Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 3)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Trước khi đến với kỳ thi THPT các bạn học sinh luôn mong muốn làm quen với dạng đề, rèn luyện và nâng cao trình độ của mình. Biết được mong muốn trên, VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu đến các bạn: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 3). Hi vọng đề thi sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Thuận Thành số 2, Bắc Ninh (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Krông Ana, Đăk Lăk

Mời làm: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 3) Online

SỞ GD & ĐT BẮC GIANG
TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN
ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA LẦN 3
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: NGỮ VĂN 12
Thời gian làm bài: 120 phút
(không kể thời gian phát đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lí (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào muốn tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho bết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, "vào học rồi mới biết mình không hợp"; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau... Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.

Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang nặng tính thực dụng: Ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành phố hay không?

Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của người thân, theo sự rủ rê của bạn bè... mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để đăng kí thi đại học mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sinh.

Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu "nước đến chân mới nhảy". Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi vậy...có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ, thậm chí có người đã nộp 9 - 13 bộ để "chống trượt".

Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.

Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề mới... Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề).

(Trích 3/4 sinh viên chọn nhầm ngành học - Nhã Anh, theo http://www.petrotimes.vn)

Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Những con số đưa ra ở phần đầu đoạn trích cho thấy điều gì?

Câu 3. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm: "Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc" không? Vì sao?

Câu 4. Anh/Chị hãy rút ra cho mình 02 bài học trong việc lựa chọn ngành học hoặc công việc trong tương lai.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được nêu ra.

Câu 2 (5,0 điểm)

Nhà văn Kim Lân từng chia sẻ: "Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói, người ta cảm thấy khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi có ý định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, họ vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người"

(Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Hà Nội, 1990)

Bằng những hiểu biết của em về nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, hãy làm sáng tỏ nhận định trên

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Phần đọc hiểu

Câu 1 Nội dung chính của đoạn trích: phản ánh thực trạng sinh viên chọn nhầm ngành học, nguyên nhân và những tác hại của tình trạng đó.

Câu 2. Những con số được nêu ra ở phần đầu của đoạn trích cho thấy "có rất nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn", tỉ lệ sinh viên chọn nhầm ngành học là rất lớn.

Câu 3. Quan điểm "Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc" nêu lên tác hại của việc chọn sai nghề, nhầm ngành của sinh viên. Học sinh có thể đồng tình hoặc phản đối, (hoặc vừa đồng tình vừ phản đối) quan điểm này.

  • Nếu đồng tình, có thể lập luận theo hướng: Chọn sai nghề, nhầm ngành có nghĩ là ngưới học đã không chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng và sở thích của mình, do đó, khi làm nghề sẽ không phát huy được năng lực, không có nhiệt tình làm việc, thiếu tự tinn, khó đáp ứng được yêu cầu của công việc, khó vươn lên đỉnh cao trong nghề, giảm năng suất và hiệu quả lao động.
  • Nếu phản đối, có thể lập luận theo hướng: Học sinh phổ thông trung học chưa có nhiều kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết xã hội còn hạn chế, chưa được tư vấn nhiều về chọn nghề, vì thế rất dễ chọn sai nghề/nhầm ngành. Chỉ khi biết mình chọn sai nghề/nhầm ngành, người học mới nhận ra đâu là năng lực, sở trường, sở thích thật sự của mình, do đó sẽ tìm được một ngành/nghề khác phù hợp hơn; từ việc biết mình chọn sai nghề/nhầm ngành, người học sẽ biết rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích trong việc chọn ngành nghề; hơn nữa, cuộc sống và xã hội luôn thay đổi, một người có thể sẽ phải thay đồi nhiều lần ngành nghề cho phù hợp hơn với sự phát triển của bản thân và xã hội.
  • Học sinh cũng có thể lập luận theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí.
  • Nếu học sinh vừa đồng tình vừa phản đối thì cũng có thể kết hợp cả hai hướng lập luận trên hoặc theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với đạo đức và pháp luật

Câu 4 Học sinh rút ra được cho mình 02 bài học trong việc lựa chọn ngành học hoặc công việc cho tương lai. Có thể tham khảo các hướng trả lời sau:

  • Phải hiểu rõ bản thân mình, phải biết mình là ai, tức là phải xác định được đúng năng lực, sở trường, sở thích của bản thân, phải biết được mình đam mê, mơ ước gì.
  • Phải sớm chú ý đến việc tư vấn hướng nghiệp, không chờ đến lúc đăng kí thi Đại học mới chọn ngành/nghề. Ngoài nhờ những chuyên gia tư vấn có thể tham khảo ý kiến của những người đi trước: thầy cô, cha mẹ, các anh chị sinh viên....
  • Quan tâm đến đời sống xã hội, nắm bắt kịp thời những vấn đề kinh tế chính trị, việc làm, xu thế ngành/nghề trong thực tế. Ngoài việc học ở trường nên tìm kiếm hoặc tận dụng những cơ hội để trải nghiệm cuộc sống ở nhiều ngành/nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau
  • Tìm hiểu kĩ càng về đặc điểm, yêu cầu của ngành/nghề mình định lựa chọn trong tương lai.

Phần làm văn

Câu 1

* Học sinh phải viết đoạn văn khoảng 200 chữ, có thể triển khai đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp hoặc tổng - phân - hợp, sử dụng một trong các thao tác lập luận hoặc kết hợp các thao tác đó; hành văn lưu loát, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

* Học sinh cần nắm rõ nội dung của đoạn trích ở phần đọc hiểu (phản ánh thực trạng sinh viên chọn nhầm ngành học, nguyên nhân và những tác hại của tình trạng đó). Từ đó mà xác định được vấn đề nêu ra trong đoạn trích là: Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT - Nên hay không nên?

Học sinh có thể trả lời các câu hỏi sau để lập ý cho đoạn văn:

  • Thế nào là định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT?
  • Thực trạng của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT ở Việt nam hiện nay?
  • Có nên định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông hay không?
    • Nếu có thì mục đích của việc làm đó là gì? Làm thế nào để việc định hướng ấy thật hiệu quả?
    • Nếu không thì vì sao?

Câu 2

a. Yêu cầu chung

  • Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học, kiểu bài phân tích một nhân vật có định hướng (làm sáng tỏ một nhận định)
  • Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
  • Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, hình ảnh, không mắc lỗi diễn đạt.

b. Yêu cầu cụ thể

Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần thể hiện được một số nội dung sau:

* Giới thiệu nội dung bài viết:

  • Kim Lân là cây bút truyện ngắn được mệnh danh là nhà văn của nông dân. Ông thường viết về cuộc sống của người nông dân ỏ thôn quê với ngòi bút chân thực, giản dị mà không kém phần tinh tế, thể hiện tấm lòng yêu mến trân trọng và sự am hiểu sâu sắc cảnh ngộ cũng như tâm lí của họ
  • Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân nằm trong tập truyện ngắn Con chó xấu xí (1962). Bối cảnh của truyện là nạn đói khủng khiếp năm 1945. Về ý tưởng viết tác phẩm này, nhà văn Kim Lân đã từng chia sẻ: (Trích dẫn ý kiến). Qua nhân vật bà cụ Tứ, người đọc sẽ hiểu sâu sắc hơn ý tưởng này của nhà văn.

* Triển khai bài viết

Giải thích nhận định (làm rõ ý đồ của nhà văn khi sáng tạo tác phẩm):

  • Vợ nhặt nằm trong số những truyện ngắn mà Kim Lân muốn viết về nạn đói 1945. Cũng như các nhà văn khác khi viết về nạn đói và cũng là tâm lí của nhiều người khi nghĩ về cái đói: khi đói, người ta cảm thấy khổ cực và chỉ muốn chết. Là nhà văn hiện thực, hơn ai hết, Kim Lân thấu hiểu điều đó. Vì thế, tác phẩm của ông trước hết là bức tranh chân thực về thảm cảnh đói khát mà người dân Việt Nam đã phải oằn mình gánh chịu. Cái đói đã phủ bóng đen lên cuộc sống con người, đẩy con người vào hoàn cảnh cùng quẫn, bi thảm, con người trở nên bèo bọt, mất hết giá trị, có thể nhặt được như rơm rác
  • Nhưng không dừng ở việc mô tả hoàn cảnh và tác động tiêu cực của nó đến con người, Kim Lân muốn chứng minh điều ngược lại: chính lúc bị dồn vào tình huống bi thảm, kề bên cái chết vì đói khát cùng cực là lúc họ chỉ nghĩ đến con đường sống, họ vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người.
  • Chính ý tưởng này đã đem đến cho Vợ nhặt của Kim Lân một giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu và niềm tin của nhà văn vào những người nông dân chất phác, vào con người nói chung. Nó làm cho câu chuyện nhặt vợ trớ trêu bi hài của một anh chàng dân quê trong cơn đói khát trở thành bài ca về tình người đẹp đẽ, nhân hậu, về sức sống mãnh liệt và niềm khát khao hạnh phúc, hi vọng vào tương lai như ngọn lửa không bao gìờ tắt trong tâm hốn những người dân lao động.

Làm sáng tỏ nhận định qua nhân vật bà cụ Tứ

  • Giới thiệu khái quát về bà cụ Tứ
    • Bà mẹ nông dân nghèo sống ở xóm ngụ cư, gia cảnh nghèo khó, neo bấn: nhà chỉ có hai mẹ con sống trong căn nhà dúm dó xiêu vẹo trên mảnh vườn lổn nhổn cỏ dại.
    • Anh con trai xấu xí ngộc nghệch, phải kiếm sống bằng công việ nặng nhọc là kéo xe bò thuê, đã khá tuổi mà chưa có vợ. Gia cảnh ấy ngày thường đã bữa đòi bữa no, vậy mà giữ cơn đói khát cùng quẫn, anh Tràng, con trai cụ lại nhặt về một người vợ.
  • Phác họa bức tranh đói khát ở xóm ngụ cư qua ngòi bút Kim Lân và tình huống anh tràng có vợ
    • Dẫn chứng: Cái đói tràn đến làm thay đổi bộ mặt xóm làng: Trẻ con thường ngày nghịch ngợm, hiếu động thường hay vui đù với Tràng, bây giờ ngồi ủ rũ không buồn nhúc nhích. Hình ảnh những gia đình từ Thài Bình, Nam Định lũ lượt đội chiếu, bồng bế dắt díu nhau như những bóng ma..., người chết như ngả rạ, sáng nào người trong làng cũng gặp vài ba cái thây năm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người... Dưới những gốc đa, gốc gạo, bóng những người đói dật dờ, lặng lẽ như những bóng ma.., tiếng quạ ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết Cái đói đã phủ lên khắp xóm làng một không khí ảm đạm thê lương rùng rợn chưa từng có, Trong hoàn cảnh ấy người ta chỉ nghĩ đến cách làm sao cầm cự sống được cho qua ngày. Ấy vậy mà một buổi chiều bà cụ Tứ trở về nhà thì anh Tràng, con trai bà đã nghiễm nhiên có vợ từ khi nào. Tràng đã nhặt được vợ nhờ mấy câu đùa tầm phào và bốn bát bánh đúc.
  • Làm rõ diễn biến tâm trạng bà cụ tứ trước sự việc anh con trai có vợ: (Bám vào KTCB làm rõ tâm trạng bà cụ Tứ từ phấp phỏng -> ngạc nhiên mỗi lúc mỗi tăng - > hiểu ra..)
    • Phân tích kĩ tâm trạng cụ Tứ khi hiểu ra:
      • Hiểu ra tức là cụ Tứ hiểu người đàn bà đang ngồi trong giường anh con trai kia là vợ Tràng, anh Tràng đã có vợ. Bà cụ cúi đầu nín lặng. Cùng một lúc cụ cũng hiểu ra bao nhiêu cơ sự. Cụ ai oán xót thương cho số kiếp đứa con. Người ta dựng vợ gả chồng là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn con cụ thì phải chờ đến lúc đói khát này, người ta có gặp bước khó khăn người ta mới lấy đến, con mình mới có được vợ -> Cụ Tứ hiểu cái nghịch cảnh trớ trêu của gia đình mình.
      • Cụ áy náy vì làm mẹ mà chưa làm tròn bổn phận của mình, chưa lo được việc dựng vợ gả chồng cho con.
      • Rồi cụ nghĩ đến ông lão, đến cái cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình để không khỏi lo lắng buồn tủi: chúng nó lấy nhau lúc này liệu cuộc đời có hơn bố mẹ trước kia không? Đã hơn một lần cụ Tứ khóc trong cái buổi chiều muộn đón nàng dâu.
      • Nhưng không chỉ có vậy, từ trong cái nghịch cảnh bi thảm của hoàn cảnh, cụ Tứ vẫn thấy lóe lên niềm hi vọng mong manh: May mà qua được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, yên bề gia thất. Còn cụ, ông giờ có bắt chết thì cũng đã được yên lòng
      • Lòng bà mẹ ngổn ngang trăm mối, bao nhiêu nỗi niềm tâm sự đan xen, nhưng bao trùm lên tất cả là tình thương yêu sâu sắc.
      • Vì thế mà trong buổi đón nàng dâu mới, dù quá bất ngờ vì sự việc đã rồi trong hoàn cảnh éo le, cụ Tứ vẫn dành cho người vợ nhặt những lời nói nhẹ nhàng, những cử chỉ ân cần và một thái độ sẻ chia chân thành nhất (Chọn dẫn chứng). Trong hoàn cảnh đói khát cùng cực, cụ không coi người con dâu mới là cái của nợ đời, một cái miệng ăn thêm vào làm tăng thêm gánh nặng cuộc sống. Cụ cũng không hắt hủi, coi thường người dâu mới như định kiến xã hội đương thời với những người đàn bà theo không, ngược lại, cụ thương xót và còn tỏ ra trân trọng nàng dâu này (phân tích câu nói của cụ Tứ: Kể có làm được dăm ba mâm thì phải đấy).
      • Từ tình yêu thương các con và chút hy vọng mong manh lóe lên từ nghịch cảnh mà cụ Tứ đã gác mọi lo âu phiền muộn lại để mà vui. Cụ đổi buồn thành vui, cố vui để động viên con cái: Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.
    • Phân tích kĩ niềm vui mà nhân vật bà cụ Tứ thể hiện vào sáng hôm sau (dựa vào KTCB làm rõ niềm vui thể hiện trong nét mặt, trong cử chỉ việc làm, trong lời ăn tiếng nói của bà cụ Tứ)

* Đánh giá: Trong tình huống đói khát bi thảm, dù kề bên cái chết, bà cụ Tứ vẫn giữ được tình người cao đẹp, vẫn khao khát hướng về hạnh phúc, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người, đúng như ý tưởng của Kim Lân khi dự định viết tác phẩm này.

* Vài nét về nghệ thuật khắc họa nhân vật

(Dựa vào KTCB làm rõ thành công của Kim Lân trong việc xây dựng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm: VD: Đặt nhân vật trong tình huống độc đáo, éo le, làm nổi rõ mối quan hệ hai chiều giữa hoàn cảnh và tính cách; phác họa qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động; đăc biệt qua diễn biến tâm lí khá phứ tạp của nhân vật.)

C. Kết luận.

Khái quát lại nội dung vấn đề: Nhân vật bà cụ Tứ cùng vơi các nhân vật khác trong tác phẩm đã thể hiện sinh động ý tưởng khi hình thành tác phẩm của nhà văn (trích dẫn lại nhận định)

Với tình huống truyện độc đáo, đắc biệt là sự chuyển biến tâm lí của các nhân vật theo chiều hướng tích cực, hướng mạnh về phía sự sống, hạnh phúc, tương lai, Vợ nhặt thấm đượm một tinh thần nhân đạo và nhân văn sâu sắc, khơi dậy ở người đọc những cảm hứng thẩm mĩ tích cực.

Đánh giá bài viết
4 24.234
Sắp xếp theo

    Môn Văn khối D

    Xem thêm