Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn (chuyên) trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018

Đề thi vào lớp 10 môn Văn

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn (chuyên) trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018 được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh lớp 10 đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn (không chuyên) trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định năm học 2017 - 2018

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn (chuyên) Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2017 - 2018

Đề thi vào lớp 10 môn Toán (chuyên) trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN

NĂM HỌC 2017 – 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Dành cho thí sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề.


Câu 1 (1,0 điểm).

Nhà thơ Raxun Gamzatôp đã viết:

Trên đời này chỉ có ba bài hát

Đủ nói hết buồn vui của thế giới tâm hồn.

Hay hơn cả là bài ca thứ nhất,

Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con.

Bài thứ hai cũng là bài của mẹ,

Khi con trai mẹ chết, cánh tay già,

Ôm xác con hát một mình lặng lẽ…

Những bài khác trên đời là bài hát thứ ba.

Em hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 câu) lí giải tại sao tác giả lại cho rằng: “Hay hơn cả là bài ca thứ nhất,/ Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con.”? Trong đoạn văn có sử dụng một câu có chứa thành phần khởi ngữ.

Câu 2 (3,0 điểm).

Báo Vietnamnet.vn ngày 12/11/2016 có đưa tin:

Nguyễn Thế Tùng, học sinh lớp 11, trường Trần Nguyên Hãn, TP. Hải Phòng trên đường đi học về chẳng may làm vỡ kính ô tô đậu bên đường và cậu học sinh đã viết giấy để lại lời xin lỗi, nhận chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại đã gây ra. Tùng kể lại:

“Gần 12 giờ ngày 11/11, sau giờ học, em đi xe đạp điện cùng các bạn về nhà. Ngay sau khi ra khỏi cổng trường một đoạn, em đã vô tình va chạm và làm vỡ chiếc gương ô tô đỗ cùng chiều với hướng đi về. Nhưng lúc đó cũng đã muộn, ngoài đường chỉ có các bạn học sinh của trường nên em không biết ai là chủ của chiếc ô tô này. Vậy nên em vào trường mượn giấy bút và băng keo để viết lời xin lỗi rồi để lại số điện thoại cho người chủ chiếc xe đợi người ta gọi lại để em tìm cách đền”.

Em rút ra bài học gì từ hành động trên của Nguyễn Thế Tùng? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về bài học đó.

Câu 3 (6,0 điểm).

Mỗi tác phẩm văn học chân chính phải là một lời đề nghị về lẽ sống.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy để làm rõ lời đề nghị về lẽ sống của tác giả.

——— HẾT————

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn

Câu 1

  • Đảm bảo những ý cơ bản về nội dung
    • Người mẹ gửi gắm trong lời ru tình yêu thương, niềm tin, niềm hy vọng của mẹ đối với đứa con của mình và rộng hơn là với cuộc đời, với con người.
    • Người mẹ gửi gắm trong lời ru những buồn vui của cuộc đời mình, những giá trị của cuộc sống như tình yêu thương, sự sẻ chia, lối sống tình nghĩa ... Lời hát ru là những bài học đạo lí đầu tiên, là cội nguồn của những cảm xúc yêu thương trong mỗi con người.
    • Vì vậy, bài hát ru của mẹ sẽ là bài hát đẹp nhất, góp phần bồi đắp những tình cảm nhân văn, hình thành nhân cách cho mỗi con người ngay từ thuở ấu thơ.
  • Thực hiện đúng những yêu cầu về kiến thức Tiếng Việt của đề bài
    • Đoạn văn có sử dụng câu có chứa thành phần khởi ngữ.

Lưu ý: Viết không đúng hình thức đoạn văn, trừ 0,5 điểm

Câu 2 (3,0 điểm)

* Yêu cầu về kỹ năng:

Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể rút ra nhiều bài học cách khác nhau:

+ Bài học về tính trung thực.

+ Bài học về biết nói lời xin lỗi.

+ Bài học về sự dũng cảm nhận trách nhiệm khi gây ra lỗi lầm.

Song quan điểm phải phù hợp với đạo đức, lẽ phải và cần có những lập luận thuyết phục về quan điểm của bản thân. Sau đây chỉ là gợi ý cho một định hướng giải quyết đề bài:

1. Phân tích hiện tượng, rút ra ý nghĩa

  • Cậu học sinh làm vỡ gương xe: gây ra lỗi lầm.
  • Viết giấy, để lại lời nhắn: dũng cảm nhận lỗi, mong muốn nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả.

Câu chuyện gợi nhiều xúc động cho mọi người về một hành động đẹp và gợi nhiều suy ngẫm về ý thức trách nhiệm trước những lỗi lầm mà mình gây ra trong cuộc sống.

2. Bàn luận

  • Trong cuộc đời khó ai có thể tránh khỏi lỗi lầm vì Nhân vô thập toàn. Điều quan trọng là khi mắc lỗi phải biết nhận lỗi, dám chịu trách nhiệm về lỗi lầm mà mình gây ra.
  • Biết nhận lỗi là một thái độ dũng cảm, trung thực, bản lĩnh, giàu lòng tự trọng, dám đối mặt với khuyết điểm và lỗi lầm để khắc phục hậu quả; không đổ lỗi của mình cho người khác, khiến người khác phải gánh chịu những hậu quả từ sai lầm của mình.
  • Người biết nhận lỗi sẽ nhận được sự tha thứ, bao dung, tin yêu của người khác.
  • Biết nhận lỗi là khởi đầu của sự phục thiện, góp phần hoàn thiện nhân cách, rèn luyện lối sống trung thực, trách nhiệm ở mỗi con người.

Lưu ý: Mỗi luận điểm cần có dẫn chứng, lí lẽ để làm sáng tỏ.

3. Mở rộng, liên hệ bản thân, rút ra bài học

  • Phê phán lối sống hèn nhát, vô trách nhiệm, trước những sai lầm của mình luôn tìm cách trốn tránh hoặc đổ lỗi cho người khác.
  • Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, nhân cách, nâng cao ý thức tự trọng để có thái độ ứng xử đúng đắn trước lỗi lầm, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh.

Câu 3 (6,0 điểm)

Yêu cầu về kỹ năng:

Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; vận dụng tốt các kĩ năng làm văn để viết bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo, giàu chất văn.

Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề bài. Thí sinh cần giải thích rõ nhận định, làm sáng tỏ nhận định qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Sau đây là những gợi ý chung:

I. Giải thích nhận định

  • Văn học chân chính: là những tác phẩm văn học chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống con người.
  • lời đề nghị: đưa ra ý kiến, yêu cầu với mong muốn mọi người làm theo.
  • lẽ sống: giá trị sống, ý nghĩa cuộc đời mà mỗi người hướng tới.

Bằng cách nói khẳng định, ý kiến đã nêu lên chức năng cao quý của văn học trong việc bồi đắp và định hướng lí tưởng sống, giá trị sống cho con người.

II. Bàn luận

  • Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan: Người nghệ sĩ khi cầm bút sáng tác đều thể hiện nhu cầu muốn bày tỏ, chia sẻ cảm xúc hay những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người ...
  • Bởi vậy, một tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng gửi gắm một thông điệp về lẽ sống: đó có thể là một triết lý sống, một cách ứng xử, một lý tưởng sống cao đẹp hay là lời bày tỏ tình yêu với cuộc sống, lòng căm phẫn trước những lối sống giả tạo xấu xa, không xứng đáng với con người…
  • Lời đề nghị về lẽ sống trong một tác phẩm không phải là bài giảng khô khan hay là lời thuyết giáo về đạo đức. Trái lại, đó là một cuộc đối thoại, gợi mở thông qua hình tượng nghệ thuật độc đáo và cảm xúc mãnh liệt của nhà văn…

Vì vậy, lời đề nghị về lẽ sống trong một tác phẩm văn học chân chính có khả năng tác động mạnh mẽ đến người đọc, khơi gợi cuộc tự đấu tranh bên trong tâm hồn để lựa chọn những giá trị sống tích cực, đẹp đẽ…

III. Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

  • Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ – chiến sĩ, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Thế hệ này từng trải qua bao thử thách, từng chứng kiến bao hi sinh, mất mát lớn lao của nhân dân, đồng đội; sống gắn bó với thiên nhiên, núi rừng và thấm thía những nghĩa tình trong gian khổ
  • Chính những trải nghiệm sâu sắc đó đã tạo nên những rung động, nghĩ suy sâu sắc để bật lên thành những khao khát giãi bày, những tâm sự chân thành của nhà thơ trong bài thơ “Ánh trăng”. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho nhận định mỗi tác phẩm văn học chân chính phải là một lời đề nghị về lẽ sống.

2. Bài thơ Ánh trăng là lời đề nghị về lẽ sống ân tình, thủy chung: biết trân trọng quá khứ cũng như những điều tốt đẹp từng làm nên ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người.

  • Bài thơ là những hồi ức sâu sắc về tuổi thơ “sống với đồng/ với sông rồi với bể” chan hòa cùng thiên nhiên tươi mát, sinh động.
  • Bài thơ là những kí ức không thể nào quên về “hồi chiến tranh ở rừng” có thiên nhiên bao bọc, chở che, làm người bạn tâm tình trong những bước đường hành quân gian khổ - “vầng trăng thành tri kỉ”. Những kí ức đó cũng chính là tình yêu đối với đất nước bình dị, nhân dân bao dung – “ngỡ không bao giờ quên/ cái vầng trăng tình nghĩa”.
  • Bài thơ là lời bộc bạch chân thành của tác giả về hoàn cảnh sống thay đổi khiến tình cảm của mình với thiên nhiên, với một thời quá khứ khó khăn, gian khổ bị đổi thay: “Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương…”.
  • Bài thơ là nỗi ân hận đến day dứt, hổ thẹn khi nhà thơ nhìn lại và đối diện với quá khứ vẫn vẹn nguyên tình nghĩa – “trăng cứ tròn vành vạnh”. Phút “giật mình” của nhà thơ chính là sự hối hận chân thành nhất về lối sống vô tâm, vô tình của chính mình – “ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình”.

Từ đó bài thơ truyền tải đến người đọc lời đề nghị về lẽ sống ân tình, thủy chung: biết trân trọng quá khứ cũng như những điều tốt đẹp từng làm nên ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người...

3. Lời đề nghị về lẽ sống trong bài thơ tác động sâu sắc đến người đọc

Bài thơ giúp người đọc nhìn nhận lại chính mình, dũng cảm đối diện với những sai lầm, khuyết điểm; biết day dứt, trăn trở trước những giờ phút sống vô tâm, vô tình … để từ đó vươn lên những lẽ sống cao đẹp.

4. Lời đề nghị về lẽ sống trong bài thơ được truyền tải bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, giàu tính thẩm mĩ khơi gợi được sự rung cảm của người đọc

  • Bài thơ kết hợp hài hòa giữa biểu cảm và tự sự: Câu chuyện giữa nhân vật trữ tình và trăng được kể với ba mốc thời gian: thời khó khăn, gian khổ - trăng gắn bó như tri kỉ; thời hòa bình về thành phố - trăng thành người dưng; khi mất điện - trăng hiện ra im phăng phắc và vẫn tròn vành vạnh/ đủ cho ta giật mình. Từ đó, làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ.
  • Biện pháp nhân hóa khiến trăng giống như là một người bạn dù trong hoàn cảnh nào vẫn thủy chung, tròn đầy, lặng lẽ, sáng trong: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ Kể chi người vô tình”. Hình ảnh trong bài thơ vừa cụ thể vừa có tính khái quát, mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, gợi nhiều suy tưởng, triết lí.
  • Giọng điệu tâm tình tự nhiên, sâu lắng, khiến cho lời đề nghị về lẽ sống dễ được tiếp nhận và thấm sâu trong trái tim người đọc.

IV. Đánh giá, tổng kết

  • Để tạo nên một tác phẩm chân chính, mỗi người nghệ sĩ cần phải sống sâu sắc với cuộc đời và với chính mình; biết tự vượt lên những suy nghĩ, tình cảm nhỏ hẹp mang tính cá nhân để đạt đến những lẽ sống lớn, tình cảm lớn của thời đại.
  • Để những lẽ sống lớn, tình cảm lớn thấm sâu vào tâm hồn, nhận thức của người đọc, mỗi nghệ sĩ cần không ngừng lao động để sáng tạo nên những tác phẩm đạt được sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
  • Mặt khác, người đọc cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong việc tiếp nhận những giá trị nội dung tư tưởng của một tác phẩm văn chương, từ đó trau dồi nhân cách, vươn lên những lẽ sống cao đẹp ở đời.
Đánh giá bài viết
1 2.297
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm