Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang

Văn mẫu lớp 11: Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang dưới đây gồm các dạng văn mẫu được VnDoc sưu tầm và giới thiệu củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang

I - MỞ BÀI

- Vị trí bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong cuộc đời và trong sự nghiệp văn học của Nguyền Đình Chiểu.

- Giới thiệu ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng.

II- THÂN BÀI

1. Thân phận, tình huống éo le của người nghĩa quân cần Giuộc.

- Những người nông dân hết sức bình thường, “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.

- Sơ sài về tri thức quân sự, rất ít được huấn luyện, tập tành.

- Sơ sài về vũ khí, trang bị.

- Đảm đương sứ mệnh đánh giặc, cứu nước giữa lúc triều đình bạc nhược, làm ngơ trước sự hung hãn, lấn lướt của kẻ thù.

2. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Khúc ca hùng tráng về những con người hiên ngang, dũng cảm.

- Vào trận và xả thân với lòng hoàn toàn tự nguyện, với những trang bị sẵn có hết sức thô sơ.

- Khí thế xung trận dũng mãnh khác thường được dựng tả trong cảm hứng tự hào, phấn chấn Nguyễn Đình Chiểu.

- Nguồn sức mạnh lớn lao để người nghĩa sĩ xả thân cao cả như thế là lòng căm thù giặc sâu sắc, là nhận thức đúng đắn về lẽ sống, chết ở đời.

3. Cảm hứng bi hùng của Nguyễn Đình Chiểu trong lúc viết Văn tề nghĩa sĩ Cần Giuộc.

- Đau xót, bi thương trước sự hi sinh của những người nghĩa sĩ.

- Cảm phục, tự hào trước tấm gương "nghìn năm tiết rỡ”.

III- KẾT BÀI

- Khẳng định vị trí đặc biệt của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong lịch sử văn học dân tộc: Lần đầu tiên dựng lên một tượng đài nghệ thuật đầy tính chất bi tráng về những người nông dân đánh giặc cứu nước.

2. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang mẫu 1

Nguyễn Đình Chiểu được biết đến không chỉ là một nhà Nho tiết tháo mà còn là một nhà thơ với tinh thần yêu nước nồng nàn. Bởi vậy, đau đớn trước cảnh các nghĩa sĩ hi sinh thân mình vì đất nước, nhà thơ đã sáng tác "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" để bày tỏ nỗi xót thương với họ. Nhận xét về tác phẩm, đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng: Bài thơ là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đau thương. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, nhiều người nông dân đã tập kích đồn giặc ở Cần Giuộc. Cuộc khởi nghĩa đã giết được một tên quan hai của Pháp và chi viện nhưng lại bị dập tắt đẫm máu khiến cho 20 nghĩa sĩ hi sinh. Bài văn tế được đọc trong buổi lễ truy điệu những người nghĩa sĩ, khiến ai ai cũng không khỏi cảm thấy xót xa.

Trước tiên, ở những người nghĩa sĩ ấy người đọc thấy được tượng đài sừng sững hiên ngang của tinh thần quả cảm không ngờ. Họ vốn xuất thân là những người nông dân áo vải và hoàn toàn xa lạ với công việc của người lính:

"Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu,ở trong làng bộ".

Vậy mà, khi nghe tiếng "súng giặc đất rền", họ căm thù chúng sâu sắc "trông tin quan như trời hạn trông mưa", "ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ". Ẩn dưới cách nói khẩu ngữ của người nông dân ấy là nhận thức sâu sắc về chủ quyền dân tộc, để rồi họ lâm trận với manh áo vải làm đồng còn lấm lem bùn đất: "Ngoài cật có một manh áo vải", "trong tay cầm một ngọn tầm vông". Đối lập với những trang thiết bị hiện đại, quân lính chuyên nghiệp của kẻ thù là võ trang thô sơ, sơ sài của những người nghĩa sĩ. Họ ra trận chỉ có tấm lòng và tinh thần dũng cảm vô song, nhưng họ chiến đấu bằng tất cả những gì họ có với khí thế ngùn ngụt: "Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ", "Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có". Những động từ mạnh như "đạp rào lướt tới", "xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có", "kẻ đâm ngang, người chém ngược" đã miêu tả sự quyết liệt , dữ dội của trận đấu cùng với những hành động quyết đoán của nghĩa sĩ Cần Giuộc. Kết quả là, họ đã làm nên chiến thắng to lớn, uy hiếp khiến kẻ thù lo sợ: "mã tà ma ní hồn kinh, bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ".

Qua ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, người nông dân được ca ngợi với những chiến công hiển hách, nhưng nhà thơ cũng không thể tránh được cảm xúc đau lòng: "Đoái sông Cần Giuộc: Cỏ cây mấy dặm sầu giăng; Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ". Nỗi xót xa ấy càng tăng thêm gấp bội với nỗi bất hạnh của những gia đình đang đánh mất trụ cột duy nhất: "Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ".

Càng thấm thía nghịch cảnh éo le của những người nghĩa sĩ bao nhiêu, Nguyễn Đình Chiểu lại càng đề cao, ca ngợi công lao của họ, để rồi hình tượng người nghĩa sĩ hiện lên vĩnh viễn hóa, bất tử hóa. Họ hiên ngang không chỉ trong chiến đấu, mà ngay cả khi thất thế, ở họ ta vẫn thấy tầm vóc hùng hũng, lớn lao: "Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ", "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ bình, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó". Vẻ đẹp bi tráng với lí tưởng và lòng trung hiếu của những người nông dân áo vải ấy đã, đang và sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian, như một chân lí không thể thay đổi. Bài thơ vì thế đau thương nhưng cũng trở nên hào hùng hơn bao giờ hết.

Thật vậy, lời nhận xét của đồng chí Phạm văn Đồng về những người nghĩa sĩ quả thực rất chính xác. Tuy rằng cuộc chiến của họ bị dập tắt nhưng vượt lên tất cả, vẻ hiên ngang oai hùng của họ sẽ luôn sống mãi với thời gian. Tượng đài bi tráng ấy sẽ vĩnh viễn hóa, bất tử hóa cùng với nhân dân, dân tộc.

3. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang mẫu 2

Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng ra không thể không nhớ đến một nhà thơ mù xứ Đồng Nai với nhân cách sáng ngời và những cống hiến lớn lao cho văn học nước nhà. Mọi tác phẩm nghệ thuật của ông đều để lại cho đời bài học nhân sinh cao cả, gắn liền với tấm lòng ưu ái với nhân dân, với người lao động “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu” (Xuân Diệu). Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên một tượng đài bi tráng về người nông dân đánh giặc, giữ nước trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của mình. Nhận xét về tác phẩm ấy, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”.

Hình ảnh trung tâm của tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là những người nông dân nghĩa sĩ. Bước chuyển biến mạnh mẽ đã biến họ từ người nông dân “chân lấm tay bùn” trở thành chiến sĩ nghĩa quân, thành những người anh hùng dù “thất thế” nhưng vẫn “hiên ngang”. “Thất thế” bởi họ đã anh dũng hi sinh khoảng hai mươi người, họ thất bại trong cuộc phản công của giặc Pháp và thua trận. Dù thất thế, nhưng hình ảnh người chiến sĩ nghĩa quân vẫn ngời sáng tinh thần hiên ngang, bất khuất, bất tử trong lòng đọc giả; họ xuất thân nghèo nàn nhưng nung nấu chí lớn, chiến đấu vì đại nghĩa với bao phẩm chất anh hùng đáng quý, đức hi sinh quyết tử: “Chết vinh còn hơn sống nhục”. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca, là sự kết tinh của bao niềm trân trọng, ca ngợi, biết ơn về công lao đại nghĩa mà những người anh hùng nghĩa quân hi sinh vì Tổ Quốc.

Mở đầu bài Văn tế, Nguyễn Đình Chiểu sử dụng tiếng than “Hỡi ôi!” có sức lay động rất lớn đến tình cảm con người đồng thời mở ra một khung cảnh bão táp, đầy khói lửa của thời đại làm bệ đỡ cho hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ xuất hiện ở phần Thích thực. Tổ Quốc lâm nguy “súng giặc” và gót giày của bọn thực dân xâm lược như giày xéo, như nghiền nát mảnh đất nơi quê hương, xứ sở của chúng ta. Về phía ta, chỉ có tấm lòng yêu nước và tinh thần căm thù giặc đến tột độ rạng ngời và tỏ cùng trời đất. Họ ý thức được “một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ”, niềm ý thức về cách sống sao cho xứng đáng với quê hương, đất nước mình, một nhân cách cao đẹp của những người nông dân nghĩa sĩ, cũng chính là một trong những khí phách “hiên ngang” của họ.

Để thấy rõ hơn khí phách ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã giới thiệu cụ thể về hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ và thân phận của những nghĩa quân. “Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, mở đầu cui cút, kết thúc nghèo khó, người nông dân sống với thân phận đáng thương, tội nghiệp, chất phác. Giữa những điều họ biết và chưa biết như càng tô đậm thêm bản chất con người nông dân thực thụ. Cuộc sống nhà nông, họ vốn quen thuốc với con trâu, cái bừa, làng bộ ngoài ra “cung ngựa, trường nhung” họ nào đâu biết, “tập khiên, tập súng” mắt chưa ngó bao giờ. Vì quê hương, Tổ Quốc họ sẵn sàng nhận lấy trọng trách gánh vác sứ mệnh đánh giặc cứu nước “Nguyện quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” là ý chí, là mục tiêu họ theo đuổi suốt cả cuộc đời. Vì lẽ đó, từ những người nông dân thực thụ, họ trở nên “mến nghĩa” với nhà binh, từ công việc “làm quân chiêu mộ”. Dẫu “nào đợi tập rèn” “không chờ bày bố” thế nhưng vượt lên trên sự sơ sài, qua loa về tri thức quân sự cũng như tập tành, huấn luyện trong quân đội, họ tự tin, mạnh mẽ đương đầu với quân xâm lược bằng những trang bị về vũ khí, trang phục đời thường nhất, quen thuộc nhất: “mảnh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi”. Chính cách mà những con người anh hùng, nghĩa sĩ vượt khó khăn, không ngại gian khổ tinh thần tự nguyện xả thân và khát khao bảo vệ Tổ Quốc dù cho kiến thức quân sự sơ sài, trang bị thô sơ, thiếu thốn đã làm nổi bật vẻ hiên ngang, tinh thần bất khuất của người nông dân nghĩa sĩ với quan niệm sống tích cực: “Sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc…”

Hình ảnh về những người anh hùng hiên ngang mà dũng cảm, quả quyết đã được khắc họa thành công dưới ngòi bút điêu luyện của nhà văn người Ba Tri như một khúc ca hùng tráng nhất. Bức tranh chiến đấu với hào khí ngất trời trong “trận nghĩa đánh Tây” của đội quân áo vải được nhà văn miêu tả bằng những chất liệu sống nơi chiến trường. Tất cả khói lửa trận công đồn và âm vang chiến thắng nơi Cần Giuộc như cuồn cuộn, dồn dập ùa vào lời văn của Nguyễn Đình Chiểu với bao niềm hả hê, sảng khoái. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã tái hiện lại giờ phút giao tranh ác liệt, mạnh mẽ của các chiến sĩ nghĩa quân với giặc, bằng những câu tuyệt bút, sắc sảo: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có. Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ”. Họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, tấn công như vũ bão, tung hoành giữa đồn giặc ngất trời tráng khí, âm thanh vang động như long trời, lở đất: hè trước, ó sau súng nổ, động tác dứt khoát, quyết liệt, mạnh mẽ: đốt, chém, đạp, lướt đâm,…tốc độ chiến đấu khẩn trương, gấp gáp như bão táp thời đại: đạp rào, lướt tới, đâm ngang, chém ngược, xô cửa xông vào tất cả âm thanh, hình ảnh, khí thế chiến trận đầy hào khí tiến công đã được dựng tả trong cảm hứng tự hào, tấm lòng yêu mến, khâm phục, kính trọng của nhà thơ mù đối với dân tộc. Bằng tất cả những hi sinh, ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng căm thù giặc sâu sắc của những chiến sĩ nghĩa quân đã làm nên những kì tích vẻ vang đáng khâm phục “đốt xong nhà dạy đạo kia, chém rớt đầu quan hai họ,… Giọng văn hùng tráng, phép đối tài tình cùng cách kết hợp nhuẫn nhuyễn các động từ mạnh được chọn lọc và đặt đúng chỗ đã tô đậm tinh thần chiến đấu quả cảm, vô song, tư thế hiên ngang, anh dũng của các nghĩa sĩ Cần Giuộc. Có thể nói, lần đầu tiên trong văn học dân tộc trung đại Việt Nam, hình tượng người nghĩa sĩ đã đi vào thơ văn như một bức tượng đài bi tráng, bất tử về người nông dân nghĩa sĩ bình dị mà phi thường.

Ở phần ai vãn, nổi bật lên là tiếng khóc thiêng liêng, mang âm hưởng thống thiết, bi ai; từ dòng nước mắt đồng cảm của Đồ Chiểu trở thành tiếng khóc dân tộc trước sự hi sinh cao đẹp của những chàng nghĩa sĩ. Niềm xót thương vô hạn “Ôi !Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ” hòa vào nỗi căm ghét bọn thực dân. Xót xa, đau đớn nhất chính là nỗi đau của những gia đình chiến sĩ “đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” nỗi dau như bao trùm khắp không gian, nhuốm màu tang tóc. Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ. lòng tự hào ngưỡng mộ, khâm phục trước sự hi sinh vì lý tưởng cao đẹp “thác khổ” với sự kết hợp giữa chất hiện thực và trữ tình độc đáo.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, tiếng thơ Đồ Chiểu vẫn ngân vang giữa cuộc đời, sáng rực lên bầu trời văn nghệ dân tộc. Nhà văn ấy tuy không thể nhìn thấy được, nhưng dường như ông đã nghe thấy, cảm nhận thấy từng vẻ đẹp tâm hồn, cuộc sống nơi nhân dân. Và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chính là khúc ca ông dành tặng cho sự hiên ngang của những con người thất thế. Và trong sự thất thế ấy càng nổi bật lên vẻ hiên ngang. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc xứng đáng là bài văn tế “hay vào bậc nhất văn học Việt Nam” (Hoài Thanh).

------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 11 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 và biết cách soạn bài lớp 11 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Để giúp bạn đọc có thể thuận tiện hơn trong việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tài liệu học tập cũng như giảng dạy, VnDoc.com mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 5.312
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

Xem thêm