ ngữ... quen thuộc ở các thể loại văn học dân gian (cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, ca dao dân ca, tục ngữ, thành ngữ...) tạo thành hệ thống chất liệu quen mà lạ, giàu ý nghĩa
  • Gợi lại những phong tục, tập quán, sinh hoạt của người bình dân xưa (tục ăn trầu, búi tóc, đặt tên...), nhắc đến sự hình thành, phát triển nền văn minh nông nghiệp... để khắc sâu cội nguồn văn hóa, văn hiến dân tôc.
  • Cảm hứng về lối sống ân nghĩa, thủy chung; truyền thống lao động; truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc...

2.4 Đánh giá – nhận xét

  • Việc vận dụng đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, xây dựng hình tượng Đất Nước vừa bình dị, gần gũi, hiện thực lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, lãng mạn.
  • Cách vận dụng của tác giả rất sáng tạo, linh hoạt: khi chỉ gợi ra bằng một vài chữ của câu ca dao, khi sử dụng một hình ảnh, một chi tiết trong truyền thuyết, cổ tích...
  • Dùng hình thức của nhân dân để thể hiện tư tưởng Đất Nước của nhân dân, không chỉ dừng ở lí trí mà thấm nhuần trong cảm xúc là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, tạo sức hấp dẫn cho thi phẩm.

2.5 Vận dụng - sáng tạo

  • Có những so sánh, mở rộng liên hệ sáng tạo
  • Cách tổ chức lập luận, trình bày hệ thống luận điểm và diễn đạt sáng tạo
Đánh giá bài viết
1 17.500
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm