Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Quỳnh Hoa, Thái Bình năm 2014 - 2015

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Quỳnh Hoa, Thái Bình năm 2014 - 2015 được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Toán trường THCS Đông Hoàng năm 2014 - 2015

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Quỳnh Châu, Nghệ An năm 2014 - 2015

THCS QUỲNH HOAĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM: 2014 - 2015

Câu 1: (2 điểm) Đọc kỹ đoạn văn sau:

Ngoài cửa sổ, bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã tha thớt- cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt. Hẳn có lẽ vì đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên những bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn. Ừ cũng chả phải, Nhĩ vừa ngồi để cho vợ bón từng thìa thức ăn vừa nghĩ, chính vì thời tiết đã thay đổi, đã sắp lập thu rồi, cái nóng hầm hập ở trong phòng cùng với thứ ánh sáng loa loá vừa nhìn đã thấy chói cả mắt ở ngoài bờ sông Hồng không biết đã rút đi từ bao giờ.

(Ngữ văn 9 – tập II )

a) Đoạn văn trên thuộc văn bản nào? Tác giả là ai? Phương thức biểu đạt chính là gì?

b) Đoạn văn có bao nhiêu từ láy? Tổ hợp từ "Hẳn có lẽ" trong câu văn. Hẳn có lẽ vì đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên những bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn là thành phần gì trong câu?

Câu 2: (3 điểm)

Từ việc cảm thụ hai câu thơ:

"Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru."

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)

Em hãy phát biểu suy nghĩ về tình mẫu tử của con người.

Câu 4: (5 điểm)

Cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích "Cảnh ngày xuân" của Nguyễn Du.

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
[...]
Tà tà bóng ngà về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Câu 1: (2 điểm)

  • Đoạn văn trên thuộc văn bản Bến quê, Nguyễn Minh Châu, tự sự. ( 1đ )
  • Đoạn văn có 4 từ láy: tha thớt, nhợt nhạt, hầm hập, loa loá; là thành phần tình thái. (1đ)

Câu 2: (3 điểm)

1. Yêu cầu về hình thức:

  • Học sinh có kĩ năng làm văn nghị luận xã hội – vận dụng kiến thức đã học về văn nghị luận xã hội, các phép lập luận đã học để làm bài. Cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con.
  • Hình thức: Hành văn trôi chảy, mạch lạc, có tính liên kết, bố cục hợp lí; bài viết có cảm xúc, biết liên hệ bản thân...

2. Yêu cầu về nội dung;

a. Cảm thụ hai câu thơ:

Đây là hai câu thơ có tính hàm súc và sâu lắng trong một bài thơ xúc động viết về mẹ. Vẻ đẹp của hai câu thơ thể hiện ở hai phương diện:

  • Tính trữ tình: Thể hiện ở cảm xúc vừa lắng đọng, vừa thiêng liêng.
  • Tính triết lí: "mấy lời mẹ ru" biểu tượng cho tình cảm thương yêu vô bờ mà mẹ dành cho con.

Cách nói "đi trọn kiếp" cũng "không đi hết" khẳng định tình mẹ là vô cùng thiêng liêng cao cả và bất tử, là bao la, vô tận, không sao có thể đền đáp hết được. Ý thơ cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.

b. Suy nghĩ về tình mẫu tử:

Tình mẫu tử là tình mẹ con, nhưng ở đây chủ yếu nên hiểu là tình cảm thương yêu, đùm bọc, che chở... mà người mẹ dành cho con. Tình cảm ấy vừa tự nhiên vừa cao cả nên sẽ đi theo mỗi người suốt cuộc đời.

Trong đời sống của mỗi người có nhiều thứ tình cảm cao đẹp như tình cảm với ông bà, tình cảm anh chị em, tình bạn, tình yêu, tình cảm với quê hương, đất nước... Nhưng tình mẫu tử vẫn có vị trí đặc biệt, thiêng liêng và máu thịt nhất.

Vì sao tình mẫu tử lại có vị trí cao như vậy?

  • Vì đó là tình cảm đầu tiên của mỗi người khi sinh ra và sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời.
  • Vì đó là tình cảm vừa có yếu tố máu thịt, vừa mang tính tinh thần cao cả.
  • Vì đó là thứ tình cảm vừa tự nhiên vừa mang tính trách nhiệm...

Mở rộng vấn đề:

  • Con người sẽ hạnh phúc ra sao khi được sống trong tình mẫu tử?
  • Con người sẽ bất hạnh và thiệt thòi như thế nào nếu không được hưởng tình cảm đó?
  • Sức mạnh của tình mẫu tử đối với con người ra sao?
  • Người con phải làm gì để tình cảm đó luôn bền vững và đẹp đẽ?
  • Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi cuộc sống có nhiều biến đổi, khi ý thức cá nhân con người được khơi dậy và đề cao... thì cần có thái độ như thế nào về tình mẫu tử?
  • Phê phán những hiện tượng, những quan niệm sai về vấn đề trên.

* Lưu ý:

Trên đây chỉ là những gợi ý và định hướng. Người viết tuỳ cảm nhận và suy nghĩ của bản thân để có thể có những cách trình bày thích hợp.

  • Trong khi bàn luận, cần vận dụng những dẫn chứng thích hợp để làm nổi bật ý diễn đạt. Dẫn chứng đó có thể lấy trong tác phẩm văn học, trong sử sách nói chung, trong đời sống và nhất là những dẫn chứng có liên quan đến chính sự trải nghiệm của bản thân người viết.
  • Vì đề bài yêu cầu bàn luận một vấn đề tư tưởng, tình cảm nên giọng văn và diễn đạt cần sự chân thành, tránh khoa trương, hình thức.

Câu 4: (5 điểm)

Giới thiệu vài nét về Nguyễn Du và tác phẩm Đoạn trường tân thanh (truyện Kiều).

Giới thiệu đoạn thơ được dẫn trong đề bài.

Giới thiệu vị trí của đoạn thơ: 10 câu không liên tiếp trong đoạn trích Cảnh ngày xuân thuộc phần đầu của tác phẩm truyện Kiều. Đoạn thơ miêu tả cảnh mùa xuân trong ngày hội Đạp Thanh.

Phân tích để trình bày cảm nhận về cảnh mùa xuân trong 4 câu thơ đầu: đó là quang cảnh tháng thứ ba của mùa xuân với nét đẹp xanh tươi, thanh khiết và phóng khoáng của: cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Chú ý các chi tiết: hình ảnh con én gợi đến mùa xuân; hình ảnh cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng, từ "điểm" mang lại sức sống cho bức tranh cảnh mùa xuân. Thí sinh có thể liên hệ so sánh với một vài câu thơ miêu tả về mùa xuân (sóng cỏ tươi xanh gợn đến trời – Hàn Mặc Tử; Mọc giữa dòng sông xanh / Một bông hoa tím biếc – Thanh Hải) để làm nổi bật nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du.

Phân tích để trình bày cảm nhận về cảnh mùa xuân trong 6 câu thơ cuối của đoạn thơ: đó là cảnh buổi chiều lúc chị em Thúy Kiều trở về. Bức tranh buổi chiều được miêu tả với nét đẹp dịu dàng, thanh nhẹ, nhuốm màu tâm trạng, bâng khuâng, xao xuyến mà con người thường có sau một cuộc vui và trong một buổi chiều tà. Cảnh được miêu tả bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Thí sinh cần khai thác những từ láy được sử dụng một cách khéo léo trong đoạn thơ: tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ. Những từ láy nói trên vừa có tác dụng miêu tả cảnh vật, vừa gợi tới tâm trạng của con người trong cảnh vật. Thí sinh cũng có thể liên hệ so sánh với một vài câu thơ khác (Trước xóm sau thôn tựa khói lồng / Bóng chiều man mác có dường không / Theo hồi còi mục trâu về hết / Cỏ trắng từng đôi liệng xuống đồng – Trần Nhân Tông) để làm nổi bật nét riêng của buổi chiều mùa xuân trong 6 câu thơ này.

Nhận xét đánh giá chung về đoạn thơ ở nghệ thuật, nội dung và ý nghĩa: nghệ thuật miêu tả đặc sắc, hệ thống từ giàu chất tạo hình; bức tranh mùa xuân đẹp, thanh khiết dịu nhẹ, đầy tâm trạng và thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du.

Đánh giá bài viết
1 312
Sắp xếp theo

    Luyện thi

    Xem thêm