Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đăk Lăk (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đăk Lăk (Lần 2). Đề thi gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn trong thời gian làm bài là 120 phút. Phần đáp án đã được VnDoc cập nhật đầy đủ và chính xác để gửi tới các bạn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Ninh Bình

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY NGUYÊN
TRƯỜNG THPT TH CAO NGUYÊN
KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA 2017 - LẦN 2
Bài thi: VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới

Phải chăng ta lớn lên để học cách tự yêu lấy bản thân mình khi ta biết ngoài kia người ta sống với nhau không hẳn là không có điều kiện. Yêu lấy bản thân để không ai làm tổn thương nó, yêu lấy bản thân mình để trân trọng những cơ hội, những thử thách... Phải chăng lớn lên là để biết được cuộc sống đa chiều và không ai có thể là người hoàn hảo (...) Lớn rồi phải biết cách tha thứ và cảm thông. Không ai hoàn hảo nên ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng quan trọng hơn cả là họ biết sửa chữa những lỗi lầm của mình. Lớn rồi nên trái tim cũng lớn thêm ra, đủ bao dung và ấm áp cho tất cả mọi người.

Phải chăng lớn lên là để biết hoàn thiện bản thân mình hơn, không chỉ về tâm hồn mà còn là về hình dáng bên ngoài nữa. Một nhân viên tốt nếu có thêm ngoại hình ưa nhìn và phong cách chuyên nghiệp thì sẽ phục vụ tốt hơn cho công việc phải không nào?

Phải chăng lớn lên là để biết đôi khi con người ta nên học cách chấp nhận những thất bại, có những cố gắng hết mình nhưng chẳng đi đến đâu hoặc là kết quả không như ý muốn. Đừng buồn vì cuộc sống thử thách quá khắc nghiệt với mình, mọi sự trên đời xảy ra đều có lí do. Khi bản thân đầy đủ những vết tích của cuộc sống, tâm hồn bạn trở nên rắn rỏi và bình yên. Ngoảnh nhìn lại rồi bạn sẽ thấy khó khăn hôm qua nhào nặn nên con người bạn hôm nay: trưởng thành - mạnh mẽ - và bình yên trước bão táp của cuộc đời.

(Anthony Robbins, Đánh thức con người phi thường trong bạn, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2. Xác định và chỉ rõ tác dụng của phép tu từ cú pháp nổi bật nhất được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3. Theo tác giả, tại sao ta cần phải "học cách tự yêu lấy bản thân mình"?

Câu 4. Bài học cuộc sống nào trong đoạn trích có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Anthony Robbins được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "khó khăn hôm qua nhào nặn nên con người bạn hôm nay".

Câu 2. (5.0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: "Sống để được tôn kính, ngưỡng mộ, sống với chính bản thân mình quả là của là chuyện không dễ dàng, đơn giản. Khi phải sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại giữa Đế Thích và hồn Trương Ba chứng tỏ hồn Trương Ba đã ý thức được về tình cảm trớ trêu, đầy tính bi hài của mình. Đã đến lúc hồn Trương Ba đau đớn nhận ra rằng cần phải sống là mình toàn vẹn".

Anh/chị hãy phân tích cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với Đế Thích (trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ) để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

1. Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật

2.

  • Xác định và chỉ rõ tác dụng của phép tu từ cú pháp: phép lặp (Phải chăng ta lớn lên); phép điệp cấu trúc.
  • Biểu hiện: Cấu trúc câu "phải chăng lớn lên là để..." lặp lại nhiều lần trong đoạn. Tác dụng: nhấn mạnh sự trưởng thành trong nhận thức, ý thức của con người khi ta lớn lên. Tạo giọng điệu hấp dẫn, mang tính tranh biện và mạch văn rõ ràng

3. Theo tác giả, tại sao ta cần phải "học cách tự yêu lấy bản thân mình"?

Vì: Ngoài kia người ta sống với nhau không hẳn là không có điều kiện. Để không ai làm tổn thương mình. Để biết trân trọng những cơ hội và thử thách.

4. Bài học cuộc sống nào trong đoạn trích có ý nghĩa sâu sắc nhất:

HS trình bày bài học và lí giải ngắn gọn, hợp lí.

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn hoàn chỉnh: mở đoạn, phát triển đoạn và kết đoạn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Khẳng định ý nghĩa, vai trò của những khó khăn mà con người phải trải qua trong quá trình trưởng thành của bản thân.

c) Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ ngữ chính xác, diễn đạt trôi chảy, lập luận mạch lạc, thuyết phục.

d) Triển khai vấn đề:

  • Nêu vấn đề nghị luận:
  • Giải thích ý kiến
  • Giải thích các từ ngữ: Khó khăn, nhào nặn...
  • Khái quát nội dung nghị luận: Vai trò, ý nghĩa của những trở ngại, thách thức mà con người gặp phải trong hành trình" lớn lên" của bản thân.
  • Bàn luận:
    • Khẳng định khó khăn, trở ngại là điều không tránh khỏi trong cuộc đời mỗi người. Cách mà ta đối diện với khó khăn sẽ tạo nên hình ảnh con người mình ở hiện tại hoặc trong tương lai.
    • Khi biết trân trọng cả những thử thách, dù rất khắc nghiệt, con người mới có được sự trưởng thành, mạnh mẽ và bình yên trong cuộc đời.
    • Chỉ ra những hạn chế của thái độ thiếu tự tin, yếu đuối, hèn nhát; hoặc chủ quan, thiếu sự tỉnh táo trước khó khăn.
  • Nêu bài học về thái độ sống từ ý kiến trên.
  • Kết đoạn, chốt lại vấn đề nghị luận

Câu 2

1. Mở bài: giới thiệu Lưu Quang Vũ và vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

2. Thân bài:

  • Phân tích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích.
  • Ở cảnh kịch này, cuộc trò chuyện giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích trở thành nơi tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết.
  • Hai lời thoại sau đây của nhân vật Hồn Trương Ba có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!".
    • Những lời thoại ấy bộc lộ bi kịch của hồn Trương Ba khi phải sống trong tình cảnh trớ trêu.
    • Những lời thoại ấy cũng thể hiện những quan niệm nhân sinh tốt đẹp: Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đổ tội cho thân xác, thì không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô ý nghĩa.
  • Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật này đã tự ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình. Đã đến lúc Hồn Trương Ba thấm thía nỗi đau khổ vì nhận ra tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác. Những nhận xét, cách cư xử của người vợ, đứa cháu, chị con dâu khiến Hồn Trương Ba càng day dứt, thất vọng. Điều cần chú ý là lời giải thích, thanh minh của nhân vật Hồn Trương Ba đều thật yếu ớt, tội nghiệp bởi thực tế quá rõ ràng: từ khi phải mượn thân xác anh hàng thịt để sống, đâu còn ông Trương Ba chăm chỉ, đôn hậu, khéo léo như ngày trước.
  • Các lời thoại với Đế Thích vừa thể hiện nhận thức thấm thía về tình trạng bi hài kịch, vừa chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật Hồn Trương Ba.
  • Cuối cùng nhân vật Hồn Trương Ba quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại và mình được chết hẳn, chứ không nhập hồn và thân thể ai nữa.
    • Quyết định ấy là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí, sau khi Hồn Trương Ba đã tự ý thức cao độ về tình trạng bi hài trớ trêu của mình. Hơn nữa, quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa chết. Nó là đứa bé "ngoan lắm, khôn lắm" mà Hồn Trương Ba rất quý. Tình thế bắt buộc Hồn Trương Ba phải dứt khoát chọn ngay một cách giải quyết.
    • Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh hồn của mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ "bao nhiêu sự rắc rối" vô lí lại tiếp tục xảy ra (chú ý các lời thoại có tính phân tích của nhân vật Hồn Trương Ba với Đế Thích). Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến nhân vật đi đến quyết định dứt khoát.
    • Cái chết của cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch đi đến chỗ "mở nút". Dựng tả quá trình đi đến quyết định dứt khoát của nhân vật Hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đảm bảo được tính tự nhiên, hợp lí của tác phẩm.
    • Qua quyết định này, chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.
  • Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và miêu tả hành động nhân vật của tác giả qua đoạn trích có nhiều nét đặc sắc.
    • Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, thể hiện được sự phát triển của tình huống kịch.
    • Cùng với diễn tả những hành động bên ngoài (thể hiện mối quan hệ giữa các nhân vật) ở đây tác giả còn thành công khi diễn tả hành động bên trong phản ánh thế giới tinh thần căng thẳng, đặc biệt ở những lời độc thoại nội tâm của nhân vật Hồn Trương Ba.
    • Ngôn ngữ nhân vật sinh động, gắn liền với tình cảm, tâm trạng cụ thể.
    • Ngôn từ nhân vật có giọng điệu biến hóa, lôi cuốn. Đặc biệt, có những lời thoại của nhân vật Hồn Trương Ba với Đế Thích vừa hướng ngoại lại vừa mang tính chất hướng nội (độc thoại nội tâm).
Đánh giá bài viết
2 17.316
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm