Đề thi vào lớp 10 môn Lịch sử (chuyên) tỉnh Quảng Bình

Đề thi vào lớp 10 môn Lịch sử

Đề thi vào lớp 10 môn Lịch sử (chuyên) tỉnh Quảng Bình năm học 2016 - 2017 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Sử để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH

ĐỀ CHÍNH THỨC

SBD……………….

KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2016 – 2017

Khóa ngày 8/6/2016

Môn: Lịch sử (chuyên)

Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (2,0 điểm).

Hãy nêu những nét nổi bật của châu Á từ sau năm 1945.

Câu 2: (1,25 điểm).

Trình bày những nét chính về tình hình kinh tế, xã hội của các nước châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Câu 3: (1,75 điểm).

Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam như thế nào?

Câu 4: ( 2,5 điểm).

Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta được đẩy mạnh như thế nào sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947?

Câu 5: (2,5 điểm).

Nguyên nhân dẫn đến phong trào "Đồng khởi" (1959 - 1960)? Vì sao nói "Đồng khởi" được coi là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam?

.......................................Hết .......................................

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Lịch sử

I. TÓM LƯỢC NỘI DUNG VÀ CÁCH TÍNH ĐIỂM

Câu 1. Hãy nêu những nét nổi bật của châu Á từ sau năm 1945.

  • Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc dấy lên, lan nhanh ra cả châu Á. Cuối những năm 50, phần lớn các nước châu Á đã giành được độc lập.
  • Sau đó, suốt nửa sau thế kỉ XX, tình hình Châu Á không ổn định, diễn ra nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc ở Đông Nam Á, Tây Á (bọn đế quốc cố duy trì ách thống trị, chiếm giữ các vị trí chiến lược quan trọng và ngăn cản phong trào cách mạng).
  • Sau "Chiến tranh lạnh", ở một số nước diễn ra những cuộc xung đột tranh chấp biên giới, phong trào li khai...với những hành động khủng bố dã man (như giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan, hoặc ở Xi-ri-lan-ca,...)
  • Nhiều thập niên qua, một số nước tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, tiêu biểu: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xia-a, Thái Lan... Nhiều người dự đoán rằng "thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ châu Á".

Câu 2. Trình bày những nét chính về tình hình kinh tế, xã hội của các nước châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

  • Sau khi giành lại được độc lập các nước châu Phi xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội và đã thu được nhiều thành tích. Nhưng nhiều nước vẫn ở trong tình trạng đói nghèo, lạc hậu.
  • Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, tình hình châu Phi ngày càng khó khăn và không ổn định, các cuộc xung đột, nội chiến đẫm máu, tình trạng đói nghèo, nợ nần chồng chất và các loại dịch bệnh hoành hành.
  • Hiện nay, với sự giúp đỡ của quốc tế, các nước châu Phi tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các cuộc xung đột, khắc phục những khó khăn về kinh tế, thành lập các tổ chức liên minh khu vực (lớn nhất là Liên minh châu Phi - AU).

Câu 3. Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam như thế nào?

  • Do ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản phương Tây gắn bó mật thiết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
  • Làn sóng cách mạng đã dâng cao trên toàn thế giới, lan rộng từ châu Âu sang châu Á, châu Mỹ và châu Phi...
  • Quốc tế Cộng sản thành lập (năm 1919) đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào cách mạng thế giới.
  • Các Đảng Cộng sản ra đời (Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921...) càng tạo điều kiện cho chủ nghĩa Mác - Lê nin truyền bá vào Việt Nam.

Câu 4. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta được đẩy mạnh như thế nào sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947?

  • Thực hiện phương châm "đánh lâu dài" phá âm mưu mới của địch, Đảng và Chính phủ ta chủ trương tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
  • Về quân sự: thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.
  • Về chính trị: năm 1948 Nam Bộ bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp. Tháng 6-1949 Việt Minh với Hội Liên Việt quyết định tiến tới thống nhất hai tổ chức từ cơ sở đến trung ương.
  • Về ngoại giao: ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Từ đó Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta.
  • Về kinh tế: ra sức phá hoại kinh tế địch, đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ nền kinh tế dân chủ nhân dân có khả năng tự cấp tự túc.
  • Về văn hoá, giáo dục: tháng 7-1950, thực hiện cải cách giáo dục, hướng giáo dục phục vụ kháng chiến và kiến quốc, đặt nền móng cho nền giáo dục dân tộc dân chủ nhân dân.

Câu 5. Nguyên nhân dẫn đến phong trào "Đồng khởi"(1959-1960)? Vì sao nói phong trào "Đồng khởi" được coi là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam?

  • Nguyên nhân dẫn đến phong trào:
    • Trong những năm 1957-1959, Mĩ - Diệm thực hiện chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng"; tăng cường khủng bố, đàn áp; ra sắc lệnh "đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật", thực hiện "đạo luật 10-59" lê máy chém khắp miền Nam, giết hại những người vô tội...
    • Trên cơ sở nhận định tình hình miền Nam dưới chế độ Mĩ - Diệm, hội nghị lần thứ 15 của Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Phong trào "Đồng khởi" (1959 - 1960) được coi là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam vì:
    • Giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ ở miền Nam, làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm ...
    • Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công...
    • Từ trong khí thế đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20-12-1960).

II. MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI CHẤM

  1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những yêu cầu cơ bản về nội dung. Thí sinh có thể trình bày chi tiết nhưng phải đảm bảo tính chính xác và hợp logic... Giám khảo căn cứ vào từng mức độ để cho điểm. Phần trong ngoặc đơn thí sinh không nhất thiết phải trình bày.
  2. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm.

.............................................

Ngoài Đề thi vào lớp 10 môn Lịch sử (chuyên) tỉnh Quảng Bình. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2019 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
4 7.489
Sắp xếp theo

    Thi vào lớp 10 môn Lịch sử

    Xem thêm