Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn phòng GD&ĐT TP Bắc Giang năm 2016 - 2017

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn phòng GD&ĐT TP Bắc Giang năm 2016 - 2017 có đáp án được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Toán sở GD&ĐT Yên Lãng, Hải Phòng năm 2014 - 2015

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên quốc học Huế, Thừa Thiên Huế năm 2014 - 2015

PHÒNG GD& ĐT
TP. BẮC GIANG
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT
Năm học 2016 - 2017
Môn thi: Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 120 phút

Câu 1: (1.0 điểm) Cho đoạn thơ sau:

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi hai người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

a. Trong những câu thơ trên có một từ bị chép sai. Đó là từ nào? Hãy chép lại chính xác câu thơ đó.

b. Nếu được chép chính xác, đoạn thơ trên thuộc tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2: (1.0 điểm) Xác định nghĩa gốc nghĩa chuyển của từ "lá" trong các trường hợp sau:

a.

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh

(Hồ Ngọc Sơn, Gửi em dưới quê làng)

b. Công viên là lá phổi của thành phố.

(Sách Ngữ văn 9 tập 1, NXB Giáo dục)

Câu 3: (3.0 điểm) Viết 1 bài văn ngắn nêu suy nghĩ của em về tinh thần đoàn kết.

Câu 4: (5,0 điểm) Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang sáng.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Câu 1:

a. Từ chép sai là từ hai

Chép lại chính xác là: Anh với tôi đôi người xa lạ (0.5đ)

b. Những câu thơ trích trong tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu. (0.5đ)

Câu 2:

a. Từ lá trong câu a là nghĩa gốc (0.5đ)

b. Từ lá trong câu b là nghĩa chuyển (0.5đ)

Câu 3: Viết 1 bài văn ngắn nêu suy nghĩ của em về tinh thần đoàn kết

a. Về kỹ năng

  • Biết cách viết một bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý.
  • Văn phong trong sáng, lập luận chặt chẽ, bày tỏ được quan điểm, suy nghĩ của cá nhân.

b. Về nội dung

Thí sinh có thể viết bài theo nhiều cách, dưới đây là một số định hướng gợi ý chấm bài:

1. Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận (0,25đ)

2. Thân bài:

* Giải thích: Đoàn kết là kết thành 1 khối thống nhất cùng nhau hoạt động vì 1 mục đích chung. Đó là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể, nhất là những khi gặp hoạn nạn, khó khăn. (0,5đ)

* Bàn luận:

  • Đoàn kết là một nhân tố hết sức cần thiết để dẫn đến sự thành công. Xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực thì tinh thần đoàn kết lại càng phải được giữ vững và phát huy. Đoàn kết không chỉ mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp mà nó cũng đã trở thành sợi dây vô hình liên kết con người lại gần với nhau hơn, từ đó tạo nên những mỗi quan hệ xã hội tốt đẹp. (0,5đ)
  • Trong thời kỳ kháng chiến và xây dựng đất nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân đã góp phần đem lại hòa bình và xây dựng được những công trình to lớn cho đất nước (nêu dẫn chứng). (0,5đ)
  • Phê phán: Đoàn kết với mọi người hay không là do chính ý thức của mỗi cá nhân. Phải đoàn kết thì chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển. Nhưng đoàn kết cũng không có nghĩa là giúp người khác làm việc xấu hay che giấu những lỗi lầm của bạn. Mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ về đoàn kết bởi vì nó chỉ mang lại một kết quả tốt đẹp khi ta có mục đích đúng đắn. Nhận thức sai lầm về tình đoàn kết sẽ hại người và đôi khi ta cũng đã vô tình hại chính bản thân. (0,5đ)

* Bài học nhận thức và hành động: Là một học sinh, chúng ta cần rèn luyện tinh thần đoàn kết và giúp đỡ nhau một cách đúng đắn trong học tập. Ngoài ra, mỗi người học sinh hãy tuyên truyền cho những người thân trong gia đình cũng như mọi người về tinh thần đoàn kết. Về phía nhà trường và các bậc phụ huynh, mỗi thầy cô và mỗi cha mẹ hãy giáo dục cho con em mình tình đoàn kết ngay từ lúc bé để sau này mỗi mầm xanh của đất nước sẽ nảy mầm và hình thành được một nhân cách tốt đẹp. (0,5đ)

3. Kết bài: Khẳng định vấn đề. (0,25đ)

Câu 4: Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.

a. Về kỹ năng

  • Biết cách viết một bài văn nghị luận về nhân vật
  • Văn phong trong sáng, có cảm xúc, lập luận chặt chẽ; bố cục mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt,...

b. Về kiến thức

1. Mở bài:

  • Giới thiệu Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm "Chiếc lược ngà". (0,25đ)
  • Nhận xét khái quát về nhâ vật bé Thu (0,25đ)

2. Thân bài:

* Giới thiệu được hoàn cảnh của bé Thu (giới thiệu đôi nét cốt truyện và tình huống truyện để làm nổi bật tình cảm và tính cách của cô bé ) (0,5đ)

-> Tình thương cha và tính cách đầy ấn tượng của nhân vật bé Thu được khắc họa sinh động trong hoàn cảnh cảm động, éo le đó. (0,25đ)

* Tình cảm, thái độ, hành động của bé Thu trước khi nhận ra ông Sáu là cha.

Ngơ ngác, lạnh lùng, lẩn tránh, vô cùng sợ hãi, kêu thét lên gọi má. (0,5đ)

Trong 3 ngày nghỉ phép, bé Thu xa lánh cha. (0,5đ)

  • Nói trống khi gọi ba đi ăn cơm.
  • Nhất định không nhờ cha nhấc nồi, chắt nước.
  • Hất cái trứng cá ba gắp cho, khi bị cha đánh bỏ về bà ngoại, cố ý khua dây xích kêu rổn rảng để tỏ ý bất bình.

=> Ương ngạnh, không đáng trách vì Thu còn quá nhỏ để hiểu được những tình thế éo le, khắc nghiệt của chiến tranh càng minh chứng về tình yêu cha. (0,75đ)

* Tình cảm, thái độ, hành động của bé Thu khi nhận ra cha: Trong buổi sáng cuối cùng, trước phút ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn.

  • Cất tiếng gọi ba, ôm chặt lấy cổ ba, hôn lên mặt ba, hôn cả lên vết thẹo trên má ba nó... (Học sinh lấy dẫn chứng và phân tích để thấy được tình cảm mãnh liệt của bé Thu sau giây phút cất tiếng gọi ba.) (0,5đ)
  • Trong đêm bỏ về nhà bà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc "nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn". Vì thế, trong giờ phút chia tay, tình yêu và nỗi mong nhớ với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay bùng ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận. (0,5đ)

* Qua biểu hiện tâm lý và thái độ, tình cảm, hành động của bé Thu, ta thấy đó là cô bé có tình cảm thật sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Ở Thu còn có nét cá tính là sự cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh, nhưng Thu vẫn là một đứa trẻ với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Hình ảnh bé Thu và tình yêu cha sâu sắc của Thu đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, để lại những ấn tượng sâu sắc. (0,25đ)

* Nhà văn đã rất thành công trong việc xây dựng tình huống truyện và miêu tả tâm lý, xây dựng tính cách nhân vật, qua đó đã góp phần bộc lộ sâu sắc tình yêu cha của bé Thu. (0,25đ)

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại phẩm chất của bé Thu (0,25đ)
  • Liên hệ bản thân. (0,25đ)
Đánh giá bài viết
1 911
Sắp xếp theo

    Luyện thi

    Xem thêm