Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT số 3 An Nhơn, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT số 3 An Nhơn, Bình Định. Việc ôn tập qua từng đề để các bạn nắm vững thêm kiến thức đã được học, trao dồi kĩ năng làm bài và biết cách sắp xếp thời gian hiệu quả trong quá trình thi. Chúc các bạn đạt kết quả cao trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới!

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đăk Lăk (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Kiên Giang

SỞ GD VÀ ĐT BÌNH ĐỊNH
Trường THPT Số 3 An Nhơn
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

"Con mèo nằm thản nhiên
trong mảnh thảm nhung góc nhà
Nó bị xích như xích chó
Thức ăn được phục vụ tại chỗ

Thấy chuột, tôi thả con mèo ra
Mèo nhìn chuột dửng dưng, lạnh lùng
Rồi lại nằm khoèo trên mảnh thảm nhung,
gối đầu lên cái xích...

(Con mèo, Trần Thuận Minh, Cửa Lục, 2/1999)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên.

Câu 2. Các từ "dửng dưng, lạnh lùng, nằm khoèo" thể hiện điều gì?

Câu 3. Xác định nghĩa tường minh và nghĩa hàm ý trong bài thơ?

Câu 4. Đoạn trích trên gửi tới anh/chị thông điệp gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Có ý kiến cho rằng: Bài thơ Con mèo của Trần Thuận Minh đã lên tiếng cảnh báo về một thế hệ thích sống hưởng thụ, ỷ lại, thụ động. Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (5,0 điểm)

Về người đàn bà trong truện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có người nhận thấy chị là nạn nhân của bạo hành gia đình, nhưng có người lại khẳng định chị là chủ nhân tích cực bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Suy nghĩ của anh/chị về hai ý kiến nêu trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

A, Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết bài nghị luận văn học. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Chấm riêng từng ý, sau đó xem xét tương quan giữa các ý để cho điểm toàn bài. Làm tròn đến 0,25 điểm

B. Yêu cầu cụ thể:

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự

  • Điểm 0,50: Trả lời đúng câu hỏi
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 2. Các từ "dửng dưng, lạnh lùng, nằm khoèo" thể hiện thái độ không quan tâm, không cần biết của con mèo đối với loại thức ăn tự nhiên (chuột) mà chúng yêu thích nhất. Thấy chuột mà "dửng dưng, lạnh lùng,nằm khoèo" là trái với bản năng động vật của chúng. Việc nhà văn miêu tả như vậy sẽ gợi trí tò mò của độc giả để độc giả đi tìm lí do cho thái độ "dửng dưng, lạnh lùng, nằm khoèo" đó của con mèo.

  • Điểm 0,75: Xác định được biện pháp tu từ nêu hiệu quả nghệ thuật
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng nửa số ý trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1/3 số ý trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Xác định nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong bài thơ:

  • Nghĩa tường minh: Bài thơ là hình ảnh con mèo được nuôi đầy đủ vật chất nên lâu ngày đánh mất bản năng sinh tồn của động vật, nhìn thấy chuột cũng không muốn bắt.

Nghĩa hàm ẩn: con mèo bị xích - bị phụ thuộc, thức ăn được phục vụ - sống ý lại, hưởng thụ, thấy chuột dửng dưng không bắt - đánh mất bản năng.

=> Hình tượng con mèo là ẩn dụ cho lối sống hưởng thụ, ỷ lại, thụ động của con người.

  • Điểm 0,75: nêu được ý nghĩa của hai hình ảnh và ý nghĩa của ý kiến.
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng nửa số ý trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1/3 số ý trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Đoạn trích trên gửi tới thông điệp: con người hãy chọn cho mình một lối sống tích cực:

* Sống biết cống hiến, tự vận động để sinh tồn và luôn chủ động trước mọi tình huống diễn ra trong cuộc đời.

* Sống là phải biết đấu tranh để hướng tới cuộc sống tự do, ý nghĩa.

  • Điểm 1,0: nêu được ý nghĩa của hai hình ảnh và ý nghĩa của ý kiến.
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng nửa số ý trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1/3 số ý trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để viết đoạn văn. Đoạn văn phải đảm bảo bố cục rõ ràng; dung lượng phù hợp; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

A, Đảm bảo yêu cầu đoạn văn nghị luận

  • Điểm 0,25: Đoạn văn có câu chủ đề nêu được vấn đề, được viết theo một phương pháp nhất định: diễn dịch, quy nạp hoặc tổng - phân - hợp
  • Điểm 0: Không đảm bảo yêu cầu của đoạn văn, viết thành nhiều đoạn nhỏ và dung lượng không

B, Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò, ý nghĩa của tình yêu trong cuộc sống

  • Điểm 0,25: nêu đúng câu chủ đề "Bài thơ Con mèo của Trần Thuận Minh đã lên tiếng cảnh báo về một thế hệ thích sống hưởng thụ, ỷ lại, thụ động".
  • Điểm 0: xác định không đúng hoặc không làm bài.

C, Nội dung (1,00): Triển khai câu chủ đề thành nhiều ý nhỏ để nhấn mạnh hiện tượng đang diễn ra, đặc biệt là ở thế hệ trẻ: thích sống hưởng thụ, ỷ lại, thụ động. Các ý cần được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó có thao tác giải thíchu phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể lựa chọn trình bày trong đoạn văn một trong những nội dung sau:

1. Giải thích một số khái niệm: hưởng thụ (hưởng của xã hội, trong mối quan hệ với cống hiến); ỷ lại (dựa vào công sức của người khác một cách quá đáng, tự bản thân không chịu cố gắng); thụ động (ở trạng thái chỉ chịu sự chi phối, tác động từ bên ngoài mà không có phản ứng tích cực nào trở lại) để hiểu thêm về lời cảnh báo.

2. Đây là hiện tượng đang tồn tại khá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam, tạo nên lối sống thiếu tích cực, trái nghịch với lối sống cống hiến, chủ động trước mọi hoàn cảnh.

3. Bài học nhận thức và hành động: Mỗi cá nhân cần nhận thức đúng đắn và xây dựng cho bản thân một lối sống tích cực.

Biểu điểm chung

  • Điểm 1,00: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh, cảm xúc.
  • Điểm 0,75: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn một số đoạn chưa lưu loát.
  • Điểm 0,25 - 0,5: Trình bày được 1/3 các ý trên, diễn đạt còn lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.
  • Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

D, Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Không lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • - Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

A, Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5đ)

  • Trình bày đủ 3 phần mở - thân - kết bài. MB dẫn dắt hợp lý, nêu được vấn đề; TB biết tổ chức thành nhiều đoạn văn, có liên kết chặt chẽ; Kb khái quát được ấn tượng, cảm xúc của cá nhân.
  • Trình bày được đầy đủ 3 phần nhưng chưa thực hiện được các yêu cầu trên, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn. (0,0).

B, Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5): Hai ý kiến bàn về người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu: chị là nạn nhân của bạo hành gia đình và chị là chủ nhân tích cực bảo vệ hạnh phúc gia đình.
đoạn thơ của phần cuối phần thơ Cảm nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

C, Nội dung (3,00 điểm)

Chia vấn đề thành các luận điểm phù hợp, các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó có thao tác phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo hướng sau:

1. Mở bài: Nêu được vấn đề nghị luận (giới thiệu tác giả, tác phẩm và dẫn ý kiến trong đề bài)

2. Thân bài

* Giới thiệu chung về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu:

  • In trong tập Bến quê (1985), sau đó được đưa vào và làm tên cho một tuyển tập gồm 15 truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1987
  • Truyện được kể qua lời nhiếp ảnh Phùng trong dịp trở lại chiến trường xưa để chụp một bức ảnh về biển theo yêu cầu của trưởng phòng. Tại đây anh đã chụp được bức ảnh "đắt trời cho" về cảnh một chiếc thuyền từ ngoài xa tiến vào bờ. Nhưng đằng sau chiếc thuyền đẹp như mơ ấy lại là cảnh người đàn ông vũ phu, thô bạo đánh người đàn bà những trận đòn thù.
  • Sự xuất hiện của người đàn bà hiện qua ngoại hình, cuộc đời.

* Phân tích hai ý kiến

  • Người đàn bà là nạn nhân của bạo hành gia đình: bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ; khi bị đánh không kêu la, không chống trả, không bỏ chạy
  • Người đàn bà là chủ nhân tích cực bảo vệ hạnh phúc gia đình: luôn ý thức được thiên chức của người phụ nữ; hy sinh bản thân để đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình.

* Đánh giá, bình luận, mở rộng hai ý kiến:

  • Hai ý kiến không mâu thuẫn trái nghịch mà bổ sung cho nhau để khắc họa sâu sắc về nhân vật người đàn bà.
  • Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hy sinh.

3. Kết bài: Đánh giá chung vấn đề:

  • Xây dựng nhân vật đa diện, nhiều chiều với những phát hiện mang tính nhân văn sâu sắc.
  • Đem lại những phát hiện mới mẻ, sâu sắc của nhà văn về vẻ đẹp tâm hồn con người.

Biểu điểm chung

  • Điểm 2,5 - 3,0: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh, cảm xúc.
  • Điểm 1,75 - 2,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn một số đoạn chưa lưu loát.
  • Điểm 0,75 - 1,5: Trình bày được 1/2 các ý trên, diễn đạt còn lủng củng, diễn đạt còn một số đoạn chưa lưu loát.
  • Điểm 0, 25 - 0,5: Chỉ diễn đặt được vài ý, chữ viết cẩu thả, khó đọc.
  • Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

D, Sáng tạo (0,50)

  • Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (câu, từ ngữ, hình ảnh, biểu cảm...), văn viết giàu cảm xúc, có liên hệ so sánh, có quan điểm, thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng các thao tác lập luận...

E, Chính tả (0,50)

  • Điểm 0,25: không sai chính tả, dùng từ, đặt câu (hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể)
  • Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.
Đánh giá bài viết
1 17.317
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm